Phóng to |
Chân dung tự họa |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Bức tranh đó được vẽ năm tác giả 64 tuổi, tên là Nét đẹp tuổi 70. Hỏi bà rằng phụ nữ ở lứa tuổi này đẹp như thế nào, bà trả lời: "Tôi thấy đẹp thì tôi vẽ. Trẻ có cái đẹp của trẻ, già có cái đẹp của già. Cũng như nhiều người hỏi tôi tại sao vẽ hoa tàn, vì tôi thấy nó đẹp".
Đơn giản là thế, nhưng với người xem thì tranh của bà không đơn giản. Một ví dụ điển hình là những tranh cãi xung quanh bức tranh Hòa hợp vẽ một phụ nữ khỏa thân mềm mại nằm nghiêng trên bờ nước dưới ánh trăng. Có người nói: xưa nay người ta chỉ cho phụ nữ đối thoại với hoa, bà ấy lại cho phụ nữ đối thoại với trời đất. Người khác nhận xét: bà này gớm lắm, bà ấy vẽ người quay lưng lại với đời. Có người nói: tôi thương chị Kim Bạch quá, tranh chị ấy cô đơn, lạnh lẽo. Trước những ý kiến khác nhau, bà bảo: "Buồn hay vui đó là cái nhìn, cảm nhận, tâm trạng của người xem chứ không phải của người vẽ”.
Phóng to |
Nét đẹp tuổi 70 |
Không dễ gặp nữ họa sĩ này, không phải vì bà khó gần mà vì cách sống của bà vốn lặng lẽ, lặng lẽ hơn cái tên Kim Bạch sở hữu giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, lặng hơn cái tên mà hễ nhắc đến là có nhiều họa sĩ thành danh khoanh tay cúi đầu tỏ rõ sự kính trọng của học trò dành cho cái tài và cái tâm của người đã từng là cô giáo của mình.
Người viết rất nhớ cái thang gác ọp ẹp dẫn lên căn phòng nhỏ nơi bà sống ở Hà Nội. Căn phòng cũ kỹ chỉ rộng 20m2 vừa là chỗ ngủ, vẽ, tiếp khách, còn tranh chồng chất khắp nơi. Hỏi bà vẽ tranh vào lúc nào, bà bảo: "Thích thì vẽ, không cố định. Lúc nào rỗi thì tôi vẽ. Một ngày còn có bao nhiêu việc phải làm, đi chợ, nấu cơm, đi dạy, đọc truyện, xem phim, gặp bạn bè...". Kết quả của những lúc "thích thì vẽ” ấy là ba triển lãm cá nhân, kể cả triển lãm lần này là bốn. So với nhiều họa sĩ khác, bốn triển lãm là con số ít ỏi. Nhưng với bà, chỉ một lần "trình làng" là đủ. Bà vẽ tranh là để cho chính mình.
Bà đồng ý triển lãm lần thứ tư ở Hà Nội vì được bạn bè, học trò động viên sau lời mời từ Bảo tàng Mỹ thuật. Trong sổ ghi cảm tưởng của triển lãm có mấy dòng viết tay của nhà văn, nhà báo Trần Thị Trường: "Em là học trò nhỏ thường đứng ngoài hành lang lớp cô giảng bài từ những năm 1970, ngưỡng mộ cô từ cách dạy, lối sống giản dị đến những đường nét, màu sắc, bố cục tác phẩm của cô. Cho đến bây giờ, sau một thời gian dài chiêm ngẫm ở đời, mở mắt nhìn thế giới, nhìn sâu vào tâm trí bản thân và đã trở thành nhà văn, em thấy cô vẫn là người thầy đáng ngưỡng mộ của em. Tranh của cô thật đẹp... Cô là người trả nghĩa nền hội họa Nga hay nhất vì cô đã tạo ra cái mới từ nền hội họa ấy, song không còn thấy mấy những dấu vết của họ. Cô tạo ra hội họa của chính cô”.
Triển lãm của nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch đến ngày 25-8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận