03/10/2005 16:41 GMT+7

Bulgaria - nơi hội tụ các nền văn hóa

Theo Cần Thơ điện tử
Theo Cần Thơ điện tử

Ngoài nổi tiếng là “xứ sở hoa hồng”, Bulgaria còn được thừa hưởng một “gia sản” văn hóa, lịch sử đồ sộ do các bộ tộc Thracia, Hy Lạp, La Mã, Slav và Thổ Nhĩ Kỳ để lại từ nhiều thế kỷ qua.

Uavom3lz.jpgPhóng to
Từ đỉnh Malivitsa nhìn xuống thung lũng hoa hồng

Nằm ở phía đông bắc bán đảo Balkan và tiếp giáp với các vùng Romania, Serbia, Montenegro, Macedonia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và biển Đen, Bulgaria là nơi hợp lưu giữa các nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Đặc biệt, vào thời gian giao điểm của mùa xuân và mùa hạ, đất nước Bulgarie khoác trên mình chiếc áo hoa sặc sỡ, trở thành một điểm thu hút đông đảo du khách gần xa.

Hoa hồng được xem là một “thành viên” không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân Bulgaria. Trên bệ cửa sổ, trong sân vườn của nhà nào cũng có hoa hồng tươi. Mỗi khi đưa đón khách, những người bạn Bulgaria đều tặng một bó hoa tươi để bày tỏ những lời chúc tốt đẹp.

“Xứ sở hoa hồng” này còn được biết đến với vẻ đẹp tự nhiên độc đáo nhờ vị trí địa lý nằm trên bán đảo Balkan. Được xem là nơi hợp lưu của các nền văn hóa, lịch sử, quốc gia này được giao nhau bởi ba vùng địa lý - rừng Trung Âu, thảo nguyên Eurasia và Địa Trung Hải. Với địa thế này, Bulgarie được thiên nhiên ban tặng mọi thứ từ sự hùng vĩ của những ngọn núi cao hơn 2.000 mét (dãy núi Rila cao nhất ở Đông Nam Âu) đến sự huyền bí của vùng biển Đen (với nhiều thác, ghềnh, hồ, sông và bãi biển).

Là một trong những địa chỉ du lịch lý tưởng nhất của châu Âu, Bulgaria có lịch sử từ thời Đại cổ sinh (hơn một triệu năm trước Công nguyên). Tồn tại nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng có lẽ văn hóa Thracia được xem là cổ nhất ở Bulgaria và cả châu Âu. Hàng nghìn nấm mồ cổ Thracia nằm rải rác trên khắp đất nước Bulgaria và những hiện vật khảo cổ được tìm thấy gần đây (như một chiếc mặt nạ bằng vàng 2.400 tuổi cùng nhiều báu vật khác tại 2 trong số 19.000 ngôi mộ Thracia) chứng tỏ người Thracia đã thiết lập được một vương quốc hùng mạnh vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Một trong những thủ phủ của Thracia chính là thành phố Seutopolis cổ đại, hiện bị chìm sâu dưới một chiếc hồ nhân tạo gần thị trấn Kazanlak, cách Sofia 200 km về phía Đông.

Bulgarie có nhiều di tích văn hóa được UNESCO liệt vào danh sách Di sản văn hóa thế giới - đó là tượng người cưỡi ngựa Madara (tác phẩm chạm nổi bằng đá duy nhất từ thời Trung cổ ở châu Âu), quần thể mộ bộ tộc Thracia, tu viện Rila, nhà thờ Boyana, quần thể tu viện bằng đá Ivanovo, thành phố cổ Nessebar gần biển Đen...

Tượng Madara là một trong số những di tích được biết đến nhiều nhất. Đó là một tác phẩm chạm nổi trên vách đá cao khoảng 100 mét. Tác phẩm này được bao bọc trong khuôn viên gần 23 mét vuông, là một công trình kiến trúc cổ (từ thế kỷ thứ 8 hoặc 9 sau Công nguyên) được lưu giữ cho đến ngày nay. Kế đến là quần thể tu viện bằng đá Ivanovo (gồm những ngôi đền thời Trung cổ, nhà thờ và tu viện nhỏ) được hình thành từ thế kỷ thứ 3 đến thứ 17, mỗi tu viện cao khoảng 10 mét, được nối kết thành một chuỗi liên tiếp nhau.

Còn thành phố cổ Nessebar có lịch sử từ thế kỷ thứ 6, trông giống như một tòa lâu đài trên đảo được xây từ thời Thracia với những công trình kiến trúc phòng thủ, tòa nhà biệt lập chen lẫn những ngôi chùa thời Trung cổ và lâu đài thời kỳ Phục hưng tạo thành một không gian huyền bí...

Bulgaria còn nổi tiếng với những tu viện, trong đó tu viện Rila không chỉ là nơi thiêng liêng nhất mà còn được người dân Bulgaria coi là đặc trưng của quốc gia. Được các môn đệ của tu sĩ người Bulgaria, Ivan Rilski, sáng lập hồi thế kỷ thứ 10, tu viện Rila là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất ở Bulgaria; đồng thời là trung tâm trao đổi thông tin tôn giáo với nước ngoài. Sau khi bị một trận hỏa hoạn thiêu hủy, tu viện Rila được xây dựng lại hồi thế kỷ 19.

Bulgaria còn nổi tiếng với nhiều lễ hội truyền thống. Nhưng có lẽ độc đáo nhất là lễ hội hoa hồng hàng năm được tổ chức vào tuần thứ nhất của tháng 6. Người dân từ khắp nơi đổ về thung lũng Kazanlak dự lễ hội. Các cô gái trao cho những vị khách đường xa bó hoa hồng thơm ngát. Người ta tổ chức ca múa trên quảng trường. Máy bay trực thăng phun dầu thơm lên quảng trường. Cả thị trấn Kazanlak tràn ngập trong những cánh hoa hồng.

Ngoài việc đón lễ hội, du khách cũng không quên tham quan những trung tâm chế luyện dầu hoa hồng trong thành phố, để được tận mắt nhìn thấy cách hoa hồng được chế thành dầu. Lễ hội kéo dài một tuần mới chấm dứt. Ngoài ra còn có các lễ hội khác được lưu giữ từ thời Thracia như là “Trifon Zarezan” (dành cho các nhà sản xuất rượu), “Nestinari” (múa lửa), “Kukeri” (múa cùng với mặt nạ và chuông)...

Theo Cần Thơ điện tử
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên