![]() |
Đá bóng bằng chân trần trên mặt sân cỏ nhân tạo - Ảnh: Đức Tuyên |
Từ một sân cỏ nhân tạo được xây dựng, trải qua hơn bốn năm hiện nay chỉ riêng tại TP.HCM có trên 300 sân rải khắp các quận huyện...
Sân cỏ nhân tạo mọc như nấm
Đầu năm 2006, tại khuôn viên CLB Bi sắt quận 10, TP.HCM, sân cỏ nhân tạo đầu tiên của thành phố mới được đưa vào sử dụng. Chẳng lâu sau như vết dầu loang, các đội bóng đá phong trào truyền tai tranh nhau đến thuê sân. Cầu vượt cung. Nhận thấy đây là lĩnh vực kinh doanh ngon ăn, nhiều đại gia nhảy vào đầu tư.
Hệ thống sân cỏ nhân tạo tại đường Nguyễn Du, Kỳ Hòa 2, Tiểu Ngư, công viên Gia Định, Hồ Văn Huê, A41 Cộng Hòa... với vài chục sân bóng đá mini (bảy hoặc năm người) cùng nhiều sân 11 người được các nhà đầu tư gấp rút xây dựng, đưa vào sử dụng. Từ đó đến nay con số sân cỏ nhân tạo không ngừng tăng.
Nhận xét về tốc độ phát triển của sân cỏ nhân tạo, ông Văn Xuân Thiện - tổng giám đốc Công ty thể thao Thành Lâm, một “ông trùm” trong ngành xây dựng sân cỏ - nói: “Gần một năm trở lại đây, tốc độ xây dựng sân cỏ nhân tạo tại TP.HCM tăng chóng mặt. Riêng quận Tân Bình ban đầu chỉ có vài sân nhưng nay tăng trên 40 sân. Nguyên khu vực A41 Cộng Hòa có khoảng 30 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo được đưa vào sử dụng trong năm rồi. Ước chừng hiện tại TP.HCM có trên 300 sân cỏ nhân tạo được đưa vào khai thác kinh doanh”.
Đảo một vòng các quận huyện ngoại thành, chúng tôi nhận thấy số lượng sân cỏ nhân tạo tăng từng ngày. Ngay tại khu vực ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân) đã có 13 sân bóng đá mini đang hoạt động hết công suất. Dịch vào TP một chút, ở quận Tân Phú, tại đường Lũy Bán Bích, Huỳnh Thiện Lộc, khu vực gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa... cũng có ít nhất trên 20 sân.
Riêng tại quận 12, ngay trên đường Nguyễn Văn Quá có hơn 10 sân cỏ nhân tạo phục vụ đủ mọi tầng lớp đến chơi. “Quận 12 hiện có trên 40 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo được đầu tư đưa vào sử dụng, khai thác. Chúng tôi vừa nhận thêm bốn hồ sơ xin phép xây dựng sân cỏ nhân tạo. Người dân đầu tư xây dựng sân cỏ nhân tạo đang phát triển rất nhanh tại các quận huyện ngoại thành” - ông Dương Minh Đà, giám đốc Trung tâm TDTT quận 12, cho biết.
![]() |
Cầu thủ “nhí” tranh bóng trên mặt sân cỏ nhân tạo ở Trung tâm TDTT Phú Nhuận - Ảnh: Trung Dân |
Chân trần, sân nhựa
Sân bóng đá được xây dựng khắp quận huyện ngoại thành trong thành phố đã đáp ứng đúng nhu cầu chơi thể thao của mọi tầng lớp. Từ các em học sinh, công nhân, thanh niên lao động cho đến các bác nông dân... vốn “khát” sân chơi tại đây đều háo hức lăn theo trái bóng trên sân nhựa.
Mới 7g sáng, hai trong ba sân cỏ nhân tạo của CLB Bóng đá mini Hòa Thạnh (đường Huỳnh Thiện Lộc, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) đã có các đội bóng quần nhau mướt mồ hôi. Quần cộc xen lẫn quần dài hay lưng lửng cùng áo đủ màu sắc, đặc biệt không có giày, đó là trang phục của nhóm học sinh đang chơi bóng tại đây.
Sân kế bên, một nhóm thanh niên với những cái lưng đen trũi cũng đang hò hét, thoăn thoắt đôi chân trần rượt theo trái bóng. Hình ảnh những cầu thủ người trần trùng trục đá bóng trên sân cỏ nhân tạo tại các quận huyện ngoại thành giờ đây rất phổ biến. “Ngày trước, trên sân đất lồi lõm chân trần chúng tôi còn đá bóng được. Nay có sân cỏ nhân tạo, êm như nệm thế này đá quá sướng mắc gì phải mua giày cho phí” - một cầu thủ tên Quân, nhà gần sân bóng Hòa Thạnh, giải thích.
Một sáng chủ nhật trung tuần tháng giêng, chúng tôi đến khu sân cỏ nhân tạo Kỳ Hòa 2 (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10). Tại đây có 12 sân bóng với 11 sân mini (5-7 người), một sân chín người và một sân 11 người. Tất cả đã đặc kín cầu thủ đang quần nhau cùng trái bóng. Trong khi đó những sân tennis kế bên vắng hoe.
Đa số dân chơi bóng tại đây đều là cán bộ, công chức tại các cơ quan xí nghiệp có trụ sở trên những quận huyện lân cận. Ngày cuối tuần, nơi đây cũng thường xuyên diễn ra các giải đấu giữa những đội bóng phong trào. Ngồi xem cuộc “thư hùng” giữa đội Bảo hiểm bưu điện và Phòng an ninh kinh tế (PA17), chúng tôi bị cuốn theo những pha đảo người, rê dắt và sút bóng không kém phần điệu nghệ của những cầu thủ phong trào này. Các chị em đi theo cổ vũ đội bóng cũng nhiệt tình hò reo ủng hộ vang cả một góc sân.
Nghề chơi ăn thiệt
Hiện giá cho thuê sân cỏ nhân tạo mini ở các huyện ngoại thành TP.HCM dao động ở mức 120.000-170.000đ/giờ (ban ngày). Riêng vào buổi tối, tiền thuê sân được đẩy lên 190.000-200.000đ/giờ.
Đặc biệt những sân bóng nằm ở khu vực các quận 1, 5, 10, 11, Phú Nhuận... giá thuê được đẩy lên khá cao. Như tại sân Kỳ Hòa 2, biểu giá thuê sân cỏ nhân tạo mini từ 6g-13g là 150.000đ/giờ, 13g-16g là 200.000đ/giờ, còn 16g đến hết đêm 250.000đ. Riêng thứ bảy và chủ nhật, buổi sáng giá thuê sân 300.000-400.000đ/giờ, đắt hơn buổi chiều và tối từ 50.000-100.000đ. Đặc biệt, đối với sân cỏ nhân tạo lớn (11 người), giá thuê sân tại Kỳ Hòa lên đến 1.500.000đ/90 phút.
Dù giá thuê sân khá cao nhưng giới mê trái bóng tròn nơi đây không phải lúc nào mướn sân cũng có. Anh Nguyễn Hoàng Ánh, nhân viên Công ty Maersk VN (quận 1), bộc bạch: “Nhiều hôm mấy anh em trong công ty mê đá bóng bứt rứt chân tay muốn vào sân, thế nhưng chạy lòng vòng cả buổi mới thuê được.
Riêng khu vực Kỳ Hòa nếu không đặt trước đừng mong xách giày vào sân. Mười mấy sân ở đây lúc nào cũng đặc kín người”. Đúng như anh Ánh nói, dù là ngày thường chúng tôi cũng chứng kiến khi một đội hết giờ thuê là có ngay đội bóng khác đặt giờ trước nhảy vào thế chỗ. “Toàn bộ sân ở đây từ 14g-22g mỗi ngày đều có các đội bóng đặt chỗ kín hết theo quý hoặc cả năm. Riêng những giờ còn lại, đội bóng nào muốn đến đá phải đặt trước ít nhất một ngày mới mong còn sân” - anh Hiền, người quản lý hệ thống sân Kỳ Hòa 2, cho biết.
Anh Đào Văn Quý, người quản lý hai sân cỏ nhân tạo tại số 1 Bạch Đằng, quận Tân Bình, cho biết hiện các chủ sân bóng đang cạnh tranh rất gay gắt. Mỗi người đều có chiêu thức riêng để kéo giới mê trái bóng da đến sân của mình. Nhiều sân khuyến mãi thêm nước uống, giữ xe miễn phí hoặc cho mượn bóng, quần áo. Cũng có sân tìm đến các cơ quan xí nghiệp, trường học chào hàng và thường xuyên tổ chức các giải đấu giao hữu. “Đã có chủ sân cạnh tranh bằng cách hạ giá cho thuê sân.
Làm như thế chẳng khác nào dìm nhau rồi cùng chết chìm. Tôi kiên quyết không hạ giá sân cho thuê mà thay vào đó là nâng chất lượng, cung cách phục vụ để người chơi khi ra về luôn cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh. Thế mới là chơi thể thao...” - anh Quý chia sẻ.
Chơi đá bóng thúc đẩy phong trào, giảm tệ nạn Ông Dương Minh Đà - giám đốc Trung tâm TDTT quận 12 - cho biết trong khoảng một năm nay phong trào chơi bóng đá ở quận 12 phát triển không ngừng. “Hiện tại trên địa bàn quận có khoảng 70 đội bóng phong trào thường xuyên tập luyện và thi đấu giao hữu với nhau”, ông Đà nói. Riêng ông Võ Văn Diệp, chủ nhiệm CLB Bóng đá Cây Sộp, cho biết hiện có 70 em 7-11 tuổi của hai lớp năng khiếu được đào tạo tại đây. Ngoài ra, hằng ngày bốn sân bóng nhân tạo mini và hai sân bóng lớn của ông Diệp cũng thu hút hàng trăm người đủ mọi tầng lớp đến chơi bóng. Ông Lê Quang Cư, trưởng ban an ninh khu phố 3 (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú), cho biết: “Từ ngày ba sân bóng của CLB Bóng đá mini Hòa Thạnh được thành lập, tình hình an ninh trật tự trong khu phố tốt lên thấy rõ. Sân bóng được thành lập ngay trên phần đất của Vườn Ngâu. Trước đây nơi này chính là khu tệ nạn, tập trung những tay hút chích với ống tiêm vứt ngổn ngang. Sân bóng được xây dựng, đưa vào sử dụng đã thu hút thanh thiếu niên trong khu phố tới sinh hoạt và chơi thể thao nên nạn nhậu nhẹt, hút chích, đánh nhau... giảm thấy rõ. Người dân quanh khu phố rất mừng”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận