Phóng to |
Vàng nhíp |
Đua nhau... nâng tuổi vàng
Anh T., một người kinh doanh vàng bạc có thâm niên ở chợ Chuồng Bò (Q.10, TPHCM), bật mí: “Thông thường các tiệm vàng nhỏ thường đến chủ chành đổi vàng nguyên liệu để lấy vàng đã được chế tác. Nếu chủ chành kêu vàng 6 tuổi 8 thì thật ra cao lắm cũng chỉ nằm ở mức 6 tuổi 5.
Thậm chí, nếu đưa hàng về tỉnh, đôi khi tụt xuống còn 6 chẵn. Và cũng chính món hàng đó, khi sang tay cho tiệm để bán ra cho người tiêu dùng chúng sẽ được nâng lên thành vàng 7 tuổi”. Điều này không có gì khó hiểu bởi việc tăng “tuổi vàng” giả tạo đồng nghĩa với việc “ăn” thêm tiền lãi nhưng lại kín đáo.
Chị Lê Kiều, nhà ở đường Minh Phụng (Q.6), bức xúc: “Tôi mua chiếc lắc loại vàng 4 số 9 nặng 2,5 chỉ ở một tiệm vàng khu chợ Bình Tiên. Lúc cần tiền gấp mang bán ở tiệm gần nhà thì nơi đây không thâu với lý do vàng không đủ tuổi (?!). Nếu thật sự muốn bán phải chịu lỗ do thu vào rất thấp.
Khi được hỏi, một cán bộ ở Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng TPHCM xác nhận: “Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra độ chính xác của cân, còn việc kiểm tra về chất lượng (tuổi vàng) thì điều kiện làm việc chưa cho phép”.
Đáng sợ là “vàng 2 da”
Gần đây trong giới kinh doanh vàng “báo động” với nhau rằng, hiện đang có một công thức bí mật đặc quyền làm tăng “tuổi vàng” giả tạo mà các cách thử truyền thống như đánh đá, chấm axít cũng “bó tay” không phát hiện được; thử trên cân vi tính cho kết quả cũng... “y chang”.
Một trong những “chiêu” độc khác mà ngay cả những người kinh doanh vàng cũng phải ngán ngại là “vàng hai da”. Loại vàng này có 2 lớp: bên ngoài là vàng có độ tuổi cao còn bên trong thì “xấu dần đi”.
Theo anh Liêm, một nghệ nhân về vàng bạc ở khu chợ Hòa Bình (Q.5), cho biết, một lượng “vàng 2 da” sau khi nấu lại chỉ còn khoảng từ 6-7 chỉ. Gặp phải loại vàng này, không có cách thử nào tốt hơn là nấu lại vàng, mà điều này thì chỉ có các tiệm đang kinh doanh, gia công mới đủ khả năng làm. Do đó, hậu quả tất nhiên người mua lãnh đủ, kể cả các chủ tiệm vàng nhỏ.
Theo quy định của ngành ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh vàng bạc ngoài thương hiệu, bắt buộc phải đăng ký thêm ký hiệu nhận dạng sản phẩm của riêng mình (dùng đóng chìm trên các sản phẩm) để ràng buộc trách nhiệm khi sản phẩm “có vấn đề” xảy ra.
Thế nhưng, theo giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc - đá quý tại TPHCM thì: “Quy định là vậy nhưng việc thực hiện và kiểm tra chúng như thế nào thì cho đến nay vẫn chưa nghe nói”.
Mất hóa đơn, thành khách lạ
“Mua ở đâu, bán ở đó” là câu “thần chú” mà hầu như tất cả các tiệm vàng đều dùng để “chỉ dẫn” các “thượng đế” mỗi khi bị phản ánh thu mua vàng không phải “hiệu” của mình với giá rẻ hơn thị trường từ 10%-15%.
Chị Trần Ngọc B.H ở đường Mai Văn Vĩnh (Q.7) cho biết với vẻ đầy bức xúc: “Tôi có mua ở tiệm vàng T. (Q.1) một đôi bông tai loại 70% trọng lượng 1,1 chỉ, sử dụng chưa đầy 3 tháng nhận thấy vàng có dấu hiệu nhạt màu, không còn đẹp và bóng nên đã mang ra đổi.
Mặc dù nhận ra khách quen nhưng biết tôi đã bị mất giấy mua bán và xem qua hàng thấy quá tệ nên chủ tiệm đã ép giá thu vào chỉ 450.000 đồng, trong khi bảng công bố giá ngày hôm đó ghi rõ ràng vàng 70% mua 520.000 đồng/chỉ; bán: 560.000 đồng/chỉ với lý do hao mòn và không có hóa đơn chứng nhận.
Như vậy, nếu tôi đồng ý bán hoặc đổi sẽ phải chịu lỗ hơn 100.000 đồng, ấy là chưa kể đã mất tiền gia công là 50.000 đồng”.
Bên cạnh việc tăng “tuổi vàng”, tình trạng bớt xén trọng lượng vàng cũng đáng báo động. Phần lớn các tiệm vàng “nho nhỏ” (chiếm khoảng 60%) hiện nay vẫn còn sử dụng loại cân thô (cân tiểu ly) nên sự chuẩn xác về trọng lượng hoàn toàn phụ thuộc vào người bán.
Chỉ cần mỗi chỉ vàng bán ra hay mua vào “lệch” đi đôi chút là người bán có thể bỏ túi 5.000-10.000 đồng một cách “vô tư”, bởi phần lớn người mua hoàn toàn phụ thuộc vào lời “rao” của người cầm cân.
Còn với cân điện tử thì chính xác hơn, song nếu điều kiện bảo quản không tốt (phòng máy lạnh) hoặc nơi đặt cân không chuẩn thì cũng đáng ngờ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận