12/09/2007 01:15 GMT+7

Cách nào điều trị khỏi viêm tai xương chũm?

(Thanh Hải, P.7, thị xã Bạc Liêu)
(Thanh Hải, P.7, thị xã Bạc Liêu)

TT - Tôi bị bệnh viêm tai xương chũm, thủng màng nhĩ từ lâu và đã mổ năm 1991. Từ khi mổ đến nay vẫn không hết bệnh, mủ vẫn chảy ra thường xuyên.Gần đây tôi bị đau nhức ở trong và nửa bên đầu nhiều hơn trước. Xin hỏi có cách nào điều trị khỏi bệnh, điều trị ở đâu, chi phí bao nhiêu và nếu mổ lại có hết bệnh không?

- Bác sĩ Lê Huỳnh Mai - Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM:

Bệnh của bạn là viêm tai xương chũm mãn tính tái phát. Có thể năm 1991 bạn đã được mổ tai nhưng không vá màng nhĩ. Do đó hố mổ vẫn thông với môi trường bên ngoài khiến các tác nhân như bụi, nước lọt vào gây ra nhiễm trùng, viêm xương chũm lại và chảy mủ. Bạn cần đi khám và làm thêm một số xét nghiệm như đo thính lực, nội soi tai, chụp CT scanner. Từ đó mới đánh giá được tình trạng bệnh và phương pháp điều trị. Nếu mổ tai, tùy theo tình trạng bệnh có nhiều cách mổ và tùy phương pháp mổ mà có chi phí khác nhau, trung bình 4-6 triệu đồng. Bạn nên đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM khám và điều trị.

Sỏi túi mật uống đông dược được không?

Tôi năm nay 55 tuổi, đi siêu âm phát hiện cách đây năm năm có sỏi túi mật, năm nào tôi cũng siêu âm thấy lớn hơn. Hiện tại cơ thể vẫn bình thường nhưng muốn biết sỏi ở túi mật để lâu có nguy hiểm không vì càng lâu sỏi càng lớn. Thầy thuốc có lời khuyên uống thuốc hay ăn gì để sỏi không lớn hoặc không nguy hiểm?

- Ông Hoàng Duy Tân, phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đồng Nai:

Nếu như thư chị viết "cơ thể vẫn bình thường" đó là điều may vì chưa có biến chứng. Biến chứng nặng nhất là sỏi kẹt ở ống túi mật, gây nên "cơn đau quặn mật" với những cơn đau quằn quại, phải nằm bó gối lại như "cò súng" mới thấy dễ chịu. Tuy nhiên đừng để đến lúc đau dữ dội mới điều trị mà ngay từ bây giờ chị có thể dùng một số loại thuốc đông dược (nếu chị không muốn dùng thuốc tây) để làm mềm, tan và tống sỏi ra ngoài. Hiện nay tại các nhà thuốc bán một số thuốc thành phẩm có nguồn gốc thảo dược như: Kim tiền thảo, Cametan. Sau một tháng cần kiểm tra lại để xem mức độ dung nạp thuốc thế nào, kích thước viên sỏi tăng giảm ra sao để điều chỉnh lượng thuốc uống hoặc thay thuốc cho phù hợp.

"Cái ấy" khác nhau, chẳng phải cha con?

Cháu là con trai 15 tuổi. Cháu rất khác anh và bố, vì một lần cháu đã thấy của quí của hai người. Của cháu thì "phì nhiêu" hơn của anh và bố. Vậy cháu có phải là con nuôi của bố cháu không?

- GS.TS Đỗ Trọng Hiếu, nguyên vụ trưởng Vụ Sức khỏe sinh sản, Bộ Y tế:

Về hình thái học, nếu nhìn bề ngoài và kể cả "cái ấy" đều không thể xác định một người là con nuôi hay con đẻ. Cháu có thể quan sát thấy có những người bố rất cao sinh con lại rất thấp hoặc ngược lại; có người bố mặt nhẵn thín như chùi, con trai lại có râu quai nón... Muốn xác định con nuôi - con đẻ chỉ có xét nghiệm ADN.

- Ông Lê Minh Công, phó khoa tâm lý lâm sàng, BV Tâm thần trung ương 2:

Thật là buồn và lo lắng khi bỗng nhiên một ngày nào đó ta cảm thấy lẻ loi vì có cái gì đó khang khác với người trong gia đình hay nhóm bạn mà ta đang tham gia hoặc thân thiết. Tuy nhiên, cái chuyện "thằng nhỏ” của cháu "phì nhiêu" hơn của bố và anh có một logic nào với chuyện cháu là con nuôi đâu nhỉ? Chú thấy 15 tuổi mà cháu phát triển như vậy là phải cảm ơn bố mẹ mình đã chăm sóc kỹ lưỡng để mình có một cơ thể to lớn.

(Thanh Hải, P.7, thị xã Bạc Liêu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên