03/07/2005 08:30 GMT+7

Cái xẻng & chàng tiến sĩ

TRẦN NGUYÊN
TRẦN NGUYÊN

TTCN - Một ngày cuối tháng sáu, tôi gặp người đàn ông được gọi đùa là “kẻ đào đất đẳng cấp quốc tế”. Thú vị, bởi anh là nhà sinh vật học VN đầu tiên nhận giải thưởng của Bộ Hợp tác phát triển Bỉ vào cuối tháng năm vừa qua.

3vW2G7g8.jpgPhóng to
Với anh, khoa học là những ngày dài rong ruổi trong rừng sâu...
TTCN - Một ngày cuối tháng sáu, tôi gặp người đàn ông được gọi đùa là “kẻ đào đất đẳng cấp quốc tế”. Thú vị, bởi anh là nhà sinh vật học VN đầu tiên nhận giải thưởng của Bộ Hợp tác phát triển Bỉ vào cuối tháng năm vừa qua.

Câu chuyện với tiến sĩ trẻ Phan Kế Long chỉ xoay quanh có cái xẻng, đất rừng và những con tuyến trùng bé xíu xiu...

“Cứ tính như thế này nhé, mỗi ngày tôi vào rừng, càng sâu càng tốt, đào xới gì đấy để có thể gom góp được từ 30-50kg đất thì trời vừa sụp tối. Phải tranh thủ cõng đất về lán trại trước khi lạc đường. Sau đó, xoay trần ra phân loại đất, đóng gói và cất vào một góc. Hôm sau lại tiếp tục vác xẻng lên đường và cầu mong trời đừng mưa... Một tuần lê la như thế thì mang về được khoảng 200kg đất làm vốn nghiên cứu. Đến khi... cụt vốn thì tiếp tục đi đào, thế thôi”.

Tiến sĩ Phan Kế Long kể về khoảng thời gian làm nghiên cứu khoa học của mình. Cứ miệt mài với những chuyến đi, nằm rừng, đào đất và mang về “soi” trong phòng thí nghiệm trong suốt tám năm trời, từ một cán bộ chỉ tham gia phụ giúp các bậc đàn anh trong viện, Phan Kế Long hoàn thành luận văn thạc sĩ, rồi tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Gent của Bỉ và sau đó bất ngờ được nhận giải thưởng “Hợp tác phát triển” của Bộ Hợp tác phát triển Bỉ với công trình nghiên cứu “Đa dạng sinh học của tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng ở VN và khả năng phòng trừ sinh học của chúng”.

Tám năm, Long và các đồng nghiệp của anh đã nghiên cứu 910 mẫu đất của 25 tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước và tìm ra 44 chủng của tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng, nhờ đó tìm ra biện pháp diệt các loài sâu có hại, bảo vệ cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu thường gây độc hại đến môi trường và con người.

L2N8VoGO.jpgPhóng to
TS Phan Kế Long hiện công tác tại tổ sinh học phân tử, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam.

Giải thưởng "Hợp tác phát triển" của Bộ Hợp tác phát triển Bỉ được lập ra năm 1998 nhằm khuyến khích các nhà khoa học trẻ và sinh viên các trường đại học, đặc biệt tại các nước đang phát triển, nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống.

Đơn giản, tự tin và rất thoải mái, thậm chí có phần bình dân, đó là những gì mà nhà khoa học 33 tuổi này hiện ra trước mắt người đối diện. Bề ngoài anh giống một... vận động viên hơn là một nhà khoa học: tướng tá rất “xì po”, hơi nghệ sĩ một chút và lủng lẳng trên tường nhà là huy chương bóng bàn các cấp. Anh vừa trở về từ Bỉ và đang chăm sóc cho những... con tuyến trùng của mình sau mấy ngày xa cách. “Nghĩ cũng vui, tôi sang Nhật cả nửa năm trời mà vẫn chưa biết thế nào là Tokyo, vì suốt ngày cứ phải lo cho mấy con tuyến trùng bé xíu không nhìn thấy được bằng mắt thường này. Bỏ lơi một chút là hỏng ngay...”.

Điều duy nhất mà chàng trai gốc Hà thành tỏ ra tự hào là kinh nghiệm về những chuyến đi rừng của mình, từ việc chuẩn bị thuốc đến cách mang vác đất đi xuyên rừng. Với anh, cái xẻng chính là người bạn trong những chuyến đào đất đặc biệt này...

Anh cười và bảo chẳng có một câu chuyện lãng mạn nào dẫn anh đến với khoa học cả, chỉ là những chuyến lẽo tẽo theo cha mẹ đi thực địa khi còn là một cậu nhóc rồi thành thói quen. Là “con nhà nòi” với bố mẹ đều là giáo sư sinh vật học nên Long muốn tìm cho mình một hướng đi riêng nào đó có thể dẫn mình đến một mảnh đất mới trong khoa học. Bắt đầu từ năm 1994, khi về viện, anh tham gia nhóm nghiên cứu về tuyến trùng ký sinh trên cây chuối.

Từ đó, anh đâm ra thích việc tìm kiếm loài giun tròn có nhiều trong đất nhưng chẳng mấy ai biết này. Nhưng lý do chính để anh thành công trong việc bảo vệ luận văn tiến sĩ cũng như thuyết phục được hội đồng xét duyệt giải thưởng là ở tính khả thi của công trình này. Ngoài việc xác định được một loài tuyến trùng có độc tính cao đối với sâu hại thì điểm chính yếu là khả năng thương mại hóa của công trình, vì nó được nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng.

Việc ứng dụng của công trình đoạt giải này đã được triển khai trên những cánh đồng mía ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa để diệt sâu đục thân trong thân mía và bọ hung. Kết quả khả quan, nhưng sau một thời gian công trình đành tạm... gián đoạn vì hết tiền. Giọng anh chùng xuống khi đề cập đến chuyện tiền. “Bây giờ cách nhân giống tuyến trùng trong phòng thí nghiệm như hiện nay kinh phí quá cao. Muốn có những sản phẩm giá rẻ thì phải đầu tư thiết bị sản xuất hàng loạt, mà chi phí ban đầu lại quá lớn. Bây giờ để làm việc này chỉ có cách mở công ty hoặc xin dự án triển khai của Nhà nước. Nhưng cũng khó...”.

Có lẽ thấy “chưa có đường ra”, anh lên đường sang Nhật để tu nghiệp. Giải thích lý do sang Nhật, Long bảo: “Hiện nay, hàng trăm hecta rừng thông của Nhật bị tàn phá bởi loài tuyến trùng ký sinh Bursaphelenchus xilophilus. Loài tuyến trùng này di chuyển từ cây này sang cây khác nhờ một loài xén tóc.

Việc tiêu diệt xén tóc để ngăn ngừa sự phát tán của bệnh là một trong những nghiên cứu cần thiết. Tuy nhiên việc phòng trừ xén tóc rất khó khăn vì chúng sống sâu bên trong cây bệnh nên rất khó tiêu diệt bằng thuốc hóa học, ngoài ra các thuốc hóa học có thể gây bệnh cho con người và động vật.

Căn bệnh này hiện đang xảy ra ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha và vì thế khả năng xảy ra ở VN cũng khá cao. Ở Trường đại học Kyoto, đã có nhiều nghiên cứu về loài tuyến trùng này cũng như các phương pháp phòng trừ loài xén tóc bằng các biện pháp sinh học. Ở đây, chúng tôi nghiên cứu ứng dụng tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng trong việc phòng trừ loài xén tóc và hoàn toàn có khả năng áp dụng được ở VN...”.

Nói chuyện về những cây thông, tôi chợt nhớ ra trên bàn làm việc của anh cũng có một cây thông be bé. Giống thông ba lá đặc trưng của vùng cao VN với sức vươn mạnh mẽ đã đi vào văn học với cái tên xà nu. Anh cười buồn buồn: “Đi nhiều một chút mới thấy giới khoa học của mình về khả năng không thua gì thế giới cả, chỉ có khoảng cách khá xa về điều kiện nghiên cứu mà thôi...”. Cuộc nói chuyện kết thúc, vẫn còn đọng lại nguyên vẹn cái khát vọng triển khai dự án chống sâu bệnh bằng phương pháp sinh học để bảo vệ môi trường và cho ra sản phẩm sạch ở VN của anh. “Nhất định năm sau mình về sẽ triển khai. Nhất định...”.

TRẦN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên