Khoảng 20-30% bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan B từ giai đoạn đầu (bắt đầu nhiễm) đến giai đoạn cuối (xơ gan, ung thư gan) kéo dài khoảng 15- 20 năm.
Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, hoàn cảnh của từng bệnh nhân mà khoảng thời gian đó có thể là dài, ngắn khác nhau. Chẳng hạn nếu bệnh nhân mắc vi rút viêm gan B đồng thời bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, vi rút viêm gan C, nghiện rượu và một số các bệnh mạn tính khác thì khoảng thời gian đó sẽ rút ngắn. Ngược lại, những bệnh nhân không đồng thời mắc các bệnh như kể trên và có phương pháp điều trị hợp lý thì khoảng thời gian sống của họ sẽ kéo dài hơn.
Vi rút viêm gan B lây truyền từ người này sang người khác qua ba con đường: mẹ lây truyền sang con, lây truyền qua đường máu và lây truyền qua đường tình dục.
- Lây từ mẹ sang con: cách lây này thường xảy ra nhiều ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nếu người mẹ mang vi rút viêm gan B có hiện tượng vi rút phát triển (vi rút đang nhân) HBeAg dương tính hoặc HBV-DNA dương tính thì khả năng truyền cho con là rất cao. Cụ thể, đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ mang vi rút viêm gan B sẽ bị nhiễm tỉ lệ lên tới 80% - 90% nếu người mẹ mang HBeAg dương tính và HBV-DNA dương tính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mẹ chỉ mang HbeAg dương tính mà HbeAg âm tính và HBVDNA âm tính thì khả năng người mẹ truyền cho con tỉ lệ là 40%.
- Lây truyền qua đường máu: người bị lây nhiễm vi rút viêm gan B qua đường máu có thể xảy ra trong những trường hợp như truyền máu, các chế phẩm qua máu, chạy thận nhân tạo dài ngày, phẫu thuật, tiêm chích ma tuý... Ngoài ra, trong một số trường hợp mà đôi khi ta không để ý cũng dễ dàng lây truyền vi rút viêm gan B như xăm mắt, xăm môi, xăm người, cạo râu, dùng chung bàn chải đánh răng...
- Lây truyền qua đường tình dục: Theo thống kê cho thấy, số người bị lây truyền vi rút viêm gan B theo con đường tình dục chiếm tỉ lệ không cao lắm. Trong đó, tỉ lệ nam truyền cho nữ lớn hơn so với tỉ lệ nữ truyền cho nam.
Biểu hiện của nhiễm vi rút viêm gan B và mắc bệnh viêm gan B rất kín đáo, chỉ có khoảng 1/3 các trường hợp bệnh nhân viêm gan B có biểu hiện lâm sàng: mệt mỏi, tiểu vàng, củng mạc, mật vàng, viêm mạc dưới lưỡi vàng... Còn đa số các trường hợp các triệu chứng không rõ nên người bệnh dễ bỏ qua. Vì không chú ý đến bệnh nên đa số các trường hợp bệnh nhân đến khám đều ở giai đoạn bệnh muộn như: xơ gan, ung thư tế bào gan... nên việc điều trị khó khăn ít hiệu quả.
Khi khám, xét nghiệm nếu men gan của bệnh nhân bình thường, không có hiện tượng nhân lên của vi rút thì chưa cần điều trị. Tuy nhiên, cứ 6 tháng bệnh nhân nên làm các xét nghiệm chức năng gan để kiểm tra men gan. Khi phát hiện men gan tăng thì phải xét nghiệm xem có sự nhân lên của vi rút không và điều trị đặc hiệu.
Việc điều trị vi rút viêm gan B mạn tính rất khó khăn và tốn kém. Chính vì thế, cần phải phát hiện kịp thời, kiên trì điều trị và tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ mới có hiệu quả. Để phòng tránh đến mức tối đa bệnh vi rút viêm gan B chúng ta nên coi việc tiêm phòng vi rút viêm gan B lên hàng đầu. Tiêm phòng vắc xin viêm gan B tốt sẽ làm giảm tỉ lệ người nhiễm vi rút viêm gan vi rút viêm gan B, từ đó vi rút viêm gan B mạn tính, xơ gan, ung thư gan sẽ giảm đáng kể.
Đối với những trẻ được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm vi rút viêm gan B, phải tiêm phòng vắc xin viêm gan B và Hepaig cho trẻ sau khi sinh vài phút mới có hi vọng trẻ không bị nhiễm. Tuy nhiên, vấn đề tiêm phòng vắc xin viêm gan B ở Việt Nam còn chưa được thực hiện tốt, lý do chủ yếu là cộng đồng chưa hiểu rõ vai trò của tiêm phòng vắc xin viêm gan B.
Cán bộ y tế phòng tránh lây bệnh viêm gan B bằng cách tiệt trùng các dụng cụ, điều trị can thiệp cho bệnh nhân trước khi sử dụng. Tuyên truyền cho những người bị nhiễm vi rút viêm gan B không sử dụng các dụng cụ cá nhân chung với người khác, khi quan hệ tình dục phải dùng bao cao su đúng cách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận