![]() |
Tháng 10-2008, A.T. nhờ một người quen là Minh Tuấn vay giùm 50 triệu đồng. Minh Tuấn cho biết bạn của Tuấn là Trung đồng ý cho A.T. vay với lãi suất 15%, nhưng A.T. phải viết biên nhận đã nhận 50 triệu đồng dù chưa nhận được tiền, đồng thời A.T. còn phải đưa cho Trung 10 triệu đồng để Trung đáo hạn ngân hàng, lấy tiền cho vay. Khi lấy được 10 triệu đồng Trung đi mất, không cho A.T. vay tiền như đã hứa.
Ký giấy nợ khống
Lợi dụng sự việc này từ tháng 11-2008 đến đầu năm 2009, Minh Tuấn sử dụng điện thoại xưng là xã hội đen, đàn em của Trung, nhắn tin đe dọa A.T, đòi số tiền 50 triệu đồng “nợ khống” mà A.T. đã viết biên nhận. A.T. đã đưa tổng cộng sáu lần với số tiền 19,5 triệu đồng cho Minh Tuấn thông qua một người trung gian tên H..
Quá sợ hãi, A.T. đã báo công an nhưng vẫn tiếp tục đưa tiền theo yêu cầu của Minh Tuấn. Ngày 8-1-2009, khi H. nhận tiếp số tiền 2 triệu đồng từ A.T. thì bị công an bắt quả tang, Minh Tuấn bị bắt khẩn cấp.
Phiên tòa vừa qua tại TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được xét xử cả ngày nhưng phòng xử án vẫn đông nghẹt vì tình tiết gay cấn của vụ án. Minh Tuấn là người có trình độ đại học, làm nhân viên tiếp thị và đang học thêm văn bằng 2, chung với A.T.. Theo lời A.T. khai tại tòa, do Minh Tuấn lớn tuổi hơn và học rất giỏi nên A.T. nể phục, nói gì cũng nghe, coi như thần tượng. Chính Minh Tuấn là người giới thiệu, dẫn dắt A.T. vào con đường chơi đề, cá độ đá banh.
Bản thân Minh Tuấn cũng là con nghiện nặng trong các trò chơi này và thường chơi với số tiền rất lớn. A.T. cho biết chơi trúng chỉ vài trận đầu, về sau thua liên tục. Khi thiếu nợ, không có khả năng trả thì Minh Tuấn đứng ra làm trung gian cho A.T. vay tiền.
Trong thời gian A.T. bị khủng bố bằng tin nhắn, Minh Tuấn luôn đóng vai trò là người anh, động viên tinh thần, bảo đừng đưa tiền, có gì sẽ đứng ra giải quyết thay. Mặt ngoài là vậy nhưng Minh Tuấn nắm rõ những điểm yếu của “đứa em kết nghĩa”.
Những tin nhắn sặc mùi bạo lực liên tục được Minh Tuấn gửi đến, lúc dọa chặt tay, lúc hăm giết chị ruột A.T., đập quán, dàn cảnh chặn đầu xe... Sợ quá, A.T. đã bán tất cả tư trang của mình, đi xin người thân và vay tiền bạn bè để đưa cho Minh Tuấn. Khi Minh Tuấn bị bắt, mọi chuyện đổ bể, gia đình A.T. mới hay. Võ Minh Tuấn bị tuyên phạt 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Trả nợ không biên nhận?
Cách đây không lâu TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm một vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà T. và bà C., cùng ngụ tại quận Ninh Kiều. Theo bà T., bà cho vợ chồng bà C. vay 14 lượng vàng SJC và 60 triệu đồng, nhưng vợ chồng bà C. không trả nợ nên bà khởi kiện, yêu cầu phải trả cả vốn lẫn lãi. Phía vợ chồng bà C. lại cho rằng đã trả nợ dứt điểm cho bà T. rồi. Tòa hòa giải nhiều lần không thành. Ở bản án sơ thẩm, TAND quận Ninh Kiều quyết định vợ chồng bà C. phải trả cho bà T. trên 17 lượng vàng và 28 triệu đồng. Vợ chồng bà C. kháng cáo.
Theo lời bà C. kể tại tòa, vì nghĩ bà T. lớn tuổi phải biết giữ chữ tín, hơn nữa hai nhà cũng gần nhau, thường qua lại nên những lần đưa tiền bà C. không yêu cầu biên nhận. Vợ chồng bà đã trả nợ cho bà T. bằng hình thức chơi hụi. Bà C. đóng hụi hằng tháng nhưng đến lượt hốt thì bà T. là người nhận tiền. Vợ chồng bà C. cũng không hề biết chủ hụi là ai, mọi giao dịch đều qua bà T..
Bà C. có cung cấp cho hội đồng xét xử những mảnh giấy nhỏ ghi các con số trong những lần đóng hụi nhưng không ghi rõ ai giao, ai nhận. Một số người làm chứng khai có thấy bà C. trả nợ cho bà T. thông qua người hàng xóm. Bà T. không thừa nhận những mảnh giấy trên vì không có chữ ký hay tên bà trong đó.
Theo nhận định của hội đồng xét xử, những chứng cứ bà C. đưa ra không thuyết phục. Nếu bà trả nợ dần thì phải thể hiện cụ thể ngày tháng số tiền trả và có ký nhận, có bút tích của bà T.. Cuối cùng, hội đồng xét xử quyết định y bản án sơ thẩm.
Qua hai phiên tòa trên cho thấy khi thực hiện giao dịch dân sự cần cẩn thận với bút tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận