12/01/2005 15:21 GMT+7

Cả nước có bao nhiêu tiến sĩ thật?

 Y. Anh 
 Y. Anh 

Vụ ĐH và sau ĐH - Bộ GD-ĐT thì thừa nhận, những khiếu nại gần đây về luận án tiến sĩ chủ yếu tập trung vào hai vấn đề: sao chép công trình của người khác và hội đồng làm việc không hết trách nhiệm, không hết quy trình...

zF4vQS6C.jpgPhóng to
Mỗi luận văn, luận án như thế này được rao bán với giá 20.000 -25.000 đồng

Báo cáo về tình hình giáo dục, Chính phủ nhận định, hiện tượng học giả bằng thật, sao chép luận văn, luận án đang có xu hướng lan rộng, ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo.

Còn sao chép, nhất là sao chép luận án, đã trở thành “nạn” mà bất cứ ai có lương tâm cũng phải bất bình. GS-TS Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh, luận án tiến sĩ (TS) là công trình khoa học chứa đựng những đóng góp mới có giá trị trong lĩnh vực khoa học chuyên ngành, thể hiện khả năng độc lập, sáng tạo nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh (NCS). Thế nhưng, cũng chính ông Long phải thừa nhận rằng tình trạng sao chép luận án, sao chép những sáng tạo của người khác đã đến lúc phải báo động.

“Chợ” luận án trong khuôn viên trường đại học

Mục tiêu “lãng mạn”

Hiện cả nước có 116 cơ sở đào tạo TS,â mục tiêu đặt ra là đến năm 2010 đào tạo khoảng 19.000 TS. So sánh với các điều kiện bảo đảm chất lượng như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thì đây quả là “mục tiêu lãng mạn” của Bộ GD-ĐT. Trên thực tế, như thừa nhận của Bộ GD-ĐT, số NCS trúng tuyển hằng năm vẫn chưa đạt kế hoạch chỉ tiêu mà bộ đề ra. Nguyên nhân của việc này được Bộ GD-ĐT tổng kết là kinh phí đào tạo NCS quá thấp nên điều kiện học tập và nghiên cứu của NCS gặp nhiều khó khăn.

Người học ít song chỉ tiêu hằng năm vẫn tăng đều đều (năm 2003 chỉ tiêu đào tạo TS là 1.400 người, chỉ tuyển được 1.215 người, bằng 81% chỉ tiêu được giao). Không tuyển đủ thí sinh, tư tưởng “vơ bèo gạt tép” nhận cả những thí sinh không đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất hiện tại một số cơ sở đào tạo là không tránh khỏi. Và như thế, thử hỏi làm sao có thể nâng cao chất lượng TS, làm sao không khiến người ta đổ xô đi làm TS cho oai?

Qua khảo sát ngẫu nhiên hàng chục luận án thuộc hai lĩnh vực kinh tế và khoa học xã hội - nhân văn của chúng tôi tại Thư viện Quốc gia Hà Nội thì những luận án có đề tài na ná hoặc khác nhau không nhiều không phải hiếm. Và vì thế, nhu cầu “tham khảo” tài liệu của người khác là không tránh khỏi. Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH, cho biết những khiếu nại gần đây về luận án TS tập trung chủ yếu vào việc kiện sao chép công trình của người khác.

Ngay trong khuôn viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, từ lâu đã tồn tại một loại chợ rất đặc thù: chợ luận án, luận văn. Chỉ một đoạn ngõ dài chưa đầy 100 mét mà đã có đến gần 30 cửa hàng photocopy san sát nhau. Ở đây, bạn có thể mua tất cả luận văn, luận án nào mà bạn thích: luật, kinh tế, báo chí, văn học, xây dựng, kiến trúc... với giá cực rẻ, khoảng 20.000-25.000 đồng/luận văn, luận án.

Chỉ cần bạn nói tên một từ khóa, ví dụ “dệt may”, bà chủ cửa hàng sẽ mời bạn ngồi vào máy tính nghiên cứu hàng chục luận văn, luận án có nội dung tương tự như vậy. Tôi cũng đã mua một luận án có đề tài Biện pháp chủ yếu phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam trước thách thức gia nhập WTO với giá chỉ 25.000 đồng. Cái giá quá rẻ đến mức phải giật mình.

Thiếu tính nghiên cứu, sáng tạo

TS là học vị cao nhất trong khoa học. Và vì thế, luận án TS đòi hỏi phải có những đóng góp về lý luận cũng như cho thấy NCS có trình độ nghiên cứu độc lập chứ không chỉ là giải quyết những vấn đề thực tiễn. Thế nhưng, theo khảo sát ngẫu nhiên các luận án tại Thư viện Quốc gia Hà Nội của chúng tôi thì rất nhiều, nếu không muốn nói phần lớn luận án chuyên ngành kinh tế công nghiệp có đề tài là những giải pháp như: Biện pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp Nhà nước sản xuất hàng tiêu dùng ở Việt Nam; Phương hướng và biện pháp chủ yếu nhằm đổi mới tổ chức tiêu thụ sản phẩm hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng; Phương hướng và biện pháp chủ yếu phát triển ngành công nghiệp dệt may trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam; Phương hướng, biện pháp phát triển ngành da giày Việt Nam; Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển công nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước; Phương hướng, biện pháp chủ yếu phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh...

57/97 đề tài thiên về giải pháp

Cũng chính vì quá nhiều “giải pháp” mà trong buổi làm việc hồi đầu tháng 11-2004 với Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Thứ trưởng Bành Tiến Long đề nghị trường phải rà soát lại toàn bộ các đề tài của NCS bởi trong số 97 đề tài đăng ký, có đến 57 đề tài thiên về giải pháp. Cũng tại buổi làm việc này, lãnh đạo trường cũng như lãnh đạo Bộ GD-ĐT đều thừa nhận, đề tài nghiên cứu vẫn còn quá chung chung. Và thực tế khảo sát các đề tài luận án cho thấy, nhiều đề tài chưa xuất phát và gắn liền với yêu cầu thực tiễn, nếu không nói là có quá ít đề tài xứng tầm luận án TS.

Càng lên cao, chất lượng càng giảm sút

Một số chuyên gia giáo dục khẳng định, ở Việt Nam, càng học lên cao thì việc quản lý quá trình học tập và nghiên cứu khoa học càng lỏng lẻo, nhất là ở bậc đào tạo TS. Nhiều cơ sở đào tạo TS quản lý NCS chưa đúng quy định của quy chế, chưa đưa NCS về sinh hoạt khoa học ở bộ môn, không quản lý được tiến độ nghiên cứu của NCS. Việc đánh giá môn học cũng không được thực hiện nghiêm túc. Tại nhiều cơ sở đào tạo, NCS chỉ phải học 3-4 chuyên đề trong một - hai ngày để làm tiểu luận. Bà Trần Thị Hà cho biết qua kiểm tra tại nhiều cơ sở đào tạo sau ĐH cho thấy nhiều môn học chỉ có một điểm thi kết thúc môn học, chỉ có chữ ký của một giảng viên, thậm chí có bảng điểm không ghi ngày tháng, năm thi, số tiết...

Hướng dẫn NCS: Quá tải “sô”!!!

Ở các trường ĐH lớn trên thế giới, chỉ có khoảng 50% số giáo sư mỗi khoa có tư cách dạy tại bậc TS thì ở Việt Nam, thầy TS hướng dẫn cho trò làm TS là điều không có gì lạ. Bên cạnh đó, rất nhiều người có học hàm học vị nhưng đã chuyển sang làm các công việc khác không liên quan gì đến nghiên cứu và giảng dạy vẫn được mời làm thành viên hội đồng chấm luận án, thậm chí là giáo sư hướng dẫn cho NCS. Kết quả kiểm tra các cơ sở đào tạo sau ĐH của Vụ ĐH và sau ĐH cho thấy, nhiều cơ sở đào tạo chưa theo dõi được cán bộ của cơ sở mình hướng dẫn bao nhiêu học viên cao học và NCS ở các cơ sở đào tạo khác, do đó, dẫn đến tình trạng một số cán bộ hướng dẫn quá nhiều học viên vượt quy định trong quy chế đào tạo sau ĐH. Một số giáo sư hướng dẫn có chuyên môn không thật phù hợp với đề tài của NCS...

Đánh giá luận án: Chỉ là hình thức!

Nói về những bất cập trong quản lý đào tạo TS, bà Trần Thị Hà khẳng định về các văn bản pháp quy thì không có vấn đề gì. Khúc mắc chủ yếu nằm ở chỗ người thực hiện. Sự nể nang trong quản lý NCS thể hiện rất rõ nét, ví như vì nhiều mối quan hệ khác nhau (với NCS, người hướng dẫn) nên trong buổi bảo vệ luận án, một số thành viên không thể hiện đúng quan điểm khoa học của mình mà cho qua. Quy chế quy định việc đánh giá các chuyên đề phải tổ chức hội đồng đánh giá một cách khoa học nhưng nhiều khi 3 chuyên đề được đánh giá luôn trong một buổi. Vì thế mà việc đánh giá này trở nên hình thức chứ không phải là buổi đánh giá để NCS nâng cao trình độ luận án. Thực tế có những hội đồng đánh giá rất nghiêm túc, nhưng cũng có những hội đồng, chủ yếu rơi vào khối kinh tế và khoa học nhân văn, việc trao đổi khoa học trong buổi bảo vệ không nhiều, mang tính hình thức và nặng về tâm lý: Thôi ra đến đây là coi như xong. Chúng tôi đã có những văn bản yêu cầu cơ sở chấn chỉnh việc đào tạo TS, nhắc nhở từ việc nhận đề tài như thế nào, hình thức buổi bảo vệ như thế nào, rồi yêu cầu tăng tính khoa học trong buổi bảo vệ làm cho nó nghiêm túc hơn.

 Y. Anh 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên