28/05/2008 22:25 GMT+7

Bi quan hay bi kịch "thiên nga đen"

Theo TS NGUYỄN VĂN LƯƠNG - Tạp chí Người Đô Thị
Theo TS NGUYỄN VĂN LƯƠNG - Tạp chí Người Đô Thị

Theo nhận định chung của các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong năm 2008 nền kinh tế VN sẽ khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như năm 2007. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh của VN đang bị đe dọa bởi những “thiên nga đen”.

XHhTroRh.jpgPhóng to
Giáo sư Nassim Taleb, chuyên gia dự báo khủng hoảng kinh tế (ảnh của báo Fortune)
Theo nhận định chung của các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong năm 2008 nền kinh tế VN sẽ khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như năm 2007. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh của VN đang bị đe dọa bởi những “thiên nga đen”.

Từ kịch bản bi quan của CIEM...

Ngày 8-5, CIEM đã công bố báo cáo kinh tế hằng năm, trong đó đưa ra dự báo kinh tế VN năm 2008 theo ba kịch bản: cơ bản, lạc quan và bi quan. Rất tiếc bản dự báo này đưa ra quá trễ, ngay cả sau khi Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận hạ tăng trưởng GDP 2008 xuống 7% - gần với kịch bản bi quan - thay vì 8,5 - 9% như kỳ vọng.

Một số chỉ tiêu dự báo, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP, theo kịch bản cơ bản thấp xa so với các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008. Dự báo lạm phát vẫn đứng ở mức cao và cao hơn so với mức năm 2007 và nhập siêu còn lớn, chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn.

TS Võ Trí Thành, trưởng ban hội nhập của CIEM, cho rằng kinh tế VN sẽ đi theo kịch bản bi quan. “Cá nhân tôi cho rằng khả năng chúng ta chịu kịch bản bi quan là cao hơn cả” - ông Thành nói. Theo ông Thành, có hai lý do để kinh tế VN đi theo kịch bản xấu này.

Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ và thế giới tuy không rơi vào khủng hoảng trầm trọng nhưng đã cho thấy quá nhiều dấu hiệu bất ổn và tác động đến kinh tế VN. Thứ hai, cho dù Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng việc triển khai trên thực tế đang là vấn đề.

Một lần nữa, ông Thành lại nhấn mạnh đến giải pháp cải cách cơ cấu (khu vực doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực tư nhân), thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết WTO cũng như “giải tỏa” các nút thắt cổ chai (về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực) - những công việc cần được tập trung đẩy mạnh trong năm 2008.

... Đến lý thuyết “thiên nga đen”

Cho dù Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng việc triển khai trên thực tế đang là vấn đề.

Trong hai cuốn sách Điên vì tình cờThiên nga đen, giáo sư Nassim Taleb, chuyên gia hàng đầu về chống khủng hoảng kinh tế hiện nay, đã khám phá về sự hiểu lầm thường có của con người về những chuyện xảy ra thường ngày và những hiểm họa. Trọng tâm của lý thuyết “thiên nga đen” của ông là tai họa tưởng chừng không thể, lại xảy ra. Theo ông, có hai loại kinh doanh: loại kinh doanh ít rủi ro, nghĩa là bất luận thế nào, doanh nghiệp hay lợi tức của họ không thể sụp đổ trong nháy mắt, đó là kinh doanh “thiên nga trắng” - bình thường hay thông thường.

Ví dụ: Bạn là một bác sĩ, dù thế nào thu nhập của bạn sẽ không trở về điểm 0 hay âm. Và loại kinh doanh “thiên nga đen” là kinh doanh đầy rủi ro nhưng lợi nhuận rất cao. Ví dụ: Kinh doanh trên thị trường chứng khoán. Đổi lại, bạn có thể mất tất cả trong một phiên giao dịch.

“Thiên nga đen” là một hiện tượng kỳ vọng. Ví dụ: Một con gà được nuôi 90 ngày. Ngày nào nó cũng cho người nuôi một cảm giác là đang hành động để sinh lợi. Đến ngày thứ 91 dịch gia cầm xuất hiện. Đó là hiểm họa: Dịch gia cầm đã làm tiêu tán kỳ vọng về con gà. Cho nên Nassim Taleb gọi khủng hoảng hiện nay là “thiên nga xám”. Ông cho rằng các ngân hàng trên toàn thế giới đang ngồi trên những quả bom nổ chậm.

Những diễn biến trong cả tháng nay cho thấy hệ thống ngân hàng VN cũng đang xuất hiện những con “thiên nga xám”. Từ ”xám” đến “đen” chỉ là một sợi chỉ mỏng manh. Do vậy, nếu nghiêm túc hơn, nhiều cơ quan nghiên cứu kinh tế của VN phải bị kiểm điểm vì các dự báo của họ đã đặt chúng ta vào nguy hiểm. Không có một cơ quan nghiên cứu chính thức nào dự báo rằng có thể “thiên nga đen” sẽ xuất hiện trong năm 2008, mặc dù từ trước đó kinh tế Mỹ có dấu hiệu “sổ mũi” và giá dầu tăng kỷ lục.

Giải thích điều này, ông Đinh Văn Ân, viện trưởng CIEM, cho biết bản báo cáo của CIEM đáng ra phải công bố vào tháng 3 hằng năm theo thông lệ, được đưa ra ngay trước khi Chính phủ phải điều trần trước Quốc hội về năng lực điều hành vĩ mô và tình hình kinh tế của VN.

Tuy nhiên, ông Ân giải thích việc ban hành chậm bản báo cáo này là do có quá nhiều thay đổi và điều chỉnh về các chỉ số kinh tế vĩ mô của các cơ quan nhà nước trong suốt thời gian từ tháng 10-2007 đến giữa tháng 4-2008 (trích từ vneconomy.com.vn 9-5-2008).

sHOgthas.jpgPhóng to

Thông thường, sau những lần mất cơ hội, chúng ta nói: “Thất bại là mẹ thành công” - cũng giống như người Mỹ hay nói: “Không có thuốc nào tốt hơn lời khuyên của một bác sĩ tồi”.

Đầu năm nay, Ngân hàng HSBC dự báo lạc quan rằng Vn-Index cuối năm sẽ tăng lên trên 1.000 điểm, nhưng tuần qua lại điều chỉnh chỉ còn 600 điểm. Đọc lại các báo cáo kinh tế năm ngoái, chỉ số lạc quan - nghĩa là “thiên nga trắng” - vẫn bay đầy trên những trang đánh giá về kinh tế - tài chính của chúng ta.

Chính phủ VN đã rút kinh nghiệm tốt trong phòng chống thiên tai khi tập trung vào công tác dự báo. Hãy áp dụng kinh nghiệm này trong kinh tế. Cần thống nhất các cơ quan nghiên cứu và dứt khoát dành độc lập cho công tác nghiên cứu ở các đại học. Trước mắt phải tách các viện nghiên cứu kinh tế và hiện tượng liên quan ra khỏi các bộ mà trao về cho các trường đại học. Có như vậy, về dài hạn, các nhà quyết định chính sách kinh tế VN mới có nhiều nguồn để có thể biết sớm về những con “thiên nga đen” chết người.

Theo TS NGUYỄN VĂN LƯƠNG - Tạp chí Người Đô Thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên