25/04/2007 04:00 GMT+7

Boris Yeltsin - một chân dung mâu thuẫn

(Chùm ảnh Tuổi Trẻ thu thập từ AP, Itar-Tass và Sự Thật Komsomol)
(Chùm ảnh Tuổi Trẻ thu thập từ AP, Itar-Tass và Sự Thật Komsomol)

TT - Tối 23-4, Tổng thống Nga V.Putin đã tuyên bố quốc tang vào 25-4. Nga sẽ tổ chức an táng cựu tổng thống Boris Nikolaievich Yeltsin tại nghĩa trang Novodevichie ở Matxcơva, nơi yên nghỉ của nhiều danh nhân nước Nga.

G1nuSXQb.jpgPhóng to TjiZ7cHM.jpg
Tháng 8-1991, Yeltsin (phải) đề nghị Tổng thống Gorbachev ký chỉ thị giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô 3-10-1993, Boris Yeltsin phát biểu trên xe tăng ngay trước tòa nhà Quốc hội Nga
1nJClRjh.jpgPhóng to Rimfz8Mq.jpg
Tháng 5-1996, trong chuyến thăm Groznưi (thủ phủ Chechnya), B.Yeltsin đã ký chỉ thị rút quân khỏi Chechnya ngay trên sườn xe thiết giáp

31-12-1999, B. Yeltsin trao quyền tổng thống cho V.Putin. Trước khi khép lại cánh cửa điện Kremlin, B.Yeltsin đã dặn V.Putin: "Hãy gìn giữ nước Nga"

Tên tuổi của B.Yeltsin gắn liền với thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, khi Liên Xô tan rã và nước Nga bắt đầu bước vào một thời kỳ phát triển mới với vô vàn thương tích, khó khăn và trăn trở. Chân dung chính khách B.Yeltsin cũng đầy mâu thuẫn như thời kỳ lịch sử của nước Nga ông nắm quyền.

Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích ở Nga và trên thế giới, tuy sự tan rã của Liên Xô thật sự chỉ còn là vấn đề thời gian sau cuộc chính biến 19-8-1991, nhưng chính B.Yeltsin là tác nhân đẩy nhanh sự tan rã ấy bằng việc cùng với hai nhà lãnh đạo Ukraine và Belarus ký hiệp ước thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập tháng 12-1991. Trước đó, khi gia tăng vai trò của Nga là nước cộng hòa chủ đạo trong Liên bang Xô viết, lấn lướt quyền lực của ban lãnh đạo Liên Xô, ông đã góp phần làm suy yếu mô hình nhà nước này.

Ngày 24-4, trả lời câu hỏi của PV RIA Novosti về việc cựu tổng thống Yeltsin từ trần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói:

“Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến cựu tổng thống LB Nga Boris Yeltsin và nhân dân Nga. Việt Nam đánh giá cao những đóng góp tích cực của cựu tổng thống B. Yeltsin trong việc khôi phục và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và LB Nga”.

Tuy là người lãnh đạo đầu tiên tại Liên Xô được dân chúng bầu vào chức vụ chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Nga (1990), nhưng ông cũng là người khởi xướng dùng bạo lực để giải tán Quốc hội Nga do dân bầu lên, cụ thể là ra lệnh đem xe tăng bắn vào tòa nhà Quốc hội tháng 10-1993, chấm dứt sự đấu tranh giữa hai phe lập pháp và chính quyền hành pháp.

Nguời dân Nga cho đến giờ cũng không quên tên tuổi vị tổng thống đầu tiên của mình gắn liền với cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử đất nước mấy thập niên gần đây. Quyết định đưa quân vào Chechnya 12-1994, cho dù xuất phát từ hoàn cảnh thực tế, được coi như bước khởi đầu một cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, tạo cớ để phương Tây phê phán Nga gay gắt trên trường quốc tế, làm gia tăng các hoạt động khủng bố của các nhóm ly khai không chỉ tại nước cộng hòa này mà còn ở nhiều địa phương khác trên khắp nước Nga.

Trong giai đoạn B.Yeltsin nắm quyền, cùng với việc manh nha phát triển nền kinh tế thị trường, dân Nga đã chứng kiến thế nào là khan hiếm hàng hóa, lạm phát phi mã, kinh tế đình đốn làm mức sống của người dân sụt giảm nghiêm trọng, tội phạm gia tăng. Quyết định tư hữu hóa của chính quyền B.Yeltsin tuy giải phóng được sức lao động, khắc phục được mô hình kinh tế bao cấp tập trung, nhưng lại được coi là quá trình “bán đổ bán tháo” tài sản khổng lồ của nhà nước Nga, sản sinh một tầng lớp có tính chất đặc thù trong xã hội Nga - tầng lớp tài phiệt, sau này đã thao túng chính trường Nga và thao túng cả chính ông.

Bên cạnh hình ảnh về một vị tổng thống trong nhiều trường hợp không làm chủ được mình dưới tác dụng của “ma men” làm mất thể diện đất nước, người dân Nga vẫn chưa quên tác phong bộc trực của ông. Giới doanh nhân trong nước đánh giá việc ông mở ra thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, giải quyết được mâu thuẫn nhiều năm giữa chính quyền và doanh nhân. Cho dù những quyết định của Yeltsin nhiều khi sai lầm, gây ra hậu quả không nhỏ, nhưng ông không tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác. Và ngày 31-12-1999, Yeltsin tự nguyện rút lui trước thời hạn khỏi cương vị tổng thống với lời phát biểu trên truyền hình: “Nước Nga cần phải bước vào thiên niên kỷ mới với những nhà chính trị mới, những con người mới, thông minh, mạnh mẽ, năng động”.

Một nhân vật lịch sử đã ra đi

Trong thông điệp của mình gửi tới nhân dân hôm 23-4 khi hay tin Boris Yeltsin từ trần, Tổng thống Nga V.Putin đã gọi B.Yeltsin là “người hào hiệp, nhiệt tâm và dũng cảm”. Trong cuộc đời của Putin, Yeltsin đóng một vai trò đặc biệt: ngày 31-12-1999, Yeltsin ốm đau đã trao toàn quyền tổng thống lại cho Putin. Có thể những lời tốt đẹp nói về người quá cố của Putin được giải thích không chỉ bằng lòng biết ơn, mà còn vì một nguyên tắc mà nhiều người Nga tuân thủ: “Chỉ nói điều tốt về người chết, hay không nói gì” (De mortis aut bene aut nihil), mặc dù nguyên tắc này du nhập vào Nga từ La Mã cổ đại.

Nhưng với B. Yeltsin thì việc áp dụng nguyên tắc này không đơn giản. Theo thăm dò của Quĩ dư luận xã hội, tới 57% người Nga đánh giá tiêu cực vai trò Yeltsin trong lịch sử, trong khi chỉ 25% đánh giá tích cực. Đa số người Nga không thể tha thứ cho việc ông đã ký chỉ thị cấm Đảng Cộng sản Liên Xô, phá hủy Liên bang Xô viết, bắn vào tòa nhà Quốc hội năm 1993 và khởi sự chiến tranh Chechnya.

Phương Tây đã đưa ra nhiều đánh giá về Yeltsin sau khi ông qua đời, kiểu như Yeltsin đã kết thúc chế độ độc tài, rút quân khỏi nước Đức, mở ra con đường cho các cải cách dân chủ và thị trường. Nhưng chẳng mấy người thừa nhận rằng các cải cách này chỉ làm giàu một nhóm nhỏ các nhà tài phiệt và làm kiệt quệ cuộc sống nhiều đồng bào của ông ta.

Ông Yeltsin sẽ được mai táng theo cấp cao nhất - tại nghĩa trang Novodevichiye ở Matxcơva, nơi yên nghỉ của nhiều nhân vật lịch sử lỗi lạc của Nga như Nikita Khrushev hay Zoya Kosmodemyanskaya.Và Yeltsin dĩ nhiên là một nhân vật lịch sử. Nhưng với dấu “cộng” hay “trừ” sẽ do các thế hệ sau này quyết định.

(Chùm ảnh Tuổi Trẻ thu thập từ AP, Itar-Tass và Sự Thật Komsomol)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên