Phóng to |
Một nhà máy đóng tàu của Vinashin ở Hải Phòng - Ảnh: Nguyễn Duy |
Có 400 phiếu điều tra được phát và 390 DNNN đã trả lời. Theo báo cáo tổng kết, CIEM cho biết về việc quản trị doanh nghiệp, công khai thông tin, thực tế đa số thông tin DNNN công bố là những thông tin pháp luật bắt buộc phải công khai.
Trong khi đó, các thông tin cần thiết cho cải thiện quản trị DNNN, như các giao dịch với người có liên quan, lương thưởng của cán bộ quản lý cao cấp, giao dịch nội bộ... thì ít doanh nghiệp công bố. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã kiên quyết không công bố thông tin dưới bất kỳ hình thức nào.
Cụ thể, chỉ có 42% doanh nghiệp 100% vốn nhà nước công bố thưởng cho thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), chủ tịch công ty, ban giám đốc. Tỉ lệ doanh nghiệp công bố thông tin về thù lao cho những thành viên HĐQT độc lập, người cung cấp dịch vụ tư vấn còn thấp hơn, chỉ 35%.
Các giao dịch kinh doanh như hợp đồng, dự án, mua bán của doanh nghiệp với những người có liên quan đến thành viên HĐQT, ban giám đốc cũng thấp, chỉ đạt 28%. Trong khi đó, cũng là DNNN nhưng đã được cổ phần hóa, tỉ lệ công bố các thông tin kể trên lại cao hơn hẳn, với 70-80% doanh nghiệp công bố.
Điều đáng báo động, ngay chính các thành viên HĐQT cũng không dễ tiếp cận hồ sơ kinh doanh và sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Cụ thể, chỉ có 58% doanh nghiệp cho biết thành viên HĐQT có quyền xem xét các hồ sơ kể trên bất cứ lúc nào. Trong đó, với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tỉ lệ được tiếp cận chưa đến 50%!
Cũng theo điều tra của CIEM, mô hình chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc của Vinashin không phải là hiếm. Với DNNN đa sở hữu, 46,6% vẫn giữ mô hình chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tỉ lệ này còn cao hơn: 60,6%. Có lẽ đây chính là nguyên nhân của kết quả: 29% doanh nghiệp khẳng định không bao giờ đánh giá kết quả hoạt động của tổng giám đốc.
Báo cáo của CIEM kiến nghị tám giải pháp, trong đó nhấn mạnh phải minh bạch hóa thông tin, buộc các DNNN công bố thông tin, tăng chế tài nếu né tránh. Cần thay đổi quy định về gửi báo cáo tài chính theo hướng doanh nghiệp chỉ gửi báo cáo đến một cơ quan, cơ quan này sẽ phải có trách nhiệm xử lý và gửi cho các cơ quan khác... VN cũng cần xây dựng bộ nguyên tắc quản trị doanh nghiệp phù hợp chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông thiểu số có quyền triệu tập đại hội cổ đông bất thường.
Đặc biệt, báo cáo của CIEM kiến nghị cần hình thành cơ quan đầu mối chuyên nghiệp giám sát, thu thập số liệu, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của các DNNN, giữ vai trò đại diện chủ sở hữu chứ không giao Thủ tướng, các bộ, UBND như hiện nay. Cơ quan này ở cấp trung ương phải đủ mạnh, trực thuộc Chính phủ, thu hút nhân lực chất lượng từ các chuyên gia, công ty kiểm toán bên ngoài...
Ít có chỗ cho ý kiến độc lập Theo CIEM, thông lệ thế giới khuyến khích DNNN thu hút, tạo điều kiện cho chuyên gia bên ngoài tham gia HĐQT để giám sát nhưng tại VN không có xu thế này. Thành viên các HĐQT chủ yếu gồm cán bộ thuộc chính doanh nghiệp hoặc có quyền lợi gắn với bộ máy điều hành. Vì vậy, khó có thể đảm bảo tính độc lập, khách quan để đảm bảo lợi ích các bên liên quan. Kết quả, chỉ 15% ý kiến cho rằng các ủy viên HĐQT thường xuyên có ý kiến khác nhau, còn lại là đồng thuận. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận