08/05/2008 12:00 GMT+7

Cancuán - Chichen itzaá - Mexico City

TRẦN BẠCH ĐẰNG
TRẦN BẠCH ĐẰNG

TTO - Trước khi máy bay tiếp cận vùng sáng lung linh cả một góc trời, tôi chỉ mới nghe hai tiếng Cancún lạ tai vài hôm nay, chặng đầu tôi vào nước Mexico, chỉ cách La Habana có 55 phút bay.

cCqcaOG6.jpgPhóng to
TTO - Trước khi máy bay tiếp cận vùng sáng lung linh cả một góc trời, tôi chỉ mới nghe hai tiếng Cancún lạ tai vài hôm nay, chặng đầu tôi vào nước Mexico, chỉ cách La Habana có 55 phút bay.

Thủ tục – vâng, đi đây đi đó ta thường khó chịu về thủ tục xuất nhập cảnh, nên tôi chú ý nó – khá nhanh; với tôi thời gian lâu hơn người khác chừng một phút, bởi tôi là người Việt Nam mang hộ chiếu Việt Nam đầu tiên đến đây, như nhân viên nhập cư Cancún cho biết. Các bàn làm việc đều gật đầu chào tôi, tỏ thiện cảm. Cancún là một “bờ đê” thiên nhiên bao quanh một cái hồ rộng, chót của bán đảo Yucantán, viễn tây Mexico, trên biển Caribes. “Bờ đê”, nơi rộng nhất không quá 300m, nơi hẹp chỉ 100m. Làng chài lưới nghèo, thưa dân, um tùm lau sậy, Cancún theo nghĩa của người Maya là “ổ rắn” – rắn vốn được người Maya tôn thành thần hộ mệnh. Thế mà, viên gạch đầu tiên xây thành phố nghỉ mát trên bãi lầy này chỉ mới cách nay 25 năm, đã cho Mexico một trung tâm du lịch hàng đầu, 400.000 dân sống tại đây phục vụ cho 5 triệu du khách mỗi năm. Từ sân bay quốc tế Cancún về thành phố, suốt chiều dài ngót 30km của “bờ đê” mỏng manh ấy, hàng trăm khách sạn nối tiếp nhau, hầu hết loại 5 sao cực kỳ tráng lệ, một bên ngó ra bãi cát mịn của vịnh Mexico, một bên ngó ra chiếc hồ phẳng lặng – rộng gấp đôi Hồ Tây – với một con đường hai chiều thật đẹp. Đầu này hồ là sân bay, đầu kia hồ là thành phố. Tôi đếm không xuể tên khách sạn, hầu hết tầm vóc quốc tế như Meliá, Sheraton, Omni, Majestic, Holiday, Inn, Hilton, Hyatt. Riêng khách sạn Oasis đến 1.200 phòng. Mỗi khách sạn theo một kiểu riêng, phần lớn lấy nguồn hứng từ kiến trúc Maya. So sánh, Cancún mới hơn, to hơn Varadero, nhất là náo nhiệt hơn, đông đặc khách khắp thế giới.

Buổi tối, tôi đi xem chương trình biểu diễn của Đoàn ca múa Dân gian quốc gia Mexico. Nhà hát Cancún không đồ sộ song tổ chức theo cách riêng: khách xem biểu diễn vừa dùng luôn buổi ăn tối tự chọn, tiền ăn và tiền uống tính trong vé. Những chiếc bàn kê dọc với sân khấu, mỗi bàn 6 ghế thoải mái.

Chương trình độc đáo, diễn trong 3 giờ. Gồm dân ca, đàn dân gian, múa. Tôi không dùng từ dân tộc vì đoàn mang tên Ballet Folklore National Mexico, trụ sở chính ở Mexico City, do Bộ Văn hóa phụ trách. Ba nguồn nghệ thuật dân gian được chắt lọc: Tây Ban Nha, Maya, châu Phi đen. Đêm biểu diễn để trong tôi ấn tượng hùng tráng, qua âm thanh, vũ điệu, màu sắc. Đêm trước, ở La Habana, tôi xem Tropicana – kỷ xảo nhiều hơn – cùng một xu hướng khai thác đề tài của khu vực Caribes. Nó cho thấy sự phong phú của những nền văn hóa có chiều sâu lịch sử và vùng Nam Mỹ lại là nơi hội ngộ của ba sắc thái lớn: Địa Trung Hải, lục địa châu Phi đen và thổ dân bán đảo Yucantán. Rất tiếc, nhà hát cấm quay phim, tôi lại không có máy ảnh nhà nghề, nên không ghi được hình ảnh.

Hôm sau, tôi đăng ký “Tour” du lịch đi đến vùng cô đặc di tích Maya – hầu hết khách là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mỹ, Anh, Nhật, Đài Loan. Trên một xe ca của Mayaland – công ty không rõ của Nhà nước hay tư nhân, độc quyền khai thác việc tham quan các phế tích Maya – có tôi, người hướng dẫn tôi và một phụ nữ Việt Nam có chồng Mỹ. Xe buýt hai tầng, có quầy giải khát, có phòng vệ sinh – giống trên máy bay.

Vùng tôi đến cách Cancún 200km, gọi là Chichen Itzá, một thị tứ của vương triều Maya gần tương đương với niên đại Lý Trần, và Mỹ Sơn của ta và Angkor của Campuchia.

Người Maya là ai? Thông thường, chúng ta quen với “dân da đỏ”, còn phương Tây thì gọi là Indien. Cho tới nay, khoa khảo cổ và nhân chủng vẫn chưa xác định nguồn gốc người Maya, có xu hướng cho họ từ phương bắc di chuyển xuống, theo con đường dọc bờ Đại Tây dương; có xu hướng cho họ từ phương nam lên, vượt các đỉnh Andès; cũng có xu hướng cho họ từ đông vượt biển sang; lại cũng có xu hướng cho họ chẳng từ đâu tới cả mà từ người tiền sử tại chỗ chuyền nối. Tuy nhiên, ai cũng công nhận nền văn minh Maya là nền văn minh tiền Colombus (hay tiền Tây Ban Nha) tiến bộ hơn hết, cao hơn tất cả hình thái văn minh các nhóm thổ dân châu Mỹ khác.

Người Maya triển khai lãnh thổ trên nửa phía nam Mexico cho đến Honduras và toàn bộ bán đảo Yucantán, rộng 325.000km2 – nghĩa là rộng bằng nước Việt Nam.

Maya là tên chung, trong Maya chia nhiều nhóm với vài phân biệt. Nhưng, Maya không phải chung chủng tộc với dân da đỏ – Maya là một tộc riêng.

Đường từ Cancún lên Chichen Itzá – đường khá tốt, nhà nước đầu tư hẳn một xa lộ hiện đại – trải qua vùng rừng chồi gần như không người ở, song rừng đã bị khai thác cạn kiệt. Gần Chichen Itzá, chúng tôi thấy lác đác nhà người Maya – họ ở rất phân tán, nhà cột, vách gỗ, lợp lá cọ hình chóp, hoặc vách đất. Thể trạng người Maya không mấy phát triển, có lẽ do sống cực. Tôi vào nhà, họ ngủ trên sàn đất, trải thảm đan bằng vỏ cây. Bữa ăn chính là bắp nấu, bột bắp, các loại bột từ mè, sắn, cây thốt nốt. Chichen Itzá không phải là làng xóm hiện nay. Một khu di tích, thế thôi. Người Maya ở trong rừng, trừ một số nhỏ sống theo trục lộ, có lẽ thuộc lớp khá giả. Trung tâm Chichen Itzá chỉ là một khách sạn dành cho khách tham quan nghỉ đêm, của công ty Mayaland – khách sạn sang, đủ tiện nghi, như một cái gì quái dị bưng đặt giữa vùng di tích cổ xưa.

Khu di tích không rộng, chia làm tiểu khu bắc (tiền Columbus) và tiểu khu nam, khi văn hóa Tây Ban Nha thâm nhập. Các nhà khảo cổ, nhân chủng chia lịch sử Chichen Itzá làm ba thời kỳ: Thời kỳ hình thành (Période formative) lối năm 2.500 trước công nguyên đến năm 325 sau công nguyên; thời kỳ cổ (Période classique) từ 325 đến 925 kỷ nguyên chúng ta; thời kỳ Maya hay Toltèque – Mexico từ 925 đến 1.200 (Toltèque là một tộc da đỏ mạnh, tồn tại phía bắc Mexico).

Các thành quách, đền đài, đường sá… cho biết đây là một trung tâm cai trị và cư dân kiểu thị tứ, hầu hết di tích đổ nát. Không thông thạo môn khảo cổ, tôi chỉ có thể, theo tò mò, tìm hiểu hình thức và vật liệu xây dựng: tất cả bằng đá, song không có những tảng khổng lồ như Angkor, vật kết dính có vẻ là vôi và thi công thô nhám, có điêu khắc trên đá song không tinh xảo bằng Angkor, không chi tiết bằng các tháp Chàm.

Nhưng, điều lạ ở chỗ khác: Đài Thiên Văn là một di tích chứa nhiều bí ẩn. Khoa học khám phá rằng người Maya giỏi toán, tìm ra số 0 và số chung 20 làm cơ sở tính toán, đã để lại 69 dự đoán trường hợp nhật, nguyệt thực – mà cái đã xảy ra đều chính xác. Các nhà nghiên cứu châu Âu cho rằng vào thời đó – cách nay nhiều nghìn năm – những phát kiến ấy của người Maya cao hơn người châu Âu. Người Maya có hệ thống lịch, chưa hoàn chỉnh song khá khoa học. Ví dụ, họ dùng độ cao của các kim tự tháp và đền như đài thiên văn – ngoài đài thiên văn mà tôi vừa nói – để quan sát và đoán định vận hành của mặt trăng, của một số vì sao (Venus, Mars, Jupiter) với xác xuất sai nhẹ 3 giờ rưỡi mỗi 500 năm. Người Maya chia ngày (Kin), tháng (Uinal, 20 kin), năm (Tun, 360 kin), Katún (20 năm), Baktún (400 năm)… các bia đá, vỏ cây, da thú viết bằng ký hiệu – cũng 20 ký hiệu – gồm vạch và chấm, tới nay vẫn chưa được giải mã hoàn toàn, cái kho văn học thành văn hẳn chứa bao điều lạ.

Người Maya ở Mexico chưa bị tuyệt diệt – chính sách của người Mexico trái ngược với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tại nơi mà tổ tiên họ sáng tạo ra, để lại cho loài người một tài sản kiến trúc, khoa học vĩ đại, họ như chiếc bóng: kẻ khác xua đuổi họ vào rừng sâu, khai thác tài sản của họ lấy tiền, còn họ, họ là những bà già quét dọn khách sạn, các ông già đi nhặt rác trong cả khu di tích, các thanh niên nắn nót khắc trên gỗ mềm, hay nung đất các vị thần Maya rồi sơn màu lòe loẹt, chào mời khách mua, hay dệt các chiếc áo sặc sỡ căng đầy các ngả ra vô khu di tích, các trẻ em chìa tay xin khách bố thí…

Đi trên miền đất lịch sử, còn gặp mặt con cháu của các bậc phi thường ấy mà chứng kiến sự trái ngược kia, sao khỏi chạnh lòng.

Và, phơi nắng phơi mưa mãi, di tích cực kỳ quý giá kia làm sao chống lại sự tàn phá? Tôi hỏi công ty Mayaland, không ai trả lời.

Bán đảo Yucantán không chỉ có Chichen Itzá – hàng trăm khu di tích như thế, nhỏ hơn song không ít giá trị hơn. Cả vương quốc Uraya cổ rộng 300.000km2, đâu cũng có di tích, như tôi đọc trong sách: ngoài Mexico, còn Bélize, Quatamala, Honduras, El Salvador…

Từ Cancún phía đông, tôi lên thủ đô Mexico City, cách nhau hơn 2.000km, bay qua vịnh Campeche. Mexico City nằm sâu trong lục địa Mexico trên cao nguyên 2.500m. Một thành phố khổng lồ: 18 triệu dân.

Nước Mexico thuộc bắc Mỹ, diện tích 1.958.000km2, chỉ xếp sau Canada, Hoa Kỳ, Brasil, Achentina; 90 triệu dân chỉ xếp sau Mỹ và Brasil; 80% dân sống ở các đô thị. Đây là một quốc gia còn giữ nhiều nét châu Mỹ cũ hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, với nền văn hóa Maya và Mexico tiền Tây Ban Nha. Tất nhiên, như số phận của toàn bộ lục địa châu Mỹ, Mexico sau cùng đã Âu châu hóa, là một nước chủ yếu nói tiếng Tây Ban Nha. Song, Mexico cũng là nước sớm giành độc lập cũng như sớm thiết lập thể chế cộng hòa, trong lịch sử cận đại liên tục khởi nghĩa, chống cả Tây Ban Nha lẫn Mỹ, Anh, Pháp.

Là nước giàu tài nguyên, Mexico được xếp vào hàng phát triển nhanh trong vòng 30 năm nay, hiện là thành viên của khối thị trường thống nhất Bắc Mỹ. Cơ cấu kinh tế năm 1993 của Mexico như sau: nông nghiệp 8,4%; công nghiệp 28,4%; dịch vụ 63,2%, với tổng sản phẩm nội địa 294 tỷ đô la, hàng thứ tư của châu Mỹ sau Mỹ, Canada và Brasil, tổng sản phẩm chia theo đầu người 3.470 đô la, loại trung bình khá.

Nhưng, Mexico cũng là nước mà nền kinh tế lên xuống thất thường nhất, nếu những năm 70, tăng bình quân hàng năm 6,7% những năm 80 tụt xuống 4,1% thì ba năm đầu thập kỷ 90 chỉ còn 0,4%! Mexico nợ nước ngoài từ 6 tỷ đô la năm 1970, nay vọt lên đến 124 tỷ, tỷ lệ thanh toán nợ năm 1993 gần bằng một nửa kim ngạch xuất khẩu. Dấu hiệu tích cực gần như chỉ còn biểu hiện yếu ớt ở một chỉ số: lạm phát chưa quá 10%, giữ được giá đồng peso mới 3 ăn 1 đô la Mỹ.

Năm 1993 được xem như năm xui xẻo đối với Mexico. Đúng vào ngày chào mừng năm mới, ngày 1 tháng giêng 1993, “Quân đội giải phóng dân tộc Zapothèque” chiếm bốn thành phố của bang Chiapas, sát biên giới Guatemala. Zapothèque là tộc da đỏ sống trên vùng lạc hậu nhất nước. Quân khởi nghĩa nêu yêu sách: cải cách ruộng đất, tôn trọng phong tục tập quán người da đỏ, truất phế Tổng thống, bảo đảm một cuộc bầu cử Tổng thống không gian lận, thương lượng lại với Mỹ về tự do mậu dịch… Tổng thống Carlos Salinas liền áp dụng biện pháp đàn áp, nhưng không thành công, lại bị dư luận trong nước phản đối mạnh, cộng với dư luận không có lợi trên thế giới, quyết định thương lượng. Hiệp định ngày 2 tháng 3 thỏa mãn một phần các yêu sách của quân khởi nghĩa.

Thế nhưng, ngày 23 tháng 3, ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền – đảng Cách mạng Thể chế (PRI) cầm quyền ở Mexico từ 1929 – Luis Donaldo Colosio bị ám sát.

Vốn được Quỹ Tiền tệ quốc tế o bế như tủ kính về sự thành đạt và ổn định, phút chốc Mexico rơi vào cơn hỗn loạn. Dù cuộc bầu cử ngày 21 tháng 8 được đánh giá là “trong sáng” và Ernesto Zedillo, 42 tuổi, quốc vụ khanh Bộ Tài chánh và Giáo dục đắc cử, song di sản nặng nề của tình trạng mà báo chí gọi là “cuồng phong và cường triều” do nhiệm kỳ sáu năm của Salinas để lại không thể xử lý êm đẹp ngày một ngày hai.

Một trong những di sản đó là sự phân hóa xã hội với tốc độ phi mã ở Mexico – những tỷ phú “huyền thoại” như từ trời rơi xuống và những người cùng khổ nảy nở như cỏ. Hiện nay, Mexico có 25 triệu người sống dưới mức nghèo.

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi xuống máy bay, không bằng mắt mà bằng mũi: một mùi hăng hắc gần như gây nghẹt thở. Vốn quen với ô nhiễm ở Thành phố Hồ Chí Minh – tôi ở không xa rạch Nhiêu Lộc và trên một trục lộ chính – tôi phải sợ mức ô nhiễm của Mexico City. Mùi đó “bàng bạc” khắp thành phố, len vào quán ăn, vào cả phòng ngủ. Chẳng có gì lạ khi người lái taxi hỏi tôi: Ông có thấy nặng đầu khi hít thở ở đây không?

Cảm nhận khác, bằng mắt: cảnh sân bay quốc tế Mexico City hỗn độn hơn Tân Sơn Nhất của ta – những người chực sẵn ngay phòng đợi, mặc kệ anh đồng ý hay không, mang hành lý anh ra xe và sau đó buộc anh chấp nhận giá biểu về nơi mà anh cần đến. Trước khi sang Mexico, bà con ta ở Montréal dặn tôi nhiều lần: không nên đi chỗ vắng, dễ bị trấn lột; xuống sân bay coi chừng bị “bắt cóc”… Có thể bà con ta quá lo, song cũng không xa sự thực bao nhiêu.

Mexico City 18 triệu dân, hơn 20% thất nghiệp – nhưng không ai chết đói cả. Nguy hiểm chính là ở chỗ đó.

Tôi dạo phố, thành phố mênh mông, đang trang trí đón lễ Noel, đèn rực rỡ. Trước nhà thờ lớn và tòa thị chính, vào 9 giờ đêm, mấy công nhân đang trồng hoa; tôi lân la hỏi chuyện. Những người có việc làm, lương từ 8 đến 10 USD cho 8 giờ lao động, bình quân cao hơn Cancún – 5 USD. Giá cả đắt: thịt bò 8 USD/kg, gạo 1 USD, cá biển loại phổ biến 4 USD, rau 1 USD. Trong cuộc dạo phố tình cờ này, tôi gặp một giáo sư đại học quốc gia Mexico – Alfonso – trên đại lộ La Reforma; chúng tôi trao đổi. Ông dạy lịch sử và kinh tế. Theo ông, Mexico giàu, nhưng nông dân được chia 25 triệu hecta đất không canh tác mà đổ xô về thành phố. Đất Mexico nhiều tài nguyên quý, riêng trữ lượng dầu lửa đã phát hiện 7,7 tỷ tấn và đang khai thác hằng năm 130 triệu tấn. Mexico đứng đầu thế giới về sản xuất bạc, giữ thứ hạng cao về sản xuất chì, đồng, sắt, kẽm… và là nước phát triển ngành luyện kim, dệt, hóa chất… Tức theo ông, Mexico đủ điều kiện vươn lên địa vị kinh tế ít ra cũng bằng Tây Ban Nha. Thế nhưng, cái biểu trưng hiện nay ở Mexico là tình trạng nghèo.

Ông lắc đầu, cười buồn, hất hàm về phía mấy cô gái đang hôn gió mời mọc chúng tôi. Đêm đó, ông mời tôi uống thứ cocktail pha Rhum kiểu Tây Ban Nha, hỏi tôi về Việt Nam. Khi nói về các chỉ số phát triển của Việt Nam đồng thời liên tưởng đến cảnh bát nháo của các cô gái Mexico City – có vẻ luôn cặp kè với tăng trưởng kinh tế. Tôi phát sợ! Thông cảm với nỗi lo của tôi, ông động viên:

- Hãy học cái dở của nước chúng tôi mà tránh…

Tôi rời Mexico City vào sáng sớm. “Mã hồi” “liên tục” Mexico City – Vancouver 5 giờ bay của hãng Nhật JAL; dừng chân 1 giờ ở Vancouver đổi máy bay; Vancouver – Hồng Kông của hãng Cathay Pacific 14 giờ bay; đổi máy bay ở Hồng Kông 2 giờ – vẫn của hãng Cathay Pacific – và Hồng Kông – Thành phố Hồ Chí Minh 2 giờ 15 phút bay. Trong lộ trình, tôi ngủ khi màn truyền hình chỉ máy bay vào vùng biển Bering và thức khi máy bay trên trời Hoàng Hải.

Chuyến đi chấm hết. Những vấn đề mà chuyến đi gợi trong tôi lại mới đặt ra…

Tháng 12.1994

TRẦN BẠCH ĐẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên