Tôi có cảm giác chúng ta chuẩn bị chưa đầy đủ và nếu không suy nghĩ cho chín thì hậu quả sẽ khó lường. Nhà sử học Dương Trung Quốc kêu gọi đừng bỏ qua cơ hội lớn, nhưng làm thế nào để cơ hội lớn không bị bỏ qua mới là bài toán thực tế đầy khó khăn!
Cách đây vài hôm, truyền hình VN có một phóng sự nhỏ về gần ngàn ôtô vận tải nhỏ do các doanh nghiệp nhập về năm năm nay nhưng không sao ra đường được vì không ai cho chúng được ra đường, dù xã hội có cần mấy cũng mặc! Không ai chịu đứng ra giải quyết, không ai quan tâm đến sự lãng phí của cải của dân. Nó cũng giống như dự án treo cứ treo, nhà công không dùng thì để đó không cơ quan nào chịu trả cho Nhà nước, dù biết để là lãng phí! Thì đã sao? Có người trong phóng sự nói trên gọi đó là thói vô trách nhiệm.
Và đáng nói là nó có ở không ít cán bộ trong bộ máy nhà nước chúng ta. Tại sao lại thế? Vì tuy vô trách nhiệm nhưng chúng ta vẫn thường xuyên đánh giá tình hình phát triển tốt thì vô trách nhiệm có sao đâu? Với thói vô trách nhiệm của nhiều cán bộ như vậy liệu chúng ta có thể đưa đất nước ra biển lớn mà yên tâm được không? Đến như việc tuyển thẩm phán mà chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nói rằng cố vơ vét cho có thẩm phán thì xin hỏi thái độ trách nhiệm của người lãnh đạo với hoạt động tư pháp để bảo vệ pháp luật vì dân ở đâu? Tôi cho rằng thói vô trách nhiệm của cán bộ quản lý không bị đẩy lùi là rào cản lớn mà nếu không vượt qua được thì ra biển lớn sẽ là đến với nhiều tai họa khôn lường.
Tất nhiên chúng ta cũng phải nói rằng công cuộc đổi mới đã đem lại cho đất nước nhiều sắc thái mới đáng tự hào, phấn khởi. Nhưng tôi cho rằng bằng những thành quả đã đạt được cho đến nay, muốn đi xa hơn mà lại ra biển lớn, con tàu của chúng ta vẫn nhỏ, các rào cản thì lớn làm sao để vượt qua? Chúng ta phải tích cực góp các nguyên liệu đóng những con tàu đủ sức vượt qua các rào cản lớn mới có thể đi xa an toàn và thắng lợi. Ra biển lớn quyết không thể bằng những lời kêu gọi chung chung!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận