![]() |
Reuben Singh thời kỳ nổi danh - Ảnh: Straits Times |
Năm 1998, ở độ tuổi 22, chàng trai người Anh gốc Ấn Độ Reuben Singh được đưa vào sách Guinness với kỷ lục là triệu phú tự làm ra sản nghiệp trẻ tuổi nhất thế giới với tổng giá trị tài sản lên đến 57 triệu USD. Nhưng mới đây báo chí Anh đã vạch mặt Singh chỉ là "hàng dỏm".
Lóa mắt với vinh quang
Theo từ điển trực tuyến Wikipedia, Reuben Singh bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với cửa hàng bán đồ mỹ phẩm và trang sức phụ nữ mang tên Miss Attitude tại Manchester vào năm 1995. Chỉ trong một quãng thời gian ngắn sau đó, hàng trăm cửa hàng Miss Attitude mọc lên tại Anh. Hình ảnh của Singh bắt đầu xuất hiện trên mặt báo nhờ thành công đó.
Những thông tin ban đầu cho biết tài sản Singh kiếm được vào khoảng 20 triệu USD. Khi đó Singh vẫn còn đang là sinh viên. Đến năm 1999, Singh tuyên bố bán chuỗi cửa hàng Miss Attitude với giá 44 triệu USD, đưa tổng tài sản cá nhân lên 90 triệu USD. Sau đó, Singh thành lập một công ty thực phẩm và công ty dịch vụ thư ký qua Internet alldaypa.com.
Lóa mắt trước những thành công do Singh tự quảng cáo, báo chí và công chúng Anh lập tức ví Singh là "Bill Gates của nước Anh". Báo The Independent cho biết Singh rất tự hào với sự so sánh đó và thậm chí còn khoác lác là trước năm 30 tuổi sẽ phá kỷ lục tỉ phú tự làm ra sản nghiệp trẻ tuổi nhất thế giới của Bill Gates.
Sau khi đoạt kỷ lục Guinness, Singh càng trở nên nổi tiếng. Anh ta là khách mời thường xuyên của các chương trình truyền hình, được Thủ tướng Tony Blair mời vào nhóm cố vấn về doanh nghiệp nhỏ và cạnh tranh. Singh cũng đoạt rất nhiều giải thưởng như giải kinh doanh quốc gia 2002, giải doanh nhân mới của Microsoft 2002, được tạp chí Time bầu là "Nhân vật dưới 30 tuổi quyền lực nhất tại Anh". Thậm chí chân dung Singh được treo trong Bảo tàng Chân dung quốc gia của Anh, sánh ngang hàng với vô số nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nước Anh.
Công chúng càng vị nể Singh khi anh ta luôn xuất hiện trong những bộ đồ Gucci sang trọng và những chiếc xe hào nhoáng. Bộ sưu tập của Singh gồm một chiếc Bentley, hai Rolls-Royce, hai Mercedes và một chiếc Porsche. Không hề có sự khiêm tốn, Singh tuyên bố trên Financial Times: "Tôi dễ dàng tiếp cận hầu hết các bộ trưởng, chính trị gia, nhà tiên phong trong công nghiệp. Tôi đã gặp Tony Blair rất nhiều lần...".
Sụp đổ dây chuyền
Những ánh hào quang chói lọi đó bắt đầu lu mờ vào cuối năm 2002 khi báo Manchester Evening News và Financial Mail tố cáo lợi nhuận từ kinh doanh của Singh kém xa những gì anh ta tự quảng cáo. Người mua lại Miss Attitude khẳng định chuỗi cửa hàng bị lỗ nặng và chỉ có giá vẻn vẹn 2 triệu USD chứ không phải là 44 triệu USD như Singh nói. Trên Financial Times, Singh phản pháo lại rằng "những thông tin trên chỉ là lời đồn thổi do ghen ăn tức ở". Những tố cáo đó sau này đều được xác định là đúng sự thật. Tên của Singh bị xóa khỏi sách Guinness.
Sau đó, sự nghiệp của Singh ngày càng sa sút. Công ty thực phẩm và alldaypa.com đều bị lỗ nặng và cha mẹ giàu có của Singh đã phải mua lại alldaypa.com. Từ ghế giám đốc alldaypa.com, Singh rơi xuống vị trí cố vấn. Và đến cuối tháng 10-2007 vừa qua, danh tiếng của Singh sụp đổ hoàn toàn khi anh ta buộc phải tuyên bố phá sản. Theo Time of India, chàng triệu phú trẻ tuổi ngày nào trở thành con nợ bạc triệu với số tiền nợ lên đến 24,5 triệu USD.
Trong đó, Singh nợ một công ty Kuwait tới 18,6 triệu USD, nợ của cha mình 1,6 triệu USD, chưa thanh toán 24.700 USD tiền mua xe, 290.000 USD tiền thâm hụt chín thẻ tín dụng… và vô số khoản khác. Hiện tại toàn bộ tài sản của Singh đều đã bị đóng băng. Một số chiếc xe của Singh hóa ra là được thuê để lòe thiên hạ chứ anh ta chưa bao giờ sở hữu chúng.
Tờ Independent khẳng định không chỉ dối trá về tài sản của mình, Singh còn phạm tội lừa đảo. Mới đây, một tòa án tại thành phố Manchester đã kết án Singh lừa đảo Ngân hàng Bank of Scotland để vay khoản tiền 1,8 triệu USD. Theo cáo trạng của tòa án, Singh đã phù phép tạo ra một tài khoản tại Bermuda nhằm gây ấn tượng về khối tài sản khổng lồ của anh ta đối với ngân hàng. Sau đó, Singh tiếp tục khoác lác về thành công của mình với các quan chức ngân hàng khiến họ lóa mắt, do đó đã cho anh ta vay tiền.
Singh vẫn đang quanh co chối tội bằng lời khẳng định rằng "có một cuộc báo thù” chống lại anh ta. Nhưng giờ đây không còn ai tin Singh nữa. Những lời dối trá, dù có được che đậy tinh vi đến đâu chăng nữa, cũng có ngày bị đưa ra ánh sáng, như trường hợp của Reuben Singh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận