![]() |
Từ Xà Tón ra Châu Đốc, 42 cây số xe đi mất khoảng ba tiếng đồng hồ. Nước kinh cầu Cây Me đục ngầu, chợ Cây Me xơ xác, vườn chuối trên núi Nam Vi xanh lạnh ngắt, thung lũng cầu Tà Đét khe nước sâu thăm thẳm. Xe chậm chạp, thỉnh thoảng ngừng rước khách, qua những rặng núi Dài, núi Bà Đội Om, núi Cấm, núi Két, đường nghiêng, bỏ lại sau cái thế giới bình yên đầm ấm ra ngoài đô thị bon chen. Đúng tâm trạng trong bài học thuộc lòng:
Thương con thân gái đi xa
Mới lần thứ nhứt con ra thị thành
Còn bở ngở chưa lanh chưa thuộc
Lại ngây thơ, đường bước chưa quen
Đêm xa nhà đầu tiên, cô đơn trên ghế bố lạ chỗ lạ người. Cùng ở trọ với tôi có cậu Xén cùng quê lúc đang học Đệ Tứ và thằng Cường con Sal con chủ nhà.
Sáng hôm sau đang lúi húi rửa mặt, thấy bác Hai Khá chủ nhà nhìn tôi không nói một lời, ông người mập trắng.
Sáng đó bác Hai Khá đưa tôi lên Sở Giáo huấn tại trường nữ, ghi tên vào lớp thầy Dương Văn Mậu, lớp nhì B, học chung với Cường, học nhằm buổi chiều từ 2 giờ đến 6 giờ, buổi sáng nghỉ. Học được hai ngày, ngày thứ tư tôi định cuốn gói về quê, bị cô ba Tên (bà chủ nhà) la, tôi xép re, mang đồ trở vô. Đêm đêm, quả là nước mắt ướt đầm ghế bố.
Lâu lắm, cả năm sau mới quen dần nếp sống thị thành, đèn điện, nước máy, cầu tiêu thùng sau nhà, không cần ra đầu bờ kinh sợ sệt đám phú-lít biên phạt.
Cứ mỗi thứ năm, ông già tôi mặc quần lãnh đen, áo trắng ba túi, nút thắt, xách giỏ thịt hay con gà và trưa đó dẫn tôi đi ăn tiệm ngoài chợ. Ổng sợ tôi thiếu ăn, đền bù bằng những buổi cơm gà, cơm tôm, bún bì và uống nước đá chanh ở tiệm cà-phê ở tiệm Thái Bình, nghe mấy người phổ-ky kêu đồ ăn như hát.
Tiền cơm mỗi tháng là hai trăm đồng bạc, tiền túi ba bữa mười đồng. Sức đang lớn ăn sao đủ no. Cứ vài tuần về quê, thế nào tôi cũng mang theo vài chục tiền túi. Lên mâm cơm, ăn coi nồi, ngồi coi hướng, thức ăn có giới hạn, dọn trên dĩa tô kiểu trắng (nhà tôi ăn tô chén sành mà thức ăn dư thừa) một dĩa rau càng cua, một trứng vịt luộc xắt lát trải trên mặt, chấm nước mắm chanh, tô canh cá, dĩa đồ mặn, lay hoay đã hết, ăn xong chừng một giờ sau thấy đói. Còn nhớ loáng thoáng, gói hủ tiếu hấp có bì chan nước mắm chanh giá hai đồng bạc, bản nhạc năm đồng, bằng giá hủ tiếu.
Bác Hai Khá, ngạch giáo viên, một vợ hai con lương hơn năm ngàn (tương đương một ngàn tô hủ tiếu thời 1952). Giáo viên cao nhứt thời đó, tốt nghiệp École normal hay Diplôme, Brevet (tương đương lớp 10 ngày nay) sống rất thoải mái. Nhiều công chức có hai vợ, hai dòng con, có người làm, có phố. Ông Một (thiếu uý) duy nhứt, ở cái villa. Ngạch thấp nhất như thầy Chón ở quê tôi, sang tiệm sách đi dạy (nhờ có bằng Certificat d’Étude Primaire) lương nuôi một vợ ba con, đứa lớn lên Nam Vang học, vợ không động móng tay, áo quần trắng trơn. Chiều chiều các thầy mặc pyjama sạch sẽ thảnh thơi đi uống cà-phê, tiệc tùng ăn trên ngồi trước, con cái học giỏi dang nề nếp.
Trở lại lớp nhì B Châu Đốc, lớp gồm chừng 50 học sinh, số đăng bộ của tôi là 486/52. Ngày nay nhớ tên chừng 25 đứa. Lúc học lớp Ba ở quê, chỉ có ám đọc mới phải học thuộc lòng, trả bài. Trường tỉnh học sinh phải học thuộc lòng tất cả các môn, lại thêm môn chính tả không “đánh phép” được. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để học bài đêm.
Ngán nhứt là những bài récitation (ám đọc bằng tiếng Pháp). Thầy Mậu đánh đúng năm roi đứa nào không thuộc bài. Thầy đang giảng bài hứng thú trôi chảy, lâu lâu tôi làm thầy mất hứng. Có lần thầy giảng bài “Le corps humian” (Thân thể người ta). Thầy say sưa giảng “les cinq doigts de la main sont..” (năm ngón tay của bàn tay là…) rồi chỉ tôi. Tôi ấm ớ đang ngủ gục nên bị năm roi. Lần khác, những bội số của mètre là…, thầy lại chỉ tôi, tôi lãnh năm roi gọn hơ.
Tuổi tác học sinh cùng lớp không đồng đều như ngày nay, học trường công lớn nhỏ gì cũng bắt đầu bằng lớp năm. Trong lớp có trò Sự, trưởng lớp. Khoảng gần nửa niên khóa, bọn tôi đang ngồi trong lớp chợt có một bác nông dân bước vào, trịnh trọng đặt nải chuối cau lên bàn, tháo khăn quấn đầu, chào thầy xin cho trò Sự nghỉ học. Thầy ngạc nhiên hỏi lý do.
- Dạ, vú nó biểu về cưới vợ mần ăn.
Mười mấy năm sau, đi đò trên kinh Tri Tôn, tình cờ gặp hắn ngồi trên thành cầu số 5 vẫy tay chào, cười hiền khô.
Cuối năm, thằng Lý Hoàn Khải lãnh thưởng hạng nhứt (sau là cán sự Bưu điện), Trương Thành To hạng nhì (sau là Tổng Giám thị Trung học Đức Thành – Sa Đéc), Nguyễn Trung Cường hạng Ba (Giảng sư Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn). Tôi hạng hai mươi, được lên lớp Nhứt khỏi thi, mừng húm, về quê khoe cái tiếng “học lớp Nhứt”.
Cám ơn thầy Dương Văn Mậu, gốc Núi Sam, nhờ thầy huấn luyện cho con quen với nề nếp học đường mới. Thầy nghiêm nghị, ít cười, nhưng không nghiêm khắc, giơ cao đánh khẽ, thầy sống rất mẫu mực, tư cách hoàn toàn nhà giáo, không chê thầy được điểm nào trong trường cũng như ngoài xã hội. Thầy mất khoảng năm 1986.
Mùa hè năm đó, tôi học thêm khoá hè với thầy Nguyễn Văn Ưa, tiền trường 200 đồng, hết nhớ nhà và không thích về quê. Học cho có học, khó thâu thập được gì, đêm đêm tùng tam tụ ngũ chờ xe hàng xuống củ sắn, hè nhau ôm củ lớn chạy đem trình đàn anh trong xóm để nhập bọn xin làm đàn em.
Đầu năm học 1953-54, bác Hai Khá lại viết bức thư giới thiệu gởi con bác là Cường và tôi vào lớp thầy Châu Văn Tính, lớp nhứt E. Cấp lớp nhứt lúc đó có 7 lớp. Lớp A thầy Hỷ, lớp D thầy Phương, lớp G thầy Mô.
Thầy Tính và thầy Phương dạy hay nổi tiếng Châu Đốc. Lớp nhứt học hai buổi, sau giờ học chiều, hai thầy ở lại dạy thêm cho học trò mình, nên năm nào học trò hai thầy đậu nhiều vào Đệ Thất. Thầy Tính hiền lành, ít khi đánh, quá lắm như thằng Huỳnh Bửu Lý thầy cũng đánh vài roi nhẹ cho có lệ. Thầy hay rầy tôi: “Đã dặn ngáp thì che miệng lại, mà nó cứ hả miệng hoài. Bộ ban đêm mày đi ăn trộm không ngủ sao?”
Mùa hè năm 1954, hoa phượng nở đỏ núi Sam, bị ảnh hưởng văn chương về hoa phượng, lòng thấy man mác, lo âu, bồi hồi ngày chia tay, ai cũng thuộc bài ám đọc:
Mùa hoa phượng là mùa thi cử
Chúc các em hai chữ khoa danh
Bãi trường, Nguyễn Văn Huynh hạng nhứt, Võ Văn Hiền hạng nhì, Lê Văn Khải hạng ba, Huỳnh Văn Khuê hạng tư, Nguyễn Trung Cường hạng năm.
Bọn học sinh lớp Nhứt và lớp Tiếp Liên lo học ôn bài vở Cách trí, Sử ký, có những địa danh mãi đến nay chưa đến lần nào “Cái Bần, Cát Bàn, Uông Bí, Phủ Nho Quan, Nông Sơn…”, các cửa sông như “cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, Cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu…”. Học như két mà nay còn nhớ.
Bọn tôi làm đơn xin thi Tiểu Học, đơn thi viết tay trên mẫu giấy lớn. Vài ngày trước khi thi, rủ nhau đi xem phòng và chỗ mình sẽ ngồi thi để hôm vào thi đỡ bỡ ngỡ. Số ký danh tôi, vần N. là 707, số gánh, số hên.
Phụ huynh và học sinh từ các quận lớn như Tân Châu, Cái Dầu đổ về tỉnh dự thi khoảng trên một ngàn thí sinh.
Hôm đầu thi Toán, cô giáo Nho (ở cách nhà bác Hai Khá một căn) và cô giáo vợ thầy Phương gác phòng tôi. Bác Hai Khá đi qua, nhìn tôi, rồi đưa miếng giấy nhỏ cho cô Nho, cô xem xong xé bỏ, bây giờ hiểu là số báo danh tôi.
Hai bài toán chép trên bảng đen, tôi đọc và hiểu, chưa biết bắt đầu, còn lúng túng, thì ông đốc Thân bước vào chỉ câu hỏi và nói “Đây là cái bẫy nghe!”. Hai cô giáo không hiểu, làm sao bọn học sinh hiểu? Bài toán đố về đào đất đắp nền nhà. Câu hỏi sau khi đắp nền, nền cao hơn mặt đất bao nhiêu? Câu trả lời là 0m70, cách mặt đất từ lúc chưa đào, nếu đào rồi sẽ cộng thêm 0,05m. Cô Nho làm bài toán, rồi mang cho tôi chép. Cô sợ quá, tôi chưa bắt kịp ý cô, cô nhắc “chép lẹ đi mầy”. Tôi luống cuống vì không biết nên chép vào giấy nháp hay ngay vào giấy thi. Mặt cô Nho căng thẳng. Có tiếng la từ ngoài vòng rào “bảy tấc nghe!”, chắc có chùi đề thi ra ngoài.
Phụ huynh bên ngoài ồn ào. Ông Thanh tra Huỳnh Sanh mặt đỏ gay, ra cảnh cáo phụ huynh, giọng nói rất gay gắt: “Mấy người mà! Muốn tôi cho tụi nó thi lại hết hôn?”. Không khí lắng dịu hơn. Tôi làm được thêm nửa bài toán sau. Kế là bài Dictée Francaise và Analyse và Grammaticale, nếu đậu sẽ có thêm bằng Tiểu học Pháp.
Cô Nho nhắc lại tôi, có lúc cô mất kiên nhẫn, cú đầu tôi “quỷ chùa”.
Cám ơn cô Nho, nếu không có cô giúp, chưa chắc con đậu, lại phải thi kỳ 2. Lúc này mới thấy cảm thông và thương cô. Việc đổ bể, cô sẽ bị khiển trách và ảnh hưởng đến việc thăng thưởng ngạch trật của cô. Tinh thần cô lúc đó căng thẳng đến độ nào, bây giờ tôi mới biết.
Hôm sau cô Trạnh và cô Sáu Vẹn gác giờ Luận văn và Chánh tả. Cô Sáu Vẹn hiền lành, gọi học trò là “con” dịu ngọt, con cô Sáu Vẹn chị Mỹ Hạnh, hoa hậu An Giang (gồm Long Xuyên, Châu Đốc). Chị Mỹ Hạnh sau là vợ của thầy Nguyễn Thùy, hiện giờ ở Pháp. Cô Trạnh, trẻ, cao, mảnh mai, đẹp thanh thoát cao sang, giọng đọc rõ ràng thảnh thót: “Tuổi thanh niên là tuổi hoa xuân mới nở, là vừng đông mới mọc, là ngọn suối mới sa, đẹp đẽ biết chừng nào…”. Cô Trạnh đọc trước, cô Sáu Vẹn đọc lại, cố sửa giọng đọc chính xác cho thí sinh viết. Thỉnh thoảng cô Trạnh ngừng lại, viết chữ “d” trên bảng rồi bôi đi để nhắc chữ “dằng dặc”. Cô Trạnh thật là “hoa xuân mới nở, là vừng đông mới mọc…”. Rồi thi các câu hỏi về các môn khác. Cuối cùng là “Oral” (hạch miệng, vấn đáp). Học sinh học bài thuộc lòng hoặc hát một bài đã được chép sẵn trong vở mang vào trình cho giám khảo trước khi đọc.
Độ mười ngày sau, Châu Đốc rộn lên, quán ăn đắt khách lần nữa nhờ học sinh và phụ huynh các quận phụ cận tề tựu về nghe kết quả. Ông Huỳnh Sanh, Thanh tra, mở đầu: “Hôm nay là ngày, tuyên, bố, kết, quả, kỳ, thi, Tiểu, học”, ông nói từng tiếng một. Tôi ngồi chồm hổm trong đám đông, giám khảo thay nhau đọc danh sách trúng tuyển. Tiếng reo mừng kế tiếp nhau, mặt cha mẹ hể hả, hay gầm gừ: “Tao đã dặn rồi, dấu chấm khác dấu phết…”. Thầy Phương đọc số ký danh 707 và tên tôi.
Qua ải đầu, hoa phượng nở đỏ đê mê, về quê tha hồ vênh váo với bạn bè cũ, rửa sạch cái tên “N, hối lộ”.
Đậu xong Tiểu học lại lo làm đơn thi tuyển vào Đệ Thất (lớp 6 ngày nay). Lần này tương đối ít thí sinh hơn vì một số đã rớt, nhưng thêm thí sinh gốc lớp Tiếp Liên (đã đậu Tiểu Học nhưng rớt vào Đệ Thất).
Tôi làm đúng hai bài toán, ông bà độ, câu trả lời là 25 phút và 70m. Bài toán về nước chảy vô hồ, nước chảy ra gì đó, khi nào đầy. Hôm cuối cùng, ông Hiệu trưởng Tài, người Bắc, vào lớp dặn: “Các “chò”, thứ tư tuần sau, đến nghe tuyên bố kết quả”.
Về quê, trở ra nghe kết quả, bác Hai Khá tiết lộ, “Mầy có đường đậu à!”. Bác Hai rất ít lời, chỉ nói một vài tiếng. Có lần tôi trốn học, ổng nói “Thằng quỷ, hôm qua mầy trốn nghe, chết tổ mầy ạ!”, vậy thôi.
Trung học Châu Đốc tuyển 150 học, ba lớp Đệ Thất, sau lấy thêm 50 học sinh dự khuyết. Số học sinh dự thi khoảng một ngàn, số ký danh tôi là 565, cũng số gánh.
Hôm nghe kết quả, gần đứng bóng, tôi cũng ngồi chồm hổm trên sân trường mới đang cất dở dang, nghe tên mình hạng 97, tôi bật dậy chạy về. Hạng nhứt là chị Trần Thị Sáu (nay giáo viên hồi hưu ở Long Xuyên), hạng nhì chị Trác Thị Lý (cũng giáo viên hồi hưu), hạng 3 chị Lài, hạng 4 Nguyễn Văn Quyền lớp tôi, hạng 12 Võ Văn Hiền, hạng 16 Hồ Văn Vinh.
Về quê, nhiều người khen giỏi, ông già sợ tôi kiêu ngạo, nhăn mặt trừng trừng: “Mầy không giỏi đâu, giỏi là tao giỏi nè!”. Sau đó bà già tôi nó thiệt:”Một ngàn đồng nghe!”. Năm tháng tiền cơm chứ ít ỏi gì, chiếc xe đạp năm 1955 là 550 đồng, món xa xỉ phẩm như đồng hồ Wyler 820 đồng. Nhờ lo tiền mới đậu, mắc cỡ quá, tôi mất tự tin luôn.
Niên khoá 1954-55, Trung học có bốn lớp Đệ Thất, ba lớp đệ Lục, hai lớp Đệ Ngũ và một lớp Đệ Tứ. Lớp 7A (Thất A) gồm toàn nữ sinh, lớp 7B nam sinh giỏi, 7C trung bình, 7D đậu vớt.
Ngày khai trường (học sinh 7C và 7D còn mượn cơ sở trường Nam tiểu học). Kéo qua trường trung học mới cất dở, sắp hàng chào cờ, không khí thật nghiêm trang, im phăng phắc. Tân hiệu trưởng là ông Ngô Văn Dư, Tổng giám thị là ông Thái Văn Thân.
Đầu tiên Trường Trung học tỉnh Châu Đốc có tên “Collège de Châu Đốc” năm thành lập là 1948 hoặc trước đó, vì năm 1952-1953 đã có lớp Đệ tứ (lớp 9)
Năm 1950 đổi tên thành Trung học Châu Đốc.
Năm 1954 đổi tên thành Trung học Thủ Khoa Nghĩa, đến nay vẫn còn tên này.
Để khỏi lẫn lộn, tôi xin ghi tên cấp lớp tương đương ngày nay.
Tên cấp lớp theo thời gian:
Trước 1950 Sau 1950 Sau 1971
Tiểu học:
- Cours Enfantin Lớp Năm Lớp 1
- Cours Préparatoire Lớp Tư Lớp 2
- Cours Élémentaire Lớp Ba Lớp 3
- Cours Moyen un Lớp Nhì Lớp 4
- Cours Moyen deux
- Cours Supérieur Lớp Nhứt Lớp 5
Trung học:
- Premiere Année Đệ Thất Lớp 6
- Deuxième Année Đệ Lục Lớp 7
- Troisième Année Đệ Ngũ Lớp 8
- Quatrieme Année Đệ Tứ Lớp 9
- Seconde Đệ Tam Lớp 10
- Premiere Đệ Nhị Lớp 11
- Terminale Đệ Nhứt Lớp 12
Năm 1952, việc đổi tên cấp lớp đã gây luống cuống. Lớp Premier Année đổi thành Đệ Thất hay 7ème. Trước đếm từ lớp Năm đến lớp Nhứt, sau đếm ngược từ lớp 7 (Đệ Thất). Rồi sau 1970, lại đổi theo hệ thống Mỹ, lớp Năm (năm đầu Tiểu học) thành lớp 5 (năm cuối Tiểu học). Lộn xộn quá!
Châu Đốc là một trong những tỉnh có Trung học sau cùng, so với các tỉnh kỳ cựu như Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long.
Hiệu trưởng đầu tiên là ông Phạm Ngọc Đa, nhà ở xóm đường Hàng Sáo, tu theo phái Thông Thiên Học qua Ấn Độ với nhóm nhà thuốc Võ Văn Vân, thỉnh được cây Bồ Đề con của cây Bồ Đề chỗ Đức Phật thành đạo. Lúc mang về, Nam Kỳ có 21 tỉnh, tỉnh nào cũng giành trồng, nên bốc thăm, rốt cuộc cây Bồ Đề về tỉnh Châu Đốc, lúc đó khoảng 1949. Cây Bồ Đề được trồng ở Bồ Đề Đạo Tràng, địa điểm gần bến xe ngày nay. Ban đêm, có kẻ chặt lén đứt cây, nên phải đổ sữa săn sóc và rào cây lại. Cây bị chặt sát gốc, mọc lên năm nhánh, ngày nay là cây cổ thụ năm gốc, lá xanh che mát cả khu. Ngôi chùa nhỏ đủ vài người đứng lễ Phật. Thỉnh thoảng ông Đốc Châu Văn Đồng thuyết pháp, một vài nhân sĩ trong tỉnh ngâm thơ đạo vang cả tỉnh. Bồ Đề Đạo Tràng là nơi công viên hóng mát, trẻ con chơi đùa.
Sau ông Đốc Đa là ông Tài, gốc Bắc, tóc hớt court, người gầy. Thời đó là năm cuối trước khi phân chia Nam Bắc. Đường Châu Đốc - Long Xuyên thuộc quân đội cậu Hai Ngón (tướng Lâm Thành Nguyên). Dinh cậu ở huyện Cái Dầu, xe chạy ngang rất cẩn thận, sợ đụng, dù là con chó cũng gây khó khăn. Xe đò phải dừng ở các trạm Phước Thiện để “đóng Phước Thiện”. Tướng Năm Lửa (Trần Văn Soái) dùng thủy phi thoàn xuống Châu Đốc duyệt binh. Bà vợ ông cũng có một đoàn nữ binh và một nữ binh xách giỏ trầu cho bà đi diễu hành trước Nhà Lớn, gần bên Nhà Thương.
Từ niên học 1954 về sau, Trường Trung học Châu Đốc đổi tên thành Trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa, tên một vị quan Nam triều cuối cùng, tác giả Kim Thạch Kỳ Duyên, vở tuồng hát bội nổi tiếng thời đó. Cuộc đời hoạn lộ Ngài Thủ Khoa gian truân, hoàn cảnh gia đình bi đát không kém. Quê cụ Bùi Hữu Nghĩa ở Cần Thơ, làm Tri huyện Trà Vang (Trà Vinh), vì bênh vực dân nghèo không kiêng nể tham quan ô lại Trương Văn Uyển nên bị khép tội tử hình. Vợ là bà Nguyễn Thị Tôn, kiên tâm đáp ghe bầu ra Huế đánh trống kêu oan tại tòa Tam Pháp. Ông được tha tội tử hình, nhưng bị đày đi tiền quân hiệu lực đóng ở Vĩnh Thông, Châu Đốc. Mải lo việc quân, khi nghe tin bà vợ mất trên đường về, không về chôn cất được, có cảnh nào nát lòng hơn? Ông gởi hai câu phúng điếu vợ:
Ngã bần, khanh năng trợ ngã oan khanh năng minh
Triều quận giai xưng khanh thị phụ
Khanh bịnh, ngã bất dược, khanh tử, ngã bất táng
Giang sơn ứng tiếu ngã phi phu
Dịch:
Ta nghèo khanh giúp đỡ, ta bị oan khanh có thề giải oan
Trong triều ngoài quận đều khen khanh đúng là người vợ
Khanh bịnh ta không thang thuốc, khanh mất ta không chôn cất
Núi sông cười ta không đáng mặt làm chồng
Hay quá, đọc xong muốn khóc thét lên cho nỗi oan ức. Khanh đã tròn vẹn đạo làm vợ, tầm thường nhưng chính danh. Ta được tiếng là mãi mê gánh vác giang sơn, giang sơn cười ta là không tròn đạo làm chồng. Hoàn cảnh thật nghiệt ngã.
Suốt bốn năm học, giáo sư Sử - Địa chưa lần nào nhắc gốc tích cụ Thủ Khoa Nghĩa, về sau đọc sách mới biết. Mỗi sáng chủ nhật đạp xe đạp trên đường Bảo Hộ Thoại vô Núi Sam, chạy nhảy trên những bực đá Lăng Ông mà không biết đó là nơi yên nghỉ của cụ Thoại Ngọc Hầu, người khai kinh Vĩnh Tế. Dưới chân núi, có ngôi Chùa Phật thầy Tây An, dựa lưng vào núi nhìn về núi Hậu Giang.
Tiền Hữu Tam Giang Long Hý Thủy
Hậu Đầu Thất Lĩnh Phụng Triều Vân
Dịch:
Trước mặt ba sông rồng giỡn sóng
Sau lưng bảy núi phụng chầu mây
Ngài đã dẫn dân mở trại ruộng, khu Láng Linh phì nhiêu gập lúa nuôi dân. Đi ngang đình Châu Đốc mấy ai biết vị thần là Chưởng Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, từng xuôi ngược bình định vùng đất mới. Kẻ hậu sinh ăn chút bã Âu học vội quên ơn các vị tiên nhân này sao? (Xa đề!).
Ông Ngô Văn Dư bắt đầu làm Hiệu trưởng năm 1954 thay thế ông Tài, ngay vào năm trường có tên mới. Ông trắng trẻo, dáng thư sinh, luôn luôn mặc bộ veston trắng, tính nghiêm khắc và gay gắt như gương mặt ông. Ông có khả năng ăn nói trước công chúng, không cần viết sẵn trên giấy (điều này hiếm có thời đó) rất được giới nhân sĩ trong tỉnh nể trọng.
Cổng trường vừa mở, học sinh sắp hàng hai, trai gái đứng riêng, ông đứng trong cổng quan sát, quên chào là bị bắt ra đứng bên, sau đó lên phòng Tổng giám thị, tôi chưa bị lên nên không biết chuyện gì xảy ra. Hàng tháng, phát Tableaux d’Honneur (bảng danh dự).
Giám học là ông Đốc Châu Văn Đồng, thường mặc veston xám, ít nói, lúc nói chậm rãi thâm trầm của người có từ tâm, chưa lần nào la hét giận dữ. Tôi nhớ ông dạy Đức dục bài Tình bằng hữu, ông châm rãi, cẩn thận viết chữ “copain” trên bảng, rồi giảng “co” là cùng nhau, pain là “bánh mì”. Ông lên bổng xuống trầm “cùng nhau… bánh mì”. Trong một bài học, ông giảng, mỗi vật đều có phận sự riêng, cây cỏ làm mát mắt người. “Con gà để làm gì?”. Thằng Lê Hoàng Vân xăng xái trả lời: “Gà để rô-ti ăn”. Ngô Vĩnh Lâm trả lời: “Gà để gáy sáng”. Ông bước vụt xuống bục, đi vòng, cười sướng thoả, khen Lâm. Ông Đốc Đồng là nhân sĩ uy tín trong tỉnh.
Surveillant Général, Tổng Giám Thị là ông Đốc Thái Văn Thân, da sạm, tóc hớt court, giọng nói trầm trầm. Lớp bọn tôi la hét phá phách, ông xuống lớp nói nhẹ nhàng, “la hét có khi không giống tiếng người ta”. Học sinh thời đó trưởng thành hơn thời nay, giữ kỷ luật nên ít gây khó khăn cho trường và giáo sư, nhứt là trường công, học sinh tỉnh hãnh diện với trường mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận