27/09/2006 20:16 GMT+7

Buổi chào cờ mơ ước của tôi

Lưu Bình Nguyên
Lưu Bình Nguyên

TTO - 23 tuổi, không đủ lớn để nói về những hy sinh, mất mát mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống bảo vệ màu đỏ thắm của lá cờ đỏ sao vàng, nhưng với tôi, có hai lần đầu tiên: lần đầu đại diện học sinh cấp một kéo cờ và lần đầu đại diện sinh viên điều khiển chào cờ và hát Quốc ca đã đem lại một sức sống mãnh liệt cho đến bây giờ và về sau nữa...

Ngày còn thơ, tuy đã lớp 5, nhưng tôi luôn là một cậu bé rụt rè, nhút nhát. Chỉ mỗi chuyện lên bảng dò bài, tôi đã run lên bần bật, thế mà trong buổi lễ chào cờ chào mừng ngày khai giảng, tôi được cùng một bạn nam khác vinh dự đứng lên bục kéo cờ Tổ quốc. Sau khi nghe tin ấy, tim tôi đập liên tục suốt ngày hôm đó, suốt đêm tôi bồn chồn, tôi hỏi mẹ tôi phải làm như thế nào, mẹ mới bảo rằng:"Con cứ làm như con cảm nhận được".

Rồi giờ phút hồi hộp ấy cũng đến, tôi bỗng nhiên mạnh mẽ hẳn lên, chân bước mạnh dạn, mắt sáng, mặt rất nghiêm túc và kéo cờ như một người chuyên nghiệp. Lời Quốc ca các bạn hát vừa dứt là lá cờ Tổ quốc lên đúng đỉnh điểm của cột cờ, lòng tôi trào dâng một niềm tự hào vô bờ bến. Kể từ sau giây phút ấy, tôi đã lớn hơn, dạn dĩ hơn và có nhiều ước mơ thật đẹp.

Hình ảnh lá cờ Tổ quốc đỏ tươi bay phất phới luôn động viên tôi rất nhiều trong những ngày tháng gia đình gặp khó khăn, những ngày tháng sinh viên nhiều vất vả. Thời sinh viên, tôi là một trong những thành viên tích cực của phong trào Đoàn, hình ảnh cậu học trò nhỏ thó nhút nhát ngày xưa không còn nữa, giờ đây tôi đã lớn hơn nhiều cả về thể trạng và nhận thức. Tuy nhiên, tôi đã trải qua đời sinh viên với nhiều vất vả. Ngoài việc học, tôi phải làm thêm để trang trải cuộc sống hằng ngày. Xa nhà, túng thiếu, đôi lúc học hành sa sút, có nhiều sự chuyển đổi về tâm sinh lý, tôi cảm thấy mình đang lâm vào tình trạng khủng hoảng vô cùng. Rồi một ngày, trường tôi tổ chức lễ chào cờ (xin nói thêm tôi học tại Học viện hành chính Quốc gia, cơ sở thành phố Hồ Chí Minh), tôi được đại diện sinh viên điều khiển chào cờ.

Lâu lắm rồi, khoảng 4 năm tôi mới được sống lại cảm giác vui sướng, tự hào và tràn đầy nhiệt huyết sống, học tập và yêu quê hương mình đến vậy. Buổi chào cờ và hát Quốc ca đã đem lại cho tôi sức sống mãnh liệt, niềm tự hào về một quá khứ hào hùng của dân tộc và một hiện tại có nhiều cơ hội, một tương lai sáng sủa của nước nhà. Và riêng tôi, thì buổi chào cờ đã vực dậy được một cậu sinh viên đang đối diện với quá nhiều khó khăn trong cùng một thời điểm.

Hãy chào cờ sáng thứ hai, học thuộc và hát thật hay bài Quốc ca...

Đã lâu lắm rồi tôi mới được dự chào cờ, kể từ ngày tôi rời mái trường tiểu học, ra đời sớm để phụ giúp gia đình. Nay tôi được làm việc tại nơi trường học cấp 2, công việc của tôi là quét sân trường. Mỗi thứ 2 hằng tuần, buổi sáng sớm tôi cố gắng làm xong việc để nhanh chóng cùng học sinh đứng trang nghiêm và hát Quốc ca. Tôi thật vui va sung sướng khi hằng tuần đều được chào cờ và hát quốc ca. Điều tôi mong muốn nay đã thực hiện được.

Ngay từ lúc còn là một bé con 5, 6 tuổi, những buổi chào cờ vào thứ hai đầu tuần tại cơ quan bố tôi đã để lại những ấn tượng không bao giờ phai. Những bộ quân phục, những cánh tay giơ chào, tiếng hô nghiêm, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên trong tiếng hát Quốc ca của tất cả mọi người. Và trước đó bao giờ bố tôi cũng dặn tôi khi đó đang đứng ở cửa phòng làm việc của bố "Con phải đứng thật thẳng, thật nghiêm". Tất cả trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết dù là lúc ấy tôi chưa hiểu hết những gì đang diễn ra.

Lớn lên một chút vào cấp 1, hình như chúng tôi được dạy hát Quốc ca ngay lập tức để khi chào cờ có thể hát cùng các anh chị lớp lớn (và thế là con bé tôi tự hào chút chút vì mình đã thuộc Quốc ca rồi).

Cứ thế tôi được chào cờ hàng tuần vào sáng thứ hai cho đến khi vào đại học và đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao trường đại học không tổ chức chào cờ. Khi tôi trở thành một công chức trong một cơ quan Đảng, tôi chỉ được chào cờ khi Đại hội, khi kết nạp Đảng viên, khi trao huy hiệu Đảng cho các bác cách mạng lão thành... Một lần tôi đã hỏi một vị lãnh đạo Ban "Tại sao Quận ủy mình không chào cờ vào sáng thứ hai vậy chị?" thì ngay lập tức tôi nhận được một cái nhìn rất lạ cùng câu trả lời mát mẻ mà tôi không bao giờ quên "Để chị đề xuất cho em sang làm Chánh Văn phòng Quận ủy nhe, để em lo chuyện chào cờ".

Tôi biết đó là câu nói đùa nhưng sao tôi vẫn thấy hụt hẫng. Hình như chào cờ đối với một số người không còn là chuyện quan trọng. Cột cờ trước sân Quận ủy vẫn cao, cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trong gió và tôi đành tự mình hát Quốc ca mỗi khi trường học gần cơ quan chào cờ...

Và bây giờ đây khi Tuổi Trẻ cùng các bạn đọc tổ chức cả một diễn đàn kêu gọi mọi người chào cờ hàng tuần thì trong tôi lại bừng lên một mong muốn, một mong ước mà tôi nghĩ nó hết sức giản dị - cơ quan tôi sẽ chào cờ vào sáng thứ hai hàng tuần, để được nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng sớm, để được tự hào mình là người Việt Nam... Nhưng tôi muốn mọi người sẽ cùng hát vang bài Quốc ca chứ không phải chỉ là nhạc phát ra từ băng hay đĩa. Mơ ước đó giản dị lắm nhưng không thể thành hiện thực nếu chỉ một mình tôi muốn.

Sáng nay tôi đã bỏ lở một cơ hội được chào cờ với Tuổi trẻ online, vì không thể nào truy cập vào website được có lẻ do quá tải! Chưa lần nào tôi gặp sự cố như lần này. Có lẻ chuyên mục này qúa đặc biệt nên gây được sự chú ý của cộng đồng người Việt tại Cali, đồng thời đó củng là một đòn trả đũa quyết định công nhận cờ ba que của ông thống đốc Cali.

Lưu Bình Nguyên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên