![]() |
Nhũ đá - nét hấp dẫn nhất của hang động rồi sẽ bị tẩy rửa bằng hóa chất? - Ảnh: L.Giang |
Trước Tết Nguyên đán Canh Dần, vườn cũng đã thực hiện thí điểm dự án giới hạn lối đi dành cho khách du lịch tại khu vực hang Bi Ký, động Phong Nha. Hai hàng rào bằng cọc inox sáng loáng cao đến gần vai người lớn được dựng lên, giăng những đoạn dây thừng sơn xanh trắng buộc người tham quan phải đi trong khuôn khổ.
Thí điểm này bị du khách phản ứng kịch liệt vì đã làm cảnh quan của động Phong Nha bị phá vỡ, người tham quan bị gò bó và khi chụp ảnh lưu niệm thì luôn hiện phía sau một dãy hàng rào trông phản cảm. Trước phản ứng của nhiều người, hàng rào thí điểm được tháo dỡ tạm thời để vườn... có phương án mới.
Những hạng mục gây nghi ngại
Và một phương án khá "toàn diện" đã được vườn đề nghị UBND tỉnh xem xét cho thực hiện. Theo phương án, có một số hạng mục dự kiến được nâng cấp và cải tạo, như làm cầu treo từ hangTiên đến hang Bi Ký (cuối động) trong động Phong Nha. Cầu làm bằng chất liệu gỗ hoặc nhựa theo dạng công sơn, gắn vào vách động phía bên trái (khi đi trở ra).
Theo kế hoạch, làm cầu là để giải quyết vấn đề ùn tắc, chen lấn tại hang Bi Ký trong mùa cao điểm, tạo sự an toàn và cảm giác hứng khởi cho du khách, giảm nạn ô nhiễm xăng dầu trong động do thuyền máy gây ra... Du khách sau khi đi thuyền vào đến hang Bi Ký, thay vì đi thuyền trở ngược ra để tới hang Tiên như hiện nay thì đi ra bằng cầu treo. Còn thuyền sẽ quay trở ra cửa động, không còn đậu chờ khách trước hang nữa.
Ông Lưu Minh Thành, giám đốc vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: “Phương án này được vườn khởi thảo và đệ trình tỉnh xem xét cho thực hiện sau khi cùng với đoàn công tác của tỉnh tham quan một số hang động ở vườn quốc gia Mulu (Malaysia). Nhưng hiện nay vườn chưa có đề án nghiên cứu khả thi cụ thể, chi tiết nào (kèm với phương án chung đã trình UBND tỉnh) về các hạng mục cải tạo, nâng cấp hang động, mà chỉ mới có duy nhất phương án đã trình đó thôi”. Ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Bình: “Tôi đã đi tham quan một số hang động trên thế giới và thấy người ta rất ít tác động đến tự nhiên của hang động. Theo tôi, muốn làm gì hang động cũng phải có tư vấn khoa học một cách đầy đủ, chứ không phải muốn là làm được”. Ông Phạm Ngọc Hiên, phó chủ tịch Hội Địa chất Quảng Bình: “Không nên làm cầu treo trong động Phong Nha. Vì ngoài làm thay đổi cảnh quan của hang động, trong quá trình làm cầu phải dùng các biện pháp thi công như đóng cọc, khoan lỗ vào đá, đóng đinh, cưa xẻ... sẽ có tác động đến địa chất. Bởi nhất định trong hệ thống hang động đã có sẵn các vết nứt gãy, khi bị tác động sẽ gây ra sự đổ sập. Đã là di sản thiên nhiên thì phải để tự nhiên, nếu không quá cần thiết thì không nên tác động vào”. |
Hạng mục thứ hai là cải tạo lối đi lại trong hang động bằng sàn gỗ hoặc bằng nhựa tổng hợp, lắp đặt hệ thống lan can bằng sợi dây thừng với cọc gỗ hoặc dây bạt với cọc inox. Mục đích của việc này là nhằm giới hạn các điểm dừng chân ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm, nghe thuyết minh tại một vài điểm (thay vì tự do thoải mái như hiện nay). Giải pháp này nhằm hạn chế du khách xâm hại thạch nhũ, phá hỏng nền động, dễ kiểm soát du khách.
Một hạng mục quan trọng khác được trình trong phương án là bảo dưỡng, làm vệ sinh hang động, chú trọng xử lý các loại vi khuẩn gây bệnh trong hang động, làm sạch thạch nhũ, vách động... Theo đó, các loại hóa chất phù hợp sẽ được dùng để chùi rửa các vết bẩn do du khách để lại và các loại địa y, rêu tảo bám trên bề mặt thạch nhũ, vách đá. Nếu phương án "chùi rửa" này được tỉnh chấp nhận, vườn sẽ "có kế hoạch bảo dưỡng, tu bổ hằng năm", nhằm "bảo dưỡng hệ thống thạch nhũ và môi trường trong hang động. Ðồng thời tạo kỹ năng cho nhân viên của vườn về bảo vệ, giữ gìn cảnh quan và có kinh nghiệm về quản lý, xử lý rác thải"!
Kế hoạch thực thi mà vườn đề ra tại phương án trên là trong tháng 3 lắp đặt các lối đi có rào chắn bằng dây thừng, xây dựng hệ thống lối đi mới trong hai động. Từ đó tiếp tục thực hiện các hạng mục khác trong năm 2010.
Làm mất cảnh quan tự nhiên
Mặc dù vườn nêu rõ nguyên tắc của phương án là "tôn trọng các quy luật của tự nhiên, không phá vỡ, xâm hại đến cảnh quan hang động, ít tác động đến môi trường..." nhưng những mục tiêu và nguyên tắc như vậy thật khó đạt được, thậm chí còn làm xấu di sản quý giá này của thế giới.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, làm cầu trong động chỉ có ba cách, là khoan hoặc đục lỗ vào vách đá để chôn bulông và giá đỡ giàn cầu, hoặc đóng cọc xuống lòng sông ngầm trong động làm trụ cầu, hoặc khoan lỗ lên trần động rồi mắc dây treo... lơ lửng cầu.
Phân tích dự án, ông Nguyễn Văn Lợi, chủ tịch Hội Di sản văn hóa Quảng Bình, nói: "Với một chiếc cầu treo dài khoảng 500m, lại tạo dựng theo kiểu đeo vào vách đá vốn có nhiều điểm gãy khúc, nó sẽ ảnh hưởng toàn bộ cảnh quan tự nhiên của động Phong Nha. Thử hỏi có mấy ai vào động (sau khi đã bỏ ra 50.000 đồng mua vé) lại thích cứ bị "đập" vào mắt chiếc cầu treo lồ lộ như thế. Khi đóng cầu vào vách động (khoan lỗ, đóng đinh...), chắc chắn sẽ tác động đến kết cấu của hệ thống thạch nhũ đã có hàng trăm triệu năm tuổi. Có hay không một sự đổ vỡ, lở, trượt xảy ra cho hang động?
Với mục đích điều tiết lượng du khách quá đông vào lúc cao điểm (2.000-3.000 lượt/ngày) thì phương án cầu treo này không cần thiết. Vì mỗi năm chỉ có 3-5 ngày cao điểm như vậy vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4 và 1-5 mà thôi. Chỉ cần Trung tâm Du lịch văn hóa, sinh thái Phong Nha có kế hoạch điều tiết hợp lý việc vào - ra là được". Ông Lợi còn cho biết việc giảm ô nhiễm xăng dầu trong động do thuyền đưa khách gây ra cũng không cần thiết, vì lâu nay từ cửa động vào đến hang Bi Ký người ta đã không cho nổ máy thuyền.
Phương án dùng hóa chất tẩy rửa vết bẩn, diệt các loại địa y, rêu tảo bám trên bề mặt thạch nhũ, vách đá làm nhiều người nghi ngại. Vì loại hóa chất nào do con người tạo ra khi đưa vào thiên nhiên cũng sẽ để lại tác hại. Khi diệt hết các loại thực vật trên liệu có tác động nào xấu đến địa chất, môi sinh của hang động? Hoặc có cần thiết phải diệt hết các loại tảo, địa y, rêu trong động? Với các vết bẩn này chỉ nên phun nước rửa là đủ, sẽ giữ được ở mức tối đa các yếu tố tự nhiên của môi sinh.
Mọi tác động đến thiên nhiên, lại là thiên nhiên của một di sản thế giới và là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt của VN, phải hết sức thận trọng và cần có cơ sở khoa học. Mất tự nhiên đồng nghĩa với mất di sản, mất khách du lịch.
Du khách tham quan hang động vì vẻ đẹp tự nhiên Tất cả giải pháp đều gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường tự nhiên của hang. Nếu chỉ để giải quyết vấn đề ùn tắc cục bộ theo mùa, vấn đề thuận lợi và an toàn cho khách thì ban quản lý đang chạy theo lợi nhuận và doanh thu chứ không hề để ý đến việc bảo tồn di sản một cách bền vững vì: - Du khách đến tham quan động vì sự hùng vĩ và vẻ đẹp tự nhiên mà chính tự nhiên tạo ra nó chứ không phải đến để xem người ta gán cho nó một sự giả tạo. - Di sản thiên nhiên thế giới không phải là danh hiệu được cấp vĩnh viễn nên Phong Nha - Kẻ Bàng rất cần được bảo vệ và gìn giữ tốt. Ban dự án có nghĩ rằng các kiến trúc sư tham gia việc cải tạo tự nhiên có thể giỏi hơn, hay hợp lý hơn tự nhiên hay không? Bởi thiết nghĩ tạo hóa đã tạo ra những địa hình bằng phẳng gồ ghề hay sắc nhọn, các đỉnh, chóp, thác nước... đều đã hợp theo quy luật tự nhiên.
Tôi đã đi Ba Bể - Bắc Kạn, nơi có một hang động rất đẹp là hang động ở khu vực Chợ Lèng (hang Cổng Trời). Khi chúng tôi vào khảo sát, lúc đó hang thật sự đẹp, ngoài gần cửa hang còn có một di chỉ khảo cổ mà chính tay tôi bới được một số mảnh gốm sứ cổ. Sau khi khảo sát, chúng tôi có đề xuất biến hang động này thành hang du lịch vì hang có hệ thống nhũ đá rất đẹp. Sau một thời gian quay lại, hang đã được đổi tên và được khai thác làm du lịch thật nhưng chúng tôi không thể nhận ra nó nữa vì rất nhiều vị trí trong hang đã bị thay đổi. Với hệ thống bậc lên xuống bằng bêtông, cảnh quan và hình thái của hang không còn như trước và bị phá hủy một cách nghiêm trọng không thể phục hồi được. |
=====================================================================
Ý kiến bạn đọc
* Động Phong Nha đẹp và nổi tiếng, hấp dẫn nhiều du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên, kỳ vĩ do tạo hóa ban tặng. Tôi đã có dịp viếng thăm và cũng đã lâu rồi, tôi thật sự ấn tượng về vẻ đẹp rất thiên nhiên và kỳ bí này, tôi tự hẹn một ngày nào đó sẽ dành nhiều thời gian ghé thăm để chiêm ngưỡng lại.
Lâu nay qua thông tin đại chúng, tôi nghe nói đến rất nhiều về sự quan tâm bảo quản của các ngành, các cấp đến di sản này cũng như đã phát hiện thêm nhiều hang động mới trong tổng quần thể, điều này càng thấy sự quý giá của Phong Nha - Kẻ Bàng mà nhiều người trên thế giới lưu tâm. Tuy nhiên, nếu quan tâm mà làm thay đổi cái nét đẹp tự nhiên và hùng vĩ này thì thật không nên làm, tốn tiền của của nhân dân...
Rất mong các nhà quản lý lưu tâm, bởi quyết định cải tạo này chỉ vì mục tiêu khai thác trước mắt có thể là sai lầm vô cùng lớn đối với công tác bảo quản di sản thiên nhiên.
* Tôi đã đi tham quan nhiều nơi được xem là cuốn hút nhờ vẻ đẹp tự nhiên, nhưng thật sự tôi thấy ở Phong Nha - Kẻ Bàng không còn tự nhiên nữa, bị xâm phạm không hợp lý, làm cầu thang, đặt mấy pho tượng, xây thêm mấy căn chòi... chẳng đâu vào đâu cả!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận