29/06/2008 14:50 GMT+7

Bệnh dày sừng nang lông

ThS.BS LÊ THÁI VÂN THANH
ThS.BS LÊ THÁI VÂN THANH

TTO - *Tôi năm nay 35 tuổi, bị bệnh dày sừng nang lông lâu năm ở 2 chân, nhiều và nặng nhất là đùi và cánh tay. Các lỗ chân lông bị bít kín và nổi hột lên nhìn giống như... da gà chọi, khi cạy ra thì có 1 sợi lông quăn bên trong.

Bác sĩ bảo do tuyến bã nhờn bị bít nên chất sừng bị đùn dưới chân lông gây tình trạng trên. Tôi đi chữa ở bệnh viện da liễu hơn 6 tháng, theo toa thì bác sĩ cho tôi uống chủ yếu là vitamin A liều cao 50.000d/vi và thuốc bôi Tretinon.Thường thì uống vitamin A khoảng 1-2 tuần là phải ngưng vì bị nứt khóe môi, lúc đầu bôi Tretinon thì có dấu hiệu bệnh nặng hơn, thậm chí ở đùi tôi bị nổi 1 mảng đỏ như bị chàm, hắc lào nhưng tôi vẫn tiếp tục bôi vì có đọc tờ hướng dẫn nói đây là triệu chứng bình thường lúc thuốc có tác dụng.

Được 1 thời gian thì triệu chứng kia tự động biến mất nhưng da vẫn bị hột. Tôi lại tiếp tục bôi Tretinon theo yêu cầu của bác sĩ, nhưng lần sau này thì đùi tôi lại nổi lên 2 mảng đỏ to hơn ở 2 đùi, lần này thì nặng hơn, mẩn đỏ và ngứa. Chúng tạo thành hình tròn, xung quanh viền bị nổi mụn nước nhỏ li ti giống như hắc lào, ở giữa da bong tróc ra. Có lúc ngứa quá tôi dùng bàn chải chà nhẹ cho đỡ ngứa thì tình trạng càng tồi tệ hơn. Một số vị trí khác cũng bắt đầu ngứa lan ra. Sợ quá thế là tôi phải ngưng bôi thuốc, khi tắm cũng không dùng xà phòng nữa. Vết mảng đỏ cũng bớt ngứa và dần dần bị thâm đen đi, trong khi da vẫn bị nổi hột, không bớt. Tôi ngưng thuốc đến nay cũng được khoảng 1 tuần rồi. So với lần tác dụng thuốc trước thì lần này lâu và nặng hơn.

Hiện ở 2 cánh tay và cẳng chân các hột đang có dấu hiệu mọc trở lại sau khi ngưng thuốc. Tôi không biết phải chữa như thế nào và ở đâu để diệt tận gốc căn bệnh này vì nó rất mất thẩm mỹ.

(Bạn đọc)

- Trả lời của phòng mạch online:

Dày sừng nang lông là một bệnh lý mạn tính của da, do sự tăng tạo nút sừng tại phễu nang lông. Tổn thương là các “hột sừng” cứng tại các lỗ nang lông, không gây ngứa. Do sự tắc nghẽn đường ra của nang lông, sợi lông bên dưới bị cuộn lại hoặc các chất bã nhờn bị ứ đọng lại. Điều này làm cho “hột” tổn thương càng dày cộm hơn và có thể gây viêm đỏ xung quanh tổn thương. Vị trí thường gặp là mặt duỗi cánh tay - đùi - cẳng tay - cẳng chân.

Nguyên nhân của bệnh chưa rõ, thường xuất hiện ở những người có da khô.

Chính vì thế việc điều trị chỉ mang tính chất điều trị triệu chứng, tức là làm tiêu dần các nút sừng và hạn chế tái phát.

Các hoạt chất giúp tiêu sừng mạnh là vitamin A và các dẫn xuất của nó (uống hoặc bôi); các thuốc bôi tiêu sừng.

Vitamin A uống liều cao 100.000 - 300.000 đơn vị, có tác dụng tiêu sừng sau thời gian vài tháng. Tuy nhiên có thể gặp một số tác dụng phụ như khô da, ngộ độc vitamin A…

Vitamin A acid uống (Isotretinoin) gây bong tróc sừng nhanh nhưng lại có rất nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng gan, thận, rối loạn chuyển hóa mỡ, độc cho thai…

Chúng ta có thể dùng các chế phẩm bôi để hạn chế tác dụng phụ như Retinol, Retinaldehyde, Tretinoin… Tuy nhiên việc bôi các hóa chất này có thể gây tác dụng phụ tại chỗ như da khô, đỏ, tróc vảy, ngứa…

Các chế phẩm bôi có tác dụng tiêu sừng khác là AHAs (lactic acid, Glycolic acid…), Salicylic acid, Resorcinol… cho tác dụng nhẹ hơn nhưng đồng thời cũng ít tác dụng phụ hơn và có thể được dùng lâu dài.

Như vậy đối với trường hợp của bạn thì nên tuân thủ những vấn đề sau:

- Dùng thuốc uống phối hợp thuốc bôi trong một khoảng thời gian nhất định và dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa da liễu;

- Sau khi tổn thương giảm nhiều, bạn có thể tự chăm sóc tại nhà bằng các thuốc bôi tiêu sừng nhẹ chứa AHAs (lactic acid, Glycolic acid…), Salicylic acid, Resorcinol… hoặc các chất giữ ẩm chứa Urea, Glycerin… nhằm giúp làn da mềm mại hơn;

- Không dùng xà bông tắm bởi vì tính kiềm của xà bông sẽ gây kích thích da, bạn nên dùng các sản phẩm sữa tắm giữ ẩm không mang tính xà bông như Cetaphil, Saforell…

- Đặc biệt là hạn chế tối đa việc cọ xát trên bề mặt da tổn thương bởi vì động tác này sẽ làm cho bệnh nặng hơn.

- Bản thân của bệnh không gây ngứa. Như đã nói ở trên, do tác dụng phụ của một số thuốc bôi điều trị có thể gây da khô, ngứa, đỏ, tróc vảy… Do đó khi xảy ra tình trạng này thì bạn nên tái khám tại các cơ sở chuyên khoa để có thể được kê toa thêm thuốc uống giảm ngứa (kháng Histamin) hoặc thuốc bôi giảm viêm - dịu da như các chế phẩm Corticosteroid nhẹ.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS LÊ THÁI VÂN THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên