27/08/2012 11:43 GMT+7

Các vùng biển của Việt Nam trên biển Đông

TS. TRẦN NAM TIẾN(* Trích
TS. TRẦN NAM TIẾN(* Trích "Hoàng Sa - Trường Sa: Hỏi và đáp", NXB Trẻ năm 2011)

TTO - Xin cho biết các vùng biển của Việt Nam trên biển Đông?

Ngày 12-5-1977, sau khi thống nhất đất nước, mặc dù Công ước Quốc tế về Luật biển chưa được thỏa thuận nhưng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra tuyên bố về các vùng biển của Việt Nam trên biển Đông. Trong đó, các vùng biển của Việt Nam được tuyên bố như sau:

1vWkpSN8.jpgPhóng to
Các vùng biển của Việt Nam - Đồ họa: V.Cường

1. Lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam. Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

2. Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, đảm bảo sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

3. Vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp liền lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích kinh tế; có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thẩm quyền bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

4. Thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa. Nếu nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.

Tiếp theo tuyên bố trên, ngày 12-11-1982, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyên kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo tuyên bố này đường cơ sở của Việt Nam là đường cơ sở thẳng gồm có 11 điểm và 10 đoạn tính từ ranh giới trên biển giữa hai nước Việt Nam và Campuchia cho đến đảo Cồn Cỏ.

TS. TRẦN NAM TIẾN(* Trích "Hoàng Sa - Trường Sa: Hỏi và đáp", NXB Trẻ năm 2011)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên