08/01/2013 04:22 GMT+7

"Biến tấu" với án hành chính

DUY THANH
DUY THANH

TT - Hai vụ kiện hành chính cùng một bản chất, cùng một cấp xét xử phúc thẩm nhưng cho hai kết quả ngược nhau.

Theo hồ sơ, khu đất 100 đường Trần Phú (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là đất quốc phòng, do Trường Huấn luyện bay - kỹ thuật không quân (nay là Trường Sĩ quan không quân) quản lý. Gia đình hai ông Đặng Đình Lạp và Nguyễn Xuân Điệp, vốn là sĩ quan của trường, được bố trí ở tạm khu này.

Hai phán quyết trái ngược

Năm 2004, nhà trường thanh lý và nhượng bán đất ở tại khu này với diện tích nhỏ hơn so với diện tích do chính trường cấp phép cho hai ông sử dụng năm 1993. Do đó, khi đo đạc thực tế thấy đất ông Lạp, ông Điệp sử dụng nhiều hơn so với diện tích được bán thanh lý, quân chủng đã có các quyết định thu hồi đất để giao cho Trường Huấn luyện bay - kỹ thuật không quân quản lý.

Năm 1997, theo quyết định của thủ tướng, khu đất 100 Trần Phú được giao về cho địa phương quản lý. Trong hai năm 1999-2000, UBND tỉnh Khánh Hòa ra ba quyết định thu hồi tổng cộng gần 150m2 đất mà tỉnh cho là ông Lạp và ông Điệp lấn chiếm tại khu này để giao cho ba gia đình chính sách. Ông Lạp và ông Điệp khiếu nại. Năm 2008, bị UBND tỉnh Khánh Hòa bác đơn, hai ông khởi kiện ra tòa hành chính, yêu cầu hủy các quyết định thu hồi đất đã nêu. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đều nhận định việc UBND tỉnh Khánh Hòa ra các quyết định là đúng thẩm quyền, có căn cứ pháp lý. Bức xúc, cả hai ông kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Ngày 20-3-2009, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng tuyên hủy các quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thu hồi đất của ông Đặng Đình Lạp. Theo tòa, nguyên nhân chính là vì quân chủng không quân và Trường Sĩ quan không quân chưa bàn giao tổng thể và cắm mốc khu nhà 100 Trần Phú về cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý, do đó không có việc khảo sát thực tế để quy hoạch và giải quyết các vấn đề có liên quan trên đất trước khi ra quyết định thu hồi, cấp đất cho các đối tượng khác.

Thế nhưng, với trường hợp tương tự của ông Nguyễn Xuân Điệp, bản án ngày 19-1-2011 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng lại tuyên bác đơn của ông Điệp, vì cho rằng UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất là có căn cứ, đúng thẩm quyền, không xâm phạm đến quyền lợi của nguyên đơn...

Thắng, thua đều... bực

Ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - trong các kiến nghị và giải trình với các cơ quan chức năng trung ương về vụ việc này đều bày tỏ sự khó hiểu: “Về bản chất hai vụ việc trên là như nhau, nhưng tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng lại tuyên xử với hai kết quả khác nhau”! Cho rằng tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng xử chưa thỏa đáng trong vụ kiện của ông Đặng Đình Lạp, UBND tỉnh Khánh Hòa gửi văn bản đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, TAND tối cao trả lời không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.

Được TAND tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ ra những sai sót khi ban hành các quyết định thu hồi đất của ông Lạp, tháng 3-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện các thủ tục nhận bàn giao khu đất 100 Trần Phú từ Trường Sĩ quan không quân, sau đó giao UBND TP Nha Trang quản lý. Tiếp đó, tỉnh phê duyệt quy hoạch phân lô cục bộ đối với khu đất này và tiếp tục chỉ đạo TP Nha Trang thu hồi đất của ông Lạp.

Ông Huỳnh Ngọc Bông - chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Khánh Hòa - khẳng định: “Sau phiên tòa phúc thẩm, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện thu hồi, bàn giao đất ở khu nhà 100 Trần Phú đúng trình tự, quy định pháp luật. Hiện nay, UBND tỉnh giao UBND TP Nha Trang tiếp tục vận động gia đình ông Lạp giao đất, nếu ông cố tình không chấp hành thì phải cưỡng chế”.

Trong khi đó, ông Lạp chua chát: “Các quyết định mới của tỉnh thu hồi hết đất của tôi, rồi cấp lại một lô diện tích nhỏ hơn, phần đất còn lại tỉnh giao cho người khác. Thực chất không khác gì với quyết định đã bị tòa phúc thẩm tuyên hủy”.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ(phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa):

Dân khó thắng ở cấp sơ thẩm

Thực tiễn hơn 15 năm giải quyết án hành chính cho thấy pháp luật về tố tụng chưa thật đầy đủ, đồng bộ và kịp thời. Các quyết định hành chính bị khởi kiện thường là của các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương, trong đó có những quyết định hành chính được các cấp HĐND, UBND thông qua nếu có vi phạm thì tòa án và viện kiểm sát ở cấp sơ thẩm rất khó khăn trong việc thể hiện quan điểm của mình. Vì thế người dân hiếm khi thắng kiện ở cấp sơ thẩm, mà chỉ thắng ở giai đoạn xử phúc thẩm hoặc sau khi có quyết định giám đốc thẩm.

Mặt khác, khi xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người dân, tòa cũng chỉ có quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định bị kiện mà không có thẩm quyền cấm bên bị kiện ra quyết định tương tự khác, cũng như không được buộc bên bị kiện phải ra một quyết định mới có nội dung khác với quyết định đã bị tuyên hủy, từ đó dẫn đến việc bên chính quyền thua kiện vẫn ra quyết định khác theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên