![]() |
Tái hiện hình ảnh người phụ nữ với trang phục áo dài cổ trong ngày hội văn hóa phố cổ - Ảnh: Việt Dũng |
Hàng trăm cuộc hội thảo trong hơn 10 năm nay, từ trước khi khái niệm "khu phố cổ HN" được chính thức hoá trong các văn bản nhà nước và Ban quản lý phố cổ HN được thành lập cho đến nay, tất cả đều xoay quanh việc đề cao giá trị của khu phố cổ và kêu gọi bảo tồn nó, nhưng phố cổ vẫn đang ngày một hiện đại hơn, chật chội hơn, ầm ĩ hơn, hỗn loạn hơn… Và các nhà bảo tồn từ Âu sang Á cứ tiếp tục nói…
"Nếu không có chính sách, tất cả chỉ là... nói cho vui"
Không phải các nhà bảo tồn VN mà chính KTS Jean- Pierre Pribetich, KTS Di sản thuộc Bộ Văn hoá Pháp đã nhắc nhở chúng ta về việc hoàn chỉnh "Hồ sơ đề nghị xếp hạng Phố cổ HN là Di sản thế giới" để trình lên UNESCO.
Theo ông, ngoài việc chứng minh giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, vẻ đẹp và sự độc đáo trong lối sống… của khu phố cổ, thì điều quan trọng hơn hết là chứng minh được chúng ta đang quản lý tốt khu phố cổ như thế nào.
Các con số phải được cập nhật thường xuyên chứng tỏ điều đó: chính quyền mạnh ở khu phố cổ, cộng đồng dân cư được quản trị tốt, tình hình giãn dân, môi trường trong sạch, an toàn, cơ sở hạ tầng…
Tất cả những điều đó không chỉ là việc của chính quyền địa phương hay của những cư dân phố cổ mà phải được quan tâm ở tầm quốc gia.
GS Daniel Tomasin - ĐH Toulouse còn trình bày một văn bản mang tính dự thảo tư vấn "Điều lệ về bảo tồn phố cổ HN" với những điều khoản hết sức cụ thể mà rất nhiều người VN, là cư dân bản địa cũng phải bất ngờ.
Thị Trưởng thành phố Toulouse Jean Luc Moudenc cùng đại diện của sứ quán Bỉ tại VN cũng nhất trí bày tỏ sự chia sẻ kinh nghiệm với HN trong việc bảo tồn "khu phố độc đáo có một không hai ở Đông Nam Á này", đồng thời tỏ ra "sốt ruột" về việc các quy chế hết sức cụ thể giúp cho việc sống, đi lại, làm việc, buôn bán của cư dân phố cổ giờ này vẫn chưa được ban hành.
Bà Tô Thị Toàn, nguyên Trưởng Ban quản lý phố cổ HN nói: ai cũng nói Ban quản lý không làm được gì suốt 10 năm qua, nhưng làm gì cũng phải có luật chứ. Điều quan trọng nhất là phải có chính sách giãn dân, thì đến giờ này vẫn chưa biết được 70 ngàn dân trong diện cần được di dời ngay khỏi khu phố cổ sẽ tái định cư ở đâu? Đất đâu xây nhà cho họ, quan trọng hơn là họ làm gì để sống, hay chỉ là cầm một cục tiền đền bù mà tiêu dần, vì đã bị bứt ra khỏi môi trường sinh sống quen thuộc của mình?
Theo GS Nguyễn Thế Bá - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, vấn đề chính là chính sách sử dụng đất ở khu phố cổ: ở các nước phát triển, trong khu phố cổ không có đông dân sinh sống, còn phố cổ HN quá chật chội nên đất đai được sử dụng cho mục đích ở là chính, các loại đất công cộng gần như đã mất hết, do vậy mà giá đất bị đội lên đến mức phi lý nhất thế giới.
Vì thế rất nhiều các dự án quy hoạch trước đây đều đặt vấn đề dành các lô đất bên trong phố cổ làm không gian mở nhưng không thể thực thi vì không có chính sách đất đai hợp lý nên không thể thu hồi đất công cộng được.
Tóm lại, các nhà chuyên môn nhất trí với nhau là: nếu nhà quản lý không thực sự có chính sách thích hợp thì tất cả các cố gắng bảo tồn của các nhà chuyên môn chỉ có giá trị… nói cho vui mà thôi.
Nhiếu việc có thể làm từ... ngày mai
![]() |
Ảnh: Việt Dũng |
Ông Giang Quân nói: "Chúng ta không đủ sức, đủ lực và không đủ cả người để tiến hành trên diện rộng. Hãy tập trung làm từng cụm trên một đoạn phố, một con phố, đừng dàn trải. Đoạn phố ấy phải còn nhiều nhà cổ, quan trọng hơn là ở đó có người gốc HN, người già, gia đình 4-5 đời gắn bó và không muốn rời đi.
Mặt khác, số người đang cư ngụ không quá đông, quá phức tạp thì làm trước. Ở phố Mã Mây, cách nhà di sản 87 vài chục mét, đã có mấy ngôi nhà cổ gia chủ cải tạo, trang trí nội thất theo phong cách HN xưa, gian ngoài làm cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ giả cổ, phòng tranh hoặc văn hoá phẩm, ca nhạc-cà phê… Có thể nghiên cứu thêm một số nhà cổ nữa gần đó, vận động họ tôn tạo với một phần thành phố hỗ trợ, rồi hướng họ đi vào hoạt động, sinh hoạt phù hợp với không gian phố cổ".
Một đối tượng cần lưu ý nữa là những ngôi nhà có bề dày lịch sử gắn bó với những nhân vật HN nổi tiếng: ví dụ như ngôi nhà cũ của danh nhân Nguyễn Văn Siêu ở số 12-14 phố mang tên ông, nhà số 47 Hàng Bạc được coi là một trong số nhà cổ nhất, nhà số 86 hiệu Chân Hưng của gia đình cố GS Phạm Huy Thông là nơi đã tổ chức đám cưới của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hàng Đào có nhà số 10, năm 1907 ở đây là trường Đông Kinh Nghĩa Thục...
Càng để chậm, những ngôi nhà này sẽ chỉ còn là những hình ảnh trong ký ức.
Theo nhiều nhà HN học như ông Băng Sơn, Nguyễn Vinh Phúc, phục dựng xong nhà phải làm ngay bước tiếp theo là đưa không gian văn hoá, đưa cái hồn truyền thống vào ngôi nhà, từ bố cục, nội thất đến nếp sống. Nên tái tạo nền nếp gia phong của ba lớp người:
Gia đình thợ thủ công: Mặt tiền ngôi nhà vừa là xưởng thợ vừa là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm của một nghề thủ công. Khách du lịch vừa được xem trực tiếp, vừa mua sản phẩm. Nghệ nhân có thể kết hợp truyền nghề cho người trong nhà.
Gia đình buôn bán: Gian ngoài là cửa hiệu với các mặt hàng phù hợp: lụa, tranh ảnh, bánh cốm, bột sắn, mứt sen, bánh khúc, bánh tôm, quán trà…
Gia đình nhà nho: bố cục theo phong cách nội thất sập gụ tủ chè, tràng kỷ cuốn thư, câu đối... ở phòng khách, gian thờ với đủ các đồ thờ cơ bản, thư phòng có giá sách, tranh dân gian, án thư, nghiên bút… có thể mở lớp dạy Hán Nôm tại chỗ, có thầy đồ tặng chữ, bạn văn đến bình thơ, nghe ca trù tự sáng tác…
Ở các không gian truyền thống này, dù trong gia cảnh nào, chủ nhà cũng đóng bộ trang phục dân tộc trực tiếp đón khách tham quan (theo lịch của ngành du lịch), mời trà nước, ăn trầu, hút thuốc, nghe hát, cũng có thể đặt gia đình bữa cơm HN, bữa cỗ tết, bữa cỗ gia tiên. Gia đình có thu nhập, ăn chia với ngành du lịch sòng phẳng và có trách nhiệm với khách.
Không còn ảo tưởng với việc phục hồi lại cảnh "Phồn hoa thứ nhất kinh thành - phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ" hay "Gió đưa cành trúc la đà - tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương", những người yêu phố cổ HN, Tây cũng như ta đều đã ý thức được việc phải bắt đầu giữ lấy HN cổ từ những cái nhỏ nhất và bằng lòng với những cái nhỏ nhất, nhưng các nhà quản lý vẫn chưa thấy có ý kiến chính thức nào.
Hội thảo diễn ra 2 ngày, nhưng đến buổi chiều ngày thứ nhất đã chỉ còn lại các nhà chuyên môn với nhau - như thường lệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận