Bộ đội hóa học thực hành làm nhiệm vụ với trang bị đặc chủng - Ảnh: VĂN HẢI |
“Sự hi sinh của bộ đội hóa học thầm lặng chứ không phải là cái hi sinh thấy ngay trước mắt. Vất vả thì thấy rõ. Nhưng nguy hiểm thì không hiển hiện ngay trước mắt mà phải một thời gian dài, năm năm, 10 năm, có khi là đời con, đời cháu mới thấy. |
Thượng tá VŨ VĂN HẢI |
Sống trong thời bình nhưng có những người lính vẫn âm thầm tiếp xúc với dư âm khắc nghiệt của chiến tranh khi xử lý các chất độc từ mấy chục năm trước để lại, để trả lại sự tinh sạch cho đất và hồi sinh màu xanh cho cây.
Bộ đội hóa học - không có cơ hội để béo
Trưa thứ sáu. Trời nắng gắt. Gắt đến nỗi đứng trong bóng cây mát cũng toát cả mồ hôi và người cứ bức bối, bừng bừng.
Thế nên chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong khuôn viên của doanh trại lữ đoàn phòng hóa 87 (Đồng Nai), những người lính hóa học xuất hiện trong trang phục rất lạ: mặc bộ quần áo y như những “nhà du hành vũ trụ” kín mít từ đầu xuống chân không một chỗ hở. Đó là trang bị đặc chủng của bộ đội hóa học.
Cách rèn luyện thể lực của lính hóa học thật lạ: trưa nắng, mặc trang phục đặc chủng chất liệu như cao su, cách ly cơ thể hoàn toàn với môi trường bên ngoài (độ kín khít gần như tuyệt đối, không khí không lọt vào được, khí oxy được cung cấp qua mặt nạ) rồi miệt mài chạy bộ.
Nói như thượng tá Vũ Văn Hải (chủ nhiệm chính trị lữ đoàn 87) anh em bộ đội đang “rèn luyện khí tài 3km” - cái tên hẳn hoi trong khoa mục rèn luyện của bộ đội hóa học.
Anh bảo: “Cứ thứ sáu hằng tuần là có kế hoạch rèn luyện khí tài 3km tầm 30-60 phút để nâng sức khỏe, sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai của bộ đội. Nhìn đi tưởng nhàn hạ vậy chứ người bình thường không rèn luyện chỉ 2-5 phút mặc bộ trang phục đặc chủng đó đi dưới trời nắng là ngợp không thở nổi, phải cởi ra ngay lập tức hoặc ngất”.
Một chiến sĩ cho biết: “Trong thực tế có lúc chúng tôi phải xử lý liên tục 2-3 tiếng với hàng đống máy móc bị nhiễm chất độc hóa học, phải tiêu tẩy cả một trận địa pháo. Cho nên nếu bình thường mà lười không rèn luyện sẽ bị ngất khi làm nhiệm vụ.
Trang bị này cả khí tài và mặt nạ khoảng 5kg. Mặc bộ đồ này khó thở lắm, phải thở qua bộ lọc. Người chưa bao giờ rèn luyện nếu mặc đảm bảo sẽ không chịu nổi, ngất ngay. Anh em cứ đùa nhau là không có cơ hội để béo vì tuần nào cũng rèn thế này”.
Chủ nhiệm chính trị lữ đoàn 87 cho biết: Ngay từ năm thứ nhất thời học viên, họ đã có lịch “rèn luyện khí tài 3km”.
Cho đất hồi sinh và màu xanh trở lại
Đại úy Nguyễn Anh Thắng là một trong những người tham gia dự án xử lý chất độc dioxin ở sân bay quân sự Biên Hòa từ năm 2013.
Anh kể có những thời điểm khi làm dự án tẩy rửa chất độc ở sân bay quân sự Biên Hòa - căn cứ của máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2, cứ một đợt kéo dài 2-3 tháng thì cũng là ngần ấy thời gian anh em bộ đội hóa học “ăn dầm nằm dề” ở đó.
“Không để kéo dài qua mùa mưa, chất độc sẽ ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân. Chúng tôi làm liên tục, chỉ có ngày chủ nhật mới nghỉ, có hôm làm đến 21-22g, cứ làm 60 phút lại nghỉ 30 phút để lấy lại sức. Mỗi lần uống nước thì ra khu vực nhà cách ly. Khi ăn phải tiêu tẩy sơ bộ, tắm rửa rồi ra khu vực khác cách ly với khu vực đang xử lý để ăn uống” - anh Thắng nói.
Các anh cho biết có những hố chôn cô lập chất độc phải quần quật làm trong ba ngày. Đại úy Thắng tâm sự: “Có lúc mùi chất độc dioxin xộc lên rất khó chịu. Mình nặng 57kg, làm 9-10 tiếng xong mất nước tới 3 lít, sụt ngay 2-3kg”.
Nhiệm vụ thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và xử lý sự cố ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn và nhiều rủi ro vì tính chất độc hại của môi trường làm việc.
Những người lính hóa học còn phải đảm nhận nhiệm vụ đối phó, xử lý các tình huống cháy nổ, rò rỉ hóa chất từ các nhà máy khu công nghiệp, các đợt dịch bệnh, thảm họa hóa chất và đặc biệt là chiến tranh hóa học công nghệ cao.
“Hạnh phúc lớn nhất là đem lại môi trường sạch và an toàn cho người dân. Do lượng chất độc nhiễm vào lòng đất với hàm lượng cao gấp hàng ngàn lần ngưỡng an toàn cho con người và môi trường rất nhiều nên có những vùng cây cỏ không mọc nổi, trơ trụi đất đá. Sau khi xử lý xong, làm sạch đất thì đã có màu xanh hồi sinh che đi nền đất trơ trọc, cây đã mọc được tươi tốt” - thượng tá Vũ Văn Hải khẳng định.
Tham gia nhiều dự án quan trọng Lữ đoàn phòng hóa 87 thành lập tháng 8-2008 với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm tác chiến ở chiến trường miền Nam, khắc phục sự cố hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, tham gia phòng chống khủng bố, chống bạo loạn. Lữ đoàn hóa học 87 đã tham gia nhiều dự án quan trọng như xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa (nhiều giai đoạn) và sân bay Đà Nẵng, xử lý khí clo rò rỉ ở nhà máy A-42 (quân chủng phòng không không quân), thu gom xử lý 91,5 tấn chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh ở kho khí tài K62 (Nhơn Trạch, Đồng Nai)... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận