![]() |
Những người có mặt trên boong khi đó |
Vào đầu thế kỷ 17 Thụy Điển vốn là nước nghèo đói, thiên nhiên khắc nghiệt và đất đai cằn cỗi không mang lại nhiều lợi nhuận. Còn trên biển Baltic, thương thuyền của các công tước Balan và Đức chở bánh mì đến Anh và Hà Lan đi lại nhộn nhịp. Và cũng tương tự tổ tiên Viking (những tên cướp biển) thuở xưa, tầng lớp quý tộc Thụy Điển bấy giờ, khi đã trở thành một đội quân có kỷ luật chặt chẽ, lại chuẩn bị lực lượng bao vây toàn bộ vùng bờ biển Baltic.
Người ta nói rằng các quốc gia khác tiến hành chiến tranh khi họ có nhiều tiền, còn Thụy Điển tiến hành chiến tranh là để kiếm tiền. Tận dụng thời kỳ bất ổn của triều đình Matxcơva, Thụy Điển đã chiếm vùng Lados, cửa sông Nheva và Narva (1), chiếm Lifliandia của Ba Lan, đồng thời giành được quyền thu thuế tại Dansik (2), gần cửa sông Wisla (3). Trong tay người Thụy Điển lúc này, cùng với Phần Lan và Estland (4) đã chiếm từ trước, là gần như toàn bộ vùng đông bắc biển Baltic.
Mười năm của “cuộc chiến tranh 30 năm” (1618-1648) đã trôi qua. Bây giờ vua Gustaf II Adolf muốn cả phần bờ biển phía nam - Pomerania (5). Để làm được điều này cần phải có hải quân hùng mạnh. Vua Gustaf II Adolf ra lệnh cho kiến trúc sư chính người Hà Lan của xưởng đóng tàu hoàng gia Henrik Hybertsson đặt đóng cho bốn con tàu lớn.
Con tàu chính trong số đó sẽ phải là “Con tàu hoàng gia Vasa” - chỉ huy hạm của hải quân Thụy Điển, mang tên triều đình. Việc đóng tàu không chỉ được giám sát chặt chẽ bởi toàn bộ người Thụy Điển mà cả bởi đại sứ của các nước hiện đang có ở đó.
Hoàng đế định làm cho tất cả kẻ thù phải run sợ trước sức mạnh của con tàu, cũng như sự lộng lẫy của nó. Vì vậy những bức tượng trang trí của Vasa được các thợ chạm khắc tài ba nhất làm từ những gỗ được chọn ở các nước khác nhau của châu Âu.
Nhưng tất nhiên, ưu điểm nổi bật của con tàu vẫn phải là những đặc tính hàng hải cũng như những đặc tính chiến đấu chưa từng thấy từ trước tới giờ. Tàu được làm hoàn toàn từ gỗ sồi (tại Thụy Điển thậm chí còn có cả điều luật đặc biệt, cấm chặt sồi với bất cứ mục đích gì ngoại trừ việc đóng tàu).
Chiều dài thân tàu (chưa tính cột buồm nghiêng) là 61m, chiều rộng lớn nhất 11,7m, mớn nước 4,8m. Vasa có bốn boong (boong thứ hai và ba dành cho đại bác), được trang bị 64 khẩu đại bác, 48 trong số đó là loại có sức công phá rất mạnh thời đó - đạn 24 fun (60).
Con tàu được tạo ra như một loại siêu vũ khí mới. Mặc dù ở thế kỷ 17 vẫn chưa có lý thuyết tàu nào được viết, nhưng những thợ lành nghề Hà Lan dựa trên kinh nghiệm và linh tính vẫn đưa ra kết luận những con tàu đáp ứng được tiêu chuẩn của hoàng đế phải có trọng tâm đặt rất cao.
Để tăng độ cân bằng tàu, cần phải làm chiều rộng tăng thêm vài mét (điều này sẽ không tránh khỏi việc làm giảm tốc độ di chuyển và giảm tính cơ động của tàu) hoặc là giảm số lượng vũ khí. Tuy nhiên vua Gustaf II Adolf vẫn ra lệnh chế tạo con tàu chỉ huy này theo các kích thước đã được đặt ra.
Sau này nhiều nhà sử học đã giải thích sắc lệnh này như là “tính đỏng đảnh của hoàng đế” và sự độc đoán của "kẻ được đội vương miện". Tôi nghĩ rằng những lời buộc tội như vậy không hoàn toàn công bằng. Vasa không có bản mẫu nào tương tự, nó là con tàu thử nghiệm. Còn nếu anh muốn tạo ra cái gì đó hoàn toàn mới mẻ thì cần phải mạo hiểm và hoàng đế đã quyết định mạo hiểm. Tuy nhiên, Chúa Trời đã quay lưng lại với chiến hạm…
Ai là người có lỗi?
Trong gian trưng bày của bảo tàng có một góc chơi mà học. Ngồi vào máy tính, khách viếng thăm sẽ tham gia vai người đóng tàu - có cơ hội làm tăng các đặc tính hàng hải cho Vasa. Có thể làm cho chiếc thuyền buồm này rộng hơn, hẹp hơn, thêm tải dằn, thay đổi số lượng đại bác, thay đổi diện tích buồm. Sau đó tàu sẽ qua hai đợt thử nghiệm, gió tạt bên mạn (sức gió điều chỉnh được) và “thủ thuật của hoàng đế”.
Ở mỗi bước người chơi có thể làm quen với lý thuyết tàu, được diễn giải bằng hiểu biết khoa học hiện đại. Tuy nhiên phần đông khách tham quan không muốn mất thời gian học lý thuyết mà thường đi ngay vào thực hành. Cả tôi cũng không tránh khỏi sự cám dỗ đó và kết quả là đã thật sự cảm nhận được sự gai góc mà những thợ đóng tàu người Hà Lan gặp phải.
Con tàu Vasa của tôi hoặc là bị lật khi gió tạt ở cấp độ trung bình hoặc là trở nên khó điều khiển, không thể xoay chuyển được, quá nặng nề mà không được vũ trang đầy đủ. Sau đó ngài Gustaf II Adolf chẳng hề thương tiếc tuyên bố rằng cái chậu nổi tương tự như vậy ông ta không cần.
Có lẽ là theo các quy tắc của những trò chơi trên máy tính, tâm điểm vàng sẽ nằm ở đâu đó, tuy nhiên để tìm ra nó bằng “phương pháp mày mò” kiểu này thì tôi đành chịu.
![]() |
Trò chơi trên máy tính tại Bảo tàng Vasa |
Gian trưng bày âm thanh đặc biệt được dành cho tòa án của hội đồng quốc gia, tiến hành vào ngày hôm sau xảy ra thảm họa. Khách viếng thăm sẽ nghe thấy giọng nói vọng lên trong cảnh tranh tối tranh sáng (ở đây toàn bộ theo tư liệu - biên bản hỏi cung được lưu giữ):
Điều tra viên: Thuyền trưởng Söfring Hansson, ngài lúc đó có say xỉn chút nào không? Hay ngài đã không buộc chặt các khẩu đại bác như cần làm?
Hansson: Ngài có thể chặt tôi ra thành hàng nghìn mảnh nếu như những khẩu đại bác không được buộc chặt. Tôi xin thề trước thượng đế rằng, không một ai trên tàu say xỉn cả. Đó hoàn toàn chỉ là một cơn gió không lớn, nó làm lật tàu. Con tàu rất thiếu cân bằng dù tải dằn đã được chuyển lên boong…
Các thành viên của thủy thủ đoàn cũng khẳng định y như vậy. Мà cũng đúng lúc, thời gian đã chứng minh sự chân thực trong lời khai của Hansson: khi con tàu được đưa lên khỏi mặt nước, toàn bộ giá pháo vẫn đứng thẳng hàng, chỗ buộc vẫn còn nguyên vẹn, còn tải dằn chiếm đúng vị trí được đặt. Các thủy thủ kiên định với lập luận của mình: nguyên nhân chìm tàu là ở chỗ nó được chế tạo không đúng quy cách.
Hai thợ đóng tàu Hein Jacobsson và Arent de Groot được gọi đến xét hỏi (kiến trúc sư chính Henrik Hybertsson chết một năm trước đó). Họ cũng thề rằng không có tội và nói Vasa được trang bị hoàn toàn tương ứng với các kích thước mà hoàng đế đã ra lệnh. Trên boong tàu có đúng số lượng đại bác mà trong hợp đồng đã ghi.
- Vậy ai là người có lỗi? - Điều tra viên hỏi.
- Chỉ có Chúa mới biết được - de Groot trả lời.
Chúa và hoàng đế, đều là những người không bao giờ sai lầm, lại bị đưa vào cuộc. Thành ra chẳng thể xét xử ai. Không có ai bị buộc tội và cũng không có ai bị xét xử vì đã gây ra thảm họa.
Phần cuối: Sự cám dỗ lớn lao
Chú thích:
(1) Narva - con sông ở khu vực biên giới giữa Nga và Estonia(2) Dansik (Gdańsk) - thành phố phía bắc Ba Lan (3) Wisla - con sông của Ba Lan - là con sông dài nhất và có lượng nước lớn thứ hai (sau sông Nheva) đồ vào biển Baltic (4) Estland - vùng bắc Estonia trước kia (5) Pomerania (6) fun - đơn vị khối lượng (của Anh 453,6g, của Nga 409,5g)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận