Món này là món khoái khẩu nhất của tui vào mùa nước nổi hồi trước. Khi đi học về, đang đói bụng, tui được mẹ cho ăn cơm với món tôm kho tàu thì đã lắm! Nhưng tôm không phải mua mà chính tay tui chài bắt lấy. Tôm càng xanh nặng ký, to con, mẹ đem bán ngoài chợ; tôm càng lửa nhỏ con hơn, mẹ kho tàu để ăn. Mới đây, tui có dịp về quê được mẹ cho ăn lại món này, làm tui nhớ lại chuyện “bổ” thuốc tôm càng vào những mùa nước nổi năm nào...!
“Con học bài cho thuộc và làm bài tập toán cho xong rồi hãy đi kiếm tôm càng nghe, nước lũ đã lên rồi đó! Nếu không lo tốt bài vở ở trường, cô giáo cho con điểm thấp, học dở chắc có nước đi rút rơm trâu cho ông Mê đó!”. Lời mẹ dặn tui như in mỗi khi mùa nước nổi về trong thời gian tui còn học cấp hai trường làng. Thú thật lúc đó, mùa lũ đến khi mà đám cây điên điển ở dưới bưng phía sau nhà trổ bông là tui cảm thấy ngán ngược bởi vì con đường đi học từ nhà ra trường cấp hai ở Ba Càng - Tam Bình - Vĩnh Long chỉ có hơn hai cây số mà khó đi cực kỳ!
Cầu bắc qua xẻo lúc đó toàn là cầu tre, cầu khỉ đong đưa, rất dễ té sông. Tui và thằng Hồng, thằng Sang, thằng Tuấn, thằng Thành, bạn học chung từ cấp một, đi học phải chuẩn bị áo mũ kỹ lưỡng để lỡ té mương, tập vở khỏi bị ướt. Tụi tui thường lấy mấy bọc xà bông hiệu Viso hai con ngỗng mà mẹ đã xài hết, giặt sạch, bỏ tập vở vào, lấy dây thun buộc lại rồi cắp tập đi học khi nước lũ ngày càng lên nhanh vào độ tháng mười. Buổi chiều gần tan học, tui mừng ran trong bụng vì được đi với ba thăm mấy tay lưới ngoài đồng lúa mùa nước nổi và nhất là đi chài tôm càng buổi tối với em trai...
Ông ngoại tui lúc đó có chỉ cho tui “bài thuốc tôm càng tuyệt chiêu”! Nhìn lũ lên mỗi lúc mỗi nhanh báo hiệu cá tôm vùng này tràn lên mé bờ để kiếm mồi, tui luôn nôn nao! Tui phải lặn lội ra tận tiệm thuốc bắc tại chợ Ba Càng, bổ mấy vị thuốc về trộn với cám rang, trái đu đủ dầu, gạo ngâm để làm mồi tôm, đựng trong gáo dừa - dụng cụ mà bà ngoại tui từng dùng để gài mắm sặc, mắm linh, mắm lóc!
Mẹ mua cho tui cái chài 1,2 sấp (dài khoảng 1,2m), mặt lưới 1,8 phân về để chài tôm mùa nước nổi! Thằng Hồng, thằng Tuấn, con của cậu Hai Chì, thằng Thành cháu nội ông Ba cùng xóm cũng đã chuẩn bị đồ nghề để cùng tui chài tôm suốt mùa nước. “Tối nay, mày chài cạnh dưới nhé, còn tao đi cạnh trên” - thằng Hồng xí phần! Thôi thì cũng được, ăn thua mồi tôm của mình có hiệu quả hay không mà thôi.
Cho nên tui quyết định đi phía kinh Tư Thậm để thông qua vùng Cùm Nga - Nước Đục - vùng chài tôm càng mùa nước nổi nhiều vô kể! Chạng vạng tối, khi mà cá lóc, cá trê trắng trườn vào bờ táp dế nhũi (loại côn trùng vào mùa nước nổi ngập hang đất, chúng phải trườn lên bờ đất khô) nghe bùm bụp ngoài mương, anh em tui cùng mấy thằng bạn trong xóm bơi xuồng để chài tôm.
Mồi tôm bổ về ủ gần cả tuần lễ để trong gáo dừa có mùi thum thủm hòa lẫn vị thuốc bắc rất khó chịu. Nhưng đây lại là thứ mồi rất hấp dẫn tôm càng. Em tui bơi xuồng sau lái, tui lựa những chỗ “yếm” để quăng chài và có nhiều tôm như búng gà, vàm xẻo, mé ruộng văng mồi chiêu dụ tôm! Cứ bỏ khoảng 15 chỗ mồi thì quay lại chỗ đầu, chài tôm là vừa! “Ào” - tiếng chì của chài tiếp mặt nước và chài chìm rất nhanh do mặt lưới thưa.
Tui ngâm chừng một phút và từ từ kéo chài lên xuồng. Lúc kéo, tui có cảm giác như con gì búng búng mặt chài. Trong lòng mừng rơn vì biết chắc có tôm càng. Thật vậy! Mẻ chài đầu tiên, tui đã có hai con tôm càng xanh nằm gọn trong bọc chài!... Càng về khuya, tiết trời càng lạnh, mái dầm thằng em tui bơi ngày càng nặng trĩu. Đã hết mồi chài tôm, anh em tui quay xuồng về! Đêm đó tui chài được 4kg tôm càng, trong đó càng xanh, càng lửa đều đủ cả, chưa kể cá tép lặt vặt khác. Tui thích nhất bắt được tôm càng xanh, nặng ký hơn tôm càng lửa và bán được giá hơn.
Nói tới chài tôm càng mùa nước nổi thì phải kể đến ông Bảy Hưng ở miệt Di Cư - Ba Càng. Thời mà tui biết thì ông theo nghề này rất chuyên nghiệp rồi. Ông Bảy Hưng từng nói thiệt với tui: “Cứ mùa lũ đến, vợ chồng tôi bán tiền tôm mua được hơn 30 giạ lúa! Lũ đến là tôi mừng vì đó là thú vui và cũng là cuộc sống của gia đình”. Nhắc đến ông Bảy Hưng, tui không thể nào quên lời dặn của ông mỗi khi đi chài tôm càng mùa nước nổi. “Tụi mày nhớ lỡ chài mắc gốc cây dưới sông, khi lặn xuống nước nhớ lột hết quần áo dài ra nghe. Nếu bất cẩn thì chết như chơi nghe con!”.
Lời lý giải của ông Bảy Hưng thật có lý. Chài mắc gốc cây, người chài phải lặn xuống nước để gỡ chài ra. Trong khi lặn còn mặc áo, mắt lưới chài lỡ dính chặt vào nút áo, nút quần, người lặn ngoi lên không được, chết cách này còn hơn bị trấn nước! Đám chúng tôi đi chài tôm tuy không chuyên nghiệp lắm nhưng lúc nào cũng nhớ lời cảnh báo của ông Bảy Hưng. Năm nào cũng vậy suốt 3-4 tháng mùa nước nổi, anh em tui kiếm cũng khá tiền, đủ cho mẹ mua cám cho heo ăn, còn tụi tui thì cũng có được một vài bộ đồ đi học và vài đồng cắc để chọi đáo với bạn bè...
Gặp lại đám bạn cũ, thằng Thành nói: “Tao biết ngày xưa mày khoái ăn tôm kho tàu lắm. Hôm nay, tao đãi mày món này nhé!”- “Tôm càng ở đâu mày có mà đãi?” - tôi hỏi. “Thì tao vừa kéo bắt tôm mùa lũ nuôi trên mấy công đất sau nhà. Bà xã tao vừa bán cho lái hết số tôm lớn, còn chừa vài ký nhỏ và mớ tôm vừa chết đỏ để ăn. Bây giờ tôm nuôi không mày ơi!” - Thành nói.
Thời nay, tôm tự nhiên gần như hết rồi, chỉ có nông dân tiên tiến của bốn tỉnh thành nước ngọt quanh năm là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Vĩnh Long nuôi nhiều vào mùa nước nổi, phần lớn nuôi trên chân ruộng. Dù nông dân thu hoạch tỉa tôm hay thu hoạch rộ, tôm càng xanh thương phẩm vẫn bán đắt như thường! Toàn vùng ĐBSCL có trên dưới 6.000ha nuôi tôm càng xanh trên đồng ruộng An Giang có khoảng 1.000ha, TP Cần Thơ trên 400ha... Với mức giá và năng suất như thế, người nuôi tôm lãi khoảng 40 triệu đồng/ha, cao gấp bốn lần so với trồng lúa vụ này.
Thằng Thành vừa lai rai với tui vừa nói: “Tôm nuôi bây giờ cũng khá đấy. Nếu nông dân nuôi chúng đúng cách cũng giàu như thường”. “Lũ này mày có đi chài tôm không?”- tui hỏi Thành. “Mấy năm nay, trên sông, trên kinh còn tôm nữa đâu mà chài!” - Thành trả lời. Bây giờ gần đầu tháng chín, tui nhìn ra mé sông, đúng mức nước đang lên như ngày nào. Tui ăn món tôm kho tàu của Thành đãi tuy có ngon nhưng thật sự hương vị của nó không ngọt và đậm đà như trước nữa. Nhìn món tôm kho tàu, bỗng dưng tui chợt nhớ tới những lần bổ thuốc tôm càng mùa nước nổi thuở nào!
Áo Trắng số 11 (ra ngày 15-10-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận