![]() |
Nhà thơ Nguyễn Duy - Ảnh tư liệu |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nhà thơ NGUYỄN DUY - chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi bình chọn - nói mục đích cuộc thi này nhằm tôn vinh thơ lục bát.
* Ngay tiếp sau cuộc bình chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 gây nhiều bất bình về chất lượng, cuộc thi tuyển chọn 99 bài thơ lục bát hay được tổ chức dễ khiến người ta hình dung rằng đây là sự "gỡ gạc" của những người tuyển thơ chăng?
- Phải nói ngay rằng đây là hai việc khác nhau hoàn toàn. Cuộc thi bình chọn 99 bài thơ lục bát hay của thế kỷ 20 do báo Tổ Quốc thuộc Bộ VH-TT tổ chức. Đây là một phần của chương trình số hóa các tài sản văn học nghệ thuật VN. Báo Tổ Quốc cũng dự định tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác để tôn vinh các giá trị văn học nghệ thuật. Nhưng tôi nêu ý tưởng trước hết phải hệ thống lại những tinh hoa thơ văn của dân tộc trước đã. Và cuộc bình chọn 99 bài thơ lục bát này là bước khởi đầu, tôn vinh giá trị thơ lục bát trước tiên.
* Thể lệ dự thi yêu cầu mọi người tự chọn 99 bài lục bát được cho là hay để gửi dự thi. Chắc chắn có độ chênh nhau trong đánh giá giữa những người này. Ban tổ chức (BTC) sẽ phân xử các khoảng chênh nhau ấy thế nào để tìm ra kết quả?
6+8=99 Thể lệ tuyển chọn qui định: thơ chọn phải là thơ lục bát viết bằng tiếng Việt (thơ lục bát biến thể, truyện thơ, trường ca, thơ dịch và các đoạn trích đều không thuộc diện xét tuyển), đã được in và mỗi bài thơ chọn vào danh sách dự thi phải có tên tác giả, tên bài thơ, thuộc thời kỳ nào, người dự thi lấy bài thơ này ở đâu (sách nào, báo nào…), và số lượng chọn phải đủ 99 bài. Ban giám khảo (nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Mai Linh, nhà phê bình lý luận Chu Văn Sơn và hai thư ký hội đồng đến từ báo điện tử Tổ Quốc) căn cứ vào từng bản dự thi một, bản nào có tỉ lệ bài hay cao nhất trong số 99 bài thì được giải cao. Về giải thưởng, gồm một giải nhất: 10 triệu đồng; một giải nhì: 5 triệu đồng; hai giải ba: 3 triệu đồng/giải; ba giải khuyến khích: 1 triệu đồng/giải. Thời hạn cuối nhận bài dự thi: 15-12-2007. Bài dự thi gửi về: Cuộc thi 6+8=99, báo điện tử Tổ Quốc, 86 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; hoặc qua email: lucbat99@gmail.com. |
- Đối tượng tuyển chọn thơ dự thi của cuộc thi này không thể là tất cả mọi người. Nên thể lệ cuộc thi là nhằm chọn những người tham gia phải thật yêu thơ, phải có trình độ đọc, có kiến thức thực tế.
BTC không đưa ra một danh sách những bài lục bát gợi ý để người dự thi theo đó tuyển chọn, vì chúng tôi cho rằng mỗi người tham gia cuộc thi này là một nhà tuyển trạch, chứ không phải tiện thì chơi mà không tiện thì thôi.
Đây là việc không thể chính xác như toán học được. Nhưng mỗi đại lượng đều có những thước đo, và để có những bài lục bát hay, BTC cuộc thi đã chuẩn bị "thước đo".
Đó là mời một số chuyên gia, đặc biệt là những người trực tiếp giảng dạy văn học để tham khảo ý kiến, và lập một danh mục 99 bài thơ do ban giám khảo chọn, xem đây là "thước" của ban giám khảo.
Ở các nơi, mỗi giải thưởng đều có thước đo của họ: giải Nobel có thước của Nobel, giải Goncourt cũng có thước riêng. Chúng tôi đã tính đi tính lại rồi và nhận thấy cách này ổn hơn cả.
* Thế thì danh sách thơ hay đích thực mà những người dự thi có tìm ra được dẫu sao cũng không bằng được với "cây thước" đáng tin cậy của ban giám khảo. Vậy đâu là đóng góp thực tế của cuộc thi này, thưa ông?
- Cây thước của giám khảo bằng thơ chứ có phải bằng thép đâu. Ban giám khảo có thể điều chỉnh cây thước cho phù hợp với chất lượng tuyển chọn. Nếu có đột xuất lộ ra những bài thơ độc đáo thì ban giám khảo phải chỉnh lại cây thước của mình. Và đóng góp đầu tiên của cuộc thi là tôn vinh giá trị thơ lục bát.
Cuộc thi này khởi động lại một sự tuyển trạch thơ lục bát rộng khắp cả nước. Người dự thi phải kiểm chứng trí nhớ, phải đầu tư cả tình cảm, suy nghĩ và những gì có được thì lớn hơn giải thưởng nhiều. Cuộc thi cũng khởi động lại tình cảm công chúng với một thể loại thơ truyền thống của dân tộc. Trên thực tế đây là một loại thơ khó, và cái hay của nó khi đã đạt tới thì những thể thơ khác rất khó sánh kịp.
Ngoài ra, cuộc thi còn tôn vinh những giá trị ngôn ngữ Việt, kích thích, cổ vũ một không khí đọc ngôn ngữ Việt bằng thơ Việt, dụng ý chính của cuộc thi là ở chỗ đó, chứ giải thưởng chỉ là phụ thôi.
* Ông là một trong số các nhà thơ đương đại tiêu biểu của VN, có nhiều bài thơ hay nổi tiếng, đặc biệt là thơ sáu tám, được chọn để giảng dạy và nghiên cứu trong nhà trường. "Lỡ" có tác phẩm của ông lọt vào số những bài thơ hay được độc giả bầu chọn trong cuộc thi này, ông sẽ xử sự như thế nào với tư cách chủ tịch hội đồng giám khảo?
- Thì mình cũng được quyền bình đẳng với tất cả tác giả khác, tuân thủ theo thể lệ cuộc thi. Mình không dự thi, chỉ chấm bài dự thi của độc giả, căn cứ tối hậu là lá phiếu của cả một ban giám khảo.
Chấm thi là việc khoa học chứ không phải việc sáng tác, không thể tự "sáng tác" phần thưởng cho chính mình được, mà có cố "sáng tác" lấy được cũng không bịt mắt thiên hạ được đâu, người ta chửi cho chết.
Nếu bài thơ của mình được chọn thì nó đã là sản phẩm xã hội rồi, mình cũng không có quyền tự loại bỏ nó. Nó hay thì phải bảo hay. Nó không hay phải… vứt ngay tức thì! Vấn đề cốt lõi ở đây vẫn là sự công tâm. Công tâm với mọi người và công tâm với chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận