14/04/2013 07:17 GMT+7

Bệnh xin - cho đến mức nan y

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Phải đến khi nghệ sĩ Văn Hiệp mất, người ta mới giật mình nhận ra sau mấy mươi năm mang tiếng cười đến cho đời, nghệ sĩ này vẫn tay trắng danh hiệu. Bên linh cữu ông, đồng nghiệp mới bắt đầu nghĩ đến việc ký tên đề nghị truy tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Xúc động clip giới trẻ tưởng niệm "trưởng thôn Văn Hiệp"Vĩnh biệt một nụ cười không thể quênVĩnh biệt “trưởng thôn Văn Hiệp”

Nhưng cái giật mình kiểu này trong làng nghệ thuật kể ra cũng chẳng hiếm. Tài năng, cống hiến cả đời nhưng muốn có một tấm bằng công nhận của Nhà nước thì bất kể người còn sống hay đã chết đều... phải có đơn xin.

Tình cảnh đi xin danh hiệu, giải thưởng phổ biến từ Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước đến danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, ưu tú hay nghệ nhân... Có một câu hỏi luôn được các nghệ sĩ đặt ra khi cầm trên tay tờ đơn đề nghị là: danh hiệu, giải thưởng là sự ghi nhận tài năng cống hiến, cớ sao chúng tôi phải làm đơn xin? Không biết lời than này thấu đến cấp nào không nhưng các dự thảo nghị định quy định việc trao giải thưởng, danh hiệu (đều do Bộ VH-TT&DL đưa ra) vẫn cứ trung thành với việc yêu cầu phải có tờ đơn đề nghị. Gần đây nhất là dự thảo nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cũng vấp phải sự phản ứng của giới nghiên cứu ngay trong hội thảo lấy ý kiến đóng góp. Điều bức xúc nhất là nghị định yêu cầu các nghệ nhân phải làm đơn đề nghị và kê khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu.

Với độ dài cỡ năm trang khổ A4, nghị định quy định các nghệ nhân sẽ phải khai rõ năm bắt đầu thực hành di sản, họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ của người truyền nghề, thống kế số lượng học trò gồm cả họ tên, địa chỉ, điện thoại đầy đủ. Chưa hết, các nghệ nhân sẽ phải kê khai quá trình thực hiện di sản, mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ, khen thưởng kỷ luật... Bình luận về nội dung này của dự thảo, GS Tô Ngọc Thanh cảm thán: nghệ nhân giờ cũng cỡ 80 tuổi sắp về trời hết rồi, trí nhớ lõm bõm sao khai hết chừng đó. Nhiều nghệ nhân tận Mường Tè làm sao biết đến cái nghị định mà kê khai thành tích. Hơn nữa, họ chỉ biết hát cho người ta nghe chứ còn không biết chữ. Đến tôi còn chả biết nghị định này nếu không gọi điện cho thứ trưởng Bộ VH-TT&DL xin.

GS Hoàng Chương cũng phải thốt lên: “Nghệ nhân đã già, đã chết gần hết rồi. Đừng bắt nghệ nhân phải khai bộ hồ sơ ghê gớm như thế này. Làm sao họ có thể khai thế, bắt họ làm thủ tục dài dòng đó chỉ hành hạ họ thôi. Bản thân công lao, tài năng của họ đủ để chúng ta công nhận rồi”.

Sau ba lần dự thảo, cho đến lúc này cũng không ai trả lời được bao giờ nghị định này mới thành hiện thực khi những di sản sống thì như ngọn đèn trước gió, theo nhau về trời. PGS.TS Đặng Văn Bài - một cựu quan chức của Bộ Văn hóa - lý giải sự chậm trễ của nghị định vì hết vướng luật di sản đến vướng Bộ Công thương. Tuy nhiên, ông Bài cho rằng nên chấm dứt tình trạng nửa vời này. Nghị định cũng nên rút ngắn thời gian quy định việc công nhận nghệ nhân để khuyến khích và tôn vinh nghệ nhân trẻ. “Nghị định phải cụ thể hóa ra để nghệ nhân còn được biết chứ nếu để tù mù, lỡ về xã, xã ăn mất mấy trăm nghìn tiền trợ cấp hay bảo hiểm thì xong” - ông Bài nói. Không những thế, nhiều nội dung trong dự thảo lần ba của nghị định còn được soạn thảo theo kiểu hô hào khẩu hiệu. Phong tặng nghệ nhân nhưng tiêu chí tài năng, cống hiến, đào tạo chỉ nằm vị trí cuối cùng trong số tám tiêu chuẩn cần có.

Bản thân các nghệ nhân khi được hỏi ý kiến đều than thở về những quy định ngặt nghèo khiến người có tài ra đi mà không đợi nổi cái danh nghệ nhân. Nghệ nhân quan họ Bắc Ninh Tạ Thị Hình chia sẻ: Có những người hát hay nhưng tỉnh không chọn đi thi thì chẳng có danh hiệu đáng giá nào để xét tặng hồ sơ cả. Còn có người hát được vài bài, đi ra nước ngoài thì dễ quá. Như Bắc Ninh chúng tôi có quy định xét nghệ nhân phải từ 80 tuổi trở lên, mà nói thật nhiều cụ chẳng qua tuổi được làm nghệ nhân thì đã chết mất rồi.

Xem ra, khi việc xét danh hiệu vẫn mắc căn bệnh xin - cho khó chữa thì ai đợi nổi ngày được tôn vinh dù danh hiệu cũng chỉ vẻn vẹn một tấm bằng?

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên