![]() |
Phép màu có thể biến có thành không, biến không thành có chứ không qui định được tính cách con người. Tất cả bắt đầu từ chuyện chị cả Giáng Kiều lấy trộm của Thái thượng lão quân bốn viên ngọc lưu ly. Mỗi tiên cho một viên ngọc vào miệng, chờ Giáng Kiều đọc thần chú, ngay tức khắc, tất cả sẽ biến thành người trần gian, sẽ được sống với mọi hỉ nộ ái ố mà các tiên thích. Muốn trở lại thành tiên cũng phải chờ Giáng Kiều đọc thần chú. Chị cả độc quyền các câu thần chú, xem đấy như là chiếc vòng kim cô để sống với đàn em.
Công việc trên cõi tiên của họ là giữ vườn đào. Họ sống thân tình và khắng khít như chị em một nhà suốt bao nhiêu năm qua. Vườn đào trên thượng giới không giống như các vườn đào ở hạ giới nên trưởng vườn là vị trí ước mơ của khá nhiều tiên. Ăn một trái đào được sống thêm ngàn năm, ai mà không thích. Nhưng bao nhiêu năm qua, vườn đào vẫn chưa có trưởng vườn. Trong bốn chị em, xem ra chị cả Giáng Kiều là ứng viên trưởng vườn sáng giá nhất, nhưng Ngọc hoàng thượng đế không bổ nhiệm. Vì thế, chuyện tạm thời gần như là vĩnh cửu. Bốn chị em Giáng Kiều ngầm hiểu với nhau như thế nên họ vẫn cứ yên tâm làm tốt công việc hết mùa đào này sang mùa đào khác. Nhưng đôi khi, những nhiêu khê của thượng giới cũng giống như trần gian. Có lần, Thái thượng lão quân bảo riêng với Giáng Kiều – người được cả nhóm tín nhiệm giao cho việc phân phối đào: “Nhà ngươi ưu tiên cho ta thêm mỗi mù ahai trái đào, ta sẽ tiến cử cho! Ngọc Hoàng bực bội ngươi, lẽ ra ngươi phải biết điều một chút…”. Giáng Kiều nhún vai, lắc đầu, hay ho gì cái trò chạy cửa sau ấy. Nếu muốn thì trước đó năm trăm triệu năm, tiên cô đã phải sửa mình trước Ngọc Hoàng thượng đế. Mỗi năm, vào mùa cống nạp, nàng chỉ cần sắp thêm cho đấng tối cao một đĩa đào đặc biệt, đĩa đào ăn vào sẽ làm cho tất cả những gì thuộc về đấng đàn ông của đấng tối cao ngày càng mãnh liệt và hoành tráng hơn. Nhưng tiếc thay, nàng không làm được điều đó. Và Ngọc hoàng thượng đế cũng không thể tùy tiện qui định số đào cống nạp cho mình. Bởi đó là một trong những điều răn chung để đấng tối cao điều hành thượng giới. Đã nhiều lần cùng đàn em lên xuống hạ giới bằng những viên ngọc lưu ly trộm được của Thái thượng lão quân, nàng biết, chạy cửa sau là chuyện không hiếm của người trần gian. Nàng thừa hiểu, nếu biết điều một chút thì mọi chuyện sẽ dễ thở hơn nhiều. Nàng và Thái thượng lão quân, lẫn Ngọc hoàng thượng đế sẽ không phải sống trong tình trạng ngầm mặc cả với nhau như thế trong hơn năm trăm triệu năm qua. Với cốt cách một tiên cô chính cống, nàng nghĩ mình phải sống khác hơn. Dù nàng biết rất rõ rằng, trên thượng giới lúc này, chỉ có tiên mới là người có nhiều kinh nghiệm chăm sóc đào và hái đào. Những cây đào do nàng bảo ban, hướng dẫn đàn em chăm sóc ngày càng tốt tươi ra. Hàng vạn trái đào được hái từ những câu thần chú và chiếc cù nèo vàng trong tay nàng bao giờ cũng tươi hơn, ngon hơn, màu nhiệm hơn.
Ngày của bốn chị em Giáng Kiều bắt đầu bằng chuyện hái và chăm sóc đào buổi sáng. Cũng vẫn những câu thần chú và chiếc cù nèo vàng giống nhau ấy nhưng những trái đào do Giáng Tiên hái được mới đáng chán làm sao. Chúng xù xì và thâm xịt. Phong cách rất đàn chị và kinh nghiệm phân loại đào thuộc tầm chuyên gia của Giáng Kiều đương nhiên cho nàng quyền quyết định mọi thứ. Nàng cho những trái đào xấu xí ấy vào một chiếc sọt thủng đít ở góc vườn, dành phân phối cho những kẻ cậy phép quấy rối như Na Tra thái tử hoặc những kẻ thích cầm còi đi trước ôtô như tên quan Bật mã ôn khỉ khọt. Nhưng với cô em út Giáng Tiên thì nàng thật sự thiên vị. Chưa bao giờ nàng chê bai cô tiên nhỏ vì sự vụng về này, bởi nàng yêu cô hơn hai tiên cô kia. Cô xấu xí, kém thông minh nhất trong bốn chị em nhưng ngộ nghĩnh và chân thành. Cô biết làm cho chị cả vui khi chị cả buồn, làm cho chị cả sung sướng hát ca trước những bất công vẫn xảy ra hằng ngày, hằng giờ trên thiên đình. Chị cả đã dạy cô cách đọc thần chú như thế nào để trái đào nghe mà rớt nhẹ nhàng, cách móc cù nèo vàng làm sao để trái đào không bị trầy xước. Nhưng trình độ của tiên út vẫn không được nâng lên. Vì thế, mỗi khi chị cả bận việc đi xa (hoặc xuống hạ giới giải quyết chuyện trần gian theo lệnh của Ngọc hoàng), chuyện điều động vườn đào được giao cho Giáng Hạ. Bù lại việc không giao được quyền điều động vườn đào, Giáng My được chị cả Giáng Kiều mua cho những chiếc trâm cài tóc không đụng hàng với bất cứ tiên nữ nào trên thượng giới. Thông thường, sau khi hái đào, cả nhà ngồi vào bàn trà đạo. Thường vẫn có thêm những món ngon từ hạ giới do chị cả mang về trước đó như hamburger, cá xông khói, chả giò Cầu Tre… Cả nhà vừa ăn, vừa trò chuyện thân tình, ấm cúng, râm ran. Bắt đầu là chuyện Thiên bồng nguyên soái muốn được bốn tiên cô kính nể như kính nể một học giả. Nhưng hắn tham ăn quá, phàm phu tục tử quá làm sao được. Hắn nghinh nghinh cái mặt lên trời, có khoác áo của Ngọc hoàng thượng đế vào cho hắn thì cũng không cách nào thay đổi được màu da của xác chết. Tiếp đó là tiên Giáng My bàn chuyện muốn xin Ngọc hoàng thượng đế cho nghỉ việc không ăn lương để đi học… tiếng Anh (dạo này ở các nước nói tiếng Anh cũng có lắm chuyện cần sự can thiệp của người thượng giới). Chuyện này thì không thể, thiếp yêu của Ngọc hoàng đã soán chỗ mất rồi. Giáng Hạ thích bàn đến nguy cơ hủy diệt thế giới hơn. Nàng có đôi mắt to sâu và vầng trán rộng mênh mông. Nàng bảo thật ra vỏ trái đất bây giờ cũng như vỏ trứng gà thôi. Con người vừa khai thác, vừa tỏ ra bội bạc với cái vỏ mỏng tang và dễ vỡ ấy chả trách gì động đất, sóng thần xảy ra liên miên… Buổi chiều, bốn chị em buồn tình nuốt ngọc lưu ly dạo xuống trần gian. Họ thích thú khi được làm người trần gian trong chốc lát. Giáng Kiều lấy làm ngạc nhiên vì Giáng Tiên tỏ ra không quan tâm trước bao cảnh lạ của trần gian. Cô nàng chúi mũi vào một cửa hàng sách, đặc biệt ở quầy bày những quyển tôn tử binh pháp của mấy ông tác giả người Tàu. Thế thì tốt, có ý cầu tiến, đáng mặt chị em vườn đào. Giáng My thì chú tâm vào các shop thời trang, các điểm chiếu phim và hệ thống quán xá có nhiều cô nàng xinh xắn, ăn mặc cực kỳ mát mẻ. Đôi lần, nàng say sưa dán mắt vào cảnh những chàng trai và những cô gái hôn nhau. Nàng nghĩ, những nụ hôn ấy chắc phải trên cả tuyệt vời bởi nàng chưa được hôn bao giờ, không có cơ hội để hôn và được hôn. Giáng Hạ thích trò chuyện với mọi người trong quán cà phê hơn, nàng quan tâm đến vụ xe điện đụng ở Nga làm chết hàng trăm người. Với Giáng Kiều, chuyện trần gian gần như không còn lạ lẫm nữa vì những chuyến công vụ thường xuyên (Ngọc Hoàng thượng đế cũng đã cấp riêng cho nàng một viên ngọc để biến thành người trần gian khi cần thiết, tất nhiên không ai biết chuyện bốn viên ngọc lưu ly của Thái thượng lão quân bị mất cắp). Nhưng nàng vẫn mê nhất những câu chuyện đầy ắp tình người giữa những con người với nhau. Không ít lần, nàng đã phải nhỏ những giọt nước mắt tiên vì sự hi sinh cao cả của người vợ giữa dòng sông cuồn cuộn nước. Xuồng hai vợ chồng bị lật úp, khi cả hai đã kiệt sức vì đã chống chọi với những làn sóng dữ, người vợ đã buông ông chồng ra, đẩy ông ta vào bờ và chọn cái chết cho mình vì chồng bà cần phải sống, ông còn làm được bao nghĩa cử trên đời. Nàng đã phải mất bao đêm không ngủ vì tình mẹ thống thiết của con người. Đứa con nghiện ma túy hư hỏng đã đâm mẹ mình trọng thương để gom hết của cải trong nhà mang đi. Nhưng khi trả lời trước các nhà chức trách, người mẹ đã lắc đầu quầy quậy bảo rằng, bà đã thấy rất rõ là, tên cướp đó không phải con bà, khi sự việc xảy ra, con bà còn đang học ở trường… Nàng bắt đầu nghiên cứu nỗi buồn của người trần gian từ những lần phải khóc và mất ngủ như thế. Nỗi buồn của con người thường bắt đầu từ đâu và đến bao giờ mới hết. Dường như mọi nỗi buồn đều bắt nguồn từ sự thay đổi của con người. Cơ thể con người thay đổi chế độ tồn tại bình thường, có nghĩa là đã phát bệnh và sẽ chết. Tâm tư con người thay đổi tạo ra nhiều hiệu ứng đã được các nhà văn, nhà thơ gọi thành tên như tiếng sét ái tình, sự lừa lọc, sự hi sinh, lòng phản trắc… Nỗi buồn ở trần gian khác nỗi buồn trên thượng giới là, hoặc nó sẽ được hóa giải, hoặc nó sẽ dẫn con người đi đến chỗ triệt tiêu. Ví dụ như bệnh hết thuốc chữa thì chết, ghét nhau thì không thèm nhìn mặt nhau nữa, hết yêu người này thì được quyền yêu người khác… Nàng gọi đó là sự tiêu hóa hợp lý. Đôi khi, nàng thèm được sống trong sự hợp lý hóa. Bởi người cõi trên cứ sống đời đời kiếp kiếp nhờ chuyện chia chác nhau, tranh giành nhau những trái đào tiên trường thọ ở vườn đào. Cuộc sống người cõi trên vô hạn và miên man trong không gian, thời gian nên những hiệu ứng trong tâm tư các tiên thường không thuốc chữa. Đôi khi, nàng cũng muốn rũ bỏ những điều không thuốc chữa này nhưng cuộc sống hơn năm trăm năm triệu năm của nàng ở thượng giới đã kéo theo bao nhiêu là hệ lụy…
Đến một ngày đẹp trời nọ, buổi sáng Giáng Kiều đi công vụ ở trần gian, buổi chiều Thái thượng lão quân triệu tập một cuộc họp bốn chị em vườn đào. Thái thượng lão quân trịnh trọng e hèm:
- Công việc vườn đào ngày càng phức tạp, Ngọc hoàng thượng đế tổ chức hội họp liên miên, cầu về trái đào tăng lên mà cung thì hạn chế, nhận định này chỉ rõ: cần có ngay một trưởng vườn để ra những quyết định mang tính đột phá.
Giáng Kiều chống cằm ngồi im, nàng hiểu ngay tính đột phá mà Thái thượng lão quân và Ngọc hoàng thượng đế muốn đề cập là gì. Năm trăm triệu năm nhân với hai mùa đào, mỗi mùa tăng thêm hai trái, vị chi hai tỉ trái được cấp ngoài qui định. Nếu có lượng đào khổng lồ này trong bụng, Thái thượng lão quân chấp Tề thiên đại thánh đạp đổ một trăm lò luyện lửa bát quái. Năm trăm triệu năm với một ngàn triệu đĩa đào đặc biệt, không lo chi chuyện Ngọc hoàng thượng đế có đến vô cùng thứ phi. Nhưng tiếc rằng, bao nhiêu năm qua, quân lệnh như sơn vẫn được bắt đầu từ người chị cả của vườn đào… Ngọc hoàng đã tìm ra một người để đưa về làm trưởng vườn chăng? Không phải, Thái thượng lão quân hạ giọng quan trọng:
- Để cho khách quan hơn và không ai được kỳ kèo ai, tôi đề nghị chúng ta bầu cử.
Có cần phải có một sự chọn lựa giữa bốn chị em Giáng Kiều với nhau? Có cần phải tổ chức một cuộc bầu cử vừa vụng về vừa bất nhã giữa nàng và ba tiên nhỏ? Họ đã sống với nhau ân cần như thế theo một tôn ti trật tự nhất định. Nếu được chính thức đề bạt trưởng vườn, Giáng Kiều cũng không hào hứng gì, nàng sẽ có hàng vạn lý do để từ chối. Bởi nàng thừa lòng tự trọng để ngoảnh mặt đi trước cái mà người ta tưởng là miếng mồi ấy, bốn chị em nàng vẫn làm được việc và làm tốt… Năm khắc, mười khắc, hai mươi khắc trôi qua… Mọi người vẫn im lặng. Giáng Tiên vờ xem lại sổ xuất đào ban sáng. Giáng My nhìn những đám mây trôi bềnh bồng như lần đầu tiên nhìn thấy mây. Giáng Hạ miết miết mũi giày xuống sàn nhà như muốn mài cho nó mòn đi. Nàng thật sự ngạc nhiên trước sự im lặng của mọi người. Chẳng bù cho những lần Thái thượng lão quân đua đẩy rằng, sắp có người mới về làm trưởng vườn, các tiên đều la lên lóe chóe và lắc đầy quầy quậy. Chúng tôi sống với nhau và bảo ban nhau làm việc tốt là đủ, không cần người thứ năm. Cô tiên út kém thông minh còn nói được lời như thế. Điều gì đã xảy ra khi Giáng Kiều không có mặt ở vườn đào sáng nay? Mấy tên em của nàng đã bị biến thành những con người vẫn bị chúng giễu cợt, chê bai hàng ngày là Thái thượng lão quân, Thiên bồng nguyên soái… Nàng nhớ rất rõ là, không có trái đào nào trong vườn làm thay đổi tính cách con người. Người được ăn đào bao giờ cũng thông minh, sáng suốt hơn. Điều gì đã xảy ra? Thôi thì, Ngọc hoàng thượng đế đã muốn thế, thì trong bốn chị em nàng, ai làm trưởng vườn cũng được. Nàng nhắm vào cô tiên út thích đọc tôn tử binh pháp của mấy ông người Tàu:
- Tôi đề nghị Giáng Tiên!
Ý nghĩ thong dong của nàng chợt biến mất khi một Giáng Tiên khác vội vàng đứng lên:
- Vì ý muốn của Ngọc hoàng thượng đế, tôi xin nhận lấy trọng trách này, đề nghị các tiên chị giúp tôi hoàn thành tốt công việc.
Giáng My, Giáng Hạ đồng thanh:
- Chúng tôi đồng ý!
Không cần Thái thượng lão quân kết luận số phiếu thuận đạt trăm phần trăm, tất cả mọi việc diễn ra khi không có Giáng Kiều trên thượng giới sáng nay đang quay lại trong đầu nàng như phim… Nàng thừa hiểu, nói theo kiểu trần gian, Ngọc hoàng và Thái thượng lão quân đang dạy nàng bài học thế nào là lễ độ.
Mọi sự ngỡ ngàng rồi cũng qua đi. Giáng Kiều vẫn sống một cuộc đời như nàng đã từng sống, có điều không dám chăn dắt trưởng vườn Giáng Tiên như trước kia nữa. Giáng Tiên xúng xính trong bộ xiêm y trưởng vườn nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt chị cả. Chỉ chưa đầy một năm sau ngày Giáng Tiên nhậm chúc, tóc cả bốn người đều bạc trắng. Luật muôn đời của tạo hóa: tóc của các tiên làm ở vườn đào không bao giờ bạc đã bị phá bỏ. Ôm nỗi buồn không tiêu hóa được của người thượng giới, Giáng Kiều chỉ thích đi mây về gió một mình. Có đến một vạn lần đứng trước gương, nàng tự hỏi, mình buồn vì cái gì. Buồn vì không được làm trưởng vườn đào ư? Không phải, nếu muốn thì nàng đủ khả năng để xoay từ mười đời tám kiếp. Kể cả chuyện làm thứ phi thứ một ngàn không trăm lẻ một của Ngọc hoàng thượng đế. Đêm đêm, nằm gác tay lên trán, nàng cố nặn ra những nỗi buồn nhân gian để gọi cho đúng tên nỗi buồn của nàng. Những đứa em vườn đào của nàng sẵn sàng đổi lấy những gì đã có giữa bốn chị em để mỗi người được mỗi cái. Phía sau vị trí chủ vườn của Giáng Tiên là chuyện Giáng My được Ngọc hoàng đồng ý cho đi học tiếng Anh, được lĩnh lương suốt thời gian học và được tài trợ cả học phí. Giáng Hạ thì hoang mang nghĩ đến ngày thế giới bị tận diệt, nên tốt nhất là ngã về đám đông (huống chi phía sau còn có Ngọc hoàng và Thái thượng lão quân). Nàng cũng có lý khi e sợ viễn cảnh thế giới ngày mai bị tận diệt. Thượng giới sống bằng phép tiên của nàng cũng không tài nào thoát khỏi vòng sinh – lão – bệnh – tử. Chẳng thế thì tại sao những người đã được mệnh danh là trường sinh bất tử trên cõi tiên này vẫn tranh nhau ăn từng trái đào tiên để được tăng khả năng sống? Giữa trời đất hỗn mang cần nhiều phép màu trong ngày tận diệt ấy, nàng nghĩ, dù sao đi nữa, ở bên cạnh Ngọc hoàng và Thái thượng lão quân vẫn yên tâm hơn chuyện ở bên cạnh Giáng Kiều… Cuối cùng, cũng vẫn là thể diện thánh thần tiên phật, Giáng Hạ, Giáng My và Giáng Tiên đã cố làm ra vẻ bình thường trong những buổi trà đạo không có Giáng Kiều, chỉ có chiếc ghế thứ tư không có người ngồi là chỉ ra một điều gì đó mà cả ba không dám nhìn thẳng vào mắt nhau…
Giáng Kiều bệnh. Nàng có cảm giác đau dạ dày. Rõ ràng là do di chứng của nỗi buồn thiếu men Amy;aza. Ba đứa em vườn đào cũng bệnh vì sự trống trải của chiếc ghế thứ tư. Giáng Tiên mệt nhiều hơn vì còn phải phục vụ cấp trên suốt ngày. Từ ngày cô tiên út nhậm chức, Ngọc hoàng tổ chức Hội vườn đào liên miên. Bên cạnh đó, còn có hàng tỉ trái đào xuất kho không lý do từ các mối quan hệ mới của trưởng vườn Giáng Tiên nên không làm được chứng từ quyết toán. Giáng My, Giáng Hạ cố tỏ ra vô can trước vấn nạn này. Không có những chuyến đi chơi trần gian thú vị như trước kia, suốt ngày, hai nàng cứ đi ra đi vào lọm khọm như hai bà già tám mươi ở trần gian. Lúc Giáng My không dám nhìn vào mắt chị cả cũng chính là lúc nàng quyết định không học hành chi nữa. Những khi buồn, nàng lọ mọ với đám lá khô ngoài vườn, chất chúng thành từng đống xong lại xáo ra, chất tiếp… Thỉnh thoảng, nàng ngẩng mặt lên tìm bóng chim. Đào chết gần hết nửa vườn rồi, còn đâu mà chim chóc. Đào chết vì công thức chăm sóc mới không thèm tham khảo ai của Giáng Tiên. Nhìn về phương trời biền biệt, Giáng My nhớ trần gian quay quắt. Nàng nhắm mắt lại, tưởng đến nụ hôn nồng nàn của những người yêu nhau trong các quán mờ mờ ánh điện… Giáng Hạ ngồi như bất động trong một góc khác của vườn đào, nàng muốn trở lại thời hồn nhiên xưa cũ bởi chợt nhận ra rằng, thế giới có tận diệt cũng phải đến vài trăm triệu năm nữa… Nhưng từ ngày tóc nàng bạc trắng, từ ngày có trưởng vườn Giáng Tiên điều hành công việc, nàng đã nghĩ khác rồi. Nàng không quan tâm đến chuyện bao lâu nữa thế giới sẽ bị tận diệt. Nàng nghĩ, thảm họa thế giới không trừ nàng ra vẫn tốt hơn. Cuộc đời trường sinh bất tử của nàng sẽ tẻ nhạt biết bao nếu thỉnh thoảng nàng không được dạo chơi dưới trần gian diệu kỳ, dù nơi ấy, mọi thứ đều hữu hạn. Người trần gian được tha hồi nói và làm như họ nghĩ mà không phải giữ thể diện thánh thần tiên phật. Thế thì tội gì mà không tận hưởng những gì nàng đáng được tận hưởng. Nàng ngại ngùng nhắc nhở Giáng Kiều chuyện lâu quá mấy chị em không được đi chơi trần gian… Ngồi thẫn thờ cách đó không xa, Giáng Kiều chợt thấy lòng sáng lên, rồi bừng tỉnh… Nỗi buồn không tự nhiên biến mất và cũng không chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác của thượng giới đã làm nàng mụ mị cả người đi. Nàng bước nhanh vào phòng, mở tung hòm xiểng tìm lại bốn viên ngọc lưu ly (viên do Ngọc hoàng cấp cho nàng để dành đi công vụ ở trần gian đã bị thu hồi để chuyển giao cho Giáng Tiên). Nàng quyết định tiêu hóa nỗi buồn bằng cách nuốt hết bốn viên ngọc mà không cần đọc một câu thần chú nào. Thế có nghĩa là, nàng chấp nhận một cuộc tái sinh, chấp nhận làm người trần gian, quyết định không trở về thượng giới… Một trận cuồng phong nổi lên, ngay tức khắc nàng bị biến thành vô số hạt nhỏ li ti và trong suốt, những hạt này rơi xuống, phủ cả một cánh đồng cỏ xanh ngút ngàn, nàng đã nghe được mùi đất, đất thân thiết của trần gian… Đấng tạo hóa chào đón nàng bằng câu hỏi đầu tiên:
- Chào con, vì sao con không muốn làm tiên nữa?
Nàng đã trả lời rất trần gian:
- Vì con muốn chân chạm đất, muốn có sự khởi đầu và kết thúc.
Đấng tạo hóa gật gù:
- Ý nghĩ này cho thấy con đã đủ tiêu chuẩn làm người trần gian!
Trước khi bắt tay tái tạo nàng, đấng tạo hóa xòe tay tính. Cứ một ngày ở thượng giới tính bằng mười năm ở trần gian. Ôi chao, nếu vậy thì năm trăm triệu năm tuổi của nàng tính làm sao cho xuể. Ông vừa tái tạo nàng, vừa nghĩ ngợi và phết con số hai mươi vào sổ sinh của người trần gian, ngay cột số mang tên Giáng Kiều… Người con gái trẻ trung, xinh xắn vừa được tái sinh đã vội vàng hỏi:
- Vì sao con phải bắt đầu lại bằng tuổi hai mươi của người trần gian?
Đấng tạo hóa vuốt râu hài lòng:
- Tuổi này sẽ làm được nhiều việc và đủ bản lĩnh để đương đầu với những bất trắc. Ta hi vọng, nếu con biết phát huy tốt những phẩm chất đáng quí vốn có của con ở thượng giới, con sẽ là mẫu người mới để xây dựng một thế giới hoàn hảo.
Nói rồi ngài phết thêm con số bảy mươi trong sổ tử. Có nghĩa, nàng sẽ chết ở tuổi bảy mươi. Giáng Kiều chợt thú vị phát hiện ra rằng, sự hữu hạn của phận người thật vô cùng dễ chịu. Con người sẽ không có đến vài trăm triệu năm hoài hoài dằn vặt, hoài hoài khổ đau vì bị phản trắc hoặc do gây ra một lỗi lầm nào đó. Nàng nhớ đến Giáng Hạ, Giáng My đang buồn đến bạc cả tóc ở trên cao… Trước khi được chấp nhận làm người trần gian một cách chính thức, Giáng Kiều thưa cùng đấng tạo hóa:
- Con xin phép cha được giữ lại một lọn tóc bạc của tiên Giáng Kiều.
Đấng tạo hóa thở dài:
- Con đã chẳng phải chán ngấy kiếp tiên rồi đó sao?
- Không, thưa cha, con giữ tóc lại không phải để làm tiên nữa đâu. Con sẽ mắc lọn tóc ấy trên bờ giậu mồng tơi trước nhà.
- Để làm chi vậy con?
Nàng cúi đầu không nói. Đấng tạo hóa nghĩ qua loa đại khái rằng, nàng muốn giữ lại kỷ niệm của một thời làm tiên. Ngài chặc lưỡi:
- Thôi được, ta chiều con, chúc con làm người đúng như một con người!
Sương khói bồng bềnh theo đấng tạo hóa bay xa. Ngài còn phải đi làm nhiệm vụ tái tạo ở khắp nơi.
Phải thật lâu lắm rồi, Giáng Kiều mới thấy lòng nhẹ nhõm như thế. Nàng hài lòng quay ra ngắm nghía khoảng sân nhà và mái tranh ấm áp mà đấng tạo hóa vừa ban cho nàng. Đúng như ước nguyện của nàng, hàng giậu mồng tơi nhà nàng xanh mượt những lá, trắng muốt những chấm hoa li ti và tím rịm từng chùm trái mồng tơi căng bóng. Nàng dang tay, định bay lên hàng rào mồng tơi để móc lọn tóc tiên. Nhưng nàng đã quên mình không còn là tiên nữa. Cứ rướn người mất thăng bằng làm nàng ngã lăn quay. Một đàn bướm chập chờn bay quanh nàng, gió mang hương mùa xuân đến ngập tràn. Nàng cảm thấy hạnh phúc vì đã có được những cảm giác rất trần gian. Nàng cũng chẳng thấy đau vì cú ngã, bởi nàng rất tin rằng, sẽ có ngày, Giáng Tiên sẽ đi kinh lý ngang qua, nàng tiên út sẽ đứng lại tần ngần trước lọn tóc tiên móc trên giậu mồng tơi và phát hiện ra dấu vết của người chị cả vườn đào. Chị cả sẽ mời cô em út vào nhà uống bát chè xanh và bảo rằng, chị đã quên tất cả rồi, hãy cản đảm nhìn vào mắt nhau. Đôi mắt tuổi hai mươi sáng ngời của Giáng Kiều sẽ nói với Giáng Tiên nỗi sung sướng về sự hữu hạn của phận người…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận