07/04/2012 00:50 GMT+7

"Cảm xúc Trường Sa": Những cảm xúc rất thật

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những gia đình phải xáo trộn vì chia cách, những tình yêu phải đốt lửa lòng để chờ đợi, những khoảng cách tính bằng trăm hải lý... tưởng như không có gì xa lạ nữa.

Nhất là với những người VN vốn đã quá quen thuộc với những cuộc chia ly.

Ấy vậy mà trong buổi lễ tổng kết cuộc thi viết “Cảm xúc Trường Sa” sáng 6-4 ở báo Tuổi Trẻ, những tình cảm ấy vẫn cứ dội lên như sóng cồn, vẫn khiến người trong cuộc phải rơi nước mắt, người dự nghe chao nghiêng trong lòng.

GGYaaJ2Q.jpgPhóng to
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM (thứ hai từ trái sang) - chụp ảnh lưu niệm với các tác giả đoạt giải - Ảnh: Thanh Đạm
Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Nghiêng về phía Trường Sa

Ấy là khi cô gái xinh xắn Nguyễn Thị Mỹ đọc câu thơ tâm nguyện của một đời “Dù mình sống giàu sang hay nghèo khó/ Em chỉ cần hai đứa ở bên nhau”. Nhưng cặp vợ chồng trẻ chưa kịp có con đã phải xa nhau hơn một năm, khoảng cách từ ruộng lúa Thái Bình tới vòng san hô của đảo Sinh Tồn mênh mông vời vợi. “May mà nay đã nối được bằng sóng điện thoại” - Mỹ ríu rít kể trên đảo Sinh Tồn rau đã lên được một đọt sau mấy trận mưa, lợn mới đẻ thêm con..., những câu chuyện mà anh sĩ quan hậu cần làm quà hằng ngày cho vợ nguôi nỗi nhớ. Từ đó mà Mỹ đã viết “Anh yêu ơi, không biết đến khi nào/ Em được nhìn thấy những điều anh kể?/ Nhưng em tin có một ngày như thế/ Được thăm anh trên đảo Sinh Tồn”.

Nghe Mỹ kể chuyện, nhiều bạn trẻ xung quanh nhìn cô háo hức xen lẫn khâm phục, còn chị Lương Thị Thu mỉm cười lặng lẽ trong sự cảm thông, thấu hiểu. Lấy chồng, sinh con gái đầu lòng vừa sáu tháng thì anh ra nhận công tác ở nhà giàn DK1. Từ bấy đến nay là tròn 15 năm, mỗi năm cả gia đình được sum họp chẵn hai tháng, mà sóng điện thoại thì chỉ mới đến nhà giàn được hơn một năm nay thôi. Biền biệt. Lo lắng nhiều hơn sóng vỗ và nhớ thương mặn hơn muối biển. Lá thư cho chồng được chị Thu gửi đến cuộc thi và đã được một phóng viên Tuổi Trẻ đọc cho anh Nam nghe qua máy bộ đàm trong một chuyến công tác nhà giàn. Tiếng được tiếng mất giữa ầm ầm sóng xô cũng đủ làm anh Nam và các chiến sĩ của anh rớt nước mắt. Biển mặn thêm ngày hôm ấy...

Những câu chuyện rất thật mang đến những cảm xúc rất thật. Không phải ngẫu nhiên mà những tác giả có bài được chọn đăng và được chấm giải hầu hết đều có những mối liên hệ xa gần với những người lính đang “buông neo nơi thăm thẳm ánh sao trời, đứng gác trời khuya đảo vắng”. Giữa khán phòng mát lạnh bỗng như thoảng hơi mặn của biển, giữa lao xao đám đông bỗng như có sự thinh lặng của đảo xa, giữa tiện nghi đủ đầy bỗng chạnh nhớ những người đang phải chắt chiu từng ngọn rau, giọt nước.

Cảm giác ấy đã xuất hiện ở mọi phòng, mọi bàn làm việc, mọi ngóc ngách trong tòa soạn Tuổi Trẻ từ lâu rồi, từ cách nay sáu tháng khi bắt đầu cuộc thi viết “Cảm xúc Trường Sa”, từ cách nay mười tháng khi bắt đầu cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa”, từ trước đó nữa khi cái tên Trường Sa, Hoàng Sa, những tin tức về biển đảo mỗi ngày lại nóng lên trong dòng chảy thời sự.

762iFqzg.jpgPhóng to

Chị Nguyễn Thị Mỹ, vợ một cán bộ trên đảo Sinh Tồn, không cầm được nước mắt khi đọc bài thơ đoạt giải nhất của mình - Ảnh: Thanh Đạm

Trường Sa không còn xa nữa

Những cảm xúc với Trường Sa cũng không còn mông lung, mơ hồ như những cái chấm nhỏ xíu khuất lấp trên bản đồ nữa. Khi bạn Mai Hương gửi đến những lời day dứt “Tôi đã từng thờ ơ với Trường Sa, Hoàng Sa”, khi bạn Huy Quang gửi đến lời khẳng định “Đất liền nợ những pháo đài giữ biển”, bạn Nguyễn Anh Tuấn băn khoăn “Bao giờ Trường Sa có nhà vệ sinh tự hoại?”, thầy giáo Lê Phương Trí cho biết đã sưu tầm những tư liệu về địa lý, về tự nhiên của Trường Sa để giảng bài... thì Trường Sa quả là đã hiển hiện rất thật trong lòng mọi người. Thật như một người yêu.

Thật như khi bà Phạm Phương Thảo nghẹn lời kể bà đã rơi nước mắt thế nào khi được một anh lính trẻ “ôm cho đỡ nhớ mẹ”. Và vì thật nên những quan tâm, đóng góp cho Trường Sa cũng bắt đầu thật hơn. Không chỉ là những cánh thư, mà đã là sách báo, tạp chí. Không chỉ là dây đàn mà đã là dàn máy karaoke. Không chỉ là giày ủng mà đã là những chiếc xuồng máy CQ, những giải pháp năng lượng sạch. Không chỉ là lương khô mà đã là thịt tươi, trái cây, tủ đông lạnh... Và với các chương trình như “Góp đá xây Trường Sa”, sự đóng góp của mọi người, mọi nhà với Trường Sa còn nhiều, còn lớn, còn thiết thực hơn thế nữa.

Và đó không chỉ là vì Trường Sa thiếu thốn, cũng không chỉ vì có những người như chị Mỹ, chị Thu, chị Phương đang yêu người ở Trường Sa, không chỉ là những món quà... Mà như một bạn thanh niên đã nói khi đến đóng góp: “Đây là một món đầu tư. Đầu tư cho Tổ quốc, ký thác cho đất nước, cho VN”. Không chỉ là tự hào, là tin tưởng, mà là đoan chắc.

Vậy nên khi Tuổi Trẻ công bố giải thưởng cộng thêm cho Nguyễn Thị Mỹ, cô vợ trẻ với bài thơ Mơ thăm anh trên đảo Sinh Tồn là một chuyến đi Trường Sa, và tất nhiên đi đảo Sinh Tồn, thì tất cả mọi người đều đã vỗ tay chúc mừng cô, và tiếp tục có những ánh mắt mơ ước một cơ hội đã không còn mơ hồ nữa. Mỹ viết thêm câu thơ cuối “Và ngày ấy sẽ đến anh biết không?/ Em sắp ghé thăm anh rồi đó...”. Giấc mơ được thành hiện thực, thực như tình yêu của Mỹ và bao người với Trường Sa hôm nay.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên