Thiết bị ghi biểu đồ tư thế bằng động học vi tính. Ảnh: tl.medic-life.com
Bệnh Meniere là một rối loạn ở tai trong, gây ra những cơn chóng mặt tự phát, cảm giác xoay tròn, kèm theo sự mất thính lực dao động, ù tai, đôi lúc gây cảm giác đầy tai. Ở nhiều bệnh nhân, bệnh Meniere chỉ xảy ra ở một tai. Bệnh Meniere có thể xảy ra ở bất kỳ ai, kể cả trẻ em.
Tuy nhiên, người ở độ tuổi từ 40 đến 50 có nhiều khả năng bị bệnh này hơn các độ tuổi khác. Mặc dù, bệnh Meniere được đánh giá là bệnh mãn tính, có nhiều biện pháp điều trị, có thể giảm bớt ảnh hưởng của bệnh lý này trong đời sống bệnh nhân hằng ngày.
Triệu chứng của bệnh Meniere
Bệnh Meniere là bệnh mãn tính, nhưng có đặc điểm là thường xuất hiện theo từng cơn, gồm bốn triệu chứng chính là:
- Chóng mặt: Là cảm giác bản thân bị đu đưa, quay tròn nhiều lần hoặc là có cảm giác căn phòng, đồ đạc chuyển động xung quanh mình. Triệu chứng này xảy ra không báo trước, kéo dài từ 30 phút đến 2 giờ hay lâu hơn, thậm chí kéo dài đến 24 giờ. Những cơn chóng mặt nghiêm trọng có thể gây buồn nôn và nôn.
- Điếc (mất thính lực): Là tình trạng mất khả năng nghe được âm thanh. Trong bệnh Meniere, điếc xảy ra dao động theo thời gian, tức là bạn có thể nghe âm thanh lúc được lúc mất, thường thấy gặp trong giai đoạn đầu của bệnh. Nhưng cuối cùng, phần lớn người bệnh sẽ bị điếc vĩnh viễn.
- Ù tai (tiếng kêu trong tai): Người bệnh thường nghe thấy những tiếng rung, ù, ầm ầm, tiếng huýt sáo hay cả tiếng rít ở trong tai.
- Cảm giác tai bị đầy hoặc bị căng: Là cảm giác tai bị bít lại hoặc căng tức.
Cơn kịch phát điển hình của bệnh thường bắt đầu: bằng cảm giác đầy tai hay ù tai tăng dần và thính lực giảm dần; kèm theo buồn nôn, hoặc nôn. Một cơn bệnh có thể kéo dài từ 20 phút tới 4 giờ, sau đó các triệu chứng sẽ giảm dần. Cơn chóng mặt đầu tiên thường dữ dội, những lần sau thường nhẹ hơn và có thể hết chóng mặt.
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng, tần suất xảy ra và thời gian của cơn kịch phát rất đa dạng, đặc biệt ở giai đoạn đầu. Bạn có thể có những cơn chóng mặt thường xuyên, cảm giác ù tai nhiều nhưng các triệu chứng khác thì khá nhẹ hoặc bạn cũng có thể cảm thấy chóng mặt và mất thính lực nhẹ, nhưng ù tai rất thường xuyên làm bạn mất ngủ.
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Bạn nên gặp bác sĩ để khám nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào đã được đề cập ở trên.
Bởi vì bất kỳ triệu chứng nào trong số đó đều có thể là do những bệnh khác gây ra nên, bạn cần được khám để chẩn đoán chính xác bệnh càng sớm càng tốt. Chóng mặt là dấu hiệu phổ biến của bệnh Meniere, nhưng dấu hiệu này còn có thể gặp ở các bệnh lý khác như đột quỵ, u não, bệnh xơ cứng rải rác hay bệnh lý mạch máu.
Bạn nên đi khám bệnh ngay lập tức khi bị chóng mặt kèm với các dấu hiệu hay triệu chứng sau:
- Đau đầu bất thường hay rất nghiêm trọng;
- Nhìn đôi hay mất thị lực;
- Rối loạn ngôn ngữ;
- Yếu tay hoặc chân;
- Mất ý thức;
- Đi lại khó khăn hay té ngã;
- Tê hoặc ngứa râm ran;
- Đau ngực.
Nguyên nhân bệnh Meniere
Nguyên nhân của bệnh Meniere chưa được xác định rõ ràng. Bệnh có thể là do sự bất thường về thể tích hoặc thành phần của chất dịch ở tai trong.
Tai trong là một tập hợp các đường và hốc nằm ở trong xương đá, có những hốc kết nối với nhau gọi là mê nhĩ (tức là "mê đạo" trong lỗ tai).
Phần bên ngoài của tai trong được tạo thành từ xương (gọi là mê nhĩ xương). Phần bên trong là một cấu trúc màng mềm (mê nhĩ màng) của tai trong có hình dạng tương tự nhưng nhỏ hơn như mê nhĩ xương, nhưng nhỏ hơn, là những cái bọc bằng màng mềm (gọi là mê nhĩ màng).
Mê nhĩ màng có chứa chất lỏng gọi là nội dịch và được lót bởi các tế bào có lông đáp ứng với những chuyển động của nội dịch.
Để các cơ quan cảm giác ở tai trong hoạt động chính xác, chất nội dịch cần giữ thể tích, áp suất và thành phần hóa học nhất định. Những yếu tố làm thay đổi tính chất của nội dịch ở tai trong có thể gây ra bệnh Meniere.
Các nhà khoa học đã đưa ra một số nguyên nhân hay các nguy cơ tiềm ẩn, bao gồm:
- Sự dẫn lưu dịch ở tai trong bất thường ở tai trong, có thể do tắc nghẽn hay bất thường về giải phẫu cấu trúc;
- Đáp ứng miễn dịch bất thường;
- Dị ứng;
- Nhiễm virus;
- Rối loạn di truyền;
- Chấn thương đầu;
- Đau nửa đầu Migraine.
Do không có một nguyên nhân đơn độc nào được xác định, nên có khả năng là bệnh Meniere được gây ra bởi sự kết hợp của nhiều tác nhân.
Biến chứng của bệnh Meniere
Những cơn chóng mặt không dự báo trước là vấn đề nan giải của căn bệnh. Những cơn chóng mặt này thường khiến bệnh nhân phải nằm nghỉ trong nhiều giờ, giảm thời gian làm việc hay thời gian cho các hoạt động giải trí, và chúng có thể gây ra căng thẳng áp lực tâm lý.
Những cơn chóng mặt cũng có thể làm tăng nguy cơ:
- Té ngã;
- Tai nạn khi lái xe hay vận hành máy móc;
- Trầm cảm và lo lắng khi phải đối mặt với bệnh;
- Điếc vĩnh viễn .
Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Meniere
Bệnh Meniere sẽ được bác sĩ chẩn đoán khi:
- Bạn có hai cơn chóng mặt tự phát, mỗi cơn kéo dài 20 phút hay lâu hơn;
- Mất thính lực đã được đánh giá bằng kiểm tra thính lực ít nhất một lần;
- Ù tai hoặc đầy tai;
- Đã loại bỏ các nguyên nhân khác có thể gây ra các vấn đề này.
Nếu bạn có dấu hiệu hay triệu chứng có liên quan tới bệnh Meniere, bác sĩ sẽ hỏi về những than phiền của bạn và yêu cầu bạn làm các xét nghiệm để đánh giá chức năng của tai trong và những xét nghiệm để tầm soát những nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng mà bạn mắc phải.
Đánh giá thính lực:
Bài kiểm tra thính lực sẽ đánh giá mức độ bạn cảm nhận âm thanh ở các cao độ và âm lượng khác nhau, cũng như cách bạn phân biệt các âm thanh tương tự nhau. Bài kiểm tra không những cho biết khả năng nghe của bạn mà còn giúp xác định nguồn gốc của các vấn đề thính lực là ở tai trong hay ở dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu giữa tai trong và não.
Đánh giá chức năng thăng bằng: Giữa các cơn chóng mặt, trạng thái thăng bằng trở lại bình thường cho hầu hết người mắc bệnh Meniere. Tuy nhiên, có thể có những vấn về thăng bằng vẫn tiếp diễn ở mức độ nào đó. Có nhiều xét nghiệm có thể dùng để đánh giá chức năng tai trong. Vài hay tất cả các bài kiểm tra cho kết quả bất thường ở người mắc bệnh Meniere.
Ghi hình rung giật nhãn cầu (Videonystagmography-VNG):
Bài kiểm tra này đánh giá chức năng giữ thăng bằng bằng cách đánh giá chuyển động mắt.
Các thụ thể cảm giác cân bằng ở tai trong được liên kết với cơ điều khiển chuyển động của mắt về tất cả các hướng. Sự kết nối này làm cho bạn có thể di chuyển đầu trong khi giữ mắt mình vẫn tập trung vào một điểm.
Trong bài kiểm tra VNG, nước nóng lạnh hoặc không khí nóng-lạnh được đưa vào ống tai. Các số đo của những cử động không tự chủ của mắt đáp ứng lại kích thích này được thực hiện bằng cặp kính video đặc biệt. Bài kiểm tra này có thể cho thấy có bất thường ở tai trong.
Bài kiểm tra trên ghế xoay: Tương tự như VNG, bài kiểm tra này xác định chức năng tai trong dựa trên chuyển động mắt. Trong bài kiểm tra này, tác nhân kích thích tai trong được tạo ra từ một ghế xoay đặc biệt được điểu khiển chính xác từ máy tính.
Điện thế gợi tính cơ tiền đình (VEMP): Phương pháp VEMP đo lường chức năng của cơ quan nhận cảm về chuyển động tăng tốc nằm ở tiền đình của tai trong. Các thụ thể này cũng khá nhạy đối với âm thanh. Khi chúng đáp ứng với âm thanh, những dao động co thắt nhỏ ở cổ và cơ mắt xuất hiện và có thể đo được. Những co thắt này đóng vai trò gián tiếp trong việc khảo sát chức năng tai trong.
Biểu đồ tư thế (Posturography):
Kiểm tra này được thực hiện bằng máy tính, có thể cho thấy bạn phải dựa vào phần nào nhiều nhất trong các thành phần của hệ thống thăng bằng gồm: Thị giác, chức năng tải trọng, hay cảm giác từ da, cơ, gân và khớp và thành phần nào đã gây ra vấn đề.
Trong khi đeo dây đai an toàn, bạn đứng chân trần trên nền và giữ cơ thể thăng bằng trong nhiều điều kiện khác nhau.
Các xét nghiệm để loại trừ các bệnh khác: Các xét nghiệm khác có thể được dùng để loại trừ các rối loạn có thể gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh Meniere, như khối u trong não hay xơ cứng rải rác. Các xét nghiệm này bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này dùng sóng điện từ và từ trường để tạo ra hình ảnh các mô mềm trong cơ thể. Nó có thể tạo ra hình ảnh cắt lớp mỏng một chiều hay hình ảnh 3 chiều của não bạn.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Kỹ thuật này dùng tia X để tạo ra ảnh cắt lớp của các cấu trúc bên trong cơ thể.
- Đo thính lực dựa trên đáp ứng của phần trung khu thính giác ở thân não (Auditory brainstem response audiometry).
Kiểm tra này được thực hiện trên máy tính nhằm kiểm tra các dây thần kinh thính giác và trung khu thính giác của não bộ. Nó có thể giúp phát hiện sự hiện diện của khối u gây ảnh hưởng đến chức năng của dây thần kinh thính giác.
Phương pháp điều trị
Hiện tại chưa có phương pháp chữa lành bệnh Meniere, nhưng nhiều phương pháp khác nhau có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng.
Các nghiên cứu cho thấy phần lớn bệnh nhân Meniere đáp ứng với các phương pháp điều trị, mặc dù mất thính lực lâu dài thì khó ngăn chặn.
Điều trị chóng mặt
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc dùng trong cơn chóng mặt để làm giảm bớt mức độ trầm trọng:
Thuốc chống say tàu xe để giảm cảm giác chóng mặt, kiểm soát buồn nôn và nôn như là:
- Meclizine (Antivert)
- Diazepam (Valium)
Thuốc chống buồn nôn như promethazine giúp kiểm soát buồn nôn, nôn trong giai đoạn chóng mặt.
Thuốc điều trị lâu dài
Bác sĩ có thể kê thuốc để giảm ứ dịch (thuốc lợi tiểu): Triamterene kết hợp với hydrochlorothiazide (Dyazide, Maxzide).
Giảm lượng chất lỏng trong cơ thể có thể giúp điều chỉnh thể tích và áp lực dịch tai trong của bạn. Đối với vài người, thuốc lợi tiểu giúp kiểm soát mức độ nghiêm trọng và tần suất các triệu chứng bệnh Meniere.
Vì thuốc lợi tiểu làm cho bạn đi tiểu nhiều lần hơn nên bạn có thể sẽ thiếu hụt một số loại muối khoáng nhất định, chẳng hạn như kali. Nếu bạn dùng thuốc lợi tiểu, hãy bổ sung vào chế độ ăn uống mỗi tuần với ba hoặc bốn phần các loại thực phẩm giàu kali như chuối, dưa đỏ, cam, rau chân vịt và khoai lang.
Phương pháp và quá trình điều trị không can thiệp
Một số bệnh nhân Meniere có thể đáp ứng với phương pháp điều trị không can thiệp khác, chẳng hạn như:
Phục hồi chức năng:
Nếu bạn có cảm giác mất thăng bằng ngoài cơn chóng mặt, bạn có thể thấy được lợi ích từ điều trị phục hồi chức năng tiền đình.
Liệu pháp này có thể bao gồm các bài tập và các hoạt động mà bạn thực hiện trong các buổi trị liệu hay tại nhà với mục đích giúp cơ thể và não bạn lấy lại khả năng xử lý thông tin thăng bằng một cách chính xác.
Dùng máy trợ thính: Thiết bị trợ thính có thể cải thiện thính giác của người bệnh Meniere. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia thính học để thảo luận lựa chọn thiết bị trợ thính phù hợp với bạn nhất.
Tạo áp lực dương bằng thiết bị Meniett:
Được dùng cho những cơn chóng mặt khó điều trị, liệu pháp này tạo ra một áp lực dương tới vùng tai giữa để cải thiện sự trao đổi dịch tai. Thiết bị Meniett là một máy phát xung để tạo ra áp lực tới ống tai thông qua một ống thông gió.
Máy được sử dụng tại nhà, thường là ba lần một ngày, mỗi lần 5 phút. Báo cáo ban đầu về thiết bị Meniett cho thấy sự cải thiện các triệu chứng chóng mặt, ù tai và căng tai, nhưng hiệu quả lâu dài của phương pháp này chưa được xác định.
Tiêm thuốc vào tai giữa
Thuốc được tiêm vào tai giữa, sau đó hấp thu vào tai trong có thể cải thiện triệu chứng chóng mặt:
- Gentamicin một loại kháng sinh độc cho tai trong làm giảm chức năng thăng bằng của một tai, và tai còn lại của bạn đảm nhận trách nhiệm giữ thăng bằng. Quá trình dùng thuốc có thể được thực hiện trong thời gian gây tê cục bộ trong phòng khám bác sĩ. Thuốc thường làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn chóng mặt. Tuy nhiên, có nguy cơ người được điều trị sẽ bị mất thính lực hơn nữa.
- Steroid chẳng hạn như dexamethasone, cũng có thể giúp kiểm soát các cơn chóng mặt ở một vài bệnh nhân. Quá trình dùng thuốc cũng có thể được thực hiện với sự hỗ trợ gây tê tại chỗ từ bác sĩ. Dù dexamethasone có thể hơi kém hiệu quả hơn so với gentamicin nhưng dexamethasone lại ít có khả năng gây ra mất thính lực hơn so với gentamicin.
Phẫu thuật
Nếu các cơn chóng mặt liên quan đến bệnh Meniere gây suy nhược nghiêm trọng và các phương pháp điều trị khác không có tác dụng, phẫu thuật có thể là một lựa chọn, gồm các phương pháp:
Phẫu thuật giải áp túi nội bạch huyết: Túi nội bạch huyết đóng vai trò điều hòa dịch tai trong. Phẫu thuật này có thể giúp giảm bớt chóng mặt nhờ làm giảm sản xuất dịch hoặc làm tăng sự hấp thụ dịch. Khi giải áp túi nội bạch huyết, một phần của xương được cắt bỏ khỏi túi. Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ đồng thời đặt một ống dẫn để dẫn phần dịch thừa ra khỏi tai trong của bạn.
Phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh tiền đình (dây VIII):
Phẫu thuật này nhằm cắt dây thần kinh liên kết các cảm giác về thăng bằng và vận động của tai trong với não (dây VIII) giúp chữa được triệu chứng chóng mặt trong khi vẫn duy trì thính lực của tai.
Phẫu thuật cắt bỏ mê nhĩ:
Trong thủ thuật này, bác sĩ cắt bỏ phần cân bằng của tai trong, do đó loại bỏ cả hai chức năng cân bằng và thính giác của tai bị ảnh hưởng. Thủ thuật này chỉ được thực hiện khi tai đã bị mất thính lực hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn.
Chăm sóc tại nhà
Một số phương pháp tự chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm bớt triệu chứng của bệnh Meniere, bạn có thể cân nhắc các phương pháp sau để sử dụng khi bị chóng mặt:
- Lập tức ngồi hay nằm khi bạn cảm thấy chóng mặt:
Trong cơn chóng mặt, tránh những điều có thể làm các triệu chứng nặng thêm như hạn chế di chuyển, tránh tiếp xúc với đèn sáng, xem tivi hay đọc sách.
- Nghỉ ngơi trong và sau thời gian chóng mặt.
- Hãy nhận thức khả năng bạn mất thăng bằng:
Té ngã có thể dẫn tới chấn thương nghiêm trọng. Bật đèn sáng đủ khi bạn thức dậy giữa đêm, cân nhắc sử dụng gậy chống khi đi nếu bạn cảm thấy mất thăng bằng thường xuyên.
- Tránh lái xe hay vận hành máy móc nếu bạn thường xuyên cảm thấy chóng mặt: Nếu cơn chóng mặt xảy đến khi bạn đang lái xe hay vận hành máy móc, khả năng tai nạn và tổn thương sẽ xảy ra.
Thay đổi thói quen ăn uống
Thay đổi thói quen ăn uống có thể giảm lượng dịch tích tụ ở tai trong. Bác sĩ có thể đề nghị bạn duy trì chế độ ăn uống nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện các triệu chứng của bệnh Meniere.
Ăn uống điều độ:
Phân bổ thực phẩm và đồ uống đều trong ngày góp phần điều hòa chất lỏng trong cơ thể. Bạn nên ăn lượng thức ăn giống nhau trong mỗi bữa ăn. Bạn cũng có thể ăn 5-6 bữa nhỏ thay vì 3 bữa chính mỗi ngày.
Giảm lượng muối:
Thực phẩm và nước uống chứa hàm lượng muối cao có thể làm tăng lượng nước giữ trong cơ thể. Bạn nên sử dụng không quá 1500 mg muối mỗi ngày.
Tránh ăn bột ngọt (mì chính):
Một vài sản phẩm đóng gói và thức ăn hàng quán có chứa bột ngọt, là một dạng muối. Bột ngọt có thể làm tăng lượng nước giữ trong cơ thể. Bạn nên kiểm tra thành phần hay hỏi người phục vụ quán nếu món ăn bạn muốn gọi có chứa bột ngọt.
Thay đổi các thói quen khác
Có nhiều bằng chứng cho thấy lối sống của bạn có thể làm bệnh Meniere tệ hơn hay nó là tác nhân khởi phát triệu chứng của bệnh Meniere. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn thay đổi các thói quen sau để giảm các triệu chứng cũng như ngăn chặn khởi phát bệnh Meniere.
Tránh sử dụng caffeine:
Thực phẩm và đồ uống chứa caffeine như sô-cô-la, cà phê, trà và một số loại nước ngọt có chứa chất kích thích có thể làm các triệu chứng bệnh nặng thêm. Chẳng hạn caffeine có thể làm tiếng ù tai trở nên lớn hơn.
Không hút thuốc: Tránh nicotine có thể làm giảm triệu chứng của bệnh Meniere.
Giảm áp lực và lo lắng: Áp lực và lo lắng là nguyên nhân hay hậu quả của bệnh Meniere rất khó xác định. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy giảm bớt áp lực và lo lắng có thể làm giảm độ trầm trọng của các triệu chứng và giúp bạn có thể đối phó với bệnh. Các liệu pháp tâm lý trị liệu có thể giúp bạn xác định tác nhân gây ra áp lực và lo lắng. Dùng thuốc để giảm lo lắng cũng có thể có ích.
Tránh các tác nhân gây dị ứng: Nhiều báo cáo cho thấy mối liên quan giữa dị ứng và bệnh Meniere. Bạn nên hạn chế tiếp xúc với dị nguyên và dùng thuốc chống dị ứng có thể làm giảm bệnh Meniere.
Tránh bị đau nửa đầu (Migraine): Ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy mối tương quan giữa bệnh Meniere và bệnh đau nửa đầu, điều này cho thấy giảm bớt cơn đau nửa đầu có thể làm giảm bệnh Meniere./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận