23/07/2016 00:05 GMT+7

Cách sơ cứu khi bị bong gân

THS.BS VÕ CHÂU DUYÊN, (Phó khoa Chấn Thương Chỉnh Hình Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương)
THS.BS VÕ CHÂU DUYÊN, (Phó khoa Chấn Thương Chỉnh Hình Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương)

TT - Cách sơ cứu chấn thương là một vấn đề rất cần được người chơi thể thao lưu ý. Bác sĩ Võ Châu Duyên (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) chia sẻ một số kinh nghiệm cần biết về cách sơ cứu khi bị bong gân:

*** Error ***
Một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp được bác sĩ sơ cứu chấn thương - Ảnh: N.K.

“Chấn thương do thể thao thường gặp nhất là bong gân, đôi khi có thể gặp các tổn thương nặng hơn như gãy xương, trật khớp, đứt hoặc rách các gân cơ quanh khớp.

Bong gân là tổn thương các dây chằng giữ vững khớp và được chia làm 3 mức độ: Bong gân độ 1 khi dây chằng bị rách một phần nhỏ, thường hồi phục sớm trong khoảng một tuần. Bong gân độ 2 khi dây chằng bị rách nhiều hơn, cần 2 - 3 tháng để hồi phục. Bong gân độ 3 là đứt hoàn toàn dây chằng, có thể gây lỏng lẻo khớp hoặc trật khớp và cần phải có sự can thiệp y tế tích cực mới có thể tiếp tục các hoạt động thể thao sau này.

Để nhận định và xử trí chính xác tình trạng chấn thương, bạn cần phải có sự đánh giá của các bác sĩ chuyên về chấn thương chỉnh hình và y học thể thao. Trước khi gặp được bác sĩ, bạn nên thực hiện một số thao tác sau:

1. Ngưng chơi thể thao hoặc tối thiểu là ngưng các hoạt động vùng khớp bị tổn thương. Đôi khi cần phải dùng nẹp cố định nếu khớp bị lỏng lẻo hoặc đau nhiều.

2. Làm lạnh vùng chi bị tổn thương, có thể dùng các bình xịt tạo lạnh hoặc chườm nước đá. Nên đắp khăn mỏng lên vùng tổn thương khi chườm đá, thời gian chườm đá khoảng 10 - 20 phút mỗi lần và có thể chườm đá tiếp tục sau 30 phút. Việc chườm lạnh sớm giúp làm dịu cơn đau và giảm sưng nề vùng chi bị chấn thương.

3. Băng ép nơi chấn thương. Có thể dùng các loại băng co giãn bản rộng quấn vòng quanh vùng tổn thương, các mép băng chồng lên nhau khoảng 1/2 đến 2/3 bề dày của băng. Băng ép với lực vừa đủ giúp hạn chế sưng nề thêm, không nên băng quá chặt sẽ hạn chế lưu thông máu và làm sưng nề vùng chi ở dưới nơi tổn thương.

4. Kê cao vùng chi bị tổn thương. Đối với các chấn thương ở tay có thể dùng băng treo tay, đối với các chấn thương ở chân nên nằm nghỉ và kê chân cao bằng gối mềm.

Việc xử trí sớm và đúng cách khi bị chấn thương có thể giúp bạn giảm đau đớn, hạn chế các tổn thương thêm và tạo thuận lợi cho các can thiệp tiếp theo nhằm giúp bạn có thể tiếp tục các hoạt động thể thao sau này”.

THS.BS VÕ CHÂU DUYÊN, (Phó khoa Chấn Thương Chỉnh Hình Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên