24/12/2008 14:30 GMT+7

Cách thức chứng minh người phụ thuộc

Theo ÁI PHƯƠNG - Pháp Luật TP.HCM
Theo ÁI PHƯƠNG - Pháp Luật TP.HCM

Chỉ giảm trừ cho người phụ thuộc đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương và kinh doanh của các cá nhân. Rất nhiều người muốn kê khai đầy đủ số người phụ thuộc để được giảm trừ. Trên số báo này, chúng tôi xin hướng dẫn cách thức chứng minh người phụ thuộc.

0kz8jOhD.jpgPhóng to
Nếu người phụ thuộc là sinh viên như thế này, việc chứng minh đòi hỏi bản sao thẻ sinh viên hoặc giấy tờ khác chứng minh đang theo học - Ảnh: HTD
Chỉ giảm trừ cho người phụ thuộc đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương và kinh doanh của các cá nhân. Rất nhiều người muốn kê khai đầy đủ số người phụ thuộc để được giảm trừ. Trên số báo này, chúng tôi xin hướng dẫn cách thức chứng minh người phụ thuộc.

1. Con

- Con dưới 18 tuổi: người nộp thuế cần có bản sao giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu.

- Con trên 18 tuổi bị tàn tật: bản sao của cơ quan y tế cấp huyện trở lên hoặc bản khai có xác nhận của UBND cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.

- Con đang theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề (trong nước, nước ngoài): bản sao thẻ sinh viên hoặc bản khai có xác nhận của nhà trường hoặc giấy tờ khác chứng minh đang theo học.

- Con nuôi, con ngoài giá thú: bản sao quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan thẩm quyền.

2. Vợ/chồng, cha mẹ, anh chị em ruột

- Đối với những người đã hết tuổi lao động: cần có một trong các giấy tờ như bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ liên quan khác để xác định rõ mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế. Ví dụ: bản sao giấy chứng nhận kết hôn (vợ/chồng), bản sao giấy khai sinh (cha mẹ)...

- Đối với người trong độ tuổi lao động: ngoài các giấy tờ trên cần có thêm bản sao xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên hoặc bản khai có xác nhận của UBND cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.

3. Ông, bà nội/ngoại, cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột

Người nộp thuế cần có các giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế (bản sao sổ hộ khẩu nếu có cùng sổ hộ khẩu, bản sao giấy khai sinh...). Ngoài ra, hồ sơ cần có thêm bản tự khai có xác nhận của UBND cấp xã nơi đối tượng nộp thuế cư trú về trách nhiệm nuôi dưỡng của người nộp thuế với người phụ thuộc.

Trường hợp người phụ thuộc trong độ tuổi lao động thì ngoài giấy tờ nêu trên, cần có thêm bản sao xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên hoặc bản khai có xác nhận của UBND cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.

Đối với các giấy tờ trên, nếu là bản sao thì cần có chứng thực của UBND cấp xã, nếu là bản phôtô thì người nộp thuế cần xuất trình bản chính để cơ quan thuế đối chiếu.

Riêng bản tự khai về trách nhiệm nuôi dưỡng (chỉ yêu cầu đối với trường hợp người phụ thuộc là ông bà, cậu, dì...) cần có các nội dung chính như mối quan hệ với người nộp thuế, cam kết người phụ thuộc không nơi nương tựa, không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá 500 ngàn đồng/tháng và người nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng.

Cũng xin lưu ý: Thông tư 84 không bắt buộc người phụ thuộc phải sống chung với đối tượng nộp thuế. Ví dụ, ông A sống ở phường X nuôi ông ngoại ở xã Y (cùng thuộc TP.HCM), nếu bản tự khai về trách nhiệm nuôi dưỡng ông ngoại của ông A được phường X xác nhận thì cơ quan thuế sẽ xét ông ngoại của ông A là người phụ thuộc.

Hồ sơ chứng minh cho một người phụ thuộc chỉ cần nộp một lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ, kể cả khi người nộp thuế thay đổi nơi làm việc, thay đổi nơi kinh doanh.

Giả sử ông A vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì việc tạm giảm trừ gia cảnh vào loại thu nhập nào là do ông A lựa chọn và đăng ký. Trường hợp có nhiều người phụ thuộc nhưng kê khai tạm giảm trừ không hết vào một loại thu nhập thì được tạm giảm trừ vào cả hai loại thu nhập.

Cần thống nhất cách xác nhận của phường

Đối với những người phụ thuộc là ông bà, dì, cháu ruột..., nếu việc xác nhận của UBND phường về trách nhiệm nuôi dưỡng tương đối dễ dàng trong trường hợp họ sống chung với người nộp thuế thì lại có vẻ khó khăn trong trường hợp hai bên có hai nơi cư trú khác nhau.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Y Nhã, Chủ tịch UBND phường 12, quận Bình Thạnh, cho biết: “Nếu dân có nhu cầu thì chúng tôi chỉ có thể xác nhận chữ ký chứ không xác nhận nội dung đơn. Thử hỏi người nộp thuế ở một nơi, người được nuôi dưỡng ở một nơi, chúng tôi đâu có điều kiện xác minh mà dám xác nhận nội dung”. Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND phường 15, quận 8, cũng cho biết: “Giả sử ông A (ở phường 15) đang nuôi ông ngoại (ở xã Y), nếu A muốn chúng tôi xác nhận trách nhiệm nuôi dưỡng của mình thì A phải nộp cho chúng tôi đơn cam kết của người ông có chứng thực chữ ký của UBND xã Y (về việc đang được A trực tiếp nuôi dưỡng)”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Yểng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 6, TP.HCM thì “Nếu UBND cấp xã chỉ đơn thuần xác nhận chữ ký, cơ quan thuế không có cơ sở để xét giảm trừ cho người phụ thuộc”. Ông Dương Anh Minh, Phó phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM, cũng lưu ý: Theo hướng dẫn của Thông tư 84, bản tự khai về trách nhiệm nuôi dưỡng của người nộp thuế đối với người phụ thuộc phải được UBND xã xác nhận về mặt nội dung. Như khi ông A đang nuôi ông ngoại thì UBND cấp xã phải xác nhận rõ: “Xác nhận ông A đang trực tiếp nuôi dưỡng ông ngoại là B”.

Theo ÁI PHƯƠNG - Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên