08/03/2005 15:53 GMT+7

Bảy vấn đề xã hội của Trung Quốc

NGUYỄN THÀNH TUỆ (Theo THX, báo Liêu Vọng, Nhân Dân Nhật Báo)
NGUYỄN THÀNH TUỆ (Theo THX, báo Liêu Vọng, Nhân Dân Nhật Báo)

TT - Trên thế giới hiếm có trường hợp kinh tế tăng trưởng ở mức cao và liên tục duy trì suốt 25 năm như Trung Quốc (TQ).

DCfQgQOL.jpgPhóng to
Dân nhập cư ở Bắc Kinh
TT - Trên thế giới hiếm có trường hợp kinh tế tăng trưởng ở mức cao và liên tục duy trì suốt 25 năm như Trung Quốc (TQ).

Nhưng tăng trưởng cao cũng có vấn đề khó khăn của nó; đặc biệt đối với một nước lớn và đông dân như TQ, một vấn đề tuy nhỏ nhưng nhân với 1,3 tỉ thì chẳng nhỏ chút nào.

Theo kết quả nghiên cứu về phân tích và dự đoán tình hình xã hội TQ 2004-2005 vừa được Viện Khoa học xã hội TQ công bố đầu năm này thì TQ đang bước vào thời kỳ phát triển kinh tế khả quan nhất, đồng thời cũng tồn tại bảy vấn đề xã hội nghiêm trọng cần phải cảnh giác.

Mâu thuẫn xã hội gia tăng

Năm 2004, số vụ khiếu nại của nông dân TQ lên cấp trên gia tăng, trong đó một bộ phận nông dân kiện vì bị mất đất canh tác nhưng chưa được bồi thường công bằng và ổn định cuộc sống thỏa đáng.

Theo số liệu dự tính, hiện TQ có khoảng 40 triệu nông dân bị mất đất. Thế nhưng pháp luật về trưng dụng đất chưa theo kịp tiến trình phát triển, mức bồi thường chưa thỏa đáng nên số vụ khiếu kiện lên cấp trên gia tăng trong năm 2004.

Năm 2004, tuy TQ đã thực hiện các biện pháp điều tiết, khống chế vĩ mô nhưng tăng trưởng GDP vẫn lên đến con số 9,5%. Năm 2003, tuy bị dịch sarS uy hiếp nghiêm trọng nhưng cuối năm tính sổ lại thì tăng trưởng GDP vẫn đạt 9,1%.

Phân hóa giàu - nghèo có xu hướng mở rộng

Theo một kết quả điều tra xã hội trên 50.000 hộ dân ở các TP, thị trấn TQ, ở nhóm người có mức thu nhập cao nhất thì mức thu nhập bình quân đầu người sáu tháng đầu năm 2004 là 13.322 NDT (khoảng 26 triệu đồng), bằng 2,8 lần mức thu nhập bình quân cả nước; trong khi đó nhóm người thu nhập thấp nhất chỉ đạt mức bình quân 1.397 NDT, bằng 29% mức thu nhập bình quân cả nước.

Tỉ lệ giữa mức thu nhập cao nhất và thấp nhất năm 2003 là 9,1:1, năm 2004 tăng lên 9,5:1. Phân hóa thu nhập vùng, nhất là vùng duyên hải giàu có và vùng miền Tây nghèo khó cũng có xu hướng tương tự. Chủ trương để một số khu vực, cá nhân có điều kiện giàu lên trước rồi kéo theo các đối tượng khác giàu sau tuy có khuyến khích một số vùng, dân cư giàu lên nhanh chóng, góp phần tăng trưởng kinh tế nhưng lại mở rộng thêm phân hóa giàu nghèo.Phân hóa giàu nghèo mở rộng và giá thực phẩm tăng cao trong vài năm gần đây đã dẫn đến sự mất thăng bằng về tâm lý trong một số dân cư. Theo một điều tra, hai năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế TQ nhanh hơn nhưng mức độ hài lòng và lòng tin của tầng lớp thu nhập thấp lại giảm.

Giảm nghèo vẫn là nhiệm vụ nặng nề trong thế kỷ mới đối với TQ

Qua 25 năm cải cách mở cửa, số người nghèo khổ ở TQ từ 250 triệu người giảm xuống còn 29 triệu người, đó là bước thành công lớn. Nhưng hiện nay đối với nông thôn TQ, tiêu chuẩn nghèo khổ mới ở mức thu nhập bình quân đầu người cả năm dưới 625 NDT, thấp hơn mức 900 NDT theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc.

“Phép nhân chia” của ông Ôn Gia Bảo

Tại cuộc nói chuyện ở Trường ĐH Harvard trong chuyến thăm Mỹ năm ngoái, Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo nói: “Ở TQ phát sinh một vấn đề rất nhỏ nhưng nhân với con số 1,3 tỉ thì thành vấn đề lớn; một tổng lượng rất lớn nhưng chia cho 1,3 tỉ thì thành lượng nhỏ”.“Phép nhân chia” của ông Ôn Gia Bảo đã khái quát đầy đủ thuận lợi và khó khăn của TQ.

Nạn thất nghiệp

Hằng năm ở các TP và thị trấn TQ, số lao động mới trưởng thành cộng với số thất nghiệp lên đến con số 24 triệu người, bằng dân số của một nước trung bình, nhưng mỗi năm TQ chỉ tạo ra được 9 triệu việc làm mới.

Chống tham nhũng

Những năm qua nguồn nhân lực và vật lực của các cơ quan kiểm tra kỷ luật, giám sát, kiểm sát, kiểm toán nhà nước... của TQ đổ vào việc chống tham nhũng rất lớn. Tuy hàng loạt quan tham đã bị đưa ra ánh sáng và bị xử lý nghiêm minh nhưng những vụ tham nhũng lớn và nghiêm trọng vẫn xuất hiện.

Chi phí chống tham nhũng cao đòi hỏi phải hoàn thiện chế độ; từng bước cải cách thể chế chính trị; công khai và công bằng trong bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ; xây dựng chế độ khai báo tài sản và thẩm tra tài sản khi thôi việc đối với công chức.

Hạn chế về nguồn tài nguyên, năng lượng và môi trường

Nguồn tài nguyên tính theo đầu người của TQ tương đối thấp. Về dầu mỏ TQ phải tìm nguồn khắp nơi trên thế giới, không những với Nga, Trung Cận đông... mà còn sang cả Brazil xa xôi để ký hợp đồng đổi công trình lấy dầu mỏ. Lượng tiêu hao các loại vật tư cơ bản của TQ cũng rất lớn.

Năm 2003, lượng tiêu thụ gang thép, ximăng của TQ chiếm 1/3 toàn cầu. Ngoài ra, còn vấn đề môi trường, chất ô nhiễm thải ra vượt xa năng lực làm sạch môi trường, tình trạng môi trường sinh thái bị phá hoại ở một số khu vực đang rất nghiêm trọng.

NGUYỄN THÀNH TUỆ (Theo THX, báo Liêu Vọng, Nhân Dân Nhật Báo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên