![]() |
Tommy Robredo vào đến vòng 1/8 Giải quần vợt Mỹ mở rộng 2010 vừa rồi - Ảnh: Reuters |
Hơn 15 năm qua, các giải bóng chuyền, quần vợt, bóng đá, khiêu vũ thể thao, bơi lội... mà tôi đã thực hiện ít nhiều để lại những ấn tượng khó quên. Nhưng hậu trường của những sự kiện thể thao thành công ấy có nhiều chuyện “cười ra nước mắt”.
Từ bóng chuyền châ Á...
Ở Giải bóng chuyền Trẻ nam châu Á 1994, khi được thông báo lãnh đạo Liên đoàn Bóng chuyền (LĐBC) châu Á sẽ đến Việt Nam kiểm tra, ban chủ nhiệm CLB Phan Đình Phùng đã chuẩn bị chu đáo phòng họp máy lạnh, trái cây tươi, bất kể lời nhắc nhở, lưu ý của tôi rằng LĐBC châu Á chỉ tập trung “soi” từng cơ sở vật chất và khả năng tổ chức của Việt Nam đối với một sự kiện lớn có đến 14 quốc gia trong khu vực tham dự.
Khi vừa rời khỏi sân bay, ông tổng thư ký LĐBC châu Á yêu cầu đi thẳng đến CLB Phan Đình Phùng. Nơi ông bước vào đầu tiên chính là... nhà vệ sinh của CLB. Chắc khỏi kể các bạn cũng biết chuyện gì xảy ra đối với địa điểm mà dường như chúng ta đã “quen mùi” ở những nơi công cộng, chưa nói đến số lượng phòng tắm tối thiểu phải có cho một đội hình chính thức sáu người cũng không đủ.
Nghĩ đến đây mới thấy cầu thủ chúng ta vô tư và dễ thương thiệt, tắm chỗ nào cũng được miễn có nước là thấy “mát trời ông Địa”. Còn với cầu thủ các nước bạn, phòng tắm mà không có vòi sen hoặc để thùng có gáo múc nước là không “đúng chuẩn”.
Thế đấy! Làm sự kiện lớn cứ chú ý bàn bạc toàn chuyện lớn, chẳng hạn đón VIP ngồi ra sao? VIP uống gì?... mới đúng điệu và hiếu khách. Đằng này muốn sự kiện thành công người cần phải chăm sóc tối đa chính là vận động viên, người được khán giả quan tâm nhiều nhất và là nhân vật chính của một sự kiện thể thao.
Cũng tại Giải bóng chuyền Trẻ nam châu Á, ông chủ tịch Tiểu ban trọng tài thế giới tranh thủ vài giờ rảnh dạo phố và mua sắm ở xung quanh thương xá Tax. Chẳng may ông bị đạo chích trổ nghề móc bóp siêu đến nỗi theo lời kể lại của ông: “Mọi người đều thấy chúng lục bóp lấy tiền và ném cái bóp vào một gian hàng, thế mà không ai la lên hoặc can thiệp...”.
May quá, ông chỉ bị mất 150 USD nên tôi cho người đi đổi tiền gấp để trong vòng 30 phút sau mời ông ta đến và thông báo công an đã tóm được thủ phạm, trả lại 150 USD cho ông ấy. Ngay buổi cơm chiều tại khách sạn Kim Đô, tin vui đó lan truyền khắp 14 đội bóng và các quan chức LĐBC châu Á.
![]() |
Juan Monaco, tay vợt Argentina hiện xếp hạng 35 thế giới - Ảnh: Reuters |
... Đến với dự án “...Stars” bị xếp xó
Ở Việt Nam, số lượng sân quần vợt thuộc hàng nhiều nhất châu Á và số người chơi quần vợt sau giờ làm việc cũng thuộc loại đông nhất thế giới. Có lẽ trình độ các tay vợt Việt Nam chỉ hơn “dân đánh độ” nên người chơi quần vợt ít quan tâm đến dàn sao quốc nội mà cứ hay bàn luận về các ngôi sao thế giới.
Chính vì thế, ý tưởng tổ chức một giải tứ hùng cho các tay vợt đẳng cấp thế giới được hình thành và được chào hàng liên tục suốt mấy năm liền nhằm thay thế các giải quần vợt Heineken Challenger ngày càng trở nên mất hứng do các tay vợt Việt Nam rơi rụng quá sớm từ vòng loại, trong khi các tay vợt quốc tế tham dự giải này là những tên tuổi mới ít được biết đến.
Tuy nhiên ý tưởng hay, dự án tốt không phải lúc nào cũng khả thi, kế hoạch... Stars quá “hot” của tôi được “đông lạnh” suốt mấy năm trời. May thay, nhà tài trợ Heineken cũng dần nhận thấy món ăn tinh thần Challenger không còn hấp dẫn và bắt đầu xem lại dự án “Stars” cũ mèm.
Dù sao tôi cũng sướng rân vì dự án “...Stars” lúc ấy sắp trở thành sự kiện quần vợt mới mẻ từ cách tổ chức, có đẳng cấp khác biệt với tiếng tăm các tay vợt và được đồng hành cùng nhãn hiệu lớn trên thế giới: Heineken. Tuy nhiên cũng từ dạo ấy, cứ đến mùa Heineken Stars là tim tôi nhảy ra nhảy vô bởi nhiều chuyện.
Những sự cố rất đời thường
Làm sự kiện lớn cứ chú ý bàn bạc toàn chuyện lớn, chẳng hạn đón VIP ngồi ra sao? VIP uống gì?... Trong khi muốn sự kiện thành công thì người cần phải chăm sóc tối đa chính là vận động viên, người được khán giả quan tâm nhiều nhất. |
Đầu tiên là việc chi trả tiền theo kiểu “tiền trao cháo múc” truyền thống của người Việt gần như là chuyện lạ đối với văn hóa kinh doanh của làng quần vợt thế giới. Họ gửi đến một hợp đồng đọc đi đọc lại hết mấy tuần vẫn còn thấy bần thần bởi tay vợt chưa đến Việt Nam mà tiền đã phải trả hết, ai cũng lo lỡ bị họ quỵt thì biết tìm nơi mô?
Chưa hết, vé máy bay cho các ngôi sao cứ tưởng vài ngàn đôla là quá xịn, ai dè phải thuộc hạng First Class hoặc Business Class có giá cao gấp vài lần thì “sao” mới đủ sức ra sân đấu, chứ bay đường dài, chuyển tiếp mấy chặng ngồi ghế hạng economic bó gối như phe ta thì “sao” chạy sao nổi.
Giờ chợt nghĩ lại mới thấy mình quá nhà quê, hễ gặp trục trặc là quở trách và cũng thấy ông bà ta thời xưa phán “lớn thuyền lớn sóng” quả không sai. Càng tổ chức một sự kiện thể thao tầm cỡ thì rủi ro càng nhiều, bởi các tay vợt thi đấu quá chuyên nghiệp, trận nào cũng căng hết sức nên chấn thương là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Cụ thể nhất là ở Heineken Stars 2006, chỉ còn ba ngày nữa khai mạc thì tay vợt Pháp Gael Monfils báo hủy chuyến bay đến Việt Nam vì dính chấn thương. Cả ban tổ chức giận sôi sục vì chắc cú phen này đã bị lừa, song khi đối tác mời ngay tay vợt dự phòng cựu số 1 thế giới Juan Carlos Ferrero sang thay thế mới thấy đó là chuyện bất khả kháng, ngay cả họ cũng đâu lường trước chuyện chấn thương rất bình thường trong thể thao.
Những lo âu, trục trặc ở lần đầu tổ chức giúp tôi tích cóp nhiều kinh nghiệm và mạnh dạn trả thêm tiền để chọn sẵn một số ngôi sao quần vợt khác dự phòng cho sự cố chấn thương. Buồn cười nhất là cứ lo trường hợp của Jo-Wilfried Tsonga ở Heineken Stars 2008.
Là tay vợt “đinh” của giải lần thứ hai nhưng sau khi kết thúc Giải Úc mở rộng 2008, Tsonga bị đau gối phải phẫu thuật và kéo dài thời gian trị liệu nên khả năng vắng mặt lên đến 85%. Tuy nhiên, cuối cùng người vắng mặt gây nhiều lo lắng lại là Mardy Fish. Vào giờ chót, tay vợt Mỹ này được gọi vào đội tuyển dự Davis Cup nên không thể đến TP.HCM năm đó.
Heineken Stars 2006 và 2008 thành công đã bổ sung nhiều bài học đáng nhớ cho những người tổ chức sự kiện như tôi và các cộng sự, đó là không nên dựa dẫm vào bốn ngôi sao chính thức. Một ngày hội lớn luôn hấp dẫn nếu biết chọn lựa nhiều tay vợt tương đồng về sự nổi tiếng, thành tích và ngay cả thứ hạng.
Chính cơn bão chấn thương đã đánh mạnh cùng lúc vào ba tay vợt nhận lời dự Heineken Stars 2010 gồm David Nalbandian, Tommy Haas và Robby Ginepri. Họ đã đặt vé máy bay, nhận visa nhập cảnh nhưng cuối cùng phải lỡ hẹn từ những sự cố chấn thương khác nhau. Rất may là Juan Monaco (Argentina), Tommy Robredo (Tây Ban Nha) và Mardy Fish đã nhận lời thay vị trí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận