Đó là chia sẻ của bà Phạm Kiều Oanh, giám đốc CSIP - đơn vị đi đầu trong các nỗ lực hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp xã hội của VN - tại hội thảo các bên liên quan về DN xã hội do CSIP và Hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội ngày 18-8.
“Chúng tôi dùng phần lớn lợi nhuận thu được để tái đầu tư cho lợi ích cộng đồng. Đó cũng là một cách giúp chúng tôi đứng vững đến ngày hôm nay” - bác sĩ Đỗ Thúy Lan tự hào nói về Trung tâm Sao Mai, nơi được nhiều cha mẹ các bé tự kỷ và khuyết tật trí tuệ gửi gắm con mình để được phát hiện sớm, can thiệp sớm và hội nhập trở lại với xã hội.
Sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam như Trung tâm Sao Mai đang góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội và môi trường mà những doanh nghiệp bình thường không mấy mặn mà bởi tính thu hồi vốn chậm và khả năng sinh lời kém.
Tuy khái niệm “doanh nghiệp xã hội” mới được đề cập rộng rãi ở Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã và đang âm thầm hoạt động ở đủ các lĩnh vực, từ đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS… tới các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bảo vệ môi trường…
Tại Việt Nam, ngoài đầu mối duy nhất của chính phủ nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là Cục Phát triển DN nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và đầu tư thành lập năm 2002, hệ thống pháp lý và chính sách của VN chưa hề ghi nhận chính thức sự tồn tại và đóng góp của mô hình DN xã hội.
Ông Nguyễn Hoa Cương, phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) thừa nhận: “Việc ghi nhận khái niệm DN xã hội trong khung pháp lý Việt Nam ở thời điểm này không còn sớm. Đã đến lúc cần tạo tiếng nói chung của các bên liên quan để từ đó có các hình thức hỗ trợ phù hợp. Các doanh nghiệp xã hội sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn khi được gọi đúng tên”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận