22/04/2005 13:12 GMT+7

Bộ sách giáo khoa giải phóng ra đời như thế nào?

Theo Thanh Niên
Theo Thanh Niên

Mặc dù tốt nghiệp đại học hệ 4 năm, mới dạy toán cấp 3 được ít năm, vậy mà tôi đã được chọn đi làm cái việc "tày trời" là soạn chương trình và SGK để dạy - học ở những vùng đất hoàn toàn khác lạ.

6UDCViOH.jpgPhóng to
Đồng chí Lê Toàn Thư, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban thống nhất T.Ư trao kỷ niệm chương cho tác giả

Tất cả chúng tôi về tập trung tại 197 Tây Sơn - cơ sở 2 của Bộ Giáo dục - với một hộ khẩu tập thể lưu trú Hà Nội. Ở đây đã có một số chuyên viên uy tín của Bộ Giáo dục và giáo sư các trường đại học.

Nhiệm vụ bất ngờ

Sau 10 năm trực tiếp dạy học, năm 1972, tôi nhận được giấy triệu tập đi B. Sau khi chúng tôi kết thúc lớp học bồi dưỡng tại Hưng Yên, Thứ trưởng Lê Chưởng - Cục trưởng Cục B, C Nguyễn Kỳ, Vụ phó Vụ cấp 3 Lê Khắc Nhẫn của Bộ Giáo dục xuất hiện. Bí mật đã được bật mí: Trung ương chủ trương thành lập Trại biên soạn chương trình và sách giáo khoa (SGK) cho miền Nam - gọi tắt là Trại sách B - nhân sự chủ yếu được chọn từ lớp học này.

Nhiệm vụ được xác định: Biên soạn chương trình và SGK theo hệ 12 năm (miền Bắc lúc đó đang thực thi hệ 10 năm), in ấn rồi đưa vào sử dụng ở vùng giải phóng miền Nam. Một nhiệm vụ thật táo bạo, mới mẻ và hết sức bất ngờ đối với tất cả chúng tôi. Song nhiệm vụ thời chiến là phải nghiêm túc thi hành.

Trại sách B do các anh Nguyễn Kỳ, Lê Văn Ngươn, Hồ Cơ, Lê Khắc Nhẫn lãnh đạo dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của các anh Tố Hữu, Trần Quang Huy, Lê Chưởng. Thoạt đầu là nghiên cứu hệ thống chương trình 12 năm một số nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới - kể cả chương trình hiện hành ở miền Nam. Từ đó hình thành khung chương trình của ta để định hướng biên soạn SGK cho cả phổ thông và bổ túc văn hóa. Chương trình và SGK được duyệt bởi một hội đồng quốc gia.

Dưới mưa bom B52

Giai đoạn một là hoàn thành bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 9. Nhận thức lúc đầu của chúng tôi: Đây là việc làm đón đầu, đường xa nên chỉ cần "tà tà" thôi. Song từ nhịp độ chỉ đạo của lãnh đạo với rất nhiều biện pháp, chúng tôi hiểu rằng phải thật khẩn trương mới làm được công việc khó khăn phức tạp này.

Ví dụ, 1972 là năm địch đẩy chiến tranh phá hoại miền Bắc lên cấp độ dữ dội nhất, các cơ quan trung ương và Bộ Giáo dục đã sơ tán khỏi Hà Nội. Vì tiến độ hoàn thành công việc, Trại sách B vẫn ở lại. Cái đêm B52 của địch ném bom rải thảm Khâm Thiên, ngay cạnh cơ quan, anh em cũng tay cuốc tay xẻng tham gia chữa cháy, cứu sập, tải thương... trắng đêm để sáng hôm sau chỉ đi sơ tán đúng một ngày rồi quay về Hà Nội.

Vừa soạn sách, chúng tôi vừa nạp năng lượng cho mình bằng việc tích cực học hỏi, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ và cập nhật thông tin thời sự qua những buổi báo cáo thường xuyên của Tuyên huấn trung ương, của cán bộ các ngành từ chiến trường ra.

Hiệp định Paris được ký kết khi chúng tôi đã hoàn thành công việc giai đoạn một. Quảng Trị đã có một vùng giải phóng rộng lớn, chương trình và SGK của giải phóng đã có mặt ở đó cũng như nhiều vùng giải phóng của chúng ta trên toàn miền Nam, một vũ khí đấu tranh cực kỳ hiệu quả để nhanh chóng ổn định đời sống chính trị.

Tôi cùng 5 anh em - dưới sự lãnh đạo của anh Hồ Cơ - hành quân vào Quảng Trị trực tiếp triển khai việc sử dụng SGK giải phóng cho giáo viên tại chỗ. Chuyến đi này là kết quả của chuyến khảo sát thực tế của Thứ trưởng Lê Chưởng cùng các anh Nguyễn Kỳ, Lê Khắc Nhẫn.

Thật đau xót khi người anh thân thương của chúng tôi, người luôn toàn tâm, toàn ý cho một nền giáo dục miền Nam tương lai - Thứ trưởng Lê Chưởng - đã mất vì một tai nạn giao thông trên đường trở về Hà Nội.

Từ Quảng Trị ra, chúng tôi lại bắt tay vào làm nhiệm vụ giai đoạn 2, soạn SGK cho các lớp 10, 11, 12. Tầm đã nâng lên, khó khăn gấp bội. Trại sách B đã phải tăng cường lực lượng cơ hữu từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, đồng thời mời các cộng tác viên là các giáo sư, chuyên viên giỏi, uy tín của từng ngành học.

Mặt khác anh em tại chỗ phải cùng nhau tự nâng cao trình độ. Chúng tôi đã học rất nhiều ở các tác giả, người duyệt khi làm công tác biên tập, đó là các anh chị: Ngô Thúc Lanh, Đoàn Quỳnh, Hoàng Xuân Sính, Phan Đức Chính, Văn Như Cương. Tháng 9.1974, chúng tôi đã cử hai anh Âu Thanh Minh, Nguyễn Khắc An sang Trung Quốc cùng các cán bộ Nhà xuất bản Giáo dục tiến hành in đại trà sách giáo khoa mới được biên soạn, trong lúc ở nhà vẫn tiếp tục hoàn thành những công việc còn lại.

Từ mùa hè lịch sử

Ngày 30/4/1975 đã đến. Cùng với tất cả các ngành, giáo dục đã có mặt trên toàn lãnh thổ miền Nam giải phóng: con người với chương trình và SGK. Sách đã được đóng gói trong bọc ni lông cứng nằm gọn trong các thùng sắt tây vào miền Nam bằng đủ loại phương tiện: ô tô, thuyền, ba lô của các chiến sỹ đi B, những chiếc lưng trần và kể cả thả trôi trên kênh rạch.

Sách được tập kết từ trong R, giải phóng thì ùa về nông thôn, ra thành thị. Vâng, sách của Trại sách B... Và ngay mùa hè lịch sử ấy, tôi cùng đoàn cán bộ, nghiên cứu chỉ đạo, tác giả biên soạn, cán bộ biên tập chủ chốt đã đến ngay với Đà Nẵng, Sài Gòn để mở lớp huấn luyện cho cán bộ, giáo viên cốt cán thực hiện chương trình và SGK giải phóng trên toàn lãnh thổ miền Nam ngay trong năm học 1975 - 1976. Đoàn chúng tôi do Thứ trưởng Võ Thuần Nho và các anh Đức Minh, Lê Văn Ngươn lãnh đạo.

Ngay sau chuyến đi ấy, chúng tôi đã tiếp thêm sức cho giáo dục giải phóng một số cán bộ của trại. Thừa Thiên - Huế có anh Nguyễn Kỳ, anh Đặng Xuân Trừng và tôi. Chúng tôi bắt tay vào củng cố, ổn định việc dạy và học của cách mạng từ nội dung, phương pháp, chất lượng đến nền nếp thực hiện.

Thừa Thiên - Huế là tỉnh đầu tiên có các lớp chuyên Toán, đặt tại Quốc học Huế và chuyên Văn tại Trưng Trắc (nay là Hai Bà Trưng). Các lớp này do tỉnh tự làm hoàn toàn về mọi mặt kể cả chế độ chính sách. Môn Toán tôi cùng các anh Lê Đình Phi, Lê Tư Kỳ, Lê Tư Rô và một số giáo viên giỏi đã hợp nhau cùng hình thành nên nội dung chương trình từng lớp rồi chọn giáo viên giảng dạy.

Thừa Thiên - Huế cũng là tỉnh đầu tiên đăng ký dự thi học sinh giỏi hằng năm với miền Bắc và đạt thứ hạng cao. Trong đó nhiều em được chọn vào đội tuyển nước nhà dự thi vô địch toán quốc tế và đoạt giải, như Hồ Đình Duẩn năm 1978, giải 3; Lê Bá Khánh Trình 1979, giải nhất; Ngô Phú Thanh 1982, giải nhì; Nguyễn Văn Lượng, Hoàng Ngọc Chiến 1983, giải ba. Và chính những lớp chuyên toán này đã đào tạo nên Lê Tự Quốc Thắng mà sau chuyển vào TP.HCM đã đoạt giải nhất vô địch toán quốc tế.

Đã 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giờ đây chúng ta đều thấy rõ những khiếm khuyết của Bộ SGK giải phóng, song chẳng ai có thể phủ nhận được thành quả lớn lao của nó: Chỉ trong hơn 2 năm, chúng ta đã làm được một bộ chương trình và SGK hệ 12 năm đầu tiên với hàng triệu bản in trên giấy trắng, bìa cứng và kỹ thuật in tiên tiến.

Bộ sách ấy đã phục vụ tốt và kịp thời cho vùng giải phóng ở miền Nam từ năm 1973 và cho toàn miền Nam giải phóng năm học đầu tiên (1975 - 1976), cho mãi đến ngày có sách cải cách giáo dục dùng chung cho cả nước.

Theo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên