![]() |
Minh họa: Hiệp Phong |
Các loại cá thì mẹ rộng vào lu để dành ăn dần, còn chị em tôi vẫn thích nhất là bắt được nhiều cua. Hồi đó cua nhiều đến nỗi nồi bún riêu cua không cần thêm chút thịt heo hay xương giò nào, chỉ toàn cua là cua. Cua rửa sạch, giã nhỏ cho vào nồi nấu, sau đó lược bỏ xác, chỉ cần thịt cua thôi nồi nước dùng đã đặc sánh rồi.
Tôi vẫn nhớ như in những ngày mưa con nít cả xóm rủ nhau đi bắt cua bắt cá. Ruộng của ai không cần biết, cứ thấy còn trơ gốc rạ là ào xuống, mỗi nhóm thường là vài chị em trong gia đình, "chia lãnh thổ" xong thì tha hồ móc đất "khoanh vùng" rồi lấy nón, thau, rổ mang theo mà tát nước. Gặp chiếc hang nào thì cho cây que trúc có cột sẵn hai sợi kẽm làm móc móc vào hang, thường thì lôi ra một chú cua to sầm tím lịm, đôi càng to khỏe đang kẹp chặt chiếc que còn những chiếc ngoe thì giơ ra như phản đối.
Nhưng có khi cũng không có chú cua nào mà là một con rắn to bằng ngón tay cái phóng ào ra khiến cả bọn la oai oái. Định thần lại thì... rắn nước đó mà, không sao đâu. Nói "không sao" nhưng ít có đứa con gái nào dám bắt rắn, thường là tụi con trai bắt hoặc bỏ nó vuột mất thôi.
Những con cá sặt bằng hai ngón tay trắng lấp lánh những chiếc vảy bạc điểm xuyết vài đốm nâu đen trên mình đang ngơ ngác thoi thóp mấy sợi râu ngắn, vật vã khi bị ném vào nồi. Cá này mà kho tiêu thì phải biết, nhưng cá sặt mau chết lắm, không sống dai như cá rô cá lóc, có khi chưa xong buổi bắt cá thì chúng đã chết trắng bụng đầy nồi.
Mà cá chết thì kho tiêu dở lắm nên tôi không ưa bắt cá sặt. thằng em 12 tuổi hiến kế: "Hay là chị lấy... quần em buộc lại mà đựng cá lóc, cá rô, còn nồi thì đựng cá sặt, tụi nó không... uýnh lộn nhau thì không chết được". "Ừ, nhưng rồi mày lấy quần đâu mà mặc?". "Không sao đâu, bữa nay trúng mánh mà, em... ở truồng một chút cũng được". Hết ý kiến với thằng em "một lòng vì cá” nên tôi thực thi ngay kế họach của nó... Mấy đứa khác nhìn thấy cười rần rần: "Cỡ đó vừa miệng con cá lóc dữ lắm. Tí... Tí... Coi chừng mày bị cụt vì bắt cá nghen!".
Vậy mà không phải lần nào đi bắt cá cũng trúng mánh. Có hôm vừa đắp bờ khoanh vùng xong tôi phát hiện một con cá trê to tướng, không cần chờ tát bớt nước, không cần kêu ai phụ (chính xác là không dám kêu, sợ... phải chia phần) giơ tay chụp thì nó chém cho một nhát đau thấu trời xanh phải "bỏ của chạy lấy người". Về nhà khóc tấm tức với mẹ, mẹ đắp cho bao nhiêu là loại thuốc mà ba ngày sau tay vẫn còn sưng húp!
Bắt cá cả buổi nên rất đói và lạnh, vậy nên nỗi háo hức nhất là sẽ được mẹ nấu cho một nồi bún riêu "cây nhà lá vườn" nóng hôi hổi. Bún, cua, rau thơm mẹ hái trong vườn. Vậy là đã thành tiệc rồi. Mấy chị em ăn no nứt bụng nhưng cũng chưa đã thèm, để rồi sau đó phủi đôi chân đầy bùn leo lên giường ngủ một giấc, và khi thức dậy đã có bữa cơm gạo mới, cá kho tiêu mẹ chờ sẵn. Vừa ăn vừa hít hà vừa chảy nước mắt, vừa... lấy ống quần lau nước mũi, nhưng có lẽ đó là những bữa cơm ngon nhất trong đời tôi mà chưa có một thứ sơn hào hải vị nào sánh bằng.
Bây giờ đâu đâu đồng ruộng cũng bị thu hẹp đến mức như không còn không gian để thở. Muốn có một nồi bún riêu cua như ngày xưa cũng khó tìm ra, muốn được một chảo cá tươi ngon còn nhảy soi sói để kho quẹt cũng là điều hiếm có. Đứa em ngày xưa "tình nguyện" lấy quần làm túi đựng cá bây giờ ngồi kể chuyện tuổi 12-14 ở truồng đi bắt cá khiến không đứa cháu nào tin. Chúng luôn le lưỡi lắc đầu: "Í, mắc cỡ chết... Mà cậu nói đùa chứ làm gì có cá nhiều dữ vậy?". Ngày xưa - bây giờ... chỉ cách nhau hơn mười năm lẻ.
Áo Trắng số 14 (ra ngày 1-8-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận