20/02/2005 08:55 GMT+7

Bộ từ điển văn học của thời kỳ đổi mới

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

TTCN - Từ bộ Từ điển văn học đầu tiên (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội: tập I, 1983; tập II, 1984) đến Từ điển văn học bộ mới lần này (NXB Thế Giới, Hà Nội, 2004) là một khoảng cách vừa tròn 20 năm.

jhjyx5T9.jpgPhóng to
TTCN - Từ bộ Từ điển văn học đầu tiên (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội: tập I, 1983; tập II, 1984) đến Từ điển văn học bộ mới lần này (NXB Thế Giới, Hà Nội, 2004) là một khoảng cách vừa tròn 20 năm.

Trong một hoàn cảnh bình thường, 20 năm là thời gian vừa đủ cho một thế hệ những nhà nghiên cứu mới xuất hiện, cũng vừa đủ cho những quan niệm văn học mới và những phát kiến mới trong khoa học về văn học được ấp ủ và chín muồi.

Huống chi 20 năm qua, đời sống văn học VN đã chứng kiến một cuộc vận động đổi mới rất sôi nổi, hào hứng nhưng cũng đầy gian lao, trắc trở. Cho nên cuốn Từ điển văn học (bộ mới) có thể xem là sản phẩm mang đầy đủ dấu vết của thời kỳ đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học ở nước ta.

Cũng như mọi hiện tượng văn hóa khác, không một thành quả văn học nào của thời đổi mới lại không kế thừa những thành tựu của quá khứ. Từ điển văn học (bộ mới) cũng không nằm ngoài qui luật đó: nó đã chịu ơn hàng trăm công trình nghiên cứu lớn nhỏ trong nước và trên thế giới, đặc biệt là những bộ sách công cụ trên lĩnh vực này mà các tác giả của nó tiếp cận được.

Có một sự tiếp nối tự nhiên mà hợp lý giữa hai bộ sách: những người chủ biên bộ mới này (Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá) cũng là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức biên soạn bộ từ điển cũ và cái kết cấu tối ưu gồm bốn bộ phận (tác gia, tác phẩm, thuật ngữ văn học, tổ chức và hoạt động văn học) vẫn là chỗ gặp gỡ giữa hai bộ sách.

Tuy nhiên, dung lượng và chất lượng của Từ điển văn học (bộ mới) thể hiện một bước tiến rất xa trong tư duy khoa học của các tác giả. Trước hết đó là tư duy trong những vấn đề lý thuyết văn học: nhiều khái niệm lý thuyết chưa hề được giới thiệu hay giới thiệu một cách sơ sài trong bộ sách cũ, nay đã được trình bày cập nhật và cặn kẽ hơn; một số trường phái và trào lưu văn học trước đây còn bị định kiến, nay đã được đề cập một cách khách quan, thỏa đáng. Có thể nói, qua những thuật ngữ có liên quan đến mỹ học, thi pháp học, tiếp nhận văn học, văn học so sánh..., trong một chừng mực nào đó bộ sách này không xa lạ với sự phát triển của ngành khoa học về văn học trên thế giới hiện nay.

Làm từ điển văn học, tất nhiên không phải là viết lịch sử văn học. Nhưng qua bộ từ điển này, người đọc có thể nhận ra những chuyển biến trong cách nhìn về lịch sử văn học. Bức tranh toàn cảnh của văn học VN và thế giới rõ ràng là phong phú và đa dạng hơn; một số tác gia và tác phẩm mang bản sắc dân tộc, giá trị nhân đạo và phẩm chất thẩm mỹ cao trước đây bị bỏ sót, nay được bổ khuyết.

Tinh thần bao dung văn hóa cũng thể hiện rõ trong việc thừa nhận những đóng góp về nội dung hay về hình thức cho quá trình hiện đại hóa văn học của một số nhà văn ở bên ngoài dòng văn chương hiện thực và cách mạng.

Bạn đọc có quan tâm hẳn sẽ hài lòng khi tìm thấy ở đây những thông tin về hoạt động văn học của một số tên tuổi lâu nay ít được nhắc đến; đồng thời cũng mong mỏi trong một điều kiện thuận lợi hơn về tư liệu, một số tác gia bị lãng quên khác có thể được những người làm sách bổ sung trong tương lai.

Đây là công trình của một tập thể hơn trăm người có xu hướng học thuật và phong cách khoa học khác nhau, nên tình trạng có những mục từ chênh nhau về dung lượng và cách viết là điều khó tránh khỏi.

Dẫu sao cuốn sách này cũng đặt ra một số vấn đề khá thú vị về phương pháp nghiên cứu văn học, trong đó có vấn đề khai thác và đánh giá sử liệu văn học. Mặc dù các tác giả “xác định nhiệm vụ chủ yếu là thông tin chứ không phải định giá đối tượng” (Lời nói đầu), trong khoa học nhân văn, nhất là khoa học về văn học, thật khó mà nói đến một sự thông tin thuần túy: ngay khi thông tin người này, điều này mà không thông tin người khác, điều khác đã là bao hàm sự đánh giá rồi. Mà đã nói đến đánh giá thì không tránh được cự ly giữa những người đánh giá và đó là chuyện muôn đời của văn chương. Người ta không thể vin vào đó để trốn tránh sự định giá, miễn là đừng xem sự định giá của mình là tiếng nói chân lý sau cùng.

Mọi hiện tượng văn học rồi sẽ được lịch sử sắp xếp vào đúng vị trí của nó. Và khi phán quyết, lịch sử cũng không thể không tham khảo tiếng nói khó tránh phần chủ quan của từng sử gia. Bởi chính đó là điều làm nên bề dày của văn hóa.

Trên tinh thần đó, cuốn Từ điển văn học (bộ mới) dày 2.370 trang này là một đóng góp hết sức đáng trân trọng của một tập thể 125 người đã làm việc miệt mài và nhẫn nại suốt mười năm ròng.

Trong điều kiện hiện nay, đây gần như là một công trình chưa thể thay thế, mặc dù có thể 20 năm sau, chính những tác giả của nó lại cảm thấy cần phải biên soạn một bộ từ điển khác, để đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu văn học trong một thế giới không ngừng đổi mới.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên