10/06/2010 17:30 GMT+7

Cà rem tuổi thơ a

ThanhLiem
ThanhLiem

AT - Khi tôi còn bé, cà rem là một trong những món mà tôi khoái khẩu nhất. Cũng như bao đứa trẻ quê nhà nghèo khác, tôi đã quá quen thuộc với những tiếng leng keng phát ra từ cái chuông nhỏ gắn trên chiếc xe đạp, thường là những chiếc xe đạp ngang cũ kỹ, loại dùng để thồ hàng ngày xưa, cùng với tiếng rao "Cà rem! Kem đây! Cà rem! Kem đây! hết sức mời gọi của bác bán cà rem.

GV8RpK19.jpgPhóng to

Minh họa: Mặc Tuân

Hồi ấy, cà rem có thể nói là một niềm mơ ước. Được sở hữu cây cà rem là cả niềm hạnh phúc, hãnh diện lớn lao của lũ trẻ chúng tôi. Chúng tôi vẫn thường đi gom nhặt những chai lọ phế liệu, nhôm nhựa, đi lượm sắt, lượm đồng, gom cả những đôi dép đứt... để đổi cà rem. Khoảng vài ba ngày cà rem mới đi ngang ngõ một lần. Khi ấy, tụi tôi thường xúm xít quanh thùng cà rem, đứa đổi, đứa mua, có đứa chỉ đứng để xem.

Tiếng rao cứ thế đến rồi đi, vang vào tận những ngõ ngách xa xôi, những thôn xóm hẻo lánh, khuấy động đời sống vốn vắng lặng, bình yên của những làng quê, đem theo bao vui buồn tuổi thơ chúng tôi vào đó. Xe cà rem chạy rồi vẫn còn không ít cặp mắt dõi theo, sung sướng có, hân hoan có và cả những thèm thuồng cũng có...

Ba tôi vẫn thường bảo cà rem là một phần đời, cất giữ bao kỷ niệm của ba. Ngày xưa, thùng cà rem và tiếng chuông ấy đã từng gắn bó với ba, rong ruổi cùng ba trên rất nhiều con đường tuổi trẻ. Ba kể bán cà rem vừa nắng vừa mệt, thỉnh thoảng phải đạp xe trên những con đường nhỏ xíu, quanh co, ổ gà, ổ chó gập ghềnh, có khi chỉ là những con đường bờ ruộng mà chỉ sơ sẩy một tí là rớt xuống ruộng liền, nhưng ba không sợ, chỉ lo bán ế, cà rem dư chảy nước hết thì mất vốn như chơi. Bởi vậy, ba đạp xe mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chẳng những không sợ nắng mà còn trông cho trời nắng thật to để nhanh hết hàng.

Trẻ con thôn quê đôi khi cũng nghịch ngợm lắm. Có nhiều lúc chúng cứ đứng trong nhà gọi to "Cà rem! Cà rem!", mình chưa kịp mừng, đạp xe quay lại thì chúng đã chạy mất tiêu. Đạp xe bở hơi tai, nắng nóng, mệt như vậy mà còn gặp phải cảnh đùa ác ai mà không tức. Nhưng rồi ba phì cười, càng nghĩ càng thấy thương, dường như đằng sau màn đùa nghịch ấy còn là cái khát khao có được cây cà rem mát lạnh, dịu ngọt, được mẹ cho tiền để có thể cất tiếng gọi to "Cà rem! Cà rem!" mỗi lần xe cà rem ngang ngõ của lũ trẻ quê.

Tất tả, bon chen bao năm giữa dòng đời. Thời gian vô tình tưởng như xóa nhòa, cuốn trôi đi mọi thứ... Bất chợt một chiều dạo xe ngang phố. Ghé chân vào quán kem ven đường... Kem bây giờ phong phú, đa dạng quá, đủ loại, đủ màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng... Chợt nghẹn ngào, có cái gì như cay cay khóe mắt. Thoáng bâng khuâng, xa xăm. Giọt nhớ rơi ướt miền thực tại... Ba đã đi xa, cà rem cũng không còn nữa. Nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên, đong đầy... Tiếng rao ấy vẫn như níu giữ hồn người, như thôi thúc bước chân mong ngóng tìm về. Ngày xưa ơi... còn đâu!

LÊ PHƯƠNG (BCK08, ĐH KHXH & NV TP.HCM)

xsVWiPr2.jpgPhóng to

Áo Trắng số 10 (ra ngày 1/6/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ThanhLiem
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên