1/ NGUYỄN THANH TÚ (tổ 9, xóm Dưới, Ðiền Tinh, Ninh Phụng, Ninh Hòa, Khánh Hòa) * Câu 1: Học Ðại học Kinh tế nhưng duyên cớ nào hay động lực nào dẫn nhạc sĩ đến con đường sáng tác âm nhạc?
- Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tôi đang là sinh viên Trường ÐH Kinh tế TP.HCM và là ủy viên ban chấp hành Ðoàn trường. Lúc bấy giờ bài hát cách mạng rất ít, tôi tập hát cho các bạn một tuần đã hết 10 bài, do đó bạn bè yêu cầu tôi viết tiếp cho các bạn hát. Tôi liều mạng viết chơi ai ngờ lại dẫn đến con đường sáng tác âm nhạc!
![]() |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên |
* Câu 2: Theo chú, để một ca khúc luôn sống mãi trong tim khán giả cần những yếu tố nào?
- Những ca khúc sống mãi trong tim khán giả phải là thông điệp đồng cảm với mọi người, giai điệu hay, lời ca hay...
* Câu 3: Chú là một người con của miền "đất võ" Bình Ðịnh. Ðã bao giờ chú nghĩ chính mảnh đất sinh mình ra có ảnh hưởng rất lớn đến cảm hứng sáng tác âm nhạc của chú?
- Nói như thế cũng được. Nhưng để nỗi nhớ về quê hương có ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tác âm nhạc của tôi thì chỉ là một phần, vì tôi chỉ sống ở quê hương thời thơ ấu, lên bậc trung học đã vào học ở Sài Gòn. Nhưng dẫu sao những kỷ niệm của quê hương luôn là dấu ấn trong sáng tác âm nhạc của tôi.
* Câu 4: Chú không chỉ thành công trong việc sáng tác các ca khúc cho người lớn mà ở mảng thiếu nhi, ca khúc về tuổi học trò, chú cũng để lại ấn tượng. Từ khi còn nhỏ, cháu đã thích những ca khúc của chú như Hổng dám đâu, Một thời để nhớ... Vậy bây giờ chú có sáng tác cho thiếu nhi, cho tuổi học trò nữa không?
- Bên cạnh hơn 1.000 tình khúc và những ca khúc về quê hương đất nước, về thanh niên, tôi vẫn tiếp tục sáng tác cho thiếu nhi và tuổi học trò. Sắp tới sẽ cố gắng ấn hành 200 bài hát thiếu nhi và 100 ca khúc cho lứa tuổi SVHS.
2/ ÐẶNG TRẦN THANH (thôn Quan Ðộ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)
* Câu 1: Làm kinh tế cần rạch ròi, làm âm nhạc cần lãng mạn, anh làm thế nào để dung hòa được hai tính cách ấy trong cùng một con người? Anh thích được gọi là nhà kinh tế yêu âm nhạc hay người yêu âm nhạc làm kinh tế?
- Trong mỗi người chúng ta ai cũng có một khối óc và một trái tim. Tôi tốt nghiệp đại học Kinh tế với luận văn về bản quyền âm nhạc và tốt nghiệp đại học sáng tác Nhạc viện TP.HCM với bản giao hưởng trong đó cần có sự "rạch ròi" về khúc thức cũng như các thủ pháp phát triển chủ đề. Câu hỏi của em đặt ra là hai mặt của một vấn đề biện chứng.
* Câu 2: Theo anh, "Hành trình tuổi 20" mang vào đời cần nhất là gì? Cảm tưởng của anh nếu "một sớm mai hồng" đứng ở Trường Sa nghĩ về Tổ quốc? Anh nghĩ gì về tình hình âm nhạc hiện nay? Tại sao nhiều ca khúc được gọi là thảm họa của làng nhạc Việt vẫn được biểu diễn và được nhiều khán giả đón nhận? Nhiều người cho rằng nhạc Việt bây giờ hơi "bát nháo". Với tư cách là ủy viên ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, theo anh cần phải làm gì để chấn chỉnh tình trạng đó?
- Hành trình tuổi 20 mang vào đời cần nhất là: lý tưởng và niềm tin thực hiện của tuổi trẻ. Tôi xin trích một câu trong ca khúc Tình ca trên đảo: Anh vẫn đứng nơi tiền phương dông bão, vì tình yêu đất mẹ và em. Tình hình âm nhạc hiện nay đa dạng, có tốt có xấu, có hay có chưa hay. Ðược tổ chức biểu diễn hay không đó là trách nhiệm của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch. Mỗi loại hình biểu diễn đều có khán giả riêng của nó. Giống như trong thế giới sách, hình như có người từng nói một câu bất hủ: "Anh hãy cho tôi biết anh đọc sách gì, tôi sẽ biết anh là ai!". Cần phải có sự phối hợp giữa các ban ngành cũng như hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng. Ðừng để "ông nói gà, bà nói... vịt".
3/ PHẠM HỮU HÒA (số 125/42 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn, Bình Ðịnh)
* Anh có tác phẩm nào viết về quê hương?
- Năm 1976 tôi đã viết tặng quê hương Hoài Nhơn (Bình Ðịnh) ca khúc Dòng sông Lại, sau đó là Bồng Sơn quê tôi, Hoài Nhơn mùa xuân, Trở lại Quy Nhơn, Trở về Bình Ðịnh, hợp xướng Thăng Long - Mùa xuân đại thắng viết về chiến công của vua Quang Trung Nguyễn Huệ...
4/ NGUYỄN HỒNG PHƯỚC (160 ấp Tân An, xã Tân Bình, Châu Thành, Ðồng Tháp)
* Câu 1: Bài hát Hổng dám đâu của chú đã được nhiều người biết đến. Xin chú chia sẻ về thời gian và hoàn cảnh ra đời của bài hát này?
- Bài Hổng dám đâu viết cách đây 20 năm. Một buổi chiều tôi đón con thứ hai lúc bấy giờ học ở trường mẫu giáo gần nhà, tôi hỏi hôm nay cô giáo có khen con ngoan không. Cháu trả lời: "Hổng dám đâu!". Tôi về và ngẫm nghĩ phải viết một bài hát thiếu nhi vui nhộn với lời khuyên nhẹ nhàng: các cháu phải chăm học.
* Câu 2: Có người bảo Sài Gòn là thiên đường nhưng cũng có người phải rời bỏ đất Sài thành vì họ cảm thấy choáng ngợp. Riêng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên thì Sài Gòn như thế nào?
- Sài Gòn là quê hương thứ hai. Thỉnh thoảng tôi cũng rời Sài Gòn đến với các tỉnh, thành trong cả nước để viết nhiều ca khúc ngợi ca đất nước quê hương.
* Câu 3: Ðược biết chú tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM năm 1993, một khoảng thời gian cũng gần 20 năm. Vậy chú có nhận xét gì về nền âm nhạc Việt Nam hiện nay và nền âm nhạc Việt Nam cách đây 20 năm?
- 20 năm. Một khoảng thời gian tương đối dài để âm nhạc Việt Nam phát triển, ngày càng phong phú và đa dạng. Từ lúc những sân khấu trong nước chỉ hát nhạc "hải ngoại" đến bây giờ nhạc Việt có thể lấn sân ở nước ngoài. Tất nhiên trong sự phát triển đa dạng ấy có loại hình phát triển chưa được mọi người đồng tình. Bên cạnh đấy, ngày càng nhiều người đến với "âm nhạc bác học".
Sự hình thành và phát triển của Nhà hát Giao hưởng - nhạc - vũ kịch cùng những tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam thật đáng trân trọng. Sự đào tạo và phổ cập âm nhạc dân tộc cũng như âm nhạc giao hưởng và thính phòng của nhạc viện cũng là những đóng góp rất lớn trong nền âm nhạc Việt Nam.
5/ NGÔ PHƯỚC HOÀNG (46/6 Võ Duy Linh, khu phố 2, phường 5, thị xã Gò Công, Tiền Giang)
* Nhạc sĩ nào là thần tượng của chú? Trong số tác phẩm của chú, chú tâm đắc nhất là bài nào?
- Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Tôn Thất Lập và Trần Long Ẩn. Về ca khúc của chính mình, thì tùy thể loại. Ví dụ về thiếu nhi: Hổng dám đâu. Về tuổi học trò: Con đường học trò. Về sinh viên: Một thời để nhớ. Về thanh niên: Hành trình tuổi 20, Hành khúc tuổi trẻ. Về tình khúc: Xa vắng. Về chiến sĩ: Những giọt sương trắng. Về quê hương: Dòng sông Lại, Sài Gòn trong tôi, Qua bến Ninh Kiều...
6/ NGUYỄN VĂN THẢO (lớp 11B3 Trường THPT Ngô Gia Tự, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)
* Câu 1: Chú có nhận xét gì về những ca khúc dành cho tuổi học trò cũng như thiếu nhi hiện nay?
- Hiện nay ít ca khúc hay.
* Câu 2: Có nhiều người cho rằng: "viết nhạc tình yêu dễ nổi tiếng và dễ có tiền hơn, bởi vì thị trường âm nhạc hiện nay đang cần những thể loại như vậy". Chú nghĩ gì về quan niệm trên?
- "Kính cẩn nghiêng mình" trước quan niệm trên.
* Câu 3: Chú sáng tác nhiều ca khúc có ca từ giản dị như lời kể chuyện, thỉnh thoảng cũng có phổ thơ. Vậy chú có nghĩ một ngày nào đó những lời nhạc của mình bị lãng quên?
- Tất nhiên sẽ có ngày đó khi mọi người không còn... nhớ!
* Câu 4: Những sáng tác của chú xuất phát từ nguồn cảm hứng hay một điều gì khác?
- Nếu không có cảm hứng thì... không sáng tác được! Ðó là lý do nhiều người am tường về âm nhạc nhưng không sáng tác được. Giống như giáo viên dạy văn nhưng không trở thành nhà văn hay nhà thơ.
7/ ngocthu1992.nv@... (phòng 116, nhà A7, KTX ÐHQG, TP.HCM, khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Ðức)
* Tôi được biết nhạc sĩ có nghề "tay trái" là dẫn chương trình. Nhạc sĩ có thể chia sẻ những khó khăn anh gặp phải trong nghề tay trái này và trong tương lai anh có tiếp tục theo nghề này không?
- Gọi là nghề thì cũng... không phải. Ðó là lúc đứng trên sân khấu mà chẳng biết nói gì! Ðây là... "nghiệp" chứ chẳng phải nghề. Cho nên khi còn người cần thì tôi... tiếp tục!
8/ NGUYỄN THANH PHƯƠNG (35A Lê Thị Phỉ, P.1, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)
* Câu 1: Chú từng chia sẻ rằng "Người sáng tác ca khúc tuổi học trò phải có cái tâm". Chú có thể giải thích đôi điều về câu nói trên?
- Chúng ta phải hình dung hai đối tượng của tuổi học trò: Ca khúc thiếu nhi và ca khúc tuổi hồng. Ðối với ca khúc thiếu nhi, tôi nghĩ người sáng tác phải yêu, gần gũi, đồng cảm với trẻ thơ. Về lời, đừng nói giùm trẻ những lời lẽ cao siêu, vĩ đại, biến chúng thành những ông cụ non, mà phải đi từ những gì cụ thể và dễ nhận biết đối với trẻ. Còn về giai điệu, nên cố gắng tìm kiếm, kế thừa những làn điệu dân ca bên cạnh những tiết tấu mới. Tôi nghĩ khi còn trẻ thơ mà biết yêu mến dân ca, những bài hát mang âm hưởng dân tộc, thì khi trưởng thành người ta mới không trở thành kẻ xa lạ trên chính quê hương mình.
Với ca khúc tuổi hồng, chúng ta nên quan tâm đến tiết tấu, nhịp điệu hiện đại, nhất là ở các thành phố lớn, để có thể đáp ứng nhu cầu của các em đã quen với phong trào nhạc trẻ. Hơn nữa, điều không kém phần quan trọng là cái tâm của nhạc sĩ. Viết tự nguyện và không đòi hỏi. Bởi ca khúc cho tuổi hồng không phải là mối lợi lớn đối với nhà kinh doanh... Với tôi, tôi viết những ca khúc cho học sinh, sinh viên như viết cho chính mình.
Nhìn chung, hiện nay những ca khúc cho tuổi học trò vẫn còn thiếu trầm trọng. Do đó các nhạc sĩ khi viết cho lứa tuổi học trò đừng ngại tác phẩm mình có ăn khách hay không. Ðừng biến những tấm lòng dành cho tuổi học trò thành hàng hóa phục vụ nền kinh tế thị trường.
* Câu 2: Chú có nhiều ca khúc dành cho tuổi học trò được yêu thích như Hổng dám đâu, Con đường học trò, Một thời để nhớ, Nắng sân trường, Tháng sáu mùa thi, Bồ câu không đưa thư... Chú có nhận xét gì về các ca khúc dành cho tuổi học trò và thiếu nhi hiện nay?
- Tất nhiên mỗi giai đoạn, mỗi thế hệ có những thị hiếu âm nhạc khác nhau nhưng tuổi học trò vẫn có cái chung là sự hồn nhiên, trong vắt ước mơ và khát vọng. Một số ca khúc dành cho tuổi học trò và thiếu nhi hiện nay có điều gì đó chưa ổn! Có khi về nhạc, có khi về lời ca chưa hay lắm. Bản thân tuổi học trò hiện nay cũng chẳng thích gì!
* Câu 3: Chú từng chia sẻ: "Từ một số truyện dài viết về tuổi học trò và mái trường của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi đã tìm được nguồn cảm hứng và sáng tác nhiều ca khúc". Chú có thể chia sẻ đôi chút về câu nói này?
- Tôi có một số người bạn là nhà văn: Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Ðông Thức, Ðoàn Thạch Biền, Nguyễn Nhật Ánh, Phan Hồn Nhiên... Mỗi lần nhận được những tác phẩm mới, tôi thường đọc một mạch cả ngày lẫn đêm đến hết truyện mới thôi. Và từ những truyện ấy tôi thấy xuất hiện nhiều cảm xúc. Ngay lập tức tôi phổ... truyện! Nguyễn Nhật Ánh tặng tôi nhiều truyện về tuổi học trò nên "tôi đã tìm được nguồn cảm hứng và sáng tác nhiều ca khúc" là chuyện đương nhiên.
* Câu 4: Nghệ sĩ nói chung thường có vài thói xấu (ví dụ mê nhậu, vô tâm, dễ bị... xúc động bởi các bóng hồng). Có khi nào chú khiến bà xã phải "áp dụng những biện pháp sư phạm" hay không?
- Con người vốn không hoàn hảo cho nên chúng ta phải liên tục xây dựng con người mới. Nếu có lúc bị... "áp dụng những biện pháp sư phạm" thì chú ôn lại tuổi học trò để sáng tác tiếp.
* Câu 5: Theo cháu được biết thị trường âm nhạc hiện nay đa số là nhạc trẻ thắng thế, những bài hát dành cho lứa tuổi thiếu nhi, học sinh, sinh viên ngày càng ít. Chú có nhận xét gì về lời nhận định trên?
- Chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào để đi đến kết luận "thị trường âm nhạc hiện nay đa số là nhạc trẻ thắng thế". Nếu thắng thế thì tại sao các album nhạc trẻ không thắng trên thị trường băng đĩa nhạc? Trên các sân khấu ca nhạc lớn, nhỏ và vừa có phải là nhạc trẻ thắng thế hay không? Ngay trong lớp trẻ - đối tượng chính của nhạc trẻ - cũng không phải ai cũng thích nhạc trẻ. Có người thích nhạc cổ điển, có người thích nhạc dân tộc, có người thích nhạc trữ tình, có người thích nhạc truyền thống... Sự cảm thụ, thị hiếu âm nhạc ngay trong cùng một giới đã có sự khác biệt... tạo nên sự cảm thụ âm nhạc phong phú và đa dạng. Lời nhận định thiên về một chiều, còn mang chất "cảm tính".
9/ NGUYỄN VĂN OANH (Lớp 12/8, THPT Vĩnh Kim, ấp Thới, xã Ðông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)
* Câu 1: Nhiều tác phẩm của chú đã đoạt giải thưởng trong đó chú có ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nhất với tác phẩm nào?
- Ðó là ca khúc Chiều biên giới tôi viết ở biên giới Tây Nam tháng 8-1978 được giải thưởng của ngành âm nhạc giải phóng thuộc Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM trao tặng.
* Câu 2: Bên cạnh người vợ hiền, chú còn may mắn có được những người bạn chân tình giúp nhau thăng tiến trong nghề nghiệp. Xin chú cho biết đôi nét về nhóm Những người bạn được không ạ?
- Trong thập niên 1980, một nhóm các nhạc sĩ thường đi chơi với nhau, hằng tuần hát cho nhau nghe những ca khúc mới viết và cùng đi giao lưu với sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng cũng như các trường cấp III (bây giờ gọi là trung học phổ thông). Ðến đầu thập niên 1990, trước tình hình các sân khấu, các tụ điểm ca nhạc ở thành phố chỉ hát nhạc hải ngoại, mọi người mới quyết định chính thức thành lập nhóm với tên gọi nhóm nhạc sĩ Những người bạn.
Nhóm gồm 7 nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên. Nói một cách khiêm tốn: từ nhận định mỗi người ít nhất cũng có vài ngàn khán giả của riêng mình (bây giờ gọi là fan hay người hâm mộ) nên có thể an tâm trong việc tổ chức các đêm diễn. Thực tế đã chứng minh như thế.
Với mục đích giới thiệu tác phẩm không chỉ của riêng nhóm mà còn của tất cả các nhạc sĩ trong cả nước, suốt thập niên 1990 nhóm nhạc sĩ Những người bạn đã đi đầu trong việc hướng khán giả trở về với âm nhạc Việt Nam và dần dần phổ biến ra hải ngoại.
Nhóm nhạc sĩ Những người bạn thống nhất chọn ngày 8-3-1991 ra mắt tại khuôn viên tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Buổi ra mắt đã thu hút đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến tham dự.
Thuận lợi đầu tiên của nhóm là sự ủng hộ của đồng chí Võ Văn Kiệt, Thành đoàn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Nhà Văn hóa thanh niên TP.HCM, nhất là đông đảo khán giả thuộc nhiều thế hệ. Còn khó khăn là chuyện đương nhiên: từ vật chất cho đến nhiều luồng âm nhạc đang tác động làm mưa làm gió trên các sân khấu ca nhạc lúc bấy giờ.
10/ DƯƠNG THANH HỮU (khoa quản trị du lịch - Trường đại học HUTECH)
* Câu 1: Vì sao ca sĩ Kiều Bạch không tiếp tục con đường ca hát chuyên nghiệp? Có phải ca-sĩ-vợ tình nguyện hi sinh lui về phía sau, làm bệ phóng cho nhạc-sĩ-chồng tiến lên?
- Vì Kiều Bạch đã chọn ngành sư phạm ngay từ khi còn trẻ, chọn nghề giáo là sự nghiệp của đời mình dìu dắt các em thơ.
* Câu 2: Chú tốt nghiệp đại học Kinh tế, khoa quản lý xí nghiệp, sao không trở thành nhà doanh nghiệp mà lại làm nhạc sĩ? Phải chăng đó là số phận?
- Xin đính chính: Khoa vật giá. Có lẽ không phải là số phận, mà là thời thế tạo ra những con người... như thế!
* Câu 3: Nghe bạn bè nói, chú đang theo học cao học nhạc. Ðề tài nghiên cứu là gì vậy?
- Tôi đang theo học cao học khóa XIX, chuyên ngành: Lý thuyết & lịch sử âm nhạc tại Nhạc viện TP.HCM. Ðề tài nghiên cứu là nhạc võ Tây Sơn.
Cám ơn Áo Trắng và bạn đọc đã quan tâm đến âm nhạc và tôi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên
Áo Trắng số 4 ra ngày 01/03/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận