02/05/2004 07:30 GMT+7

Bảo vệ văn hóa và xuất khẩu văn hóa

MẠNH KIM
MẠNH KIM

TTCN - Hai khái niệm “bảo vệ bản sắc văn hóa” và “xuất khẩu văn hóa” gần như tồn tại song song trong nền văn hóa toàn cầu. Châu Á cũng như nhiều nước khác (trong đó có cả châu Âu) đang nhìn vấn đề này với sự quan tâm đặc biệt.

991ky6zb.jpgPhóng to

Ca sĩ Ayumi Hamasaki – một “Jennifer Lopez” của Nhật

Làm gì để bảo vệ văn hóa là câu hỏi không chỉ dành cho giới chủ quản văn hóa mà còn được xem trọng ở những nhà hoạch định chính sách. Vài nước châu Á đang làm rất tốt việc bảo vệ văn hóa trước sự xâm nhập của văn hóa Mỹ. Thử rút ra vài kinh nghiệm từ những bài học này…

Hàn Quốc là nước đầu tiên cần quan sát. Sự chiếm lĩnh lan tràn của phim truyền hình Hàn Quốc tại châu Á không còn là điều lạ. Không chỉ phim truyền hình, phim nhựa cũng như DVD phim Hàn Quốc đã xuất hiện ào ạt tại nhiều thị trường châu Á vài năm qua. Tuần báo Mỹ Newsweek mới đây (số đề ngày 3-5-2004) đã có bài viết về hiện tượng điện ảnh Hàn Quốc tại khu vực.

Theo Newsweek, phim Lord of the rings - The return of the king đã không vượt qua nổi hai sản phẩm điện ảnh nội địa Hàn Quốc là Taegukgi và Silmido (tổng số vé bán được lên đến hơn 12 triệu, trong một nước dân số 48 triệu như Hàn Quốc). Nhìn toàn cảnh, Hollywood không còn thống trị màn bạc Hàn Quốc.

y991m8Zw.jpgPhóng to
Phim Taegukgi (hiện đứng đầu doanh thu với 11.470.101 vé tại thị trường Hàn Quốc, so với 1.306.000 vé của phim Mỹ The Last Samurai, thống kê tính đến ngày 15-4-2004 - koreanfilm.org)
Điện ảnh Hàn Quốc đã bước vào đẳng cấp công nghiệp và chuyên môn hóa. Phim ảnh Hàn Quốc cũng không còn lấy ý tưởng từ Hollywood mà ngược lại. Phim Vợ tôi là găngxtơ của Hàn Quốc sắp được dựng tại Hollywood với thủ diễn của diễn viên da màu Queen Latifah. Hãng Maverick Films của Madonna đang dựng lại phiên bản phim kinh dị Điện thoại của Hàn Quốc. DreamWorks cũng vừa mua bản quyền phim Chuyện hai chị em từ Hàn Quốc.

Sự bùng nổ công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có được nhờ một phần từ chính sách. Chính phủ Seoul có kế hoạch biến Liên hoan phim Pusan thành một liên hoan Cannes của châu Á. “Chúng tôi nhìn Hàn Quốc bằng con mắt ganh tị” - nhà sản xuất điện ảnh Hong Kong Bill Kong (Ngọa hổ tàng long) đã phải thốt lên. Không thể không ganh tị khi biết rằng công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc thật ra là đàn em so với công nghiệp điện ảnh Hong Kong từng khuynh đảo thị trường điện ảnh khu vực nhiều thập niên qua; và vào thập niên 1990, Hollywood còn thống trị 80% thị trường điện ảnh Hàn Quốc.

Doanh thu điện ảnh tại Hàn Quốc từng bước chiếm tỉ lệ cao trong công nghiệp văn hóa nói chung, với 580 triệu USD/năm (so với 820 triệu USD của Ân Độ và 1,93 tỉ USD của Nhật). Từ năm 2000, điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu chiếm lĩnh thị trường nội địa, từ 50% năm ngoái lên 70% trong quí 1-2004. Chuyên nghiệp hóa điện ảnh Hàn Quốc còn thể hiện ở chỗ ngân sách cho quảng cáo-tiếp thị đã vọt lên hơn 1 triệu USD/phim và số rạp hát cũng xuất hiện liên tục (cụm rạp Megabox Cineplex được xem là lớn nhất châu Á - theo koreanfilm.org). Sáng phim Hàn Quốc, chiều phim Hàn Quốc và tối phim Hàn Quốc cũng là hiện tượng không chỉ với màn ảnh truyền hình Việt Nam mà còn ở nhiều nước khu vực.

PT8bSzWo.jpgPhóng to
Cảnh trong Chàng trai cũ (một trong hai phim Hàn Quốc dự LHP Cannes vào tháng 5-2004)
Hãng SBS Productions mới đây đã bán bản quyền phim Đường lên thiên đàng cho Đài truyền hình Asahi TV (Nhật) với giá 1,2 tỉ won (1 triệu USD, kỷ lục cao nhất trước nay đối với một phim truyền hình nhiều tập Hàn Quốc bán cho nước ngoài). Với vị trí là thị trường văn hóa lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, Nhật được xem là cánh cửa cho công nghiệp xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc.

Trong thực tế, Nhật là nước mua nhiều phim bộ truyền hình Hàn Quốc nhất, chiếm 19% trong tổng số phim truyền hình nhiều tập xuất khẩu của Hàn Quốc vào năm ngoái (kế đó là Trung Quốc với 18,6%). Xuất khẩu phim truyền hình Hàn Quốc đạt 28, 3 triệu USD năm 2003, tăng cực nhanh so với 16,3 triệu USD năm 2002.

Quốc gia thành công nữa không chỉ trong cuộc chiến bảo vệ văn hóa bản địa mà còn thừa bản lĩnh để xuất khẩu văn hóa không thể không kể đến là Nhật. Trong thực tế, Nhật là đàn anh Hàn Quốc trong công nghiệp xuất khẩu văn hóa. Kyoto Review of Southeast Asia (3-2004) cho biết xuất khẩu văn hóa Nhật đã tăng liên tục 15 năm qua, với đủ sản phẩm, từ điện ảnh, phần mềm, ca nhạc đến video game.

Chỉ riêng truyện tranh Nhật đã là ngành công nghiệp trị giá 19 tỉ USD (60% phim hoạt họa truyền hình thế giới được sản xuất tại Nhật), trong tổng trị giá công nghiệp văn hóa 106 tỉ USD (chiếm 2% GDP, gấp đôi công nghiệp thép và bằng phân nửa công nghiệp xe hơi Nhật!). Nhật cũng làm cực tốt chiến lược liên kết đối tác nước ngoài (điển hình là loạt phim gần đây The Last Samurai với dàn diễn viên Mỹ-Nhật trong đó có Ken Watanabe được đề cử Oscar nam diễn viên phụ, hoặc Lost in translation của đạo diễn Mỹ Sofia Coppola dựng tại Tokyo).

fHaZI2ZN.jpgPhóng to
Aishwarya Rai - đại diện điện ảnh Ấn Độ đương đại
Xuất khẩu văn hóa Nhật đạt 12,5 tỉ USD từ 1992-2002 (business-times.asia1.com, 23-4-2004). Như Hàn Quốc, xuất khẩu văn hóa là chủ trương cấp chính phủ. Năm 1991, Bộ Ngoại giao Nhật cùng Bộ Viễn thông - bưu điện (MPT) đã thành lập Trung tâm Truyền thông Nhật Bản (Jamco) nhằm tài trợ việc xuất khẩu chương trình truyền hình Nhật đến các nước đang phát triển. Năm 1997, MPT còn thành lập một ủy ban chuyên giám sát - báo cáo việc xuất khẩu chương trình truyền hình Nhật; và năm 2001, một cơ quan nghiên cứu cũng được thành lập để theo dõi các thách thức cũng như tiềm năng trong xu hướng văn hóa khu vực lẫn thế giới nhằm hoạch định bài bản hơn chiến lược xuất khẩu sản phẩm văn hóa.

Một cách tổng quát, xuất khẩu văn hóa là chiến lược cấp quốc gia của Nhật, nằm trong khái niệm gọi là “sức mạnh mềm” (“soft power”, thuật từ do giáo sư Joseph S. Nye thuộc Đại học Harvard đặt vào năm 1990 để nói đến các phương cách phi truyền thống mà một quốc gia sử dụng nhằm tạo ảnh hưởng). Ngoài Nhật và Hàn Quốc, nước thứ ba rất thành công trong kỹ thuật thương mại hóa sản phâm văn hóa là Ấn Độ (tuần báo Time 3-5-2004 cũng đề cập điều này).

Trong cuộc chiến bảo vệ văn hóa bằng nội lực, châu Âu hẳn phải nghiêng mình nể phục châu Á. 1/3 phim sản xuất tại châu Âu đã không vượt qua nổi biên giới khu vực (Time, ấn bản châu Âu đề ngày 8-3-2004). Từ 1996-2003, chỉ khoảng 50 phim châu Âu được phát hành tại 12 nước thuộc EU. Trong khi đó, phân nửa trong khoảng 550 phim Hollywood sản xuất hằng năm đã tấn công màn bạc châu Âu. Đức, Pháp, Ý - những nơi được xem là truyền thống của lịch sử điện ảnh thế giới - đều lao đao khốn đốn. Cơn lốc diễn viên châu Âu “trốn” sang Mỹ tiếp tục đe dọa điện ảnh khu vực này.

Thời văn hóa hội nhập, nhiều khái niệm mới đã nảy sinh, từ intercultural conviviality (thưởng thức văn hóa liên thông) đến infotainment (information và entertainment – thông tin và giải trí) và những khái niệm này ra đời từ thực tế xu hướng toàn cầu (cùng vài yếu tố chẳng hạn hiện tượng đô thị hóa và sự phát triển công nghệ thông tin).

Buôn bán sản phẩm văn hóa chiếm 2,8% tổng nhập khẩu thế giới năm 1997, so với 2,5% năm 1980. Mặt hàng xuất khẩu phát triển nhanh nhất là sản phẩm ca nhạc và video game.

Thị trường văn hóa lớn nhất thế giới là Mỹ (38,2 tỉ USD); kế đến là Hong Kong (14,4 tỉ USD); Canada (6 tỉ USD). Xuất khẩu sản phẩm văn hóa Trung Quốc ra thị trường thế giới đã tăng từ 0,2% năm 1985 lên 8,9% năm 1998 (nguồn: Viện Thống kê UNESCO, www.uis.unesco.org 5/2003)

Song song hội nhập, việc duy trì bản sắc văn hóa nội địa cũng như ngăn cản sự thâm nhập văn hóa ngoại lai ngày càng được nhấn mạnh, không chỉ trong các hội thảo khu vực mà còn nhiều lần được bàn luận trên phạm vi diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Và tất cả đều đi đến kết luận chung rằng sẽ chẳng có phương pháp nào tốt hơn để xây dựng tường thành bảo vệ văn hóa là củng cố sức mạnh văn hóa bản địa (giành phần thắng trên sân nhà là điều tiên quyết – như bài học rút ra từ cuộc chiến chống văn hóa Mỹ tại châu Âu).

Sức mạnh này chỉ có thể có khi công nghiệp văn hóa nói chung được nhìn nhận ở cấp độ chính sách quốc gia và được chuyên nghiệp ở mọi khâu, từ sản xuất đến phát hành, từ đào tạo đến quản lý, từ đầu tư đến sử dụng tài năng. Và điều đầu tiên trong mọi điều đầu tiên để hình thành nội lực là tạo ra một môi trường đủ thoáng và rộng, để ít nhất cũng có được sự cạnh tranh giữa các đối thủ trên sân nhà cũng như sự hợp lực (trong chính sách tư nhân hóa) giữa các hãng trong nước (chính sự liên kết giữa các hãng phim nội địa đã giúp Hàn Quốc tiến nhanh trong việc áp đảo Hollywood trên sân nhà), nhằm cuối cùng cung cấp thị trường sản phẩm tốt nhất và đủ bản lĩnh đối chọi sản phẩm văn hóa nước ngoài.

MẠNH KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên