27/04/2010 07:10 GMT+7

Bởi lẽ, Sài Gòn còn quá rộng lớn...

THÙY DƯƠNG (TP.HCM)
THÙY DƯƠNG (TP.HCM)

AT - Ba Giang chụp rất nhiều ảnh về Sài Gòn. Ba chẳng phải là nhiếp ảnh gia, ba chụp ảnh chỉ vì yêu mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên. Cũng vì tình yêu đó, ba đã trở về sau nhiều năm học ở Đức.

Rồi khi có hai anh em Giang, ba mẹ đã quyết định chẳng đi đâu nữa. Ba nói ba mẹ muốn con cháu lớn lên, hít thở không khí nơi này, yêu nơi này như cách ba mẹ đã từng yêu.

cv2Zebdy.jpgPhóng to
Minh họa: Mặc Tuân

Ba lưu những bức ảnh lại trong những cuốn album. Thỉnh thoảng mấy cha con ngồi xem với nhau. Lúc này cũng vậy, ba lại lặng lẽ lấy những cuốn album xếp đầy trên bàn, Giang ngồi kế ba, còn anh Hai ngồi trên ghế salon đối diện. Những vạt nắng sớm tháng tư rọi vào căn phòng khách ấm cúng của ngôi nhà bên sông thanh bình - thành quả tích cóp cả đời của gia đình. Màu vàng của nắng thành những vòng tròn quanh ba ly cà phê sóng sánh đen đặc. Giọng ba hào sảng, dứt khoát kể từng kỷ niệm. Giang chăm chú nghe, thỉnh thoảng liếc nhìn anh Hai, ổng chỉ lừ mắt.

Anh Hai rất giống ba ở cách đối xử với người khác, kể cả phụ nữ, nhưng chị Hai lại không giống mẹ Giang nên hôn nhân của hai người đứt gánh giữa đường. Ba Giang không mấy để tâm chuyện tình cảm của con cái, ba quan niệm sao cũng được, còn có gia đình, còn có cái nhà đúng nghĩa để về là sống rồi. Vậy mà hôm nay ba làm Giang ngạc nhiên, ba chỉ vào một tấm ảnh cũ rồi hỏi Giang.

"Phải là Thông bạn con không?" - Tấm ảnh đó là lúc hai đứa học lớp tám, Giang hay kể chuyện cho Thông nghe nên 30-4 năm đó, Thông đòi theo ba cha con Giang ra đón đoàn đua xe đạp. Tấm ảnh đó chụp hai đứa giữa rất nhiều người, đeo dây chuyền giống nhau và cười rất tươi. Dây chuyền đó, kỷ niệm đó, lúc đi tham quan với lớp, lên một chùa nọ trên núi, trước chùa người ta bán la liệt mấy thứ nhỏ nhỏ, xinh xinh.

Ở đó có một sạp hàng bé xíu của hai ba bà cụ, nhìn có vẻ đìu hiu nhất, còn hai chiếc nhẫn bạc Thông đã mua và tặng cho Giang một chiếc. Lúc đó hai đứa chỉ là bạn, rất thân và rất thân. Chỉ đơn giản là mua cái gì đó và cũng để giúp đỡ cho ba bà cụ đó. Chẳng ai bảo ai, cả hai cùng lấy chiếc nhẫn đó làm mặt dây chuyền.

Giang gật đầu "Dạ."

"Nó nhìn vẫn như vậy, hay thiệt!" - Rời mái trường cấp hai, Giang học chung với Thông đến khi vào đại học, mỗi đứa một trường nhưng vẫn đi chơi chung với nhau, với nhóm bạn. Chính xác là mối quan hệ giữa Thông và Giang vẫn như vậy, có mặt bên nhau từng phút, cười nói một cách rất tình cảm. Và hết.

"Đã có lúc ba tưởng hai đứa quen nhau" - Ba nói, giọng trầm đục.

"Vẫn như vậy thôi, ba à” - Giang lặp lại lời ba nói trước đó rồi xin ba tấm hình đó. Ngẩng lên, thấy anh Hai ngồi đối diện, khoanh tay trước ngực, cười cười. Tự nhiên Giang chột dạ.

Tối, Giang mò xuống lầu một, gõ cửa phòng anh Hai. "Uống lon bia với em đi". Anh Hai gật khẽ, đắp lại chăn cho cu Bin rồi chuồn ra. Hai anh em ngồi uống với nhau, mỗi người uống đúng một lon bia.

"Lại chạy trốn phải không?" - Anh Hai bóp vỏ bia kêu răng rắc, giọng chậm rãi, rất giống giọng ba, nhưng phần chua chát thì nhiều hơn một tí. Ngày mai Giang sẽ đi, rời Sài Gòn. Điều chưa từng nghĩ đến, đó là ba mẹ Giang nói thế, ba mẹ cứ ngỡ cô con gái sẽ chẳng bao giờ bước khỏi nơi này. Nhưng ba không biết trong Giang là một mớ hỗn loạn những kỷ niệm tạo nên một động lực, Giang luôn muốn đi, đi thật xa. Để yêu thương nhiều hơn? Để quên hết? Để sống một cuộc đời của chính mình? Giang không thể hiểu nổi, chỉ biết ngày mai, Giang sẽ đi.

"Chỉ vì Sài Gòn này quá chật rồi" - Giang nói, như cái máy. Y chang lời của Thông.

oOo

Năm mười lăm tuổi, Giang tự nhủ sẽ chờ ba năm nữa, cho một lời nói của Thông. Ba năm sau, Giang tự nhủ sẽ chờ từng ngày một, cũng chỉ cho một lời nói đó. Lễ tình nhân, giao thừa, năm mới, sinh nhật... bất cứ ngày lễ nào Giang đều chờ. Chờ và thất vọng. Hai mươi lăm tuổi, đã qua thời trẻ con nghịch dại, chỉ đợi chờ vu vơ, vì những nỗi sợ mơ hồ. Giang sợ mất một tình bạn đẹp, và cũng vì Giang quá hiểu Thông. Một người đàn ông có tính cách và suy nghĩ đơn giản, truyền thống. Vậy mà Giang đã yêu. Nhưng có lẽ Giang không chờ nổi nữa. Giang sợ những phút cô đơn mình cần một bờ vai, Giang sợ những giấu giếm dằn vặt. Sếp gọi Giang vào, nói về một cơ hội rất tốt ở chi nhánh mới tại Huế. Giang hiểu, không lúc nào hết, chính là thời điểm này. Có lẽ Giang thật khờ khi nghĩ rằng, có hoặc không sẽ gắn liền với đi và không đi.

Giang đến cà phê Kai vào cuối giờ chiều của một ngày mưa rả rích dầm dề từ trưa. Những hạt mưa cứ đậu trên vai người, Giang đứng ở trạm xe buýt một lúc lâu cho đến khi có chiếc xe buýt trờ tới. Giang bước lên xe, ngồi ở vị trí khá quen thuộc. Người đàn ông bước lên sau Giang cũng ngồi vào chỗ cạnh cô. Họ cùng trả tiền vé, người đàn ông kia hỏi anh nhân viên về một địa điểm. Bằng thứ tiếng Anh đơn giản kiểu như How, what và chỉ trỏ, Giang nghe và giải thích hộ trong khi anh nhân viên vẫn đang loay hoay và có vẻ sắp cáu giận.

Anh quay sang mỉm cười và nói cám ơn rất nhiều lần. Giang chỉ cười phớt qua và bảo không có gì rồi hai người trao đổi vài câu, thế cũng thích hơn là chỉ ngắm đường phố. Anh tên Kevin, một người mang nửa dòng máu Hoa đang sống ở Anh và đến Việt Nam du lịch, nhìn trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi hơn ba mươi.

Khi hỏi về công việc, anh nhún vai đùa, đi đến khắp nơi cũng là một nghề. Một lúc sau khi Giang ngớ người ra, Kevin vui vẻ trả lời lại câu hỏi và kể thêm về nghề nghiệp của mình. Kevin học lịch sử, từng làm ở vài bảo tàng còn bây giờ thì đang dạy học. Nghe thú vị quá, Giang bảo. Anh kể thêm mấy nơi từng đến trong khi cô xuýt xoa nói đó cũng là những nơi mình chỉ biết mơ ước mà thôi. Giang kể về công việc của mình bằng vẻ không mấy sôi nổi, khá nhiều cạnh tranh nhưng sắp tới sẽ thay đổi môi trường, càng nhiều thách thức hơn.

"Cô không vui sao?" - Anh hỏi, khi nghe giọng cô chùng xuống nhắc đến sự thay đổi lớn sắp tới.

"Không, tôi chỉ luyến tiếc Sài Gòn này" - Giang đang nói thật, chỉ là kể thiếu mà thôi, thở hắt ra, cô nói tiếp - "Tôi đã sinh ra và lớn lên ở đây, cả phần lớn tuổi thơ và tuổi trẻ, rất nhiều kỷ niệm".

"Tôi hiểu....".

"Nhưng tôi chỉ bắt đầu nhận ra điều ấy khi sắp xa nơi đây" - Cô cười chua xót.

"Tôi thích điều ấy, ý tôi là có một nơi duy nhất, quá nhiều gắn bó để yêu thương và nhớ nhung khi đi xa".

Kevin kể về cuộc sống xê dịch của mình, vì rất nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan.

"Còn tôi ngưỡng mộ anh, có rất nhiều nơi yêu thương" - Giang nói thật lòng. Cô chợt nghĩ đến Thông, Thông cũng thích đi rong chơi nhiều nơi, nhưng không thích trải nghiệm những cuộc sống khác với cuộc sống đã quen sống. Không có ý so sánh gì cả, Giang chỉ chợt nhận ra bất cứ thứ gì cũng có thể gợi nhớ hình ảnh Thông trong cô. Một hình ảnh thô ráp và giản đơn hơn rất nhiều.

Trước lúc xuống xe, họ trao đổi địa chỉ liên lạc và Kevin nói với lại "Hãy tìm thứ gì đó để gói Sài Gòn này theo cô". Giang không nghĩ anh nói đùa.

Giang sải những bước chầm chậm đến quán cà phê Kai trong khi những giọt mưa còn sót lại sau trận mưa vẫn nhỏ đều trên bờ vai gầy. Cô dừng lại ở sạp báo sát bên Kai, cô bán báo quen thuộc mỉm cười niềm nở. Giang chọn tờ tạp chí khá nhiều sắc màu sặc sỡ và bảo mình sẽ không đến Kai nữa trong một thời gian dài sắp đến. Cô bán báo hơi ngạc nhiên, luôn miệng bảo buồn quá. Giang nghĩ đó không phải là một lời nói khách sáo hay mang hơi hướm buôn bán. Cô mỉm cười nhẹ nhàng nói sẽ trở lại thăm, dù thật lòng không biết là bao giờ.

Thông đã ngồi ở Kai chờ Giang, vóc dáng to lớn lọt thỏm trong không gian tĩnh lặng hòa mình vào thiên nhiên của Kai, ngồi tựa vào chiếc ghế bành bằng mây rất bự, đang nhắn tin gì đó.

"Chào" - Giang cất tiếng từ phía sau lưng Thông.

"Đã nói để Thông đến đón mà" - Thông càm ràm, không phải vì không thích đợi.

"Đã trễ đâu mà, đúng giờ đó chứ" - Giang liếc sơ qua đồng hồ đeo tay trong khi Thông cất điện thoại sau khi cố nhắn nốt tin nhắn.

Ly đá trong suốt và phin cà phê đặt trên một chiếc tách con con của Giang được mang ra không lâu sau đó, đặt song song với ly cà phê sữa đặc quánh của Thông.

"Có lẽ Giang sẽ ra Huế làm việc, công ty mới mở chi nhánh ngoài đó" - Giang nói trong khi bỏ đường, khuấy đều và dốc hết số cà phê trong tách vào ly đá. Ly đá thẫm màu cà phê.

Thông im lặng, một lúc, giọng rất bình thường, chẳng gợi cảm xúc gì.

"Ờ. Trước giờ không nghe Giang nói. Mà sao lại phải đi, Sài Gòn này thiếu gì cơ hội, người ta còn muốn vào đây lập nghiệp còn Giang thì bỏ đi".

Giang ngẩng lên, nhìn thẳng vào đôi mắt Thông, đã rất lâu cô không làm thế.

"Giang vốn thích một cuộc sống khác thường mà. Chỉ là Giang hiểu Thông hơn là ngược lại".

Thông không nói gì, ngại ngùng cúi xuống khuấy cà phê bằng chiếc thìa nhỏ.

"Bao giờ Giang đi?" - Thông cất tiếng vấp váp - "Để bạn bè tiễn".

Giang bật cười.

"Có phải đi nước ngoài đâu. Mà Giang cũng chưa quyết định".

"Thế hả?".

"Giang chờ..." - Bỏ lửng câu nói, Giang thở dài và tiếp - "Lần cuối".

Thông im lặng, đúng là không phải tuýp người nhạy cảm.

"Chờ đợi để biết rằng thật ra Thông có từng yêu Giang không, đã chờ suốt rất nhiều năm rồi".

"Sao phải vậy?".

"Vì đã đi là tất cả sẽ thay đổi, Giang sẽ thay đổi. Một cuộc sống mới".

"Giang cũng đã thay đổi rồi mà" - Lần đầu Thông nói điều đó - "Có lẽ Sài Gòn này đã quá chật chội để giữ chân Giang".

Lúc đó, Giang hiểu, những bánh răng không khớp nhau của hai đứa mà Giang cố gắn lại và chờ đợi đã chệch ra tất cả. Rất nhiều năm, sau lần đầu uống cà phê, Giang lại thấm thía mọi vị đắng của nó. Giang nghe trái tim mình đang tan vỡ. Cô đứng dậy, ý nghĩ lúc đó trong đầu thật tăm tối, có lẽ sẽ lê những bước dài trên phố chăng hay chạy thật nhanh, thật nhanh theo chiều gió? Thông nói với lại từ phía sau.

"Nếu Thông không trả lời, ít ra sẽ còn một thứ để đôi chân Giang quay về phải không?".

Giang không trả lời, bước tiếp đều đặn, tự nhủ, Thông đã lầm. Giang không làm theo lời Kevin, cô đã rời khỏi Sài Gòn, với chẳng cái gì gói nổi cả Sài Gòn. Lúc Giang đi, ba không trách móc cũng chẳng cấm cản, cũng chẳng nói câu dặn dò gì. Ba nhìn Giang bằng đôi mắt nghiêm nghị và tin tưởng. Trong thâm tâm Giang hiểu, dù có đi đâu, chỉ có Sài Gòn là giữ nổi bước chân Giang thôi.

oOo

Giang đi với ba dọc những con đường thành phố, ba dừng lại ở ngôi trường cổ nhất thành phố, nơi mà sau này anh em Giang cũng theo học. Ba kể về thời đi học của mình, những mối tình học trò ngày đó. Giang mỉm cười theo từng mạch kể của ba. Trong dòng kể nhiều hồi ức của ba, Giang nhận ra, người Sài Gòn có thể đến từ nhiều nơi khác, cũng có thể đi đến nhiều nơi khác nhưng vẫn có một thứ vô hình để tạo nên một tình yêu, một nỗi nhớ. Ba gọi là phong vị Sài Gòn, nó thấm vào không khí, vào câu nói, vào cách sống. Thời gian có thể làm phai mờ hay bồi đắp thêm nhiều thứ ở nơi đây nhưng những thứ thuộc về nó thì vẫn thế. Giang cảm nhận được chứ. Sài Gòn, trong góc nhỏ nào đó, vẫn là nơi yêu thương và nhớ nhung của Giang.

Ba năm qua, Giang không chỉ ở Huế, cô đi nhiều nơi ở miền Trung, miền Bắc và mấy nước khác. Giang học cách yêu thương nhiều hơn và sống một cách dễ chịu hơn. Giang không hẳn còn là cô gái chỉ một cơn gió thổi qua cũng có thể buồn vui mênh mang. Giang không còn sống và làm việc chỉ vì câu nói của ai, mà sống theo lời mách bảo của trái tim. Giang đã yêu một chàng trai, mà tình yêu của chàng trai ấy không để Giang quay về mà để đôi chân Giang bước tiếp. Giang đã yêu bằng cả trái tim của một người phụ nữ chứ không phải là của một cô gái tuổi đôi mươi đầy rối loạn. Trong những ngày yêu nhau, Giang kể cho người yêu về những kỷ niệm dài dằng dặc của cô ở Sài Gòn.

Ba năm trước, ngày cuối cùng Giang ngồi trên chuyến xe buýt đi khắp thành phố, những con đường quen thuộc, những nơi từng bước chân qua, những nơi còn vương lại tiếng cười nói. Ba năm sau, ngày đầu tiên về, Giang cũng làm thế, nhưng rất nhiều thứ đã thay đổi. Cũng phải, Sài Gòn vốn là đất tứ phương hội tụ, phát triển và thay đổi không ngừng. Và cả mối quan hệ của Giang và Thông nữa, nó đã thay đổi. Cũng không còn những dằn vặt, tiếc nuối, ngập ngừng khi bên Thông, không còn phải kìm nén những cơn sóng nhỏ của trái tim.

Giây phút gặp lại Thông và bạn bè, chứng kiến tất cả, cả Giang, Thông và bạn bè đều đã có những cuộc sống khác, có những người đến và người đi bên họ, Giang chợt nhận ra, thực ra Sài Gòn này còn rất rộng lớn, đủ để ta lạc mất nhau và tìm thấy nhau trong cả một cuộc đời. Và bởi lẽ thế, nó vẫn hồn hậu đón những bước chân lãng du...

9x2faexq.jpgPhóng to

Áo Trắng số 7 (ra ngày 15-4-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

THÙY DƯƠNG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên