27/09/2020 09:54 GMT+7

Bí mật 500 năm dưới một bức tranh của danh họa Tiziano Vecellio

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Sự thật chỉ hiện ra khi lớp sơn dầu sặc sỡ phủ trên bức Tobias và thiên thần được bóc gỡ tỉ mỉ trong cuộc phục chế kéo dài qua hai thập niên, để lộ kiệt tác hiếm có của danh họa người Ý thời Phục Hưng, Titian - Tiziano Vecellio.

Bí mật 500 năm dưới một bức tranh của danh họa Tiziano Vecellio - Ảnh 1.

Bức Người phụ nữ và cô con gái, kích thước 88,3 x 80,6cm. Người phụ nữ trong tranh có mái tóc được tết khéo léo nhưng không gắn trang sức, mà chỉ cài một bông hoa cài trên vành tai. Xiêm áo thì giản dị, cho thấy nàng là một người trong nhóm quản gia, trong khi bé gái lại có vẻ giàu có hơn, đeo hoa tai thạch anh tím và gắn chuỗi ngọc trai trên tóc.

Sau 500 năm bị che giấu và bị thay đổi danh phận, bức tranh Người phụ nữ và cô con gái vừa được đưa trở lại quê hương nguyên vẹn như từng được Titian vẽ vào những năm 1550, trở thành "ngôi sao" của cuộc triển lãm tổ chức từ ngày 5-9-2019 đến 1-3-2020 tại Venice có tên "Từ Titian đến Rubens - Những kiệt tác từ các bộ sưu tập Flemish".

Rốt cuộc, Milia và con gái Emilia đã trở về nhà!

Sự thật chỉ hiện ra khi lớp sơn dầu sặc sỡ phủ trên bức Tobias và thiên thần được bóc gỡ tỉ mỉ trong cuộc phục chế kéo dài qua hai thập niên, để lộ kiệt tác hiếm có của danh họa người Ý thời Phục Hưng, Titian - Tiziano Vecellio.

Vẽ một bé trai cầm con cá, đứng bên một nam thần áo cam có đôi cánh đỏ và trắng, bức Tobias và thiên thần miêu tả câu chuyện trong Kinh thánh về việc thiên thần Raphael hộ tống cậu bé Tobias đi tìm lại gia sản cho cha.

Nhưng phim X-quang chụp năm 1948 đã lần đầu tiên tiết lộ một sự thật bị che phủ hàng thế kỷ bên dưới bức tranh.

Từ cậu bé Tobias và thiên thần

Pomponio, con trai trưởng lười biếng của danh họa Ý Titian (1490-1576), vào năm 1581 đã bán toàn bộ xưởng vẽ của cha cho Cristoforo Barbarigo, một quý tộc ở Venice.

Bức Tobias và thiên thần (Tobias and The Angle) cất trong xưởng này cũng được bán đi và được đưa về treo trong dinh thự Barbarigo ở Venice. Năm 1850, tác phẩm được sang nhượng cùng 102 bức tranh khác cho tổng lãnh sự Nga ở Venice, rồi được bổ sung vào bộ sưu tập của hoàng gia Nga ở Saint Petersburg.

Nhưng bốn năm sau đó, Nga hoàng Nicholas I cho bán bức Tobias và thiên thần cùng hơn 1.000 cổ vật và tác phẩm hội họa khác bị các chuyên gia nghệ thuật hoàng gia cho là "những bức tranh quá xấu cần phải bán đi". Bức tranh của mỹ thuật Venice về tay bá tước Nga Tyszkiewicz.

Những năm 1920, bức Tobias và thiên thần thuộc về nhà buôn tranh người Pháp René Gimpel. Lo ngại chiến tranh nổ ra, Gimpel chuyển bộ sưu tập tranh sang London năm 1939.

Sau đó, ông tham gia lực lượng kháng chiến Pháp trong Chiến tranh thế giới II, bị Đức quốc xã bắt và qua đời trong trại Neuengamme ở Hamburg, phía bắc nước Đức, năm 1944 mà không cho ai biết chỗ cất giấu tranh.

Sau chiến tranh, ba người con của Gimpel đã cất công truy tìm tài sản của cha và năm 1946 Ernest Gimpel lần đến London. Giữa khu vực bị tàn phá nặng nề trong các đợt Đức quốc xã không kích phía đông London, Ernest tìm thấy bộ sưu tập còn nguyên vẹn trong một garage.

Tobias và thiên thần được gửi cho nhà Sotheby's ở London, nhưng đấu giá năm 1947 không thành công vì chỉ được xem là sản phẩm phần nhiều do học trò của Titian vẽ. Năm 1948, người con trai khác của Gimpel là Jean đem bức tranh đi chụp X-quang ở Viện nghệ thuật Courtauld ở London.

Nhà buôn tranh Rene Gimpel, cháu nội của René Gimpel, sau này kể lại rằng gia đình "đã linh cảm có một tác phẩm khác của Titian bên dưới bức tranh này".

Những bản chụp X-quang năm 1948 đã lần đầu tiên tiết lộ bức chân dung đôi vẽ một bé gái và một người phụ nữ bị che giấu dưới bức vẽ cậu bé tóc xoăn Tobias và thiên thần nam có vóc dáng quá tròn trịa với đôi cánh trắng và đỏ.

Titian thường vẽ trực tiếp lên toan (canvas), ít khi phác họa chi tiết bằng chì hay bằng cọ, nên không bao giờ có những hình ẩn dưới tranh.

Ảnh X-quang chụp năm 1948 đã khẳng định những nghi vấn lâu nay: Titian bắt đầu vẽ bức chân dung trong những năm 1950, nhưng sau đó để sang một bên, có lẽ vì không vẽ tranh này theo đơn đặt hàng nên không có áp lực tài chính phải hoàn thành, trong khi lại nhận được đặt hàng cho bức khác.

Chân dung vẫn dang dở khi Titian mất trong dịch bệnh năm 1576 và được ai đó chỉnh sửa để biến thành một bức tranh kể chuyện Kinh Thánh cho dễ bán, vì thời đó không có thị trường cho những bức chân dung phụ nữ.

Đến bé gái và người phụ nữ

Nhưng những phát hiện này vẫn không làm bức tranh được giá hơn. Trên sàn Christie's năm 1963, tác phẩm chỉ được đặt giá 2.300 bảng Anh. Gia đình Gimpel quyết định cho bóc lớp tranh bên trên ra, và năm 1983 họ tìm đến chuyên gia phục chế nổi tiếng Alec Cobbe.

Tham gia công việc mạo hiểm và gây nhiều tranh cãi trong giới, Cobbe tỉ mẩn lau từng milimet vecni bảo quản và sơn dầu phủ bên trên suốt nhiều năm ròng. Điều giúp ông phân định được các lớp sơn chính là lớp bụi mỏng của thế kỷ 16 bám trên bề mặt tác phẩm gốc trong những năm bị để sang một bên, vốn đã góp phần ngăn cách lớp màu ban đầu với lớp màu vẽ chồng lên.

Khi việc phục chế hoàn tất năm 1999, đúng như linh cảm của nhà Gimpel, bức tranh khác đẹp nền nã và dang dở đã hiện ra. Tobias và thiên thần nay có tên là Người phụ nữ và cô con gái (The lady and her daughter), được công nhận là tác phẩm của Titian.

Bí mật 500 năm dưới một bức tranh của danh họa Tiziano Vecellio - Ảnh 2.

Khi được phục chế, "thiên thần" đã được xóa đi đôi cánh trên vai, cái chén trên tay phải và bộ trang phục màu cam. "Tobias" được bóc đi bộ áo đỏ và con cá cầm trên tay phải. Những lọn tóc xoăn của cả thiên thần và Tobias cũng được gỡ đi. Bộ váy và tư thế của hai nhân vật còn được vẽ dang dở. Trên tay phải của người phụ nữ dường như cầm một cành hoa, nhưng tay phải của bé gái hoàn toàn không rõ về tư thế.

Câu hỏi mới lại được giới nghiên cứu đặt ra: Người trong tranh là ai?

Giám đốc Viện nghiên cứu lịch sử văn hóa Warburg ở London Charles Hope những năm 2000 cho rằng người phụ nữ trong tranh có thể là con gái chính danh Lavinia hay con gái ngoài giá thú Emilia của họa sĩ, cũng có thể là chị em họ Livia Balbi của ông.

Nhưng vào năm 2003, đối chiếu với những bức Titian khác và các cứ liệu lịch sử, chuyên gia mỹ thuật Jaynie Anderson - khi đó đang giảng dạy ở Đại học Melbourne - đã có bài phân tích chấn động trên tạp chí nghệ thuật Burlington.

Theo Anderson, phục trang giản dị không xứng với Lavinia, người có cuộc sống khá giả và từng xuất hiện với xiêm áo lộng lẫy trong những bức chân dung khác. Nếu đó là Emilia, người kết hôn vào năm 1568 và có một đứa con gái, thì chân dung phải được vẽ vào giữa thập niên 1570.

Nếu là Livia Balbi, thì có tư liệu ghi nhận vào năm 1574 rằng bà có một con gái đã lớn, tức là tranh phải được vẽ vào những năm 1560. Trong khi đó, Người phụ nữ và cô con gái được vẽ vào những năm 1550.

Bà Anderson xác định người phụ nữ trong tranh là Milia, tình nhân của Titian, làm hầu gái trong nhà Titian đúng vào những năm 1550. Điều này lý giải vì sao bà mặc trang phục đơn giản, còn bé gái bên cạnh lại đeo trang sức đắt tiền hơn.

Danh tính của cô bé cũng được xác định chính là Emilia, với tóc màu sẫm và tỉ lệ mũi so với khuôn mặt khá giống Titian, và tư thế đứng nép trong vòng tay và hướng mắt về người phụ nữ của bé là "dấu hiệu" về một mối quan hệ mẫu tử.

Người phụ nữ và cô con gái cũng tiết lộ các bước Titian thực hiện một bức tranh: Ông tập trung vẽ phần đầu trước, sau đó mới thảo nhanh những đường cơ bản về tư thế của nhân vật trước khi họ mệt mỏi vì đứng làm mẫu.

Từng được Christie's định giá khoảng 5 triệu bảng Anh vào năm 2005, bức tranh thuộc về nhà sưu tập người Bỉ Marnix Neerman từ năm 2016. Tới tháng 9-2019, sau 500 năm, rốt cuộc Milia và con gái Emilia cũng đã thực sự trở về nhà!

Tiziano Vecelli hay Vecellio, được hậu thế biết đến với tên tiếng Anh là Titian. Ông sinh khoảng năm 1488-1490 và mất ngày 27-8-1576 ở Venice.

Là họa sĩ thời Phục hưng, ông được xem là tên tuổi quan trọng của trường phái nghệ thuật Venice thế kỷ 16.

_____________________________________________________

(Nguồn: The Independent, The Economist, Sotheby's, Christie's)

Mật mã Da Vinci trong bức tranh Quý cô và con chồn Mật mã Da Vinci trong bức tranh Quý cô và con chồn

TTO - Như mọi tác phẩm của danh họa người Ý Leonardo da Vinci, bức tranh ẩn chứa nhiều mật mã, và được coi là bức chân dung hiện đại đầu tiên...

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên