24/10/2009 19:26 GMT+7

Cần đánh giá khối u buồng trứng trước khi có thai

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA(giảng viên bộ môn sản BV Đại học Y dược TP.HCM)
ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA(giảng viên bộ môn sản BV Đại học Y dược TP.HCM)

TTO - Em bị u nang buồng trứng cách đây 4 năm nhưng chưa mổ. Sau đó em có thai và sinh em bé bình thường cách đây 10 tháng bằng phương pháp sinh mổ. Hiện giờ em lo lắng không biết em bị u lành hay ác tính, vì chị em vừa phát hiện bị ung thư tử cung.

Cần đánh giá khối u buồng trứng trước khi có thai

TTO - Em bị u nang buồng trứng cách đây 4 năm nhưng chưa mổ. Sau đó em có thai và sinh em bé bình thường cách đây 10 tháng bằng phương pháp sinh mổ. Hiện giờ em lo lắng không biết em bị u lành hay ác tính, vì chị em vừa phát hiện bị ung thư tử cung.

Em đắn đo chưa muốn mổ vì dự định có thai liền một em bé nữa rồi khi sinh mổ sẽ cắt bỏ u luôn. Khối u hiện giờ đã to hơn trước, khoảng 70x80mm. Từ khi bị u em để ý thấy  thường bị rối loạn tiêu hóa nhưng không đau bụng nhiều.

Bác sĩ cho em hỏi nếu em để khối u kích thước như vậy thì có ảnh hưởng đến thai nhi không khi u của em nằm khá cao, sờ vào thấy ngang và trên rốn. Còn nếu mổ thì khoảng bao lâu em mới nên có thai lại? Em có thể làm xét nghiệm ung thư bây giờ mà không cần mổ lấy u hay không?

Thu Hien

- Trả lời của phòng mạch online:

Buồng trứng là một cơ quan rất đặc biệt, mỗi chu kỳ có hàng ngàn nang noãn được chiêu mộ, phát triển nhưng chỉ có một nang noãn được chọn, vượt trội thành noãn trưởng thành và rụng trứng còn các nang noãn còn lại thì tự tiêu hủy. Phần mô sau khi rụng trứng sẽ trở thành hoàng thể, nếu có thai sẽ trở thành hoàng thể thai kỳ. Vì đặc điểm này mà tạo nên những u nang buồng trứng chức năng.

Các u buồng trứng chức năng hay là tình trạng giống u nhưng không có sự tân sinh (nonneoplastic tumorlike condition) bao gồm u hoàng thể thai kỳ, phù mô buồng trứng, nang noãn hay nang hoàng thể, hội chứng buồng trứng đa nang… Thường gặp trong độ tuổi sinh đẻ là các dạng nang noãn (follicular cyst) và nang hoàng thể được hình thành sau khi rụng trứng. Các nang chức năng có thể tự biến mất sau 3- 6 tháng.

Từ buồng trứng cũng có những khối u thực sự (thực thể), đó là các khối u tân sinh của buồng trứng có thể lành tính hoặc ác tính. Chẩn đoán lành tính hay ác tính phải dựa vào giải phẫu bệnh lý, nghĩa là phải mổ lấy khối u và đưa mẫu mô cho nhà giải phẫu bệnh lý xem dưới kính hiển vi. Một điều đáng lo ngại đó là ung thư buồng trứng diễn tiến nhanh và thầm lặng. Do đó cần được phát hiện càng sớm và điều trị tích cực. 

Để tránh mổ quá mức (u buồng trứng chức năng) cũng như tránh để quá muộn và chuẩn bị tốt cuộc mổ, chúng ta cần phải có những biện pháp lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán bản chất khối u càng chính xác bao nhiêu càng tốt.

Siêu âm là một trong những biện pháp rất hữu ích. Trên siêu âm, người ta dựa vào kích thước khối u, cấu trúc vỏ u (dày hay mỏng), thành phần trong khối u (echo trống là dịch, echo dày là mô đặc), có hình ảnh chồi hay vách, ở một hay 2 bên buồng trứng, có dịch trong ổ bụng… để xếp loại khối u.

Ví dụ u buồng trứng có đường kính dưới 6cm, vỏ mỏng, không vách không chồi, echo trống, thường là u chức năng. Còn một khối u có chồi có vách, echo dày thì là u tân sinh và có khả năng ác tính hơn. Thời điểm siêu âm để đánh giá lại các u buồng trứng chức năng là sau khi sạch kinh.

Bên cạnh hình ảnh siêu âm, cần có những các biện pháp khác hỗ trợ như thử máu đo lường “chất đánh dấu khối u” như CA 125, AFP, HCG sẽ giúp tiên lượng lành ác của khối u.

Vấn đề của chị:

- Biết có u nang buồng trứng 4 năm nay (đặc điểm của khối u chị không mô tả)

- Có thai và được mổ lấy thai khi đã biết có khối u. Trong quá trình mổ lấy thai, 2 buồng trứng luôn được kiểm tra, nếu có khối u buồng trứng thì khối u sẽ được đánh giá và có thể đã được bóc ra để gửi giải phẫu bệnh lý, xác định tính chất của khối u (không thấy chị đề cập vần đề này).

- Hiện tại chị đang có khối u khoảng 7-8cm.

Vì tình trạng u buồng trứng của chị mô tả không đầy đủ nên tôi chỉ có thể khuyên chị nên đi khám chuyên khoa để đánh giá lại khối u trước khi quyết định để có thai lại. Một khối u có thể có các biến chứng như xoắn, vỡ, thậm chí hóa ác tính và như vậy khi có thai sẽ có nguy cơ sảy thai, sanh non và có thể phải bỏ thai để điều trị hóa chất nếu u chuyển sang ung thư.

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA(giảng viên bộ môn sản BV Đại học Y dược TP.HCM)

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để TTO liên hệ khi cần thiết.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA(giảng viên bộ môn sản BV Đại học Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên