Phóng to |
Ông Đào Trọng Thi - Ảnh: Việt Dũng |
"Tôi phải nói rằng phần lớn nguồn nhân lực hiện nay chúng ta đang cần để phát triển kinh tế - xã hội là nguồn nhân lực bình thường, nhu cầu này cũng chưa đáp ứng được" GS.TSKH Đào Trọng Thi |
* Thưa ông, báo cáo giám sát khẳng định giáo dục đại học hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Kết luận này dựa trên những cơ sở nào?
- Trước hết là sự so sánh với chính những mục tiêu của giáo dục đại học mà chúng ta đặt ra. Thứ hai, dựa vào những yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục đại học chưa đáp ứng được. Thứ ba là so sánh với chuẩn mực của khu vực và quốc tế. Với ba căn cứ đó, chúng tôi đánh giá giáo dục đại học hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu.
* Theo ông, nguyên nhân tại sao?
- Trong nhiều nguyên nhân tác động đến chất lượng giáo dục đại học, chúng tôi nhấn mạnh ba điều kiện rất quan trọng: Thứ nhất, đội ngũ giảng viên còn rất thiếu về số lượng. Chúng ta đề ra chỉ tiêu bao nhiêu sinh viên phải có một giảng viên nhưng con số này còn lâu mới đạt được. Đã thế trình độ giảng viên cũng kém, biểu hiện cụ thể là đặt ra chỉ tiêu đội ngũ giảng viên phải có bao nhiêu phần trăm là giáo sư, tiến sĩ nhưng tỉ lệ đạt được rất thấp.
Thứ hai, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngay cả cái sàn học, tức là cái vỏ cũng đã kém rồi. Tiêu chuẩn quốc gia là 6m2/sinh viên nhưng có trường chỉ đạt 0,5m2/sinh viên. Chưa kể thiết bị lại càng kém, nhất là hệ thống phòng thí nghiệm.
Thứ ba, điều kiện vui chơi giải trí của sinh viên rất nghèo nàn.
* Có nghĩa là giáo dục đại học chưa được đầu tư đúng mức?
- Suất đầu tư cho một sinh viên hiện nay rất thấp. Cách đây năm sáu năm chúng ta còn đầu tư được khoảng 6.000.000 đồng/sinh viên (trường công). Nhưng vì chúng ta chạy theo số lượng, các trường đều tuyển vượt chỉ tiêu kinh phí cho phép nên bây giờ hầu hết chỉ đạt khoảng 2.500.000 đồng/sinh viên.
* Báo cáo giám sát nói rằng để tồn tại tình trạng bất cập, yếu kém như vậy nguyên nhân chủ quan là chính. Vậy trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức là gì?
- Trước hết Quốc hội cũng có trách nhiệm vì đến nay chưa ban hành được Luật giáo dục đại học. Các văn bản quy phạm pháp luật ở Chính phủ, các bộ, ngành còn thiếu nhiều. Theo đánh giá thì số lượng các văn bản đã ban hành chỉ đáp ứng 30-40% so với yêu cầu.
Có thể nói trách nhiệm cụ thể vẫn là sự điều hành của Chính phủ và trực tiếp là Bộ GD-ĐT. Tất nhiên, ở đây chúng tôi cũng chỉ ra trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học nữa, năng lực của anh không đáp ứng được nhưng anh cứ chạy theo số lượng, đưa chỉ tiêu tuyển sinh lên cao.
* Thưa ông, dư luận bức xúc vì những năm gần đây có tình trạng thành lập trường đại học một cách tràn lan, nên chấn chỉnh thế nào?
- Phải siết chặt hơn các điều kiện đảm bảo chất lượng và các cam kết của nhà trường trong đề án xây dựng trường. Đối với những trường hợp vi phạm thì phải xử lý chặt chẽ hơn.
Những trường đến nay vẫn chưa đáp ứng các yếu tố đảm bảo chất lượng thì yêu cầu họ phải khắc phục. Nếu không khắc phục được phải có biện pháp hoặc là tạm dừng, không cấp chỉ tiêu hoặc giao chỉ tiêu phù hợp với năng lực.
Trường nào không đáp ứng được các điều kiện cần thiết đảm bảo chất lượng thì hạ xuống cao đẳng để phù hợp năng lực đào tạo của họ.
Tôi hi vọng Bộ GD-ĐT quyết tâm và mạnh tay giải thể một số trường đã thành lập mười năm, hơn mười năm rồi mà chưa xây dựng được cơ sở vật chất, không có khả năng đảm bảo chất lượng hoặc là những trường có vi phạm nghiêm trọng.
* Ông có tin sau cuộc giám sát này thì những yếu kém, bất cập được chấn chỉnh trong một vài năm tới không?
- Chấn chỉnh triệt để là chuyện lâu dài. Nhưng hạn chế bớt những yếu kém, bất cập tôi tin là làm được.
Tôi cũng hoan nghênh thái độ của Bộ GD-ĐT trong thời gian vừa qua, có những vấn đề báo cáo giám sát nêu lên, chưa trình ra Quốc hội, bộ đã bắt đầu sửa rồi. Chẳng hạn, vừa rồi bộ đã cho dừng tới hơn 100 chuyên ngành đào tạo sau đại học. Bộ cũng đã bắt đầu chấn chỉnh, kiểm tra điều kiện thành lập một số trường đại học.
Hạn chế đào tạo không chính quy “Đề nghị Chính phủ dành ưu tiên cho việc thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn; chỉ mở thêm các trường ĐH, CĐ công lập của địa phương khi ngân sách địa phương đủ đầu tư để đảm bảo chất lượng đào tạo; rà soát lại các tiêu chí hợp lý làm căn cứ để các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh sát với năng lực đào tạo của mình; hạn chế mở rộng quy mô đào tạo không chính quy; đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng và công khai kết quả kiểm định làm cơ sở phân loại chất lượng các trường; tăng cường hậu kiểm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, giải thể hoặc hạ cấp với những trường vi phạm quy định, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường”. Trích báo cáo kết quả giám sát |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận