13/07/2006 06:02 GMT+7

Bi, hài "sao" ngoại đến Việt Nam

HOÀI NAM thực hiện
HOÀI NAM thực hiện

TT - Cách đây hơn năm năm, “sao” ngoại đến VN chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hai năm trở lại đây, “sao” ngoại “xẹt” sang đất Việt dập dìu hơn. Thế nhưng để có vài chục phút trên sân khấu của “sao” ngoại thì đằng sau đó còn lắm chuyện bi, hài...

qW0SJTOE.jpgPhóng to

Nhóm nhạc nữ Jewelry đã đến VN hai lần và ..."có dịp chúng tôi sẽ trở lại" - Ảnh: Kinh Luân

Trần thân “công nghệ mời”

3 tỉ đồng bảo hiểm cho Phạm Văn Phương?!

Chương trình “Giai điệu bạn bè” năm 2005 trên HTV đã đi đầu trong việc mời “sao” giao lưu thường xuyên - mỗi tháng một “sao” như Lý Minh Thuận, Phạm Văn Phương (Singapore), Trần Hạo Dân, Quách Khả Doanh (Hong Kong), Toro (Đài Loan)...

Gần đây, qua nhiều đơn vị khác nhau lại có nhóm nhạc rock đình đám của Đức Krypteria, DJ số một thế giới Tiesto, nhóm nhạc nữ Jewelry - ngôi sao dòng teen pop Hàn Quốc và mới đây nhất có ca sĩ, diễn viên Bi...

Để có được những gương mặt này tham dự vài mươi phút trên sân khấu, các đơn vị tổ chức phải trầy trật chạy vạy hàng tháng trời, thậm chí cả năm để ký được một hợp đồng mời biểu diễn lẫn xin cấp giấy phép biểu diễn tại VN.

XbeTBR6a.jpgPhóng to

Quách Khả Doanh duyên dáng trong tà áo dài VN - Ảnh: Trung Nghĩa

Xem người để "soi" lại ta

Đến đất Việt, có “sao” ngoại hơi lạnh lùng và kiểu cách như Bi; đeo kính, đội nón sùm sụp như So Ji Sub hay nhiều nghệ sĩ mà tên tuổi chẳng ai biết tới như hoa hậu Bulgaria, ca sĩ Malaysia, Đức... khiến khán giả ta hơi khó chịu.

Tuy nhiên, có “ngoại” diễn chung với “nội” thì khán giả ta mới có dịp để so sánh. Dễ thấy nhất là chuyện ăn mặc và biểu diễn của VN mình so với “người ta” khiến phải suy ngẫm.

So về giọng hát, ca sĩ Thu Minh chẳng thua gì nhưng cách ăn mặc và thay đổi trang phục xoành xoạch của Minh khiến cô bị lu mờ trước Phạm Văn Phương giản dị.

Cổ Thiên Lạc đơn giản với bộ trang phục dáng rất thể thao thì các nam ca sĩ nhà mình lấp lánh kim sa, ren mỏng tanh, dây nhợ quấn lằng nhằng...

Anh Tăng Thanh Tuấn, người phụ trách mời “sao” ngoại cho Công ty Cát Tiên Sa, chia sẻ: “Trần thân nhất là tìm “sao” phù hợp để mời về VN, xem thị hiếu khán giả VN đang hướng đến ai, phim nào đang chiếu ở VN được chú ý... Nhắm đối tượng rồi liên lạc được với họ cũng trầy vi tróc vảy. Nói thật, lúc đầu liên hệ mời, đại diện “sao” nào cũng e ngại vì họ chưa biết nhiều về VN. Mình phải trình bày, cam kết, rồi hứa hẹn. Chưa kể giá cả hợp đồng cũng đầy cam go”.

Công ty Cát Tiên Sa cũng từng một phen hú hồn với ngôi sao Phạm Văn Phương do chương trình đã lên lịch, mọi thứ sẵn sàng thì quản lý “sao” này đề nghị mua bảo hiểm cho Phạm Văn Phương trong ba ngày ở VN với giá 3 tỉ đồng.

Chạy hỏi tất cả công ty bảo hiểm ở VN, kể cả công ty liên doanh, nhà tổ chức chỉ nhận được những cái lắc đầu bởi các công ty chỉ bán bảo hiểm với giá cao nhất khoảng gần 800 triệu đồng. Đang vò đầu bứt tóc thì quản lý của Phạm Văn Phương gợi ý mua bảo hiểm ở nước sở tại và... chỉ mất 40 đôla Sing (!)...

Ông Nguyễn Trọng Ngọc, giám đốc Công ty quảng cáo D&D, cho biết: “Để có được cuộc họp báo của Bi tại VN vào tháng năm, chúng tôi đã liên hệ với quản lý của Bi (Công ty JYP) cách đây hơn... một năm.

Phải bốn lần sang Hàn Quốc để trình bày profile (lý lịch) công ty, sang Thái Lan xem chương trình Bi biểu diễn bởi quản lý Bi muốn hỏi VN mình có tổ chức được qui mô như vậy hay không...”. Được biết, chỉ 20 phút Bi diễn ở VN trong chương trình S-Fone đã ngốn hơn 200.000 USD...

Kiểu mời? Có ba kiểu mời!

Theo anh Tuấn: “Nghệ sĩ nước ngoài sang VN thường có ba dạng: một là hội nghị khách hàng (như Cổ Thiên Lạc được mời bởi nhãn hiệu Palmolive, Kim Nam Joo bởi DeBon, Jewelry, Krypteria bởi Tiger Beer hay Bi bởi S-Fone...); hai là giao lưu âm nhạc (do các lãnh sự quán hay đài truyền hình mời như “Giai điệu bạn bè” chẳng hạn); ba là show bán vé (Lê Minh, Ahn Jae Wook, hoa hậu voi)...”.

Dạng một mời dễ nhất vì nhà tài trợ bỏ kinh phí hay nghệ sĩ ấy đang quảng cáo cho sản phẩm của công ty đó. Nhà tổ chức coi như là người nhận khoán...

Dạng hai đơn thuần mang tính chất giao lưu nên nghệ sĩ phần muốn mở rộng lượng fan ở một quốc gia, phần để quảng bá thêm tên tuổi nên đồng ý với giá phải chăng. Nhà tổ chức cũng khó kiếm lời từ dạng này nhưng đây là chương trình tạo “profile đẹp” cho công ty (để đầu tư kiếm lời từ chuyện khác).

Dạng thứ ba thì ngoài show của Lê Minh năm 1996 (do “sao” ngoại đến VN còn hiếm hoi nên cũng khá ăn khách), muốn lời to thì không thể và có khi lỗ "sặc gạch".

Như buổi biểu diễn của Ahn Jae Wook với ban nhạc và vũ công Hàn Quốc hơn 30 người dự định tổ chức tại sân Thống Nhất tháng 7-2001 với chi phí 7 tỉ đồng, vào giờ chót bị hủy bởi chủ sân sợ hư... mặt cỏ.

Show hoa hậu voi Thái Lan của Công ty Hồng Thiên Định sau vài lần dời đi dời lại, trước giờ công diễn nhà tổ chức đành ngậm ngùi xin lỗi vì chỉ bán được hơn chục vé (!).

Tuy có rất nhiều bi, hài quanh chuyện mời “sao” ngoại, song phải nhìn nhận rằng các nhà tổ chức VN năng động, nhạy bén hướng đến thị hiếu công chúng. Chỉ mong họ sẽ chuyên nghiệp hóa hơn “công nghệ mời” để nâng chất chương trình và hạn chế những trục trặc, thiệt hại không đáng có.

Mang hình ảnh Việt về... khoe

TjSxGShv.jpgPhóng to

Hình ảnh VN trong mắt người nước ngoài sẽ đẹp hơn từ những nụ cười tươi, cách đón tiếp rất lịch sự... Ảnh: Thanh Đạm

Ca sĩ Toro đã quay hình anh tại TP.HCM và sau đó phát trên kênh truyền hình của Đài Loan, anh còn đưa vào video clip của mình để phát hành sau đó.

Cozzi Chong thì kể lại với khán giả quê nhà về con người, đất nước VN mà cô cảm nhận được sau chuyến đi.

Krypteria và Bi đều nói nếu có thời gian sẽ quay lại VN để đi du lịch vì phong cảnh VN rất đẹp và con người rất thân thiện.

Phạm Văn Phương và Lý Minh Thuận thích thú với khăn đóng, áo dài VN và cả hai đem những tấm hình mặc áo dài về Singapore để... khoe với khán giả...

Theo anh Tăng Thanh Tuấn: “Nghệ sĩ là kênh thông tin quan trọng nhất để tiếp thị hình ảnh VN từ ẩm thực đến du lịch. Đây là điểm “lời” nhất mà các nhà tổ chức đều nhắm tới khi mời nghệ sĩ nước ngoài.

Tất cả nghệ sĩ khi sang VN đều muốn tìm hiểu về đất nước VN nhiều hơn mà trước đây họ chỉ nghe nói đến hoặc... không biết gì".

Còn ông Nguyễn Trọng Ngọc nhấn mạnh: "Họ muốn thưởng thức món ăn, đặc sản của VN, tham quan các di tích lịch sử như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, dinh Thống Nhất, các cảnh đẹp của TP.HCM... Đây là cách quảng bá VN hay nhất và VN sẽ đẹp trong mắt người nước ngoài hơn nếu các fan VN biết cách đón tiếp ngôi sao".

Cảnh các fan đón tại sân bay với hình ảnh, cờ hoa, hô to tên thần tượng (ảnh) khiến nhiều nghệ sĩ nước ngoài cảm thấy hạnh phúc, tự hào. Hình ảnh ấy rồi sẽ mãi đẹp nếu các fan đừng quá khích, đón tiếp... trên cả sự nhiệt tình như chen lấn, giành giật để chạm vào “sao” hay vồ vập như thể muốn cấu xé cả “sao”.

HOÀI NAM thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên