15/04/2011 06:31 GMT+7

BRICS, đầu tàu kinh tế mới của thế giới

T.PHƯƠNG
T.PHƯƠNG

TT - Lãnh đạo năm nền kinh tế mới nổi (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và thành viên mới Nam Phi) nhóm họp lần thứ ba hôm 14-4 tại khu nghỉ dưỡng Tam Á thuộc đảo Hải Nam, Trung Quốc nhằm củng cố ảnh hưởng của mình trong các vấn đề chính trị và kinh tế thế giới.

JIX723B9.jpgPhóng to

Từ trái qua: thủ tướng Ấn Độ, tổng thống Nga, chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Brazil và tổng thống Nam Phi tại Hải Nam ngày 14-4 - Ảnh: Reuters

BRICS tuyên bố chống lại việc sử dụng vũ lực tại Libya và Trung Đông. “Chúng tôi có cùng quan điểm rằng nên tránh sử dụng vũ lực và các bên giải quyết sự bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, đối thoại” - Reuters dẫn tuyên bố chung nêu rõ. BRICS ủng hộ nỗ lực trung gian hiện nay tại Libya của Liên minh châu Phi và cam kết sẽ duy trì hợp tác với Liên Hiệp Quốc về vấn đề này.

Về vấn đề kinh tế, BRICS khẳng định cần cải tổ hệ thống tiền tệ thế giới sau khi những bất cập về trật tự tiền tệ hiện tại đã lộ rõ qua cuộc khủng hoảng để tạo nên một “hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế rộng khắp giúp giữ sự ổn định và vững chắc” cho nền kinh tế toàn cầu. BRICS đề xuất một sự thay đổi theo hướng thế giới ít phụ thuộc hơn vào đồng USD.

BRICS cũng cho rằng “cấu trúc của các tổ chức tài chính quốc tế cần thể hiện sự thay đổi của kinh tế thế giới, tăng cường tiếng nói và vai trò của các nền kinh tế mới nổi”.

“Kinh tế thế giới đang có những thay đổi phức tạp và sâu sắc - Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói - Thời đại yêu cầu các thành viên của BRICS phải tăng cường hợp tác và đối thoại”. Một trong những sự hợp tác đó là giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) ngày 14-4 tuyên bố sẵn sàng mở khoản vay lên đến 10 tỉ nhân dân tệ (hơn 1 tỉ USD) cho bốn nước thành viên còn lại của BRICS.

Khi khái niệm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) được Jim O’Neil, chủ tịch Quỹ đầu tư Goldman Sachs, đưa ra năm 2001, các nước mới nổi chỉ chiếm một phần rất nhỏ của kinh tế thế giới. Thế nhưng trong thập niên qua BRICS đã phát triển vượt bậc. BRICS (thêm Nam Phi) hiện chiếm hơn 40% dân số thế giới và 18% GDP toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vào năm 2015 BRICS sẽ chiếm một nửa dân số thế giới (hơn 3 tỉ người), một nửa nhu cầu vốn và công nghệ và hơn 60% tăng trưởng thế giới. Tổng quỹ dự trữ ngoại tệ của các thành viên BRICS tăng 13% trong năm qua lên 3.930 tỉ USD, tương đương 1/3 dự trữ toàn cầu. BRICS đang được mô tả là đầu tàu kinh tế mới của thế giới.

T.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên