18/02/2017 10:26 GMT+7

Cảm hứng với ngành y

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Ngày 18-2, chương trình học bổng Điểm sáng ngành y 2017 sẽ trao 112 suất học bổng trị giá 650 triệu đồng cho học sinh, sinh viên đang theo học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học ngành y ở TP.HCM.

Lê Thanh Truyền dạy kèm tại nhà đều đặn 3 buổi/tuần với thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng - Ảnh: Diệu Nguyễn
Lê Thanh Truyền dạy kèm tại nhà đều đặn 3 buổi/tuần với thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng - Ảnh: Diệu Nguyễn

Vào tháng 3 tới, tại Thừa Thiên - Huế, chương trình cũng sẽ trao 40 suất học bổng cho học sinh, sinh viên. Mỗi suất học bổng trị giá 4-5 triệu đồng. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM và Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế tổ chức, Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức tài trợ.

Những bạn nhận học bổng lần này, mỗi bạn có một hoàn cảnh khó khăn khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là khát vọng với nghề y và nỗ lực vươn lên. Lê Thanh Truyền (Quảng Ngãi) - sinh viên năm 2 Trường ĐH Y dược TP.HCM là một trong số đó.

Truyền lớn lên mà chưa hề biết mặt mẹ. Cha Truyền mất cách đây vài năm vì bệnh tật khiến Truyền đau đáu nỗi niềm vào ngành y để chăm sóc sức khỏe cho người khác. Trước đây, cha Truyền luôn muốn bạn vào ngành y vì theo ông: “Y là ngành duy nhất trên thế gian có thể giúp cho người ta sinh ra thêm một lần nữa”.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình thiệt thòi hay thiếu may mắn khi sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh như vậy. Nhiều lần tôi nghĩ có khi như vậy mình lại may mắn, được tôi rèn bản lĩnh, ý chí vươn lên và biến khó khăn thành sức mạnh

LÊ THANH TRUYỀN

Còn một lý do canh cánh khác khiến Truyền thấy mình cần học hành đến nơi đến chốn, nỗ lực thật nhiều, đó là người em trai duy nhất của Truyền đang sống một mình ở quê không người thân thích, lại bị bệnh trầm cảm, ít nói, sợ giao tiếp.

“Tôi cần vượt lên khó khăn, lo cho bản thân và lo cho em” - Truyền nói.

Hai năm nay, Truyền tự bươn chải kiếm tiền từ tất cả các đầu việc làm thêm, được khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Với số tiền ít ỏi đó, Truyền trang trải học phí, sinh hoạt tại thành phố đắt đỏ này và gửi về quê nuôi em.

Nói lý do chọn y tế công cộng - ngành mà nhiều người nói không kiếm được nhiều tiền như đa khoa hay chuyên khoa, Truyền chia sẻ bạn hiểu việc chăm sóc ban đầu quan trọng cho sức khỏe người dân, cho sự phát triển của hệ thống y tế; y tế công cộng là khoa học và nghệ thuật phòng bệnh, kéo dài tuổi thọ và tăng cường sức khỏe thông qua những hiểu biết và cố gắng có tổ chức của xã hội.

“Đến giờ, càng học càng thấy hứng thú với sự lựa chọn của mình” - Truyền nói.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong, giảng viên khoa y tế dự phòng Trường ĐH Y dược TP.HCM, chia sẻ y là ngành “top” với điểm đầu vào cao nên các bạn vào được đã là sự nỗ lực về học tập.

“Với một người có hoàn cảnh bình thường đã phải nỗ lực nhiều mới theo đuổi được nghề, với người có hoàn cảnh khó khăn lại càng đáng quý hơn, bởi chương trình học nặng lại phải vất vả mưu sinh.

Tuy nhiên, nếu thành công, các bạn sẽ theo nghề rất tốt, dễ đồng cảm với những bệnh nhân có cùng hoàn cảnh, hướng về người cùng cảnh ngộ. Đặc biệt, với y tế dự phòng - y tế công cộng, các bạn càng tiếp xúc nhiều hơn, dấn thân xoa dịu nỗi đau cho mọi người” - BS Phong nói.

Khó mấy cũng theo ngành y

Nhiều bạn được nhận học bổng lần này cho biết “nhất nhất” trong lòng các bạn là khát khao vào ngành y, khó mấy trong cuộc sống cũng quyết vào. Bức tường nhà Hoàng Thị Kim Quy (TP.HCM) - sinh viên năm 1 Trường cao đẳng Viễn Đông - treo rất nhiều giấy khen của bốn chị em.

Mẹ Quy kể nhà nghèo nhưng có phước nhờ mấy đứa con hiếu học, đứa nào cũng chăm. Bốn người con càng lớn, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, trong khi nguồn thu nhập chính của cha mẹ Quy từ nhận hàng may gia công không đều đặn.

Cả nhà ở nhờ nhà bà nội tại quận Bình Tân. Gia đình Quy sáu người ở vỏn vẹn trong phòng khách chưa đầy 14m2, vừa là nơi đặt bốn máy may công nghiệp và một máy vắt sổ, vừa là nơi gia đình sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ.

Chặng đường xa, mỗi ngày Quy đi ba tuyến xe buýt mới đến trường, hành trang ngoài sách vở là mì gói hay cơm chiên để đỡ tốn chi phí cho gia đình. Quy nói càng khó khăn càng quyết tâm đi theo ngành y.

Tranh thủ thời gian rảnh, Quy phụ giúp cha mẹ kiếm thêm tiền. Như tết vừa rồi, Quy trực tổng đài điện thoại, bốn ngày được 700.000 đồng.

“Khó khăn hiện tại chỉ là nhất thời của cuộc sống. Vào nghề, nhất là nghề khó như nghề y, đòi hỏi còn nỗ lực nhiều hơn nữa” - Quy nói.

Bạn Phan Thị Lan Chi, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nung nấu học ngành y vì mẹ bị bệnh quanh năm suốt tháng, không làm được việc nặng, em trai mất năm 2 tuổi do bị dừa rụng xuống đầu, bà ngoại bệnh, chỉ còn một quả thận.

“Với lịch học dày, ôn thi liên tục, thực tập lâm sàng chiếm hầu hết thời gian, mình vẫn cố gắng sắp xếp làm gia sư để phụ giúp cha mẹ, đi đến cuối con đường đã chọn” - Lan Chi cho biết.

Còn Đặng Thị Liễu Trinh (năm 3 Trường ĐH Y dược TP.HCM) quê ở Nhơn Phú, An Nhơn, Bình Định là vùng trung tâm lũ vừa qua. Cả nhà Trinh dựa vào 5 sào ruộng, lũ quét sạch mọi thứ đồ đạc trong nhà, lúa, bắp, heo, gà và gian bếp sập, xem như cả nhà mất trắng.

“Mẹ bị bệnh tim từ năm tôi học lớp 8, nhìn xung quanh bà con hàng xóm do làm nông vất vả mà nhìn đâu cũng thấy bệnh tật, có người bệnh hiểm nghèo không tiền chữa trị mà chết càng làm động lực, tôi suy nghĩ nghiêm túc về nghề y và quyết tâm theo” - Trinh khẳng định.

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên