14/06/2007 04:26 GMT+7

Cẩn thận với nước tương ngoại

N.BÌNH - T.PHÚ - Q.KHẢI
N.BÌNH - T.PHÚ - Q.KHẢI

TT - Nước tương ngoại đang tranh thủ sự cố chất 3-MCPD xảy ra với nước tương nội để “chia” lại thị phần. Thế nhưng không phải cứ nước tương ngoại là an toàn...

IZJOAX5s.jpgPhóng to
Nước tương ngoại được bày bán chung với nước tương nội tại chợ Bình Tây sáng 13-6 - Ảnh: T.T.D.
TT - Nước tương ngoại đang tranh thủ sự cố chất 3-MCPD xảy ra với nước tương nội để “chia” lại thị phần. Thế nhưng không phải cứ nước tương ngoại là an toàn...

Nước tương ngoại “lên kệ”

Trên thị trường, ngoài nước tương Maggi của Pháp, Thụy Sĩ được bán chạy, còn có những thương hiệu mới đến từ Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản như: Kikkoman, Lee Kum Kee, Heinz, Life, Tung Chun... Các loại nước tương này có vị đậm đặc, nước sánh, mùi nồng… chứ không thơm, ngọt như nước tương nội, cách bảo quản nước tương ngoại cũng khác.

Phần lớn nước tương ngoại sau khi mở nắp đều phải cất trữ trong tủ lạnh nếu không mùi vị sẽ bay mất. Giá các loại nước tương này cũng khá cao. Như nước tương Kikkoman (công nghệ Nhật, sản xuất tại Singapore) giá 30.600 đồng/chai 150 ml; chai lớn 1,6 lít - 85.000 đồng/chai. Nước tương Heinz (Trung Quốc) giá đến 68.000 đồng/chai 1 lít; Life (Malaysia) giá 10.800 - 12.000 đồng/chai 210ml…

Tại các siêu thị, nước tương ngoại từ chỗ chiếm 10-15% trên các kệ hàng giờ đây áp đảo về số lượng. Theo đại diện hệ thống siêu thị Co-op Mart, hiện hệ thống này kinh doanh bốn loại nước tương ngoại: Kikkoman (Singapore), Lee Kum Kee (Trung Quốc); Tamin (Malaysia); Life Dark (Malaysia). Doanh số nước tương ngoại chiếm 25% so với 15% của thời điểm trước tháng sáu.

Theo bà Quỳnh Chi, phó phòng kinh doanh hệ thống Co-op Mart, nước tương ngoại được nhập vào siêu thị phải có tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu, phiếu kiểm nghiệm (bao gồm chỉ tiêu 3-MCPD), giấy công bố chất lượng còn hiệu lực.

Phía Bắc: tràn ngập xì dầu Trung Quốc

Tại chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) bán khá nhiều xì dầu (nước tương) Trung Quốc. Một chủ quầy hàng đồ khô cho biết có đến hàng chục loại xì dầu, trong đó có những loại để lâu... không hư. Những sản phẩm này đều in nhãn chữ Trung Quốc, màu mè lòe loẹt, không có dòng tiếng Việt nào ghi nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng. Không riêng chợ Đồng Đăng, ngay tại trung tâm thành phố Lạng Sơn xì dầu không rõ xuất xứ của Trung Quốc cũng được bày bán la liệt. Dường như “cơn địa chấn” nước tương gây ung thư từ trong nước không hề ảnh hưởng đến khu vực vùng biên này.

Tất cả loại xì dầu được tiểu thương chợ vùng biên Lạng Sơn nhập lậu từ Trung Quốc về nên giá rất rẻ. Loại xì dầu ngon giá chỉ 20.000 đồng, các loại khác chỉ 8.000-15.000 đồng/can 2 lít.

Ngoại cũng có vấn đề

Tại TP.HCM, chợ An Đông, Bình Tây là nơi bày bán các loại nước tương ngoại có nguồn gốc Trung Quốc nhiều nhất. Chỉ có một vài loại được ghi trên bao bì là không chứa 3-MCPD, có nhãn mác tiếng Việt rõ ràng, còn lại phần lớn nguồn gốc không rõ ràng.

Cùng một loại Kikkoman nếu người mua chọn chai không có chữ tiếng Việt thì sẽ rẻ hơn 3.000-5.000 đồng/chai so với loại nhập qua đường chính thức. Thậm chí có nhiều loại nước tương, dầu hào ghi mỗi chữ Trung Quốc, không biết phải gọi là gì nên người tiêu dùng dùng màu sắc của nhãn hàng để kêu tên như xì dầu đỏ, xì dầu nắp xanh…

Người tiêu dùng cũng hoa mắt trước xuất xứ của mặt hàng này. Chai Lee Kum Kee có loại được ghi sản phẩm của Trung Quốc, chai khác lại ghi sản phẩm của Malaysia... Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, mới đây cơ quan này đã kết hợp với Công an phường 11, quận 5 tiến hành thu gom 442 chai dầu hào và nước tương Lee Kum Kee loại 510g/chai có hình con gấu và hình thần tài nguồn gốc từ Malaysia và Hong Kong. Những sản phẩm này không hề có nhãn mác phụ (nhãn tiếng Việt) và không có nguồn gốc rõ ràng.

“Nội, ngoại” đều ế

Tại Hà Nội, hiện ở hầu hết các chợ, siêu thị chỉ bán hai loại xì dầu (tên gọi nước tương của người dân xứ Bắc) là Chin-su và Trung Thành. Một người bán đồ khô tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết: mặc dù hai loại nước tương Chin-su và Trung Thành thuộc diện xì dầu “sạch” nhưng bán rất chậm vì không có người mua do tâm lý sợ xì dầu “ung thư”. Phần lớn khách đến mua xì dầu nhiều đều để về phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng. Bà chủ quầy đồ khô cho biết thêm trước đây tiểu thương chợ Đồng Xuân cũng có nhập xì dầu Trung Quốc về bán, nhưng sau khi có thông tin xì dầu gây ung thư thì không nhập nữa vì không bán được.

Tại TP.HCM, chị Mai Thi Nhân, sạp 61 chợ Phú Nhuận, cho biết: “Mặc dù nước tương ở đây đều là nước tương sạch nhưng mỗi ngày chỉ bán được 2 -3 chai hoặc cao lắm 4 chai/ngày thay vì trước đây mỗi ngày bán hơn chục chai”. Hiện chị Nhân chỉ bán nước tương: Tam thái tử (của Chin-su), Maggi và nước tương đậu phộng hiệu Con công của cơ sở Thành Phát. Nhiều tiểu thương tại chợ Bà Chiểu cho biết người tiêu dùng vẫn còn e dè khi chọn mua nước tương dù những sản phẩm này không nằm trong danh sách “đen”. Chị Nguyễn Thị Tứ, một khách hàng ở Gò Vấp, cho biết vẫn chưa yên tâm khi dùng lại nước tương. Đó cũng là tâm lý chung nhiều khách hàng hiện nay.

Theo ban giám đốc siêu thị Co-op Mart Cống Quỳnh, lượng nước tương bán ra trong những ngày qua chỉ bằng khoảng 40% so với trước và mặt hàng nước tương nội vẫn bán nhiều hơn nước tương ngoại. Tiểu thương tại chợ Bến Thành và Tân Định (quận 1) cũng cho biết ngoài nước tương nội thì nước tương có nguồn gốc từ Trung Quốc (nhãn hiệu Lee Kum Kee) cũng rất ế ẩm.

Bắt đầu kiểm tra nước tương ngoại

Theo bà Trương Lan Anh, chủ nhiệm Câu lạc bộ nước chấm TP.HCM (thuộc Hội Lương thực - thực phẩm), cũng cần phải kiểm tra các loại nước tương ngoại nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Bà cũng khẳng định so với nước tương nội, nước tương ngoại giá cả nhỉnh hơn, lại không hợp khẩu vị của người VN nên vẫn còn cơ hội tìm chỗ đứng cho nước tương nội. Cũng theo bà Lan Anh, nước tương Maggi Pháp do giữ được hương vị truyền thống, không quá đậm đặc nên được ưa thích. Doanh nghiệp VN sẽ học kinh nghiệm này để dần lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện sở đã cho lấy mẫu nước tương ngoại để kiểm nghiệm. Ngoài hàm lượng 3-MCPD, đợt kiểm tra này còn chú ý đến độ đạm, natribentrat (chất chống độ ẩm)...

..................................................

Theo công bố này, các mẫu nước tương của các cơ sở Trường Ký, Thịnh Phát, nước tương nhãn hiệu Hoa Hồng 100N của cơ sở Bông Mai, nước tương đậu nành 100N của cơ sở Thuận Phát, nước tương 140N của cơ sở Thiên Hương và tàu vị yểu 100N của cơ sở Hải Âu đạt tiêu chuẩn qui định về hàm lượng 3-MPCD (dưới 1mg/kg).

Các cơ sở có mẫu nước tương vi phạm về hàm lượng 3-MCPD là:

Công ty cổ phần thực phẩm Gò Vấp (nhãn hiệu Con Bướm Govafood, 180N chai thủy tinh 470ml, sản xuất ngày 9-5-2007 với số lượng 374 chai, kết quả kiểm nghiệm có 3-MCPD ở mức 73,2mg/kg). Tuy nhiên, kết qủa kiểm nghiệm một mẫu nước tương khác của công ty này lại đạt tiêu chuẩn 3-MCPD; cơ sở Thái Phát (nhãn hiệu Thái Phát, 110N chai thủy tinh 450ml, sản xuất ngày 12-5-2007 với số lượng 100 chai, kết quả kiểm nghiệm có 3-MCPD ở mức 4,31mg/kg); cơ sở Hiệp Hương (nhãn hiệu Đông Cô, 120N chai thủy tinh 500ml, sản xuất ngày 11-4-2007 với 200 lít, đã đóng 50 chai và chưa đưa ra thị trường, kết quả kiểm nghiệm có 3-MCPD ở mức hơn 55 mg/kg); cơ sở Thành Phát (nhãn hiệu Con Công, 100N chai Pet 480ml, sản xuất ngày 4-5-2007 với 600 lít, kết quả kiểm nghiệm có 3-MCPD ở mức hơn 114mg/kg).

Như vậy, qua kiểm nghiệm 33 mẫu nước tương của 30 cơ sở mà thanh tra sở lấy mẫu từ tháng 3-2007 đến nay, đã phát hiện 21 mẫu của 21 cơ sở vi phạm về hàm lượng 3-MCPD. Cũng theo ông An, hiện nay do công nghệ sản xuất nước tương của nhiều cơ sở chưa ổn định nên kết qủa kiểm nghiệm mẫu nước tương của một doanh nghiệp có thể có lúc đạt, có lúc không đạt. Do đó, kết quả công bố chỉ có giá trị trên mẫu kiểm nghiệm.

Ngày 13-6, một nguồn tin cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận cho đốt nước tương có chứa 3-MCPD. Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 1 tháng. Theo giải thích của sở, nước tương chứa 3-MCPD sau khi thu gom về khu xử lí sẽ đưa vào tháp chưng cất nhằm loại nước chứa trong nước tương, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đốt. Nước tương chứa 3-MCPD sau khi cô đặc sẽ được trộn với mạt cưa và được đốt bằng hệ thống đốt 2 cấp. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp đốt phải giám sát chặt chẽ nhiệt độ của lò đốt để tránh sự hình thành các độc chất dioxin/furan.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP, tổng lượng nước tương cần tiêu hủy của 17 cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố khoảng 81.700 lít, gồm: 17.812 lít nước tương chứa độc tố 3-MCPD và lượng nước tương do khách hàng nghi ngờ có độc tố mang trả lại hoặc do các cơ sở sản xuất tự thu hồi.

Sở này cũng kiến nghị ngân sách hỗ trợ chi phí tiêu hủy nước tương chứa 3-MCPD. Riêng chi phí thu gom, vận chuyển nước tương cần tiêu hủy đến nơi tập trung do cơ sở sản xuất tự chi trả.

N.BÌNH - T.PHÚ - Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên