22/06/2009 20:00 GMT+7

Bệnh phong lây như thế nào?

BS LÊ THÚY TƯƠI
BS LÊ THÚY TƯƠI

TTO - Trong một tài liệu có ghi: bệnh phong cùi vì không bào tử nên không lây qua vật chủ trung gian, cho tôi hỏi có nghĩa là gì?

Khi xem hình ảnh trên mạng tôi thấy các đoàn tham quan, bác sĩ đến thăm những làng của người phong cùi và thấy họ bắt tay trực tiếp, hỏi thăm người bị bệnh phong, như vậy không sợi bị lây sao? Xin hỏi như vậy khi đi ngoài đường hay đến nơi công cộng, vô tình chạm phải những người bị bệnh cùi có sao không?

tieuhanh hanh

- Trả lời của phòng mạch online:

Vật chủ trung gian, tức là loại vi khuẩn, virus hay ký sinh vật phải sống trong cơ thể một con vật khác rồi mới truyền qua người. Ví dụ: sốt xuất huyết có vật chủ trung gian là muỗi, ký sinh trùng sốt rét cũng có vật chủ trung gian là muỗi. Các loại sán có vật chủ trung gian là cá (khi bạn ăn gỏi cá thì sán vào người). Không có vật chủ trung gian thì lây nhiễm trực tiếp từ người theo đường hô hấp, đường phân, đường máu, dịch sinh dục.

Bệnh phong do một loại trực khuẩn có tên mycobacterium lepra gây ra và bệnh này hầu như chỉ có ở loài người. Người ta cũng gọi là bệnh Hansen vì vi khuẩn gây bệnh được bác sĩ người Na Uy Gerhart Henrick Armauer Hansen tìm ra vào năm 1873 qua kính hiển vi. Trong cơ thể chúng ta vi khuẩn phong chỉ sống được trong tế bào mà thôi, không thể nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được.

Thường thường vi khuẩn từ niêm mạc mũi, dịch tiết ở mũi của người bệnh chưa được điều trị là nguy cơ cho người lành khi hít phải. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập qua vết trầy đứt trên da. Nói chung phải có sự tiếp xúc trực tiếp và lâu dài mới có khả năng lây bệnh.

Bạn nhìn thấy người tới thăm bắt tay nhưng tay không trầy xước, những nữ tu, thầy thuốc, nhân viên y tế chăm sóc người phong suốt đời mà chẳng bao giờ lây bệnh. Như tôi nói vi khuẩn Hansen chỉ sống trong lòng tế bào của cơ thể người bệnh, nó lại sinh sản rất chậm nên có người từ khi tiếp xúc đến khi mắc bệnh phải mất hàng chục năm.

Tuy nhiên nhờ hệ thống miễn dịch của cơ thể nên có khi chồng bị bệnh, vợ sống với ông chồng 30-40 năm cũng không mắc bệnh. Nhờ hệ thống miễn dịch hoạt động tốt nên tính chung trong cộng đồng chỉ có khoảng 5% số người có ái lực với vi khuẩn này và mắc bệnh mà thôi

Vi khuẩn vào cơ thể, sinh sản chậm nhưng gây nên những tổn thương trên da (những vết màu trắng ở chân, có khi chỉ tròn như đồng xu, mất cảm giác đến nỗi châm kim không đau, hơ lửa không nóng), những cục sùi trên mặt, có thể mũi đỏ. Chúng ăn dần vào thần kinh làm tay co rút, sau cùng là những tổn thương rụng khớp ngón chân, ngón tay.

Vì đặc thù của bệnh như vậy nên bạn lỡ chạm tay vào họ, ngồi ăn chung một lần cũng ít khi lây. Tuy nhiên tôi thấy biện pháp đi đâu về, trước khi ăn rửa tay sạch thì không chỉ phòng tránh bệnh phong mà còn tránh được rất nhiều bệnh khác nữa đấy.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

BS LÊ THÚY TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên